Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Nhà văn Cao Ngọc Thắng viết về sách " Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều" trên báo QĐND cuối tuần





Công việc nghiên cứu Truyện Kiều vẫn tiếp diễn



CAO NGỌC THẮNG



Đặt tên cho sách “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều” (Vũ Nho, Nxb Hội Nhà văn, 2016) tác giả đương nhiên khẳng định Nguyễn Du dựa trên tác phẩm của Thanh Tâm Tài Tử bên Trung Quốc, để sáng tạo nên tuyệt tác mang đậm cốt cách Việt Nam; dưới cái tên in đậm đó còn dòng chữ nhỏ “So sánh và bình luận”.



Tiếp nối con đường nghiên cứu và hiểu “Truyện Kiều”, một con đường khá dài với nhiều tên tuổi, ở cuốn sách này PGS-TS Vũ Nho đặt mục tiêu: “Cả cuốn sách này tôi chỉ làm một việc là so sánh Kim Vân Kiều với Truyện Kiều [hình như phải đặt ngược lại] và bình luận để thấy sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Du” (tr. 7). Là sự kế tục, hiển nhiên kết quả của công trình này góp phần làm sáng rõ một số vấn đề, bổ sung một số điểm mà các công trình trước đó chưa nhắc tới.




Cách làm của tác giả cho thấy một khối lượng công việc khá lớn khi so sánh và đối chiếu 12 đoạn (Phần hai, từ tr.25 đến tr.120), so sánh 11 nhân vật (Phần ba, từ tr.121 đến tr.250) và so sánh một số vấn đề (Phần bốn, từ tr.251 đến tr.324) khác nhau giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều. Trước đó (Phần một), tác giả khẳng định: “… một sự thật là Nguyễn Du đã dựa vào tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều để viết tiểu thuyết bằng thơ Truyện Kiều. Cả hai cùng là tiểu thuyết với cốt truyện, các nhân vật và các chi tiết. Bởi vậy so sánh là có cơ sở tin cậy”, nhằm giải tỏa nỗi băn khoăn (nếu có) của người đọc rằng: việc so sánh hai tác phẩm, một bên là tiểu thuyết chương hồi (văn xuôi) với một bên là tiểu thuyết bằng thơ, truyện thơ, để chỉ ra sự khác biệt liệu có thỏa đáng? (tr.20). Nỗi băn khoăn ấy, nếu có thì cũng là chuyện thường tình, nhưng đâu phải trở thành mối lo ngăn cản công việc của người nghiên cứu, nếu thấy đó là sự cần thiết, không thể đừng. Quả là vậy. Những thao tác so sánh và bình luận thực hiện trong sách này cho thấy tác giả rất có dụng công thống kê, so sánh để đi tới những nhận định. Ở Phần hai, 11/12 đối chiếu, so sánh các đoạn, tác giả đã rút ra tới 111 điểm khác biệt giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều; chẳng hạn, về việc Mã Giám Sinh mua Kiều, tác giả rút ra 8 điều khác biệt mà Nguyễn Du “đã thực hiện” khi viết Truyện Kiều, trong đó có việc tạo ra buổi “vấn danh” để Mã Giám Sinh khai tên tuổi, quê quán, là thêm nét “mày râu nhẵn nhụi” để hoàn thiện chân dung vốn đã “áo quần bảnh bao” của chàng họ Mã, và “cực kỳ quan trọng” khi Nguyễn Du chỉ cần miêu tả “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” thì đã bộc lộ hết sự thô lỗ, giả danh người có học – không như trong Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử coi Mã dù sao cũng không ngông cuồng và vô văn hóa quá mức (tr.54 và 55). Hay, đối chiếu và so sánh ở đoạn 12 (từ tr.109 đến tr.120), tác giả đã chứng minh trong 7 lần nhớ của Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ sử dụng 1 trong 3 lần mà Thanh Tâm Tài Tử “nhắc” đến: “Chỉ có một câu thơ trong Kim Vân Kiều nói về Kim Trọng. Đó là ‘Riêng mối tình si khôn giũ sạch’. Nhưng Nguyễn Du đã nói về nỗi nhớ chàng Kim [của Thúy Kiều] với cây lau, hơi may, dặm khuya, vầng trăng. Và tâm trạng thẹn với những lời thề nguyền cùng với vầng trăng ngày trước. Cụ thể và da diết biết bao” “Còn cả một bài thơ dài của Thúy Kiều về phong cảnh với các loại chim én, chim hồng, chim cuốc, ý tứ tản mạn, Nguyễn Du chỉ tóm gọn trong hai câu lục bát: ‘Rừng thu từng biếc chen hồng/ Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn’”.



Phần ba – so sánh các nhân vật, tác giả cũng có sự đối chiếu nhất quán (về phương pháp) để chỉ ra sự khác biệt rõ rệt của 11 nhân vật chủ chốt trong rất nhiều nhân vật mà Kim Vân Kiều và Truyện Kiều cùng khắc họa. Ở mỗi nhân vật, sự so sánh rất chi tiết trên cơ sở thống kê và đối chiếu giữa hai văn bản, tác giả bày tỏ: “Chúng tôi trong tinh thần so sánh, đối chiếu để chứng minh rằng Nguyễn Du đã thay đổi không chỉ nội dung của Kim Vân Kiều, thay đổi kết cấu, nội dung các đoạn, biến đổi các nhân vật chính, mà ngay cả các nhân vật phụ, trong ngòi bút của Nguyễn Du cũng có những thay đổi khác hẳn với hình ảnh của họ trong tác phẩm Kim Vân Kiều” (tr.169-170).



Phần bốn, tác giả Vũ Nho đưa ra ba vấn đề mà ông cho rằng rất quan thiết và rất khác biệt giữa hai tác giả Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Tử, đó là về tiền bạc, về số phận người phụ nữ và về triết lý trong Truyện Kiều. Về triết lý, tác giả nhận xét: “Thanh Tâm Tài Tử chỉ kể lại câu chuyện một cách khách quan, không nhằm minh họa cho một triết thuyết nào, cũng không triết lý những vấn đề trong cuộc sống. Nhưng Nguyễn Du thì khác”. Dựa trên sự phân tích của tác giả Thích Nhất Hạnh trong cuốn “Thả một bè lau” và bằng cảm nhận của mình, Vũ Nho đưa ra lời bình: “Có thể thấy rằng Nguyễn Du tin vào những điều đó [thuyết tài mệnh tương đố, thiên mệnh, định mệnh… cho đến chữ nghiệp, chữ thiện căn trong đạo Phật] bằng niềm tin của nghệ sĩ, bằng kiến thức sách vở, bằng trải nghiệm thực tế và bằng cả những niềm tin trong quan niệm tín ngưỡng dân gian chứ không phải chỉ là niềm tin của người chuyên tâm, người được học, được đào luyện bài bản” (tr.297); và, ở chỗ khác: “Chúng tôi cho rằng những triết lý mà Nguyễn Du bằng trí tuệ của một bậc đại trí, tiếp thu cả các giáo lý hàn lâm lẫn những kinh nghiệm của dân gian; và cái chính là bằng tấm lòng của một bậc đại nhân, bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ, ông đã tự tạo ra, tự khái quát lên mới chính là điều đáng nói, đáng bàn kỹ hơn, sâu hơn. Vì triết lý đó là của Nguyễn Du chiêm nghiệm, Nguyễn Du đúc kết, Nguyễn Du xây dựng nên, trên cơ sở chung đúc các giá trị tinh hoa sách vở, cùng với sự trải nghiệm của chính mình” (tr.311-312).



Mục tiêu của cuốn sách mà tác giả Vũ Nho đặt ra và đạt được là rõ ràng, khúc chiết nhờ ở sự nhất quán trong phương pháp đối chiếu, so sánh giữa hai văn bản Truyện Kiều và Kim Vân Kiều một cách chi tiết, những bình luận của ông là thỏa đáng. Những thông tin cuốn sách đưa ra và đề cập rất có ích trong công tác nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm Truyện Kiều, - một tác phẩm đồ sộ với nhiều điển tích, nhiều tầng ngữ nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau -, trong nhà trường, bởi nó cung cấp những tri thức tường minh, giúp người giáo viên bớt khó khăn trong khi điều kiện tiếp xúc với các nhận định của chuyên gia còn rất hạn chế. Đó cũng là một đóng góp nhất định của PGS-TS Vũ Nho với môn Kiều học.



Nghiên cứu Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều, không chỉ ở Việt Nam, luôn luôn là niềm cảm hứng của các học giả và những người yêu thích tài năng xuất chúng của cụ Nguyễn Tiên Điền và đặc biệt là tác phẩm thơ với 3254 câu lục bát; và chắc chắn còn rất nhiều vấn đề, chủ đề, đề tài cần được thảo luận xung quanh thi nhân Tố Như và cuộc đời nàng Kiều “hồng nhan bạc phận”.



Riêng việc đối chiếu và so sánh giữa hai tác phẩm Truyện Kiều và Kim Vân Kiều, để thấy rõ tài năng và sức sáng tạo vượt bậc của Đại thi hào nước Việt - Nguyễn Du, đã thu hút rất nhiều học giả từ xưa đến nay. Tuy nhiên, chưa thấy ai đặt vấn đề: với bút lực như Nguyễn Du, người đã để lại nhiều áng thơ tuyệt mỹ, sâu sắc nhân văn, nhân bản bằng chữ Nôm và chữ Hán, như “Văn tế thập loại chúng sinh”, “Độc Tiểu Thanh Ký”, “Long Thành cầm giả ca”… rồi các tập “Nam Trung tạp ngâm”, “Thanh Hiên thi tập” và “Bắc hành tạp lục”, vậy vì sao Nguyễn Du lại phải “mượn” tác phẩm Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử để viết nên Truyện Kiều, điều mà sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc tự mình hư cấu một câu chuyện hoàn toàn mới?; làm công việc này Nguyễn Du có mục đích gì, để đạt mục tiêu gì?



Nguyễn Du không phải là người đầu tiên và duy nhất làm công việc “mượn” tác phẩm người khác để sáng tạo tác phẩm của mình, cũng như trong công việc ấy buộc “người làm lại” phải thay đổi gần như toàn bộ “cái cũ” để làm nên “cái mới” trên nền tảng quan niệm mới về thế giới quan và nhân sinh quan, để đạt được kết quả vượt trội về nghệ thuật văn chương – những điều đó chưa phải là câu trả lời thỏa đáng. Bởi dường như những nghiên cứu đã có, dù đã rất nhiều, chưa làm “bong” ra hết những vỉa tầng lấp lánh còn náu ẩn dưới lớp ngôn ngữ của thể thơ lục bát mà Truyện Kiều đạt tới độ tuyệt đỉnh. 

QĐND cuối tuần số 1069
Đây là bản gốc 

2 nhận xét:

  1. Thêm một công trình nghiên cứu về TK. Chúc mừng bác VN. Tôn vinh TK cũng là tôn vinh nét đặc sắc của tiếng Việt, của nền văn hoá Việt.

    Trả lờiXóa