Trong khi bỏ bớt những bản thảo cũ, bỗng tìm thấy bài viết này. Hình như chưa đăng báo nào. Bèn đánh máy lại và đưa lên trang. vunhonb.
Nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải
THÀNH PHỐ ĐỜI MÌNH
Đọc tập bình thơ chọn “ Thành phố đời mình” của Phạm Khải, Hội
văn nghệ Hà Nội, 1993
Vũ Nho
Nếu những bài thơ thành công trong tập thơ tuyển này được
viết bởi một sự gắn bó với Hà Nội - gắn bó đến thành máu thịt; bởi một tình yêu
Hà Nội – yêu đến thắm thiết, si mê,… thì người tuyển chọn và bình thơ cũng yêu
và gắn bó với Hà Nội không hề thua kém. Không những thế, Phạm Khải còn là người
cần mẫn, chắt chiu, biết nâng niu, thu vén : “ Một bước chân của người thôn quê đặt lên hè đường Hà Nội, tôi cũng sẵn
sàng nâng niu nhận lấy cho thành phố của mình” ( trang 3). Với một tình yêu
như thế cho nên sau 28 bài thơ được chọn và bình, tác giả vẫn cảm thấy còn nhiều
thiếu hụt. Và anh lại cặm cụi chịu khó rong ruổi khắp các nẻo đường thơ Hà Nội,
nhặt lấy từng sắc hoa, từng tia chớp, từng bờ sương, từng giọt nắng, từng cơn mưa,
ngọn gió để tô điểm cho “Thành phố đời mình” ( Phụ lục trang 127).
Chưa đọc những
lời bình, chỉ nguyên phần thơ tuyển, người yêu Hà Nội cũng có thể thỏa mãn vì
được thấy Hà Nội với bao nhiêu góc nhìn, bao nhiêu cảnh sắc. Một Hà Nội cổ kính
với hồ Gươm, Tháp Rùa của Nguyễn Đình Thi. Một Hà Nội hiện đại với lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong ngày lễ viếng của Viễn Phương. Hà Nội trên vạt cỏ công viên (
Nguyễn Quang Thiều). Hà Nội chùa chiền ( Vân Long). Hà Nội đêm trăng ( Xuân Diệu).
Hà Nội ban mai ( Bằng Việt). Hà Nội vào thu ( Nguyễn Chí Hoan). Hà Nội mùa xuân
( Phan Thị Thanh Nhàn)… Ta có thể thấy Hà Nội mến yêu ngàn năm lồng lộng đẹp hào
hùng:
Ôi, Thăng Long! Thăng Long
Đã ngàn năm đứng hiên ngang nhìn sông
Hồng cuộn chảy
Có bao giờ Người lộng lẫy như hôm nay
Trong tiếng pháo gầm, trong tiếng đạn
bay
Hà Nội súng cầm tay nói cười duyên
dáng
Hà Nội trẻ trung sáng trưng vầng trán
Hà Nội hồng hào những chiến công
Đẹp như nàng tiên mặc áo đỏ sông Hồng
Lê
Anh Xuân
Nhưng cũng có thể thấy Hà Nội đời thường còn đang gian lao,
vất vả: Hà Nội “ nhà chật” của Lưu Quang Vũ và Trần Quang Quý. Từ Hà Nội vĩ mô
đến Hà Nội vi mô; Hà Nội chiến đấu đến Hà Nội hòa bình xây dựng. Hà Nội bốn mùa.
Hà Nội trong nắng mưa, giông bão. Hà Nội sáng, tối, chiều, trưa…Ta sẽ thêm yêu
Hà Nội với thiếu nữ trước đầm sen reo thảng thốt: “ Trời ơi buổi sáng quá chừng thơm” ( Bằng Việt). Và thêm yêu Hà Nội đêm
trăng huyền ảo lung linh trên đường Láng: “ Trăng
như sương trên ruộng lúa xanh. Gió như chim xao động trên cành” ( Xuân Diệu).
Nhưng sẽ còn
thú vị hơn nhiều khi chúng ta vào Hà Nội cùng với Phạm Khải, một người say mê,
trân trọng những vần thơ Hà Nội. Hơn thế nữa, anh là người “thông tỏ” thơ ca,
thông tỏ Hà Nội và biết của, biết người. Nếu coi việc đọc tập sách này là một
cuộc tham quan, khám phá Hà Nội thì Phạm Khải là người hướng dẫn viên du lịch lịch
lãm, tâm huyết và đầy trách nhiệm với thành phổ của mình. Anh bộc bạch : “Riêng
với Nụ cười em giấu sau lưng lá của
Trương Nam Hương tôi cũng phải mất vào đấy vài năm nghiền ngẫm” ( trang 106). Đủ
biết anh là người có trách nhiệm với bạn thơ và bạn đọc như thế nào. Bằng cái
duyên của người hướng dẫn điệu nghệ, Phạm Khải dẫn dắt chúng ta đi vào Hà Nội
qua các nẻo đường thơ, luôn luôn giữ cho ta cái hứng thú được ngắm nhìn, thưởng
thức và khám phá. Làm được như thế là rất giỏi vì dù Hà Nội có rất đẹp, rất đa dạng, nhưng người tham
quan thành phố cũng “ dễ mệt” trong một
cuộc đi dài. Phạm Khải biết thế. Anh luôn thay đổi cách dẫn chuyện, thuyết
minh. Mỗi thắng cảnh Hà Nội anh nhập đề mỗi kiểu. Và điều quan trọng nhất là cách
giới thiệu, phẩm bình, đánh giá của anh. Hầu hết các bài thơ về Hà Nội được bình,
Phạm Khải đều có những liên tưởng, so sánh, những bất chợt vụt nhớ…làm cho câu
thơ đang bình được hiện ra dưới ánh sáng mới. Chẳng hạn, để làm rõ cái khoảng
vườn “ lửng lơ ngoài cửa sổ” của Nguyễn Chí Hoan, anh so sánh : “ Cũng như khi
Trần Đăng Khoa vẽ hình ảnh bác thợ cày rít thuốc : sau lưng đồng lếnh láng bay thì quả là nhà thơ có con mắt rất tinh
tế. Làn khói mỏng buổi ban mai ( bài thơ có tên “Trong sương sớm”) váng vất bay
trên cánh đồng. Qua làn khói ấy, người ta cảm giác màu xanh đồng áng như đang lếnh
láng bay, mảng màu như tan ra, nhòe chảy” ( trang 125). ( Tuy nhiên tôi vẫn ngờ
“ khoảng vườn lửng lơ ngoài cửa sổ” nhỡ là một vườn treo mi-ni thì sao? Và dù
sao, việc so sánh này lại không làm nổi bật đối tượng đang bàn đến). Rất nhiều
chỗ, những câu thơ được tích góp trong trí nhớ của Phạm Khải được dẫn ra đúng
chỗ, đúng lúc đã đem đến cho ta những khám phá thú vị, bất ngờ. Ta còn cảm tình
và yêu mến người bình thơ vì anh có lối dẫn giải khá tinh tế. Ví như khi anh nói
về liên tưởng đặc sắc của Nguyễn Trác “ Gió
đầy vai. Em mang chiều đi tắm” ( trang 87). Hơn nữa, lời bình của anh luôn
luôn có chất thơ của người người làm thơ viết phê bình, và đôi khi là thơ của
phê bình. Chẳng hạn, trước câu thơ của Nguyễn Quang Thiều “ Nụ hôn cùng với vết giày đi xa”, anh viết
lời bình : “ Nụ hôn in dấu lên môi. Vết giày
in dấu xuống nơi hẹn hò”. Khi nhà thơ Vương Trọng viết: “Đêm xuân không dễ ngồi nhà”, anh dẫn câu
thơ ai đó : “ Một mình tôi lại đi ra đất
trời” để làm cái kết thật xinh, thật khéo cho bài thơ rạo rực đêm xuân.
Vốn là người
làm thơ, Phạm Khải rất chú trọng đến kĩ thuật :
cách ngắt câu, chuyển nhịp, sự phối hợp âm thanh bằng, trắc. Dù có những
điểm chưa giàu sức thuyết phục hay cần phải bàn thêm, nhưng đây cũng là chỗ mạnh
của người bình và bổ ích cho những ai muốn đi sâu vào bếp núc của sự sáng tạo.
Anh nói rất đúng rằng “ chỉ có những anh
bình thơ mới làm cái việc soi rọi tỉ mẩn và mới “nhìn ra” thế ấy” ( trang
58). Nhưng cái việc “soi rọi tỉ mẩn” của anh phần nhiều là có lí, có tình, chính
xác nên người đọc dễ dàng chấp nhận.
Ở lời đầu sách, Phạm Khải có một ví von : Thơ như người phụ nữ và thơ hay có thể như người phụ nữ có tài, người phụ nữ đẹp, người phụ
nữ đức hạnh hoặc người phụ nữ mình yêu. Nhưng nếu như người phụ nữ mình yêu mà
không có tài, cũng không xinh và không cả đức hạnh nữa thì sao nhỉ? May thay,
“nhị thập bát” cô nương lọt vào mắt xanh của người bình đều mỗi người mỗi vẻ và
không người nào rơi vào tình trạng “ba không”. Có thể thấy tác giả cũng còn chút lúng túng khi quyết định chọn thơ về Hà
Nội, hay thơ do người Hà Nội viết, do người nơi khác viết tại Hà Nội. Nếu là thơ
về Hà Nội, về “thành phố đời mình” thì có đến 7 bài không thuộc về Hà Nội, hoặc
không có dấu ấn về Hà Nội rõ ràng. Có thể biện minh rằng bài thơ hay cũng tựa
như thắng cảnh. Đôi khi ta quá Hà Nội một tí mà được thăm Tam Đảo hay Đền Hùng
thì cũng thú chứ sao? Tuy vậy, nếu Hà Nội toàn phần, Hà Nội ròng thì vẫn cứ thú
vị hơn.
Còn có thể bàn
luận thêm với tác giả về cách thẩm, cách bình, cách dẫn dắt, so sánh…những ngón
nghề của công việc bình thơ. Nhưng để khỏi mất thì giờ, mất nhã thú của người
thưởng ngoạn, xin mời bạn hãy bắt đầu cuộc thăm thú của mình. Người hướng dẫn đã
sẵn sàng. Tôi chỉ muốn mách thêm : bất kì giờ nào, bạn cũng có thể bắt đầu chuyến
đi. Phạm Khải luôn luôn “thức” và tháp tùng cùng bạn:
…Vòm trí tuệ tôi vẫn thức
Đêm ngày xuôi ngược những đàn ong
(
Thơ Phạm Khải)
“ Thành phố đời mình” là mật ngọt mà đàn ong trí tuệ của anh
ấy đem đến dâng tặng mọi người.
1993
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét