Nhà thơ Nguyễn Khôi
ĐI TÂY
VÀ ĐỌC THƠ NGUYỄN KHÔI
Ở BÊN TÂY
___
Tạp
bút
Kính Tặng Bác Nguyễn
Khôi
Và Gửi Tới Các Bạn
Tôi.
1.
Thế
là mình đã được đi Tây, đã đang ở một thị trấn nhỏ yên bình cổ kính
miền Đông Bắc nước Pháp.
Một
chuyến đi chẳng danh giá gì vì không phải là một chuyến tùy tùng đoàn
quan chức nào của Nhà nước, cũng không phải một chuyến đi thăm thân theo
lời mời vì gia đình đâu có ai sống ở Pháp; và đơn giản nhất, cũng không phải
là một tua du lịch tự bỏ tiền túi ra mà chỉ là một chuyến đi theo
chân bà chủ người Sing gốc Đài với danh phận nhân viên cty của bà . Vậy
mà trong lòng vẫn thấy sướng âm ỷ từ lúc được bà chọn cho đi khi công ty có
hàng chục người làm.
Ngày
đầu tiên trên đất Pháp, sau bữa cơm chiều ở nhà một người bà con của
bà chủ, được bà cho phép tự do đi chơi phố trước khi về khách sạn
ngủ. Không hiểu sao, khi đôi chân dạo trên những con phố vắng giữa hai dãy
nhà với bờ tường phủ đầy dây leo và hoa đẹp, lòng dạ lại cứ vẩn vơ với hai
tiếng Đi Tây rồi chợt nhớ lại hồi mình thi được học bổng sang Sing
học NUS.
Chiều
hôm trước ngày bay, mình rủ bốn đứa bạn thân đi rong chơi phố phường và ăn vặt
vài thức quà Hà Nội. Năm đứa mình thân với nhau từ hồi Tiểu học, xưng với nhau
mày tao chứ không ông, bà, bạn, tôi như nhiều đội teen khác và thường gọi nhau
bằng biệt danh của mỗi đứa: Cái Hằng dịu dàng như một đóa hoa là Thục Nữ, cái
Nga trắng trẻo như con thiên nga Bắc cực nhưng khảnh ăn nom hơi còm là Vịt Còi,
thằng Nhân hay hỏi trăm thứ bà giằn là Tò Mò Sĩ, thằng Vinh, hai mắt kính cận
dày như trôn bát, thông hiểu khá nhiều chuyện Đông Tây kim cổ là Con Mọt Sách.
Còn mình, Ninh Ninh thì chúng trại ra là Ninh Hầm.
Khi
ăn xong chầu bánh tôm Hồ Tây, cả bọn ngồi lại bên hàng cây hoa ban tím ven hồ
Trúc Bạch. Thục Nữ đưa đôi mắt bồ câu nhìn làn nước hồ trong xanh, phẳng lặng,
buồn buồn nói:
-
Thế là ngày mai Ninh Hầm nó đi Tây rồi.
Tò
Mò Sĩ hỏi vặn ngay:
-
Nó sang Sing sao lại bảo là đi Tây ?
Thục
Nữ chưa biết trả lời ra sao thì Con Mọt Sách đáp hộ:
-
Nó nói đúng đấy nhưng chuyện đó tao sẽ nói sau. Giờ nhân nói đến hai tiếng đi
Tây, tao đề nghị chúng mình thử cùng tìm hiểu xem hai tiếng ấy có trong
sách báo từ bao giờ?
Cả
bọn cười tán thành. Vịt Còi lười học sử nhất lớp lại lên tiếng trước nhất:
-
Theo tao, Hoàng tử Cảnh là người đầu tiên đi Tây vì mùa hạ năm 1783,
Nguyễn Phúc Ánh nhờ Giám mục Bá Đa Lộc, tục gọi là Cha Cả đem theo Hoàng tử
Cảnh khi đó mới 3 tuổi làm con tin sang Pháp cầu viện.
Tò
Mò sĩ lập tức bác bỏ:
- Mọi sử sách đâu gọi chuyện này là đi Tây mà nói là sang
Pháp. Tao thấy báo chí hiện nay đều viết Phạm Phú Thứ là Tiến sĩ đầu tiên của
Việt Nam đã đi Tây. Ông đi sứ cùng phái bộ gồm 60 người bằng tàu thủy
mượn của Pháp, do Phan Thanh Giản làm trưởng đoàn qua Pháp năm 1863, nhằm chuộc
lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Khi về nước, ngoài bản tường trình, Phạm Phú Thứ
còn dâng lên vua Tự Đức hai tác phẩm trong đó có Tây hành nhật ký và Tây
phù thi thảo.
Vịt Còi bắt bẻ lại:
- Phạm Phú Thứ viết là Tây hành và Tây phù chứ đâu
phải đi Tây. 25 năm sau, năm 1888, tờ Gia Định báo đăng tải cuốn du ký
gồm 2000 câu thơ song thất lục bát của Trương Minh Ký kể về hành trình qua Châu
Âu và Bắc Phi khi ông dẫn đoàn học sinh người Việt sang Anger du học năm 1880
với những ấn tượng sâu sắc về phong tục, nếp sống xa lạ của người dân bản xứ.
Ấy là cuốn “Như Tây nhật trình” . Như Tây cũng
chưa phải là đi Tây đâu nhé!
Thục Nữ nhỏ nhẹ góp lời:
-
Tao nhớ thày dạy Văn có lần đã dẫn giảng rằng: Năm 1922, ông Phạm Quỳnh sang
Pháp dự hội chợ đấu xảo Marseille vừa viết từ Pháp, vừa gửi bài về Việt Nam
đăng liên tục 42 kỳ trên tờ Nam Phong, giống như cách một đặc phái viên thông
tấn ngày nay tác nghiệp và tường thuật từ nước ngoài. Tác phẩm này là “Pháp
du hành trình nhật ký”. Xem vậy, đã gần hết một phần tư thế kỷ 20, hai
tiếng đi Tây vẫn còn xa lạ trên sách báo.
Đến
đây thì cả bọn đều im lặng. Bỗng trong óc mình lóe lên cái tên một truyện ngắn,
mình bèn nổ luôn:
-
Phải chăng Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên đã đưa hai tiếng đi Tây
vào tác phẩm văn học? Ấy là khi ông cho in truyện ngắn Thế là mợ nó đi Tây trên
An Nam tạp chí năm 1932. Đi Tây với cả nghĩa đen chữ Tây viết hoa và
nghĩa bóng chỉ sự ra đi hẳn, cắt đứt hẳn của một người đàn bà với chồng
con sau 3 năm được chồng giành gần hết lương và tiền làm thêm đến ho lao ra máu
gửi sang Pháp cho cô nàng ăn học. Từ đó, hai tiếng đi Tây bắt đầu được
dùng nhiều trên sách báo . Năm1935, Nhất Linh cho ra cả một tác phẩm với nhan
đề Đi Tây ghi lại những điều mắt thấy tai nghe của ông trong chuyến du
học Pháp từ năm 1927 đến 1930. Thời Âu chiến, thực dân Pháp bắt một số trai
tráng người Việt sang Pháp đánh nhau để bảo vệ nước mẹ. Việc đi lính ấy cũng
gọi là đi Tây. Tố Hữu viết bài thơ Đi Tây năm 1938, có câu:
Đi Tây, đi lính, là đi… chết!
Con
Mọt Sách gật đầu khen:
-
Hay! Ý của Ninh Hầm chưa dám chắc đúng trăm phần trăm nhưng nó đã trả lời đúng
vào câu hỏi.
Rồi
nó thao thao tiếp:
-
Bắt đầu từ thế kỉ XVI-XVII, những nhà truyền giáo mang theo đồ trang sức, pha
lê, vũ khí … đổi lấy hàng đặc sản như trầm hương, đá quí, yến sào, ngà voi,
sừng tê, đồi mồi và các gia vị quí (hạt tiêu) … tạo ra ”con đường hồ tiêu” (từ
Địa Trung Hải đến Đông Nam Á). Từ những thập niên đầu thế kỷ 16 đức tin Công
giáo đã được truyền bá bí mật tại Việt Nam. Đầu tiên, linh mục Ignatio lén vào
giảng đạo ở vùng Nam Định. Sau đó các giáo sĩ Bồ và Tây Ban Nha kế tiếp, đi dọc
các tỉnh ven biển miền Trung. Đến năm 1578, các tu sĩ Dòng Franciscan đến Việt
Nam và đến năm 1615 các tu sĩ Dòng Tên (Jesuit) được cử đến để giảng đạo tại cả
Đàng Ngoài và Đàng Trong. Rồi nhà truyền giáo và nhà tư bản liên kết với nhau
vươn cánh tay tới phương Đông, truyền đạo và tìm hiểu thị trường, buôn bán.
Chúa Trịnh, vua Lê, chúa Nguyễn đều sẵn lòng giúp đỡ họ để tranh thủ lực lượng
trợ giúp mình củng cố quyền lực.
Thời
kỳ ấy, dân ta gọi các nước Bồ và Tây Ban Nha là các nước phương Tây, gọi những
nhà truyền giáo là các giáo sĩ phương Tây và các thương nhân là người phương
Tây hoặc các nước Tây Dương hay người Tây Dương. Suy ra, ngay từ thời kỳ này,
nếu có người Việt nào theo chân các giáo sĩ hay thương nhân sang các nước
phương Tây, có thể dân chúng đã gọi là sang Tây Dương hay đi Tây
nhưng nếu có, thì cũng chỉ là lời ăn tiếng nói trong dân gian thôi.
Sau
này người Bồ và Tây Ban Nha nhường chân cho người Pháp, ta gọi nước Pháp là nước
Phú Lãng sa, người Pháp là dân Phú Lãng sa. Từ Tây giờ chỉ còn bó hẹp lại để
chỉ nước Pháp và người Pháp.
Khi
Pháp xâm lược nước ta, các nhà Nho gọi bọn Pháp xâm lược là bạch quỉ, bạch man;
nhưng dân chúng thì gọi nôm gọn hơn là quân Tây. Bài thơ dùng chữ Tây đầu tiên
có lẽ là bài Chạy giặc của cụ Đồ Chiểu:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Và
sau này hàng loạt thơ văn khác:
Quân Tây nó nhiều bề ác độc
Người ta càng lắm lúc nguy nan
Người ta càng lắm lúc nguy nan
Ta gọi Pháp đàn ông là thằng Tây, đàn bà là
con đầm; đàn bà Việt có chồng Pháp là me Tây, con của hai dòng máu Pháp Việt là
Tây lai, đầm lai…Tất tật mọi thứ Tây đầm đều bị dân ta căm ghét. Bởi thế
mới có chuyện bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, sau CM tháng 8, khi ông đang là Lãnh tụ
của Thanh niên Tiền phong, bà vợ ông một lần đi ngang trạm gác của TNTP đã xưng
danh:
- Tôi là vợ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Nhưng
vì bà là người Pháp nói tiếng Việt chưa sõi, anh em TNTP tưởng là đầm giặc Pháp
nên xử sự rất tệ hại đối với bà ấy.
Mọi
thứ của người Pháp đều gọi là đồ tây: nhà tây, giường Tây, súng tây, bánh tây,
rượu Tây, ô tây…, những thứ Tây này thì dân ta lại không hề ghét
bỏ.
Cả
bọn bật cười về nhận xét của Con Mọt Sách. Nó cũng cười theo rồi lại tiếp:
-
Xin lỗi chúng mày, tao nói nốt: Thậm chí cái bao cao su Tây dùng chơi gái cũng
gọi là…buồi Tây!
-
Thằng ma mãnh này – Vịt Còi vừa nói vừa đấm thùm thụp vào lưng Con Mọt Sách.
Chờ cả bọn ngơt cơn rinh rích cười, Tò Mò Sĩ hỏi Con Mọt Sách:
-
Thế mày bảo Thục Nữ nó nói đi Sing là đi Tây cũng đúng, vì sao?
Con
Mọt Sách trả lời ngay như đã chuẩn bị sẵn:
-
Ấy là đi Tây trong cách nói hiện nay. Nghĩa là, không chỉ nước
Pháp là nước Tây, người Pháp là người Tây mà từ Mỹ, Nga, Đức, Hung, Tiệp cho
đến cả Ả Rập, Singapore…, tất tật các nước phát triển trên cơ nước Ta đều là
Tây hết. Có lẽ chỉ còn mấy nước anh em như Lào, Campuchia, Cu Ba, Mông Cổ,
Triều Tiên là không phải Tây mà thôi. Thế mới hay cho cái tiếng nước mình!
Đi Tây ngày nay đồng nghĩa với đi học, đi buôn, đi chơi, đi hội
thảo, đi hái lộc trời, đi để đổi đời, đi vì khát danh, đi vì có tiền chùa của
Nhà nước, đúng hơn là tiền thuế của dân…
Nhiều
bà vợ ngày nay mơ ước được xuất ngoại tìm đường cứu…gia đình,
nhiều ông chồng đã tình nguyện ở nhà làm nhũ mẫu với một niềm tin
tất thắng. Cánh nhà báo hầu hết gọi các ông chồng kiểu này là những ông chồng
có vợ đi Tây. Các ông này luôn phải sống trong cảnh hồi hộp với câu vè
cảnh tỉnh:
Có vợ mà cho đi Tây
Khác gì xe máy để ngay bờ hồ
Và
nhiều ông nhũ mẫu , sau một hai năm đã rơi vào cảnh nhìn con thơ ngủ
ngon, buồn tủi mà than rằng:“Thế là mợ nó đi Tây !”
Lại
còn phong trào lấy chồng ngoại nữa. Các cô gái Việt lấy chồng ngoại từ Nga,
Anh, Pháp, Mỹ, Úc…đến Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…tuốt tuột đều gọi
là lấy Tây hết .
Nói
đến đây, Con Mọt Sách bỗng hạ giọng và chậm rãi từng tiếng một:
-
Nhưng xin nhớ cho, sang Trung Quốc, lấy chồng Trung Quốc không ai gọi là đi
Tây, lấy Tây mà vẫn gọi là sang Tàu, lấy Tàu như nghìn xưa vẫn thế.
Hôm
được bà chủ chọn cho theo bà sang Pháp, mình mail ngay cho tụi bạn. Ba đứa:
Thục Nữ, Vịt Còi và Tò Mò Sĩ đều trả lời rất gọn: Sướng nhỉ! Riêng Con
Mọt Sách thì: Thế là mày sẽ đi Tây đúng nghĩa nhất với chữ Tây viết hoa!
2.
Gần 10 giờ đêm về khách sạn. Bà chủ hào phóng
đặt cho riêng mình một phòng xinh xắn và đầy đủ tiện nghi. Những tưởng sau một
ngày công việc kín đầy thời gian, đặt mình xuống sẽ ngủ ngay nhưng thật
quái lạ, đôi mắt không chịu chợp cho một phút. Đang chưa lý giải được
thì một câu thơ chợt đến:
Một đêm thèm ngủ mà không ngủ
Và bỗng nhớ ra, đó là câu thơ trong Đêm
Venice, 1 trong 25 bài thơ Một thoáng trời Âu của bác Nguyễn
Khôi viết năm 1998.
Không biết năm đó bác Nguyễn Khôi Âu du
theo đường nào: Du lịch tự chọn, theo một chuyến công du hay được đi
chơi dối già khi sắp hạ cánh về với cuốn sổ hưu quý hóa hơn vàng 9999
? Nhưng dù đi kiểu nào thì chuyến đi ấy của bác cũng danh giá ngàn lần hơn
chuyến đi hầu cận bà chủ của mình hôm nay.
Lại chợt nhớ năm xưa, thầy dạy Văn có nói: Đọc
Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh trong căn phòng đầy ánh sáng
điện thì có lý thú gì; phải đọc Liêu Trai trong một căn lều cỏ
giữa một khu vườn rộng bỏ hoang với ánh sáng của ngọn đèn dầu hay một cây nến
mới thấy được cái hết vẻ liêu trai của nó. Mình đã đọc Một thoáng
trời Âu nhưng là đọc ở bên Ta. Giờ đọc ở bên Tây, hẳn sẽ rất thi vị!
Nghĩ thế và bật ngay laptop.
Dẫu chỉ là Một thoáng trời Âu
nhưng qua tên một số bài thơ ta thấy bước chân của Nguyễn Khôi đã dạo qua
khá nhiều xứ sở: Đến Roma, Thăm Vatican, Thăm Hạ Viện Italia, Trước Tháp
Nghiêng Pisa, Đêm Venice, Thăm Nàng Tiên Cá, Đến thành Vienne Viếng Mộ Hồng
Quân, Thăm Chợ Cheb, Thăm Chợ Cửa Khẩu VôiTaNốp, Cơm Tàu Ở Budapest…
Đến đâu, ông cũng ghi lại rất sinh động về
cảnh vật, con người và sự sống ở đấy bằng những vần thơ rất mộc mạc.
Đây là cảnh đường đến Roma:
Đồi tiếp đồi vắng vẻ
Cây thông lùn tán tròn
Mận đào đang mùa quả
Cây thông lùn tán tròn
Mận đào đang mùa quả
Và đây là sắc màu thơ mộng được chụp lại bằng
đôi mắt của nhà thơ từ trên đỉnh núi ở rừng Vienne :
Trông vời Danube xanh xanh
Phố phường bát ngát như tranh dưới trời
Phố phường bát ngát như tranh dưới trời
Đây nữa, Pháo Đài Hamlet's Castle tràn trề sức
sống mới:
Cánh buồm trắng rập rờn
Chuyến phà đang vào bến
Người đứng câu trên sóng
Người ra nắng đứng hong
Dinh nhà vua sừng sững
Đại bác đứng vươn nòng
Chuyến phà đang vào bến
Người đứng câu trên sóng
Người ra nắng đứng hong
Dinh nhà vua sừng sững
Đại bác đứng vươn nòng
…
Hàng loạt cảnh vật như thế khiến Một thoáng
trời Âu thành một cuốn album thơ quý giá.
Có cảnh đã du hồn nhà thơ vào Thế giới cổ tích
huyền thoại. Ấy là vẻ đẹp mê hoặc của Nàng Tiên Cá, một bức tượng dựa theo câu
chuyện cùng tên của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng Hans Christian Andersen đã được
dựng lên ở vùng nước ven trung tâm thủ đô Vương quốc Đan Mạch, biểu tượng tiêu
biểu của kinh thành Copenhagen:
Ơi tiên cá...tôi ngỡ mình Hoàng Tử
Tình yêu luôn là phép nhiệm màu
Không có hẹn,duyên trời cho gặp gỡ
Đến bên bờ biển sóng để yêu nhau
Tình yêu luôn là phép nhiệm màu
Không có hẹn,duyên trời cho gặp gỡ
Đến bên bờ biển sóng để yêu nhau
Ở Việt Nam, không biết Nguyễn Khôi đã một lần
dám mộng ước mình là Vua để cưới Cô Tấm thảo hiền về làm Hoàng hậu? Nhưng
hiển nhiên, vừa đến Đan Mạch ông đã có ngay một giấc mơ Hoàng Tử diễm huyền.
Có cảnh thật nghẹn ngào xúc động. Ấy là một Chiều
mưa lâm thâm viếng mộ Hồng Quân ở trong lòng nước Ý đã có thời nằm dưới
quyền thống trị của đảng Phát xit . Thay cho những tiếng chuông nguyện
hồn, nhà thơ ngân lên những tiếng thơ thương xót và cảm phục những quân
nhân Xô viết đã hy sinh khi vào giải phóng thành Vienne:
Ơi những chàng trai Nga
Anh dũng và dịu hiền
CHẾT cho Nhân loại sống
Loài người có thể lên án chủ nghĩa Cộng sản,
căm ghét chính quyền Liên Xô, đập nát tượng Stalin và đòi đưa thi hài Lê
nin ra khỏi lăng…Nhưng muôn đời không thể không biết ơn, không kính trọng sự hy
sinh dũng cảm của các chiến sĩ Hồng Quân Liên Xô vì tự do cho Tổ quốc, vì sự
sống của nhân loại trong đó biết bao người lính trẻ đã vĩnh viễn không trở về
nước Nga mà linh hồn họ nơi đây chỉ còn có thể nghe vọng về từ muôn xa:
Rặng bạch dương thì thào
Ca bài sông Danube
Để nhớ trời Volga
Để hát chiều Mockba...
Ca bài sông Danube
Để nhớ trời Volga
Để hát chiều Mockba...
Có cảnh lại khiến nhà thơ sâu lắng suy tư như
thăm Thánh cung Vatican uy nghiêm lộng lẫy, nơi Cha của các giáo dân, Vua của
các vua Ngài ngự trị:
Ôi vua của các Vua
Chết cũng thành đất đá
Cũng ở dưới đất đen
Và chả "phán" chi nữa
Chết cũng thành đất đá
Cũng ở dưới đất đen
Và chả "phán" chi nữa
Một suy tư rất dân gian Việt Nam:
Vua Ngô ba sáu tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Hay trầm ngâm tự hỏi khi thăm Pháo Đài
Hamlet's Castle, nơi đã dàn cảnh vở bi kịch Hamlet nổi tiếng của W.Shakespear:
Ai kia tranh quyền lực
Tồn tại hay là không?
“To be or not to be”? Câu hỏi này không chỉ là câu tự vấn của
riêng Hamlet hôm xưa mà hôm nay Nguyễn Khôi nhắc nhớ; nó mãi mãi còn là nỗi
trăn trở của toàn nhân loại.
Yêu cảnh vật trời Âu bao nhiêu, nhà thơ yêu
con người ở đó bấy nhiêu.
Họ không hề xa lạ mà rất đỗi thân quen:
Nghe nói dân Roma
Cũng tựa người Nam Bộ ,
Hoa bày ở ban công
Cây xanh mát hè phố
Cũng tựa người Nam Bộ ,
Hoa bày ở ban công
Cây xanh mát hè phố
Ông rất cảm kích tấm lòng mến khách của bạn,
cảm kích đến nỗi đã có lúc phải bối rối:
Bạn yêu ta thật tuyệt vời
Tiếc không hũ rượu để mời mọc nhau
Tiếc không hũ rượu để mời mọc nhau
Nguyễn Khôi rất nặng lòng với nước Ý, bằng
chứng là trong 25 bài thơ có đến trên 15 bài viết về đất nước lấy hoa loa
kèn làm quốc hoa này. Nhưng dù rất yêu nước Ý, người Ý; nhà thơ đã không ngần
ngại nói ra những sự thực để không ru ngủ mọi người.
Nước Ý từng là nơi xuất phát của nhiều nền văn
hóa châu Âu. Nước Ý đã từng được xếp hạng là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới.
Nhưng ngay thủ đô Roma của nước Ý cũng không hiếm:
Người đi giày há mõm
Và :
Chẳng hiếm kẻ lang thang
Ngủ vỉa hè, góc chợ
Ngủ vỉa hè, góc chợ
Kẻ cắp thành Rome không những không thua kém
mà còn vượt trội kẻ cắp chợ Đồng Xuân nổi tiếng cả trăm năm nay ở Việt Nam:
Chớ khinh kẻ cắp thành Rome
Chợ Đồng Xuân cũng phải nhường Đại Ca
Chợ Đồng Xuân cũng phải nhường Đại Ca
Người dân Ý sởi lởi, thuyết lý hùng hồn tranh
luận giỏi nhưng:
Mafia cũng nhất luôn
Và họ cũng đâu có luôn lấy chữ tín làm đầu:
Gặp nhau thì vồn vã
Thết nhau cốc ly tràn
Lời hứa bay theo gió
Đất trời ngỡ Việt Nam
Thết nhau cốc ly tràn
Lời hứa bay theo gió
Đất trời ngỡ Việt Nam
Sự thật ấy mới đúng là muôn mặt xã hội loài
người.
Một thoáng trời Âu cũng là một thoáng rộng sáng cho Nguyễn Khôi
nhìn nhận tinh tường về các thể chế lớn đang cùng nhau ngự trị Thế giới:
Nếu như ở trời Âu này:
Quốc Hội quyền "quyết định"
Chính phủ đành "bó tay"
Chờ "trưng cầu dân ý"
Chính phủ đành "bó tay"
Chờ "trưng cầu dân ý"
Thì ở nước Mỹ xa xôi:
Cầm quyền chỉ hai Đảng
Lèo lái chuyện kinh doanh
Dollar là bom đạn
Khét lẹt mùi chiến tranh.
Lèo lái chuyện kinh doanh
Dollar là bom đạn
Khét lẹt mùi chiến tranh.
Và ở Trung Quốc núi liền núi sông liền sông
với ta:
Ôi "thể chế toàn trị"
Khắc kỷ và cần lao
Có hai, cất giấu một
"Nghèo đói" cảnh giác giầu
Khắc kỷ và cần lao
Có hai, cất giấu một
"Nghèo đói" cảnh giác giầu
Chỉ nhìn ra Thế giới, không đánh giá, không so
sánh và không bàn luận gì đến Việt Nam. Một cái nhìn thật thâm trầm kín đáo!
Là người Việt đọc Một thoáng trời Âu,
ta không thể không kính trọng nhà thơ khi ở trời Âu đã không quên đến với những
người Việt xa xứ đang kiếm sống nơi đất khách quê người.
Vào Chợ Cheb tác giả “Xuýt nhầm chợ tạm
Phùng Hưng” bởi trong dãy dài cầu quán chợ có tiệm hàng Đà Lạt, có đủ
măng, mộc nhĩ từ bản mường Việt Nam gửi sang. Xuýt nhầm nhưng lại mừng khi nhận
ra sự làm ăn đàng hoàng giỏi giang của đồng bào mình:
Xin mừng chợ Cheb Việt Nam
Cộng đồng ta sống đàng hoàng trời Tây?
Luật chơi ai có chừa ai
Giỏi giang ra chợ nước ngoài cạnh tranh
Cộng đồng ta sống đàng hoàng trời Tây?
Luật chơi ai có chừa ai
Giỏi giang ra chợ nước ngoài cạnh tranh
Thăm Chợ Cửa Khẩu VôiTaNốp, nhà thơ hóm hỉnh
cười cảm thông trước tính cách làm ăn thượng vàng hạ cám của dân ta ở xứ người
khi chỉ cần một cái chợ không có mái che:
Đức một bên-Séc một bên
Việt Nam ở giữa dựng lên "chợ trời"
Việt Nam ở giữa dựng lên "chợ trời"
Gặp những người con tha hương ấy, tác giả luôn
chia sẻ tình quê sâu sắc:
Ơi người con tha hương
Tinh quê phương trời thẳm
Gặp nhau ở thành Vienne
Xin cụng ly rượu đắng
Tinh quê phương trời thẳm
Gặp nhau ở thành Vienne
Xin cụng ly rượu đắng
Và bởi mang cái chất nguyên sơ tâm hồn Việt
ấy, Nguyễn Khôi không như ai mải vui quên hết. Trong từng nơi từng lúc,
con người ông ở trời Âu nhưng lòng dạ ông thì lại như đã về đất nước:
Thưởng thức mùi “Hương lạ hương thầm đêm
Venice” thì lại “Tưởng biển Nha Trang gió thầm thì”;
Ngắm hoa pensée thì lại “Đà Lạt nhớ trời quê”. Cắn một quả Oliu thì lại
“Tưởng ngậy mùi trám trắng” và cơm Tàu ở Budapest ngon quá, ngon
đến “ăn uống thỏa thuê” thì lại chỉ thích:
Nhà Tây vợ Việt ... ai chê cơm Tàu
Cả trăm năm nay, đàn ông Việt thường khao
khát: Cơm Tàu, vợ Nhật, nhà Tây chứ có ai thèm vợ Việt!
Bởi thế, Lời tạm biệt từ Praha, bài thơ
cuối cùng trước khi chia tay Một thoáng trời Âu lại toàn là những
lời vui hồ hởi:
Thôi xin chào Châu Âu
Một mùa hè rất tuyệt
Để về với mưa ngâu
Với vợ con thân thiết
…………………………..
Chào thang máy nhà lầu
Mình về cùng ngõ xóm
Một mùa hè rất tuyệt
Để về với mưa ngâu
Với vợ con thân thiết
…………………………..
Chào thang máy nhà lầu
Mình về cùng ngõ xóm
Khó thấy ai đang trên đường vui chơi bên ”xứ
sướng của ngườ i” mà khi giờ chia tay đến lại mong mau mau được trở về cùng
ngõ xóm còn nghèo nàn lạc hậu ở xứ mình như thế.
Bài thơ này làm mình vui vui nhớ ra cô gái quê
trong thơ Nguyễn Bính ngày xưa, chỉ một lần ra tỉnh thôi mà đã:
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều!
Rồi bật cười, hình dung ra bác Nguyễn Khôi,
sau cả Một thoáng trời Âu trở về vẫn y nguyên hương Việt Nam gió Việt
Nam.
Còn mình, mai đi Tây về sẽ ra sao nhỉ?!
3.
Không biết trong cái đêm Venice,“ một đêm
thèm ngủ mà không ngủ” ấy, bác Nguyễn Khôi đã đi vào giấc ngủ thế nào? Còn
mình, đọc xong Một thoáng trời Âu, đôi mắt ngoan ngoãn ngủ ngon ngay.
Sáng ra, gặp bà chủ tại bàn ăn điểm tâm ở
khách sạn, mình lễ phép chào và hỏi:
- Thưa cô, cô ngủ có ngon không ạ?
Bà chủ tươi cười gật đầu rồi bảo:
- Hôm qua, Lý Thành Cương voice chat với cô.
Biết cháu đang cùng cô ở Pháp, nó có lời hỏi thăm cháu đấy.
- Dạ, cô cho cháu gửi lời cám ơn anh ấy.
Cách đây ít tháng, chẳng hiểu sao bà chủ
lại mở album ảnh của bà trên Ipad cho mình xem rồi chỉ vào một chàng trai chừng
ba mươi nom rất khôi ngô rồi bà cười rất vui bảo với mình:
- Cháu ruột cô đấy, doanh nhân Lý Thành Cương
đang sống ở Hoa lục.
Rồi ít ngày sau, bà chủ lại bảo:
- Cô có cho Thành Cương xem ảnh cháu. Nó khen
cháu rất xinh. Hay là làm cháu dâu cô nhé!
Giờ, Bà chủ nói Lý Thành Cương gửi lời hỏi
thăm mình, chắc vẫn có ý định gắp mình cho cháu của bà ấy đây!
Ô, mà mình OK thì sao nhỉ?
Vừa tự hỏi xong thì nghe trong gió ban mai,
lời Con Mọt Sách chiều năm xưa bên hồ Trúc Bạch hồi vọng lại: Thì sang Tàu, lấy
Tàu chứ sao!
Giời
ạ! Đã được bà chủ cho đi Tây rồi lại được cho sang Tàu, lấy Tàu, sao mà được
nhiều thế! Chả bù cho cụ Tú Non Côi ngày xưa, khi hỏng thi đã nói: “Hẩu lố”,
“mét xì” thông mọi tiếng / Chẳng sang Tàu tớ cũng sang Tây” nhưng cụ
đâu có được đi!
Đang
nghĩ tới lúc sẽ phải nói sao đây với bà chủ thì lại hiện lên câu thơ trong Một
thoáng trời Âu:
Nhà Tây vợ Việt ... ai chê cơm Tàu !
Muốn đổi một chữ cho riêng mình:
Nhà Tây chồng Việt ... ai chê cơm Tàu !
Liệu có được không, thưa bác Nguyễn Khôi?!
Tháng 7/ 2016 - DƯƠNG NINH NINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét