Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

NHÀ THÔNG THÁI TÍ HON – CUỐN SÁCH CHO TRẺ EM VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU TRẺ





NHÀ THÔNG THÁI TÍ HON –
CUỐN SÁCH CHO TRẺ  EM
VÀ NHỮNG NGƯỜI YÊU TRẺ
                                                                                                                           VŨ NHO

NHÀ THÔNG THÁI TÍ HON  là tập hợp 82 truyện cực ngắn của Hoàng Kim Bảo, vừa ra mắt tháng 5 năm nay, do nxb Hội Nhà Văn ấn hành.
Trước hết cần phải khẳng định rằng cuốn sách được viết bởi một người vô cùng yêu trẻ, gần gũi thân thiện với trẻ, biết cách lắng nghe, chuyện trò, thân mật  với những đứa trẻ. Những nhận xét, quan sát của tác giả về  những em bé vừa tinh tế, chính xác, vừa được diễn tả bằng một ngôn ngữ rất thơ, rất trong sáng. Ngôn ngữ ấy, tác giả đã từng thể hiện thành công trong tác phẩm Những cánh hoa tương tư  và ở đây càng nổi rõ. Một điều quan trọng khác là những câu chuyện này “cực ngắn”. Có thể đọc hai ba truyện liền một lúc cũng không mệt.
Tất cả các nhân vật tí hon ở đây đều rất đẹp, rất đáng yêu. Bởi vì các em được miêu tả bằng một trái tim yêu trẻ, nhân hậu, mộng  mơ và lãng mạn. Ví như chàng trai  Hùng sáu  tháng tuổi “ ngồi rất đẹp, lưng thẳng,  hai tay đang vẫy, cao ngang tầm một Búp bê tóc tết đuôi sam. Trông Hùng giống hệt một Búp bê nam” (Cho chị Tú đấy, tr. 44). Và như Tú tí chẳng hạn : “ Tú bé lắm, giống một con búp bê miệng nhỏ xíu như bông hoa và mắt sáng như sao” ( Em yêu ơi, em quý ơi! Ra đây với chị, tr.54). Còn đây là chân dung Hoàng Anh Minh : “…Đặc biệt, ảnh Hoàng Anh Minh đứng trong xe ba bánh màu đỏ, cổ chân và cánh tay đeo vòng vàng, trông oai như Na Tra thái tử. Đáng yêu nhất là ảnh chụp Minh lúc một tuổi, mặc áo gile trắng, tay vươn ra như Chúa hài đồng” ( Gau! Gau! Gau! tr. 104). Chân dung của hai bé gái khác : “ Cháu có biết Trà My là tên một loài hoa không? Cháu có nụ cười tươi như bông hoa đó. Phụng nói với cô gái nhỏ,
-         Còn cháu tên là An Giang đúng không? Phụng nói với cô gái lớn.
-         Vâng! Đúng ạ.
-         Tên cháu đẹp đấy. An Giang có nghĩa là con sông yên bình” ( Có phải để mơ không?, tr. 184).

Không chỉ miêu tả, kể chuyện về nhân vật, người đọc còn được nhìn thấy ảnh chân dung của  nhiều nhân vật, tuy là ảnh đen trắng nhưng khá đẹp.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại gọi các nhân vật của mình là “Nhà thông thái tí hon”. Tiêu chuẩn thông thái là gì? Có thể đo đếm như người ta đo chỉ số IQ hay không? 
Chúng tôi  cho rằng đây là những câu chuyện được kể bằng tấm lòng yêu thương, trân trọng các em bé, cho nên “thông thái” chủ yếu được miêu tả là sự nhanh nhạy, ngộ nghĩnh, so với cái tuổi còn rất “non” của các em. Ví như bé Tố giặt áo. Bị bà Phụng trêu là giặt không sạch, bé đã trả lời bằng một câu xanh rờn : “Ê! Không phải bùn đâu. Nhựa chuối đấy. Con ruồi bay qua người ta còn biết con đực con cái nữa là!”. Cái chuyện biết giới tính ruồi ấy, chẳng qua là nói lại  câu nói thường ngày mà bé nghe người lớn thôi. Nhưng mà nói đúng chỗ, đúng lúc thế thì “thông thái” quá đi chứ! Hay chuyện “thiên tài” của Dũng. Thiên tài ấy toàn là những tài vặt như đánh quay, đánh đáo, chơi búng, chọi cá. Lại có cả một “tài năng” phi thường : “ bỏ vô miệng một vốc nhãn, nháy mắt đã  nhằn ra một lúc cả vỏ lẫn hạt”. Còn đánh khăng nữa chứ! “Đánh tung một cây khăng từ mặt đất, rồi nhằm trúng giữa, và để khăng bay thật xa thì khó lắm. Khó lắm! Phải có thiên tài” ( Thiên tài, tr. 81).
Thông thái có khi chỉ là biết đặt ra một câu hỏi có tính logic. Ví như “bà ngoại” được gọi là “bà cái” ( chữ “cái” này trong tiếng Việt cổ của ta, có nghĩa là mẹ - con dại cái mang, nhưng nhân vật chưa biết). Vậy thì “bà nội” sao không gọi là “bà đực”? ( Bà nội gọi là gì?, tr. 73). Hoặc đơn giản chỉ là một câu hỏi để khẳng định có tính cảm thán : “Sao mà sữa ngon thế nhỉ?” ( tr. 23) hay là “ Chị Trà My ơi! Sao “ Nàng tiên cá” và “80 ngày vòng quanh thế giới lại hay thế nhỉ!” ( tr. 24).
Thông thái có khi là biết cách trả lời một câu hỏi hóc búa của người lớn về tác phẩm kinh điển, khi mà  bé muốn nghe kể chuyện: “ Con cần gì phải hiểu, con chỉ cần biết thôi” (Con cần gì phải hiểu, tr. 65). Thú vị nhất là ngay cả khi  nhân vật được bác Phụng gọi là “nhà thông thái” vì “rất xinh, lại giỏi nữa”, lại  “biết tên đến mười mấy loài hoa”, nhưng trong mắt mấy bạn cùng lứa thì nhà thông thái vẫn bị coi là “ngố” : “ Hai đứa bé gái thân thiện và hồn nhiên quát với sang : “ Bạn Hương ngố ơi! Bạn đi đâu đấy?” ( Bạn Hương ngố ơi! tr.14).
Một nhân vật “thông thái” khác thì đúng là rất thông thái, vì thuộc, nhớ những câu nói của những người nổi tiếng như  cha đẻ của thuyết tương đối, hoặc tỉ phú Bill Gate . Nhớ và vận dụng khéo “ Em có thể ứng khẩu đọc ngay một câu thế vào để gỡ rối với bất cứ chủ đề nào” ( Kẻ ngu dốt là gì? Lười cũng tốt, Trượt vài môn, Hãy chờ làm sếp nhé). Nhưng trong con mắt  của  chị An, em  vẫn bị coi là “ ngố” :
Nhưng em ấy vẫn ngố. Mẹ Tú bảo em ấy ngộ chữ đấy bà ạ  ( Lười cũng tốt, tr. 165).
 Luôn luôn bắt gặp những tình huống mà nhân vật thông thái làm cho chúng ta mỉm cười. Có em thì thấy cái bàn gãy chân, như một người bạn cẩn an ủi, hỏi thăm : “ Bàn ơi! Bàn gãy chân có đau không?” ( Bàn ơi, Bàn có đau không? tr. 138). Em khác thì đưa ra cách “phạt em bé” bằng cách đề nghị “ - Mẹ lại cho em bé vào bụng!” ( Phạt em bé, tr.136). Em khác nữa thì thích Chủ nhật đến nỗi ao ước “ Sao người ta không nghĩ ra một trăm ngày chủ nhật” ( Một trăm ngày chủ nhật, tr. 134). Còn anh bạn Tý không hiểu “tự lo” là thế nào nên áy náy lắm. Cho đến khi mẹ bưng cho tô bún.
Tý vội vàng đỡ lấy:
“ Cho con cái thìa nữa mẹ!”.
Rồi như sực nhớ ra, Tý gật đầu sốt sắng:
-         Thôi để con tự lo. Con tự lo được, mẹ ạ!
-         Tự lo cái gì?
-         Tự lo cái thìa, mẹ ạ!
                    ( Tự lo, tr. 127)
Những truyện tuy rất ngắn, nhưng người kể luôn chú ý tới không gian hoạt động của các nhà thông thái tí hon. Bởi vậy, bạn đọc sẽ được thấy những cảnh vật được miêu tả đôi nét nhưng sống động và rất ấn tượng… Chẳng hạn “ Một buổi sáng, vỏ hạt dẻ trôi đến một vùng hồ đầy hoa súng. Nơi đó có những con ếch xanh và đàn cá con màu lam bé tí xíu bơi cực nhanh, nhanh đến nỗi chúng chỉ khẽ uốn mình, không một tiếng động , là đã mất tăm mất tích” ( Những con cá màu lam, tr. 21). Hoặc “ Hè này Vũ được bố mẹ cho về sống trong trang viên vài trăm mét vuông của nhà ông nội. Đấy là cả thế giới thần tiên đối với em, tranh truyện cũng không bằng, ti vi cũng không bằng : Cây cối rợp bóng và hoa lá trông như một vườn cổ tích, nhà ở thênh thang như một lâu đài, còn phòng ngủ với nhà xếp hình và đủ thứ đồ chơi, kể cả đĩa bay và tàu tốc hành, thì lộng lẫy như một cung điện…” ( Kiến nâu tìm gì,  tr. 179).
          Tác giả viết rằng “ Phẩm chất thông thái mà tác giả tập truyện thể hiện, trước hết là sự thông thái của những trí tuệ ngây thơ, những tâm hồn non nớt đang còn sống trong khoảng nối kì diệu giữa thế giới thực tại với những huyền thoại, giữa thực tại với những hồi ức, hoặc của riêng thực tại với bao nhiêu mơ mộng…[…]
Ngoài sự thông thái, tập truyện còn biểu hiện những phẩm cách khác của trẻ em Việt Nam, như là tình yêu thương, tài năng, tính cách, sự vị tha, sự hài hước, sự  thụ cảm  sâu sắc trước những tâm hồn và trí tuệ thông thái của nhân loại…” ( Lời tác giả).
Bạn đọc sẽ chứng nghiệm điều trên qua 82 truyện cực ngắn. Có một điều, qua các truyện đó, người lớn cũng suy ngẫm và học được bao nhiêu điều về cư xử với trẻ nhỏ. Vì sao mà khi  nói về  em bé “ mặt  thì xinh, tóc cũng xinh, nhưng chân tay dài nghêu, xấu thế”; em đã  trả lời “giọng chắc như đinh”: - Bác đừng tin bác ấy. Bác đừng tin! Bác ấy nói dối đấy” ( Lòng tin, tr 10). Hoặc khi trêu “ Em xinh thế,  bố mẹ em cũng xinh thế, sao lại ở cái nhà bé thế, xấu thế này!” thì nhận được câu trả lời : “ Không phải đâu ! Đây chỉ là cái nhà bố em, mẹ em và em tối về ngủ thôi. Còn bố mẹ em và em có một lâu đài to lắm, đẹp lắm, ở tận chín tầng mây kia kìa” ( Nhà em ở 9 tầng mây, tr. 17). Khi  bị chê là tóc “hôi”, Hùng rất thích lời bác Phụng khen “Tóc con thơm như cỏ. Và nắng cũng thơm như tóc con” ( Nắng cũng thơm như tóc con, tr. 30).
          NHÀ THÔNG THÁI TÍ HON  là sách viết cho các em, nhưng người lớn đọc cũng rất thú vị.
 Bởi vì sách hay là  cuốn sách cho mọi lứa tuổi.
                                                                  
Hà Nội, 11 tháng 6 năm 2016
 Đã in trên "Quân Đội Nhân Dân cuối tuần" số 1074, tháng 7/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét