Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Nguyễn Ngọc Thiện với “Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận”

Đã mở cuộc hội thoại. 1 thư chưa đọc.



Điểm sách
Nguyễn Ngọc Thiện với “Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận”
         
                                                                              
                                                                       Pgs tskh   Nguyễn Nghĩa Trọng
Hà Nội 8/9/2015





PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện là người say mê văn chương. Từ trẻ khi học đại học đã có khuynh hướng nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật. Tốt nghiệp đại học năm 1967 ông được giới thiệu đến công tác tại Viện Văn học. Hai mươi năm sau Nguyễn Ngọc Thiện là tiến sĩ chuyên ngành Lý luận Văn học có 4 năm tu nghiệp tại Cộng hòa dân chủ Đức. Trở lại Viện Văn học, ông làm Trưởng phòng Lý luận văn học. Từ 1996 đến 2003 kiêm nhiệm Thư ký tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Tháng 7 năm 2006 đến nay đảm nhiệm Tổng biên tập tạp chí nói trên, tháng 9/2003 tham gia Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và tháng 9/2005 là ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Hội nhà Văn. 

Khoảng mười năm lại đây PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện còn góp sức hướng dẫn, phản biện luận văn, luận án các học viên cao học, nghiên cứu sinh ở một số trường Đại học. Ông hoạt động tích cực, năng nổ trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình lý luận văn học nghệ thuật, viết nhiều tiểu luận, bài báo về văn học đương đại, chủ biên nhiều công trình Lý luận, Phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 rồi Lý luận, Phê bình 1945 – 1975 và 1975 - 2000. Năm 2013 ông được Giải thưởng của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Lý luận, phê bình ông đọc nhiều, viết nhiều, tham gia đánh giá, thẩm định nhiều sách báo và công trình nghiên cứu văn chương. Không kể những công trình chủ biên và in chung ông đã in riêng 6 cuốn sách dày dặn có nội dung phong phú bàn về lý luận văn chương nghệ thuật, phong cách, tài năng nghệ sĩ, sự vận động và đời sống lý luận phê bình ở nước ta thời hiện đại và đương đại. Cứ trung bình 5 năm ông cho chào đời một cuốn in riêng. “Văn chương, Nghệ thuật và Thẩm mỹ tiếp nhận (Tiểu luận phê bình)” vừa xuất bản tháng  9/2015 là cuốn mới nhất của ông “tuyển chọn các bài tiểu luận, phê bình, chân dung văn học… chủ yếu” (tr.9) được ông viết trong khoảng 5 năm (2010 - 2015). Sách dày 424 trang khổ 14,5x20,5 cm, do NXB Hội Nhà Văn phát hành gồm ba phần lớn: Phần I là tiểu luận, phê bình văn chương nghệ thuật Việt Nam hiện đại (219 tr.) gồm 17 bài bàn nhiều vấn đề từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam và vấn đề dân tộc hóa tiếng nói và chữ viết”, vấn đề người đọc - tiếp nhận, về tác phẩm của Hải Triều, Lê Trang Kiều, vấn đề tiếp thu Lý luận văn học nước ngoài, Thực trạng phê bình văn học nghệ thuật hiện nay… đến các “Tác phẩm đầu tay của bốn cây bút nữ nghiên cứu phê bình văn học”, “Hoàng Trinh – nhà Lý luận, phê bình văn học hàn lâm”, “Thầy Hoàng  Xuân Nhị - nhà nghiên cứu, dịch giả cần mẫn, nhà giáo tận tụy”… Ở phần này ông còn nói đến “Xung quanh việc hướng dẫn người học Văn chọn đề tài Khóa luận, Luận văn, Luận án” và “Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật”. Phần II 127 tr. Viết về “Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm” gồm 12 bài nói đến “tác gia văn học lực lưỡng” của văn học Việt Nam đương đại. Đó là “một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo”, một “Nhà văn với nghề văn: Khát vọng về cái Đẹp, lòng nhân ái, cảm xúc huyền diệu, công sức về câu chữ”. Nguyễn Ngọc Thiện rất yêu mến Ma Văn Kháng. Ông đọc tất cả truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn để bàn đến “Tiểu thuyết về đề tài dân tộc và miền núi của Ma Văn Kháng” rồi các truyện ngắn ở “Thanh minh trời trong sáng”, “Một mối tình si” để nhận diện “con  người giữa dòng xoáy những ham muốn đời thường”, “Bóng đêm và nghệ thuật tự sự tổng hợp mới của Ma Văn Kháng”, “Về tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ” và cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”. Ông hỏi chuyện nhà văn Ma Văn Kháng, đọc bản thảo hồi ký của nhà văn. Có thể nói ông thành bạn thân thiết của nhà giáo, nhà văn Đinh Trọng Đoàn. Cả phần II cuốn sách là những trang viết sâu sắc, đậm đà tính nhân văn, tri âm tri kỷ.
          Phần III 62 tr. “Về báo chí văn nghệ”. Với tư cách Tổng biên tập, PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện khái quát thành tựu 20 năm với 200 số tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam như “một cầu nối và bạn đồng hành trên mặt trận văn nghệ”, đồng thời cũng chỉ ra cần “tăng cường dung lượng và chất lượng bài viết Lý luận phê bình văn nghệ trên Tạp chí”. Bàn đến “Thực trạng và mấy vấn đề về báo chí văn học” có lẽ trong tư cách thành viên của hai Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà Văn, những bài viết ở đây có tính định hướng và khái quát.
          Đọc từ đầu đến cuối cuốn sách có thể thấy công sức lao động miệt mài, say sưa của tác giả đã đưa lại cho bạn đọc một tinh thần khoa học nghiêm túc, cẩn trọng. Ông theo đúng “tinh thần và phương pháp làm việc khách quan, thực chứng, không ngại tranh biện để phát huy dân chủ trong học thuật” (tr.220) mà ông đã tiếp nhận từ các giáo sư Đinh Gia Khánh, Hà Minh Đức khi ở trường đại học và trong quá trình học tập ở trời Tây. Những trang viết của ông đủ sức thuyết phục và độ tin cậy xác thực cho người đọc. Ông viết kỹ các phần lịch sử, các luận cứ, luận chứng. Phần thẩm bình cũng khá đậm đà, có chút gì ưu ái với các cây bút nữ. Ngòi bút Nguyễn Ngọc Thiện đầy ân tình với các Thầy, các bạn. Ông còn rất sung sức trong lĩnh vực nghiên cứu văn chương nghệ thuật. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
                                                                            

5,13 GB (34%) trong tổng số 15 GB được sử dụng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét