KÊNH MƯƠNG ĐỒNG TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
Hệ
thống kênh mương thủy lợi làng Trèm
tôi so với các làng - xã lân cận như Đông
Ngạc, Liên Mạc, Tây Tựu, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế… của huyện Từ Liêm, Hà Nội sau
hòa bình lập lại, thuộc loại trung bình. Được cái ưu điểm là trạm bơm đầu nguồn
cấp nước nên dòng chảy luôn mạnh, không bị cạn, thiếu bao giờ. Con mương thủy
lợi đầu tiên được đào đắp ở cánh đồng Trèm chúng tôi không phải là con mương
nhỏ gần như con máng chạy từ cống chân dốc nhà bà Bảy (bên này Cầu Sông), qua đường Chùa, qua ao Đấu,
qua Văn Chỉ, Ba Đừng, cống đường Cái Dinh (69), xuôi về Cầu Giấy, Yên Hòa, rồi
rẽ sang ngả Mỹ Đình, Mễ Trì và còn tiếp tục chảy xa hơn nữa…
Con mương nhỏ ấy mới có từ khoảng nửa
cuối năm 1958, khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, từ tổ đổi công tiến lên hợp tác đang tưng bừng, rộn rã, ào ạt khí
thế lan rộng khắp vùng ngoại thành Hà Nội và nông thôn miền Bắc XHCN. Đó là con
mương gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi hồi ấy - một dòng mương nhỏ và ngắn
dưới đồng xa, bên kia Cầu Sông, được mang cái tên mộc mạc: mương Đồng Vườn..
Mương
Đồng Vườn chia nước từ Vực Mạc (hậu quả và dấu tích của trận vỡ
đê Liên Mạc, năm 1915) chảy qua các xứ Đồng
Gia, Cầu Đìa, Đồng Vườn của làng Trèm rồi đổ ra sông Đào – sông Nhuệ. Tất cả dòng mương chỉ dài khoảng độ 1, 5km.
Dòng mương nước xanh ve, êm đềm, lững lờ chảy. Bóng từng đàn cá nhỏ bơi xuôi
ngược dưới làn nước trong văn vắt. Đôi bờ, cỏ non trùm mươn mướt. Tôi thích
những buổi chăn bò, dắt bờ ngô từ đồng Cầu Đồ qua ruộng Cầu Đìa, tới bờ mương này.
Tiếp tục dắt lên bờ, cho bò xuống mương uống nước. Rồi lại dắt tiếp một đoạn
dài dọc bờ mương, hoặc về phía Đồng Vườn, xuống tận dệ sông Nhuệ hoặc ngược về
phiá Cầu Đìa, sang Đồng Gia, có khi tới tận đầu nguồn bờ Vực Mạc, mới dắt quay
về. Nhớ lời mẹ hay dặn tôi, đứa con đầu đểnh đoảng, hay quên và đaị khái, dặn
xong xóc từ tối hôm trước hoặc buổi trưa hôm sau:
Đầu chiều, Bòi Tạo thả bò,
Dắt bờ, nhớ chỗ cỏ non.
U sang Đồng Gia cắt cỏ,
Cỏ gà non quá là non!
Nhìn con bò đực lực lưỡng, sừng cán bèo ngang ngang khá chướng mắt.
Mình thon, lông vằn sọc như lông hổ, cúi đầu mê đắm, di mõm xoàn xoạt gặm mải
miết trên đám cỏ xanh rờn hết miếng này đến miếng khác. Đôi tai và cái đuôi
liên tục đuổi ruồi muỗi ve vẩy, ve vẩy, đến nỗi chủ nó cũng phát thèm, bật cười
vì cái tính phàm ăn tục uống của loài súc vật vai u thịt bắp.
Tôi vốn rất thích đọc sách nên không
bao giờ quên cầm theo một cuốn nào đó vừa mua hay mượn của thằng H, thằng T,
những con mọt sách trong lớp - cũng như tôi. Chúng tôi thường hay trao đổi sách
mua, sách mượn với nhau hằng ngày. Nghe gió lướt ràn rạt trên cánh đồng ngô bạt
ngàn xanh lá xanh non, mỡ màng, mềm mại, múa lên như cờ, như sóng, đầu óc chìm
đắm vào từng trang, từng đoạn gay cấn trong Tam
quốc, Thủy Hử, Đông chu, Hầm bí mật sông Enbơ, Chiếc khuy đồng… Thỉnh thoảng
tôi lại phải giật giật sợi chạc thừng, lôi mũi để nhắc chú bò cố tình vi phạm
kỷ luật, thè dài lưỡi, vươn mồm la liếm mấy thân cây ngô non hấp dẫn kề gần
miệng. Gậm cỏ hết bờ này qua bờ khác. Bờ dọc lại bờ ngang. Bụng bò căng dần thì
bụng cậu chủ cũng ngót dần. Đã thấy tiếng réo ong óc trong cái dạ dày háu đói.
Thôi! cố thêm vài dải bờ nữa cho chú mình kễnh bụng. Mai cày đồng đang buổi ban trưa thêm khỏe, thêm bền. Về bây giờ, thật
ra cũng còn khí sớm!
Cũng có buổi sáng chủ nhật, chúng tôi
rủ nhau đắp, chặn một đoạn mương dài cả chục mét rồi ra sức cùng tát cạn, bắt cua,
cá. Phải nhanh tay làm thật khẩn trương, tích cực; vì nếu không tát liền tay,
thật lực thì chẳng bao lâu nước sẽ tràn vào, toi công! Lần này chặn đoạn này, lần
sau be đoạn khác. Mỗi lần, nước cạn, lộ đáy, cũng mò được ít nhiều cá, tôm,
cua, ốc… Không nhiều, nhưng cũng đủ làm
bữa tiệc thịnh soạn, mở ngay trên bờ mương đồng. Cá nướng bằng than lửa rơm,
rạ thơm lạ thơm lùng, nóng hôi hổi chấm muối - tiêu, ớt (mang sẵn từ nhà). Ngon
tuyệt cú mèo! Có điều là ở lứa tuổi 12, 13 hồi ấy, chưa đứa nào biết uống rượu,
bia… nên cứ việc thả sức bốc bằng đôi bàn tay còn dính ráp bùn đất, ăn vã, vừa nhai
vừa chép miệng, thi thoảng cũng khà 1
tiếng, bắt chước người lớn khoái chí khi nhắm rượu. Không ít lần ăn xong, chúng
tôi lại bí mật phân công 1 đứa vượt mương, lủi nhanh sang thửa ruộng mía của
hợp tác gần đó, bẻ trộm một, hai cây dài, to, vỏ mỏng tang, vàng xọng. Chia
nhau, mỗi thằng 1, 2 tấm, tự róc bằng răng, miệng và tay, nhai ròn khau kháu.
Ôi giời! cá nướng vừa xong lại tráng miệng bằng mía de ngọt lịm. Muội mía, phấn
mía bám trắng quanh mép. Thằng PH hay thủ con dao găm sắc lẻm, (quà của ông chú
từ chiến trường về nghỉ an dưỡng cho) róc mía, chặt mía, tiện mía soàn soạt,
nhai mía nhanh thoăn thoắt. Loáng cái đã hết 1 tấm. Tiếp liền tấm nữa, tấm nữa…
cho đến lúc no cành bụng. Ợ to 1 cái, nó lăn kềnh ra bờ mương, mắt lim dim nhìn
lên bầu trời quê xanh cao lồng lộng. Khoan khoái vô cùng! Thật đúng là cảnh
thần tiên của lũ mục đồng làng Trèm chúng tôi đầu những năm 60 thế kỷ trước:
Ai
bảo chăn trâu (bò) là khổ?
Không!
Chăn trâu (bò) sướng lắm chứ!
Mương
Đồng Vườn là con mương lâu đời nhất của làng Trèm tôi. Có lẽ nó được đào
ngay từ sau khi hình thành Vực Mạc.
Nghĩa là nó cũng đã hơn 1 thế kỷ tuổi tác rồi, cho đến nay. Bây giờ Vực Mạc đã
bị lấp bằng. Dân sở tại và ngụ cư trồng rau màu, xây biệt thự, nhà hàng…Mương Đồng Vườn, nối với mương Đồng Gia, tiếp tục chuyên chở dòng
nước lờ đờ, đen sậm, đổ róc rách vào dòng sông quê cũng đang bị ô nhiễm nặng
nề. Dưới con mắt già mỏi của tôi, hình như con mương cằn cỗi cũng trở nên nhỏ
bé lại, gầy gò thêm và buồn nản, uể oải thêm. Mương lão như cố gồng mình lên để
tồn tại cho hết những năm tháng héo tàn cuối cùng của cuộc đời mương máng. Len
lách giữa những ngôi nhà hộp mới xây, đáy đất bùn, rác, đầy mãi lên. Đôi bờ
ngổn ngang từng đống đất khô rang và phế thải đổ vô trách nhiệm của những hộ cư
dân cũ, mới thôn TP. Có những đoạn mương, hai dải taluy vẫn phẳng phiu, rêu mọc xanh rì, nhưng dòng nước bên dưới thì
xanh lướt, xám đen, bốc mùi lưu cữu, tù đọng. Con mương từ lâu đã không còn được
làm chức năng thủy lợi, tưới tiêu nước cho cả cánh đồng cát pha bát ngát đang
dần dần có nguy cơ bỏ hoang hóa mở rộng. Cỏ dại rậm rì…
Cũng rất đáng nói ở đây là hệ thống mương nổi xây thành, lát đá bằng xi măng
và bê tông chạy từ trạm bơm bên kia sông Nhuệ xuống mãi đồng Tranh, đồng Vỡ, sang tận bên những cánh đồng Thượng Cát, Tây
Tựu, nhiều năm trước đây cuồn cuộn ào ào nước xuôi, nước rẽ ngang, chảy vào
những kênh máng nhỏ, tới từng thửa ruộng lúa mới cấy, ruộng trồng khoai tây,
lạc đến kỳ vun xới…
Giờ đây, cả hệ thống mương máng nổi ấy
thường xuyên bị khô rang, trơ đáy phẳng lỳ. Cứ cách một đoạn khoảng hơn 2 m lại
có một thanh xà ngang đổ bê tông chia thành từng ô đều đặn trên mặt mương máng.
Tất cả con mương khô khát, trơ trọi phơi mình suốt ngày đêm, suốt 4 mùa, quanh
năm dưới nắng mưa, ấm lạnh… Gần như cả một hệ thống dòng mương đang nhẫn nhục
chịu cái chết lâm sàng!
***
Trạm bơm nước phục vụ Thủy lợi Nông nghiệp
đầu tiên của làng Trèm là một ngôi nhà gạch lợp ngói móc nhỏ nhắn, dựng ở lưng lửng
bờ sông Nhuệ, trong đặt 2 chiếc máy bơm chạy dầu, suốt ngày rung rinh, nổ vang
tành tành, phành phạch điếc tai nhức óc, khói bốc xanh lè, cuồn cuộn. Dầu máy loang
nhễ nhại mặt sàn. Ống hút nước cao su bằng bắp đùi sun sun như vòi voi bò cuộn
xuống gần đáy sông. Một thời gian sau, xây thêm một nhà để máy nữa hiện đại
hơn. 4 môtơ chạy điện bắt vít với trục quay ngang 4 máy bơm điện. Ống hút, xả
nước lớn gấp vòi máy cũ cả 4, 5 lần. Chưa dừng lại ở đó. Cuối năm 1959, Trạm bơm Trung Thủy nông Thụy Phương
khánh thành (chỉ đứng sau Trạm Đại Thủy
nông Bắc Hưng Hải bên Gia Lâm). Được trang bị tổ hợp 4 máy bơm điện công
suất lớn, đặt đứng hùng vĩ, hút nước thẳng từ tầng hầm nối liền với sông. Vòi
xả nước xây thành cống bê tông, đường kính cả mét, mỗi giờ bơm tới 400m3 nước.
Cống đặt ngầm qua đường, đổ vào khoang bể xả đầu nguồn.
Một chiều mùa đông cuối năm 1959 (Kỷ
Hợi), thầy trò lớp 4C chúng tôi vừa đi cắm trại dã ngoại ở rặng nhãn Thượng Cát
trở về, thấy cảnh lạ, ùa nhau đứng lại xem. Hai hàng cờ đỏ sao vàng cắm trên
nóc trạm bơm bay phần phật. Tiếng máy điện chạy vo vo, rùng rùng. Nước dâng
cuồn cuộn, ùng ục từng khối, từng đợt lớn trong khoang mương đầu nguồn rồi ào
ạt chảy xuôi về phiá Tờ chỉ, ba Đừng, Bê
tông... Chúng tôi bám vào thành lan can sắt, thò hẳn chân xuống dòng nước
đỏ quạch phù sa vàng sậm, mát lạnh; thấy thật tự hào, thích thú về quang cảnh
làng quê mình đang đổi mới mạnh mẽ.
Từ đó, cứ buổi trưa nắng to là chúng
tôi rủ nhau ra mương tắm. Anh VD nổi tiếng bạo, nghịch, trèo, đứng hẳn trên mặt
thành cầu cao so với mặt nước vài 3 mét, trần truồng nhảy ùm xuống mương, chìm
nghỉm. Một lúc sau mới nhô đầu lên ở quãng mương dưới, thở phì phì, cười khanh
khách. Ùm! ùm! Ùm! Chúng tôi nối đuôi nhau bắt chước hành động táo bạo ấy. Cụ B
đứng hóng mát ở cồng chùa, cái đầu sư lắc lư, tay che quạt thước, nhìn ra, quát
lớn:
-
Gớm lũ con cái
nhà ai mà nghịch quá quỷ sứ như thế? Chả có ngày ngã dập mặt, chết đuối, bố mẹ
chẳng khóc hết nước mắt!
Bà C
đứng gần đó chẹp miệng, thở dài:
-
Thì con ông T,
cháu bà U, kìa cả thằng Y, cháu nội cụ chứ ai!
–
Úi giời, đâu đâu?
Nó đâu?
Cụ B
hướng về phía cầu mương, gào lớn:
-
Y! có thôi ngay
không? Có về ngay không? Ông thì đánh tuốt xác mày ra ngay bây giờ!
Nhưng Y,
cháu cụ và lũ bạn của nó chẳng biết có nghe thấy hay cố tình lờ đi trước cái
mệnh lệnh nghiêm khắc mà độc đoán của ông nội. Chúng nó vẫn hò nhau nhảy cầu bổ đầu ầm ầm giữa cái nắng trưa gay gắt như chẳng biết mệt là gì! Cụ B thét cháu chán không được, đành bực
tức lẩm bẩm:
- Rồi tối về,
ông sẽ cho mày biết tay! Ông sẽ nói hết với thằng bố mày, xem nó có dạy được
con không?!
Vào những buổi chiều đông nắng ấm, bà
con trong làng thích đem quần áo, chăn màn ra mương, ngồi giặt giũ. Nước mương
mùa đông cũng khá trong, lại chảy liên tục nên khá sạch sẽ. Các bà, các chị vỗ
áo, đập chiếu bồm bộp, vang động trên
mặt mương. Vừa vò quần áo vừa rí rích trò chuyện, cười đùa trêu chọc nhau.
Thỉnh thoảng, có chiếc xe đạp kính coong
chở một anh niên quần là áo lượt đạp
qua. Các cô vụt ngẩng đầu ngắm nghía, có khi bạo miệng trêu đùa mấy câu khiến
chàng trai qua đường chỉ còn biết đỏ mặt hấm hứ mà phóng xe đi thẳng, miệng lầm
bẩm:
- Con gái làng Trèm ghê gớm quá! Một
trận cười rúc rích, ròn rã đuổi theo anh.
Chiều chiều hay sáng sáng, tôi thường
ra mương gánh vài gánh nước về nhà, đổ vào bể con, chum, vại để cả nhà tắm rửa,
rửa rau, vo gạo… Nhiều lần kết hợp mang kèm cả chậu quần áo, chiếu chăn giặt
một thể. Vai gánh, tay cắp chậu quần áo, tay kia đánh đường xa, mải mốt. Đòn gánh tre già dẻo dắn, dập dềnh trên
vai. Những giọt nước sóng sánh ra, vẽ thành dải đường hoa ngoằn ngoèo từ bờ
mương tới sân nhà. Có lần tình cờ gặp mấy cô bạn cùng học Sư phạm về nghỉ Tết,
từ nội thành Hà Nội đạp xe lên chơi, bỗng nhiên thấy chân tay lóng nga lóng
ngóng, chệnh choạng thế nào…! Các bạn gái dừng xe, chặn ngang, thay lời chào
gặp mặt bằng câu khen thốc, tơi tả:
-
Á à! Bạn Đ này
chăm và đảm quá nhỉ?!
Mình
đành làm mặt trơ lỳ:
- Chào các bạn! Vất vả quá! Ta cùng về nhà đi!
Chủ
khách cười vang. Kẻ dắt xe, người gánh nước thong thả vào làng.
Những năm chiến tranh phá hoại (1965 –
1972) các kỹ sư thủy lợi Hà Nội có sáng kiến nối, ghép một con máng bằng kim
loại bắc qua Cầu Sông để chuyển nước
mương bờ bên này sang bờ bên kia sông Nhuệ, đổ vào mương máng tưới cho cánh
đồng bên ấy. Chẳng bao lâu sau, nước sông được bơm từ trạm bơm bên này, qua
mương dẫn vòng trở lại, theo dòng máng uốn hình hộp, chảy đều đều bên trên cách
dòng nước sông Đào cả chục mét, đổ vào mương dẫn bờ bên kia, chui qua cống ông
B rồi đổ sang mương máng đưa xuống các xứ đồng xa bên ấy. Lũ trẻ con thích
nghịch quái chúng tôi hè nhau khỏa trần như nhộng, rùng rùng bơi lội, hò reo,
thả mình theo dòng nước mát ấy, từ bờ bên này tuột qua bờ bên kia, lắm bận còn
chui qua các lòng cống cao sang tận Ao
Cá, Cầu Đồ một cách hết sức mỹ mãn.
Trạm
bơm Trung thủy nông Thụy Phương những năm ấy và cả hàng chục năm sau này,
đóng vai trò đầu nguồn, chuyên “bán nước” đúng (theo nghĩa đen) theo chỉ
tiêu, kế hoạch phân phối cho các hợp tác xã nông nghiệp cày cấy, gieo trồng
hằng vụ, hằng năm. Đời sống cán bộ công nhân của trạm rất ung dung, khấm khá
trong giai đoạn bao cấp khó khăn một thời. Nhưng từ nhiều năm nay, tình hình
làm ăn sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước
quốc doanh không được thuận chiều,
suôn sẻ như xưa. Các cỗ máy bơm hầu hết thời gian nằm đắp chiếu. Mương máng cạn
khô, dọc bờ mương hóa nơi đổ rác. Công nhân thất nghiệp đói dài, không ít người
xin nghỉ mất sức, về một cục. Khuôn viên Trạm Thủy nông Thụy Phương vắng vẻ,
buồn buồn…Tình hình sản xuất và tiêu dùng nước
phục vụ sản xuất trong tương lai chẳng mấy khả quan…!
***
Vài năm gần đây, sớm sớm, chiều chiều
đưa, đón cháu đến trường, qua một đoạn dọc bờ mương, cạnh nhà máy Bê tông đúc sẵn, bé cháu gái gần 4 tuổi,
ngó dòng mương hấp hối, thum thủm bốc mùi, ngoái lại nhìn ông nội cái nhìn thắc
mắc, mặt nhăn lại, thỉ thỏ:
-
Ông ơi! sao nước
mương này đen quá! thối quá! thối inh lên, ông nhỉ?!
Ông nội
nó chỉ biết cười xòa, ngơ ngẩn lặp lại lời cháu:
-
Ừ! Đen quá! Thối
inh lên!... Hà San nhỉ!
Chiều bầu cử Quốc hội HĐND các cấp,
22/5/2016. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét