Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

MỘT NGƯỜI TỰ HÁT





                                                                      Tác giả Vũ Thị Minh Thu
MỘT NGƯỜI TỰ HÁT

Đọc “ Khúc hát ru” của Vũ Thị Minh Thu, nxb Hội Nhà Văn, 2016

                              Vũ Nho

Làm thơ với mọi người, nhất là những nữ sĩ thì hoàn toàn có thể nói đó là một cách tự hát. Đặt tên tập thơ là “Khúc hát ru”, cho thấy Vũ Thị Minh Thu không chỉ hát ru con với thiên chức của người mẹ, ru cháu với tư cách người bà…mà chị còn tự tu mình, ru nghề, ru cuộc sống quanh mình với nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng  không thiếu niềm đam mê và hạnh phúc. Có một bài thơ cho thấy cô giáo Toán là người nhạy cảm, dễ xúc động :

           Vô tình  tay chạm  phải tay

Trái tim  loạn nhịp ô hay! vô tình…

Mắt ai chạm phải mắt mình

Sóng đâu  mà đất  vô tình  ngả nghiêng!

Không thấy ghi ngày tháng dưới bài thơ có nhan đề “Vô tình” này, nhưng có thể đoán, khi đó người viết còn rất trẻ. Phải chăng đó là  một thời của cái thuở  chưa xa. Cái thuở ban đầu mà người đời nào có dễ quên:

          Thời em buộc tóc đuôi gà

          Thời anh áo lính thật là dễ thương

          Thời em xao xuyến vấn vương

                               Một thời

Thế rồi thời gian trôi nhanh quá. Nào ai biết thời gian đi rất vội (Đi tìm) “cô bé tóc đuôi gà ngúng nguẩy” năm nào giờ đã nên bà. Vừa bỡ ngỡ, vừa lạ lùng với danh hiệu mới, đầy nỗi niềm trong  khi ngồi “ru cháu ngọt ngào lời xưa”:

          À ơi! Cháu ngủ đi nghe!

          Bà đưa cháu với ông về ngày xưa

          Cái ngày đôi tám đò đưa

          Ngày ông đội nắng, gội mưa đón bà

                             Tiếng “ Bà”

Nỗi hoài niệm này luôn thấp thoáng trong tập Khúc hát ru. Đây là một khoảnh khắc nhớ lại “cái bóng trẻ” của người không còn trẻ. Thật thú vị khi cái bóng  hình như không biết tuổi, không biết thời gian:

          Bóng em lồng với bóng anh

          Trên con đường vắng bóng thành một đôi

          Hai bóng rất trẻ nói cười

          Hai ta tìm thấy một thời đã xa…

                             Bóng

( Tôi ước giá tác giả thay một đôi, bằng một thôi; và Hai bóng bằng Cái bóng thì sẽ thi vị hơn. Chẳng biết có ai cùng ước với tôi!)


Nhưng cô giáo không chỉ  hát ru tình yêu, tình gia đình của riêng mình. Tâm hồn nhạy cảm ấy còn rộng mở. Cảm thông với những  em bé bán báo  “Đem niềm vui/đem mùa xuân/ bán cho mọi người/ Bàn chân run/ con đường trơn/em đi!

(Chiều cuối năm). Người thơ ấy còn trăn trở với số phận của người đàn bà bán hàng rong, bán  đi nhiều thứ mà “ mua về rặt những ưu phiền”:

          Bán – mua quá nửa cuộc đời

          Một mình một bóng lẻ loi trước thềm

                                 Chị bán hàng rong

Chẳng những cảm thông, thương mến người mẹ ( Mẹ tôi, Nhớ mẹ), người chị ( Chị tôi ra biển), với người đàn bà vô danh ( Trước gương), với  “ Người đàn bà trong đêm”  mà với hoa cỏ, những thứ vô tri, Vũ Thị Minh Thu cũng có những băn khoăn, trăn trở khi nghĩ về chúng cũng có số phận như người:

          Cũng là một kiếp cỏ hoa

          Loài trong bình quý…Kẻ hòa gió sương

                                      Hoa cỏ may

Một loài cỏ khác thì không dầu dãi gió sương ở ven đường như cỏ may, nhưng lại cô độc, đơn côi nơi công viên đẹp đẽ:

          Ta cúi xuống tay nâng nhành cỏ hắc

          Thương kiếp người hoa cỏ quá đơn côi

                                      Có một chiều

Không phải ai cũng nhìn hoa gạo như  cảm nhận của người thơ nhạy cảm với cái đẹp và nỗi đau:

          Đỏ chi cho lắm hoa ơi!

          Dẫu còn chút sắc hương đời cho nhau

          Trên cành

                 thắm…

                     dưới đất

                             …đau

          Cánh rơi theo gió nát nhàu tháng ba

                              Hoa gạo

Trong tập còn có những bài thơ về tình yêu, về nghề dạy học. Ở đó có quan niệm về Hạnh Phúc, Hiến dâng, Chia sẻ…về những  nỗi niềm của cô giáo với học trò, về sự gắn bó với phượng hồng, bảng đen, phấn trắng…Và còn những cảm xúc về làng, về mùa Thu, về biển cả… Điều đó ghi nhận cố gắng và cũng ghi nhận sức bút của người viết.

          Trong một bài thơ khá thú vị có nhan đề “Vay”, tác giả  bộc bạch:

          Hỏi vay chút nắng của trời

          Chút mưa của đất chút lời của thơ

          Vay xưa -  một chút ngu ngơ

          Và nay - một chút dại khờ tuổi hoa

Bài thơ còn kể thêm nhiều thứ “vay mượn” khác. Đó  chỉ như là một thủ pháp của thi ca. Nhưng tôi thì lại nghĩ rằng sau khi in hai tập thơ “Có một thời để nhớ” và

“Khúc hát ru”, cô giáo dạy Toán yêu thơ Vũ Thị Minh Thu  đủ tự tin và nội lực để không cần vay mượn, tự mình  giao cảm cùng mọi người bằng những lời từ đáy lòng tự hát.

                                             Hà Nội, 3 tháng Tư, năm 2016


Đã in báo NGƯỜI HÀ NỘI, ngày 4 tháng 6/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét