Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Đọc “Thơ Nguyễn Trác”-Những nỗi niềm lãng đãng



Đọc “Thơ Nguyễn Trác”-Những nỗi niềm lãng đãng
                                 Mã Giang Lân
Đọc thơ, mỗi lần đọc dăm bài là đủ, đọc một tập là phải cố, đọc cả tuyển tập cả một đời thơ, nhiều khi phải dừng, nghỉ qua ngày này đến tháng nọ. Tuyển tập là của để dành, đọc dần.
                                                                                                    

                                                    Nhà thơ Nguyễn Trác- ảnh Internet

Thơ Nguyễn Trác (*),  tập hợp hơn bốn mươi năm, lao động từ 1973 đến 2014 dễ gì chỉ đọc một lần, cứ phải nhẩn nha, không thể vội vàng. Như một thói quen, tôi cứ nghĩ, mỗi người mỗi vẻ, mỗi tạng, thơ cũng vậy. Nhưng đọc, phải hiểu, phải “nắm” được, “lôi” được từ đó cái gì là của riêng của mỗi người, mỗi đời thơ. Ở Nguyễn Trác, ấn tượng đầu tiên là những gì gắn với thực tế, có sự, có việc tức là những vần thơ hình thành sau khi anh đã thực sự sống, hòa đồng. Đó là những năm mặc áo lính, anh sống với Acui, nói về Acui:

 Sinh anh mẹ ngồi bón  anh ăn bên bếp lửa
Anh giờ như con chim Kalang như quả núi to

      … Con gà trống lông đuổi bảy sắc
Cái chân cao đầy gang
Cái cựa dài gần tấc
Nó đang đứng trên cầu thang nhà rông gáy mừng anh đi đánh giặc.
                                        (Acui đi đánh giặc)

Thân quen ở một thời từ câu chữ, cách nói, giọng điệu thuần thục gây được cảm tình ở người đọc.                                                                                                                                                                                                                                  

Và qua những ngày chiến trận, là những chiêm nghiệm xót xa:
                      Ta sống sót qua thời trận mạc
Thì ta ngồi hong áo cho khô
                     Uống ly này sẽ thông kinh lạc
Thêm ly này chữa khỏi hư vô
                                       (Rượu thuốc)      
Đó là cái tâm thế lặng buồn, một chút ngất  ngưởng sau những từng trải, nghiệm sinh. Thơ Nguyễn Trác đứng được là nhờ những chi tiết sinh động từ cuộc sống, cuộc sống  chiến tranh, cuộc sống thời bình. Thời bình phong phú đa dạng lại có nhiều suy tư phức tạp. Nguyễn Trác nghĩ đến những đổi thay trong hiện tại, đến bạn bè thân giao và hoài niệm về những ngày gian khổ mà trong sáng tin yêu. “Đêm vang lên bao trăn trở thời bình” (Lời ru sau chiến tranh). Thời bình “Thế giới thật bên một đời sống ảo - Đã  khiến lòng ta thấy bất an” (Liễu biếc). Thời bình “Đè lên mỗi ban mai - Một ban mai cơ khí” (Không đề). Và “Sau tách cà phê như lạc lõng - Anh đi tìm bánh trôi nóng mùa đông” (Sau tách cà phê), ăn cơm với cá kho tộ “Để mùi thơm lát riềng đượm mắm - Lại dâng lên hương vị cánh đồng” (Giữa Sài Gòn ăn cơm với cá kho tộ). Dù sao thì vẫn là căn cốt dân dã chân phương. Thời bình nhưng cuộc sống hiện đại với những ăng-ten, panô quảng cáo, những restauraut,  siêu thị, máy đếm tiền … “che khuất hết buồn vui”,  nhà thơ nhận ra:
                               Đời sống bỗng dưng như cạn kiệt
Dòng máu hồng từng chảy trong tim
Và trái tim anh bắt đầu mỏi mệt
Mũ áo thị dân dăm ước mơ quèn.
(Trong cái thời thừa công cụ để in)


Không bằng lòng với hiện tại, người ta thường trở về với quá khứ, nhất là quá khứ thiêng liêng trong sáng không thể quên. Nó ám ảnh, có thể soi vào đấy để yên lòng và an ủi. “Giữa Trường Sơn sống lẫn cùng cây cỏ - Sống lẫn cùng muông thú - Chúng ta giàu có thể yêu thương “(Phản đề gửi một bạn thơ Đà Nẵng).  Kiêu hãnh cùng thế hệ: Tuổi trẻ nhọc nhằn, lớn lên cùng bom đạn “Mười chín đôi mươi trời xanh góa bụa - Mười chín đôi mươi bàn ghế xuống đường - Mười chín đôi mươi già như lịch sử”. Bây giờ “Chúng tôi không tiếc cho bản thân - Chúng tôi tiếc cho tình thương mến”. Và tự biết “Cả thái độ chán chường - lẫn hoài nghi cuộc sống - có lẽ đều không hợp với Tương lai” không hợp với tương lai nhưng thấy bất an và xót xa với hiện tại, nhà thơ xin “Hãy để chúng tôi - được một lần gục đầu vào Quá khứ - như gục đầu vào lòng mẹ ngày xưa - và khóc” (Giải thích) .Bài thơ nói được nhiều điều chung cho thế hệ tác giả, rất chân thành, cảm động và trách nhiệm. “Cuộc chiến hôm nay cũng khác vô chừng - mà chúng tôi không còn một trái tim nào khác - Ngoài trái tim từng đập ở Trường Sơn” (Gửi …) .Cũng là một tự nguyện, tự nguyện sống và nhận về mình những thua thiệt. Cùng một tấm lòng rưng rưng như thế, Nguyễn Trác nhớ đến đồng đội, đến những cô gái xa quê, hy sinh ở chiến trường. Tác giả cố níu kéo hy vọng trước một thực tế đau lòng: “Em đừng chết”. Con suối vẫn đấy, rau thục rau môn vẫn đấy, chim vẫn hót đấy, thiên nhiên của em vẫn đấy … Em đừng chết, một tiếng khóc như cứa vào lòng người. Sự việc hiện lên trong những câu chữ giản dị mà có sức gợi, day diết:
                               Kìa con suối em thường xuống tắm
Con suối ôm tròn cơ thể thanh tân
Em đừng chết cho suối đừng cạn nước
Rau thục rau môn đừng phải đắng lòng

Dù ai bảo “hết đường ra Bắc”
Hãy đừng tin lời kẻ ngã lòng
Chim vẫn kêu sau vạt đồi hoa thắm
Em có còn nhớ tiếng chim không.
(Chim vẫn kêu sau vạt đồi sương muối)

Ngoài cái nhịp điệu nhẹ nhàng, lời thơ trong suốt dễ thấm vào tâm cảm nhất là với những ai từng một thời “Xẻ đọc Trường Sơn đi cứu nước”.
          Đúng là sống qua chiến tranh, đến thời bình, nói về những gì đã sống mới thật sâu sắc. Lần lượt ở các bài thơ, Nguyễn Trác là một người cả nghĩ hay lo. Anh có nhiều câu thơ bất chợt, thoáng qua rất thi sĩ: “Gió đầy vai - Em mang chiều đi tắm … Buổi chiều mềm và ấm - Sông Hồng như gương mặt người say”. “Trái dừa xiêm ngọt mái chèo - Từ vô lượng kiếp đã đèo bòng nhau”. “Ném xuống dòng sông điếu thuốc vừa cháy hết - Nước với trời mênh mang”. Và nhiều hơn nữa là những câu thơ suy tư triết lý. Bạn mời uống rượu Minh Mạng.
                               Cô gái chạy bàn mới ra thành phố
                               Áo quần gương mặt vẫn chân quê
Thấy ghế khách cập kênh không vững
Cố đi tìm một thứ để kê
 Anh đưa ra triết lý:
Cô gái ơi thôi đừng tìm nữa
Làm sao kê bằng được thác ghềnh
Là thảo dân uống rượu Hoàng đế
Riêng chuyện này ta đã cập kênh.


Triết lý trong thơ phải thông qua ngôn từ, hình ảnh, cảm xúc, nếu không chỉ là lý sự. Chúng ta cần có những bài thơ triết lý, có sức khái quát về những vấn đề nhân sinh thế sự, từ những vấn đề lẽ sống, sự sống, cái chết đến nhân cách, cách ứng xử của mỗi người, từ thái độ trách nhiệm với cuộc đời đến sự lớn lao mất còn của dân tộc … Sức lay động của thơ là ở đấy. Thơ Nguyễn Trác chưa đạt đến độ cần thiết nhưng rải rác là những câu thơ triết lý về muôn mặt đời thường,  cứ nhẹ nhàng, lặng lẽ, khơi khơi. Rất nhiều những trải nghiệm nhân sinh hòa vào nỗi buồn về thời thế, về sự trôi chảy của thời gian … Những nỗi niềm miên man cứ lãng đãng đó đây. Chúng ta gặp lý lẽ của Nguyễn Trác.

Sự trong trắng của tình ta anh biết
Có được là nhờ ở nơi em
Sự say đắm của lòng anh anh biết
Có được là nhờ ở nơi em

                           … Và sức mạnh của những điều tốt đẹp
Anh có là nhờ ở nơi em

     … Anh vẫn đốt được cho mình đống lửa
Bằng que diêm ẩm ướt cuối cùng
Ngọn lửa ấy nhờ em anh có được.
                        (Những bông hoa những cuốn sách)

Phải chăng là tương đồng, hay đúng hơn thoát thai từ Aragông:


Chuyện nhân thế nhờ em anh biết được
Anh nhìn đời theo con mắt của em
     … Tất cả gì về anh nhờ em anh mới rõ
Ngày đã đứng trưa trời có lẽ xanh rồi …
                                                      (Văn xuôi về En xa và hạnh phúc)

Dù sao, thơ Nguyễn Trác cũng không phải là ngụy biện mà thực sự là biện chứng của tâm hồn về một tình yêu đích thực. Trở về với Nguyễn Trác, anh chân phương hơn, giản dị hơn:

Chúng ta trẻ như những người trẻ nhất
Chúng ta già hơn các bậc tiền nhân
(Thơ cho bạn)

Cuộc đời không có điểm quay trở lại
(Bài hát ngày xưa)

Chúng ta sống một phần trong tuổi
Phần trong những bé thơ
Chúng ta chết mỗi ngày trong đời thực
Phục sinh từ các giấc mơ
(Những con cá)

Những câu thơ cứ loay hoay trong “cuộc đời đầy đắng cay khó hiểu” . Nhiều câu hỏi mà nhà thơ thú nhận sự bất lực của mình “Có một nỗi buồn nào đấy - dắt ta đi như dắt một người mù” (Dưới vòm cây long não). Chính cái  tâm

thế bất lực này tạo nên âm hưởng trầm buồn trong thơ Nguyễn Trác. Có lúc nhà thơ buông xuôi “mặc kệ” :

Anh ngồi ngắm thiên nhiên và con người thật đã
Mặc kệ chiều xao xác về nhanh
(Từ phòng vi tính ra)

Có khi “mình anh đi lầm lũi trong chiều”, có khi “anh đứng đếm những vì sao rơi - Ngoài vô biên có hay không có hạnh phúc”.
Ở tuyển thơ này nỗi buồn và cô đơn được gọi đích danh và xuất hiện dày đặc. Giá như nhờ chi tiết, hình ảnh, vần điệu làm hiện lên nỗi buồn, cô đơn thì thơ hơn, nghệ thuật hơn. Nguyễn Trác cứ để các từ ngữ đó lừng lững ở các câu thơ như biển báo chỉ đường: Xao xác niềm cô đơn tuổi nhỏ. Trên những nỗi nhọc nhằn và khoảng vắng cô đơn. Nỗi buồn lưng ngựa. Cứ ương ương cô độc một mình. Người đi muôn nỗi cô đơn. Những con ếch cốm - Còn thi nhau gào lên nỗi cô đơn. Mang nỗi buồn hòa tan vào ngực. Từ nỗi buồn xa xứ. Có một nỗi  buồn nào đấy. Phố dài áo lạnh phía cô đơn. Trong nỗi buồn cô đơn chàng kỵ mã. Những ngọn gió ký ức - Thổi vào người ấy cô đơn. Lối xưa buồn phố Hiến lẻ loi. Tiếng hát bay qua nỗi buồn. Những câu thơ mang nỗi buồn “cỏ ướt”. Lau nỗi buồn đi như “lau khung cửa kính mờ sương”. Còn rất nhiều buồncô đơn nữa. Buồn thật đấy nhưng làm mất đi hứng thú liên tưởng của người đọc.
          Ở một phía nhìn khác chúng ta ghi nhận nỗi buồn, và cùng với nỗi buồn là những thân phận, những nỗi niềm bàng bạc ở hầu hết các bài thơ của tuyển tập này. Chú ý đến việc nhà thơ khai thác các thi đề, thi liệu, chính các thi đề, thi liệu ở đây tạo nên, bộc lộ rõ cái tạng, cái cốt cách của tâm hồn tác

giả. Trong 123 bài của tuyển tập có 13 bài nói đến rượu, có 20 bài đụng đến chiều (hoàng hôn) có 26 bài suy nghĩ về đêm, trong đêm.
          Rượu, một biểu tượng không xa lạ với bất cứ truyền thống nào. Đó là tri thức và có tính chất khai tâm. Gần với chúng ta, rượu là niềm vui, thú vui trong những thành đạt, trong những lần gặp gỡ hội tụ bạn bè bằng hữu để tâm tình chia sẻ, rượu dùng cho việc giải sầu, tiêu sầu (Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu - Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu). Rượu cũng tiêu biểu cho sự nồng nàn, say mê, có khi làm rối loạn,  đưa kẻ say thoát khỏi mình. Rượu với Nguyễn Trác, trong thơ Nguyễn Trác nhẹ nhàng thanh đạm. “Bạn mời uống một ly rượu đế” thế là tất cả thiên nhiên, tình người trở nên ấm áp. Nhân uống rượu Minh Mạng, tác giả suy nghĩ về sự cập kênh giữa danhthực. “Là thảo dân uống rượu Hoàng đế”, giữa cuộc đời thực thực hư hư  “Kìa một đám múa lân qua phố - Múa từ mùa thu trước chưa tan”. Hay chỉ là những suy tư sau từng trải pha chút ngậm ngùi chua chát “Chúng ta ngồi trên phố Nguyễn Du - Nói những điều Nguyễn chưa từng viết … Những chức sắc chưa bao giờ với tới - Nhưng đắng cay hạnh phúc đã dư thừa”. “Và chiều xuống hoàng hôn phố xá… Ta tóc trắng ngồi trầm ngâm quán - Gọi hà thủ ô hà thủ ô”. Làm sao cho tóc đen lại. Thời gian tuổi tác cứ trôi nhanh. Dù “anh đối diện thời gian uống rượu” thì “chàng Trương Chi gõ mạn thuyền” vẫn là một tín hiệu của sự tan vỡ, của hy vọng không thành. Một lần nhà thơ ao ước có được sự thảnh thơi “Các họa sĩ uống rượu bên người mẫu”. Và một lần thanh minh cho bạn  “ Người ta bảo anh đau vì rượu - Tội nghiệp nào anh uống  được đâu”… Nói đến rượu chỉ nói đến thế. Buồn nhưng thanh tao. Tư thế ngồi quán, ngồi trong chiều với rượu như để trang trí, để có cái dáng của người từng trải, lịch lãm, rượu chưa đủ làm quên hết những gì đang suy tư chiêm nghiệm.
         
Thơ Nguyễn Trác nói nhiều đến chiều đến hoàng hôn mà ở đấy rất đậm nỗi buồn thân phận. Chiều là một khoảnh khắc không- thời gian. Đối với người có tuổi đó là thời khắc buồn. Thời gian không gian đang trôi dần vào đêm, kết thúc của ngày, con người ngẫm về một ngày tàn, một đời không thể quay lại, tái sinh. Cái thời gian cũng là không gian ấy nhạt nhòa dễ gợi niềm cám cảnh. Từ tâm thức con người cảm nhận được những gì là tàn tạ, ngừng nghỉ của một quá trình của đời người đang ngắn dần, cạn dần. Chiều cũng có vẻ đẹp khi hoàng hôn buông xuống.

Chiều thả sóng êm đềm
Mặt trời xuống ngủ trên đầm Thị Nại
Như một con báo đỏ

Có lúc Nguyễn Trác tự dối mình, phớt đời “mặc kệ chiều xao xác về nhanh”. Nhưng sự thực là đơn độc, đối diện với thời gian trôi chảy.

Mặt trời xuống núi như bình rượu
Rượu đỏ mình anh đối ẩm buồn.

Anh níu kéo thời gian chậm lại. Mỗi khi chiều về, nhớ mẹ và như thảng thốt “Bỗng nghe tóc mẹ bạc sang tóc mình”. Anh gợi lên hình bóng người bạn “lòng khòng trong hoàng hôn - Mong manh trên ghế đá - Cô đơn như một ông già” chiều chiều quét lá trong vườn, vun lại đốt lên ngọn lửa “Soi rọi nỗi buồn sâu thẳm”. Nhìn “hoàng hôn rơi trên bờ tường thành cổ” anh hoài niệm về “những vui buồn ẩn nhẫn của người xưa”. Chiều, tiết hàn lộ mang mang, cái gì cũng chơi vơi, cũng phù vân, không lâu bền, nhà thơ chấp nhận nỗi

buồn: “Hoàng hôn dẫu buồn” nhưng đừng khóc. Và vẫn chấp chới một mong mỏi, sau ba lần vốc đất thả lên mộ ba người bạn: người lính, người nhà và họa sĩ:

Một nắm đất chiến tranh
Một nắm đất ngôn từ
Một nắm đất những sắc màu hội họa

Chi ở bài Khúc tưởng nhớ  này, hoàng hôn mới mở ra, chuẩn bị cho một chu trình mới, cái chết không ngưng đọng, trên nghĩa trang mùa xuân về, từng đôi bướm nhỏ, nên “Không thể không nói về cái Đẹp và lòng Hy vọng - Trong buổi chiều này bên mộ các anh xưa”. Thật hiếm hoi.
          Trong những bài nói đến đêm, những đêm trăn trở thời bình. Thời bình nhớ lại những đêm thành phố thắp đèn dầu, gợi lên những kỷ niệm trẻ trung trong sáng: Em mắc võng “trăng mười sáu trên cánh rừng binh trạm”, em gùi gạo “dấu chân còn ấm mãi trong anh”. Nhưng thực tại là một thực tế còn nhiều băn khoăn “người thương binh nhà bên lại ra ngồi trước cửa” trong đêm. Đêm Nguyễn Du là những nỗi đau của “Thập loại chúng sinh” dồn vào một người, là Khí lạnh ban đêm dồn hết vào một người như lời thơ của Nguyễn. Đêm thật buồn, đau. Đêm của Những đứa trẻ trên tàu bán thuốc lá khuya, minh chứng cho “cuộc sống Con người là như thế - Cuộc sống trần gian là như thế”. Nhếch nhác, vất vả.  Đó là những thế hệ đang nối tiếp chúng ta. Chúng ta không thể không băn khoăn trăn trở. Trong cái Đêm yên tĩnh lạ lùng: “Gió thiu thiu bên cửa, những con chim ngủ trong bóng tối - Những con dơi bay trong vòm lá hồng xiêm”, em vắng thiếu, mưa đã ngừng, “những vệt sáng lấp lánh của một đàn đom đóm vụt qua”.

Và ếch nhái vẫn như muôn thuở
Gọi nhau mà không thấy mặt nhau.

Cả bài thơ là buồn, trống vắng cô đơn. Khao khát sẻ chia mà mù mờ xa xót “gọi nhau mà không thấy mặt nhau”. Còn bao nhiêu đêm nữa. Vẫn là những trăn trở thời bình. Đô thị hóa, cuộc sống phố phường đan xen, lấn lướt vẻ chất phác chân quê, con người muốn trở về tìm lại những giá trị truyền thống văn hóa. Nhưng tất cả chỉ là hoài niệm, nhớ mong.
          Vậy nên, chính các hệ thi đề, thi liệu: rượu, chiều, đêm đã góp phần làm nên giọng trầm buồn trong thơ Nguyễn Trác. Những nỗi niềm lãng đãng đó đây cứ triền miên không dễ gì cưỡng lại được, chất thơ ấy là của riêng Nguyễn Trác, muốn mạnh hơn, sâu hơn, sắc sảo hơn là không thể và không nên.

                                                                        Tháng 3.2016 - MÃ GIANG LÂN - nguồn: Tạp chí thơ HNV
_________________
Thơ Nguyễn Trác  Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 10.2015
Chép từ Vanvn.net

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét