ĐỌC TÁC
PHẨM CHỌN LỌC,
GHI NHẬN NGẮN VỀ KỊCH
NGUYỄN HIẾU,
VÀI NĂM GẦN ĐÂY
ĐƯỜNG VĂN
1.
Tác phẩm chọn lọc (NXB Sân khấu, 2016) là
tuyển tập kịch bản văn học thứ 4 của Nguyễn Hiếu. Sách tập hợp, chọn lọc 8 kịch bản mà anh đã viết trong khoảng
thời gian 3 năm gần đây (2014 – 2016). Đọc tập sách dày tới 780 trang, trong
tôi bỗng dậy lên 3 nỗi niềm: mừng, mong và tiếc.
Mừng
cho sức bút của cây viết kịch Hà Nội, quê ngoại làng Chiện, tuy đã tròm trèm
thất thập, nhưng vẫn còn sung mãn, tràn trề lắm! Tư duy sắc bén, nhanh nhạy,
cấu tứ, bố cục, lớp lang, mảng miếng, thủ pháp phong phú, dồi dào, cảm hứng
tràn trề, nồng nhiệt, văn kịch vừa lọc lõi vừa tung tẩy, phóng khoáng, trẻ
trung, hóm hỉnh… thể hiện một bút pháp,
phong cách kịch ngày càng sắc nét, già dặn. Thật hiếm thấy ở những nhà văn
vào lứa tuổi này! Mừng anh bạn già
vừa gặt hái một thành công mới, đáng ghi nhận về lĩnh vực nghệ thuật mà anh đam
mê và nguyện cống hiến suốt đời.
Mong,
vì cho đến nay, 8 vở kịch nói ấy và
nhiều vở khác của Nguyễn Hiếu, dù đã được in ấn thành sách, thành tuyển tập,
nhưng thảy đều chưa được các nhà hát kịch, các đoàn kịch nước ta dàn dựng, đưa
lên sân khấu trung ương hay địa phương, chuyên nghiệp hay nghiệp dư... Điều này
hẳn có nguyên do nghiêm túc, sâu xa của nó, nhưng rõ ràng chẳng thiệt thòi và
không may cho tác giả biết bao!? Bởi kịch
là loại thể văn học nghệ thuật tổng hợp.
Một tác phẩm kịch chỉ có thể đi trọn một
vòng đời của nó, chỉ được nhận chân giá trị đầy đủ tư tưởng nông, sâu, cống
hiến nhiều ít, khi nó được dàn dựng, trình diễn trên sân khấu, để công chúng
khán giả cùng nhà phê bình có cơ hội trực tiếp thưởng thức, định luận. Rất mong
và tin rằng, trong trong tương lai gần và xa, lần lượt các tác phẩm kịch bản
văn học tâm huyết của nhà văn làng Chiện sẽ được xuất hiện và lưu diễn trên các
sân khấu nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Tiếc
vì tập sách vẫn còn sót một ít hạt sạn về in ấn, không đáng có: Một số lỗi chính tả thông thường vẫn chưa được
sửa hết; tên vở kịch bị in sai: Nhập
nhòa, làng quê, một cái nhan đề
bằng hình ảnh biểu tượng khá sống động lại thành Nhập hòa, làng quê. Chỉ
thiếu 1 con chữ n mà nhan đề trở nên chung trung, trừu tượng, khô khan, vô
hồn?! Việc ghi tên thể loại dưới các
nhan đề kịch bản cũng thiếu thống nhất, chưa đầy đủ và có phần lộn xộn, vừa
thiếu vừa thừa. Ví dụ: Dưới nhan đề Án
Dâm Đàm (tr. 7), không xác định thể loại kịch mà lại ghi thời điểm sáng tác?! Tiếng hú của sói con
(tr. 113), Con tàu hoang (tr. 220), Người đi giữa mùa sấu (tr. 549) đều ghi:
Kịch nói. Thừa! vì tất cả 8 vở trong
sách đều là kịch nói. Nhưng vẫn thiếu,
vì vẫn chưa xác định cụ thể là thể loại
kịch nói nào?! Mạc Đăng Dung – Ông
vua làng chài (tr. 551), Người đàn bà
điên nơi rừng thẳm (tr. 573) cùng ghi: Kịch!
Càng thừa và chung chung hơn nữa?!... Thế là đã có 6/8 kịch bản văn học trong tập
sách mắc sơ xuất này. Quả thật đáng tiếc! Mong những khiếm khuyết trên sẽ được
khắc phục triệt để trong lần tái bản sau.
Dưới đây là một vài ghi nhận và cảm
luận bước đầu của chúng tôi về những thành công cùng hạn chế khi đọc những vở
kịch trong Tác phẩm chọn lọc của tác
giả Nguyễn Hiếu.
2. Có thể nói, Nguyễn Hiếu là ngòi bút kịch say mê,
không biết mệt mỏi, mỗi khi tìm tòi sáng tạo cái mới, cái riêng mang dấu ấn cá
nhân nghệ sỹ trong quá trình viết kịch vài chục năm lại nay. Với vở nào cũng
thế, bập vào thể loại kịch nào cũng vậy. Mỗi kịch bản văn học của anh đều thể
hiện ít nhiều những nỗ lực, trăn trở kiếm tìm, nghĩ suy, lựa chọn triệt để, hết
mình… từ chủ đề tư tưởng đến mâu thuẫn xung đột, nhân vật, tình huống và lời
thoại cùng các thủ pháp nghệ thuật… đặng hi vọng mang tới cho người đọc, người
xem ít nhiều hấp dẫn, cuốn hút. Anh đã và đang cố gắng tự làm mới mình, tự vượt
mình với những kết quả đáng ghi nhận cũng như vẫn còn đây đó những hạn chế cũ,
mới cần kiên trì khắc phục. 8 vở kịch mới ra lò đã chứng tỏ rõ ràng nhận xét
tổng quát của chúng tôi.
Kịch
lịch sử là thể loại Nguyễn Hiếu rất quan tâm. Anh từng đạt được thành công
vang dội với vở Thầy Chu (Nhà hát
chèo quân đội chuyển thể: Chu Văn An –
Người thầy của muôn đời; Huy chương
vàng hội diễn SKCN toàn quốc, 2015). Phát huy chiến quả tốt đẹp, trong một thời
gian không dài, anh viết liền 2 kịch bản: Mạc
Đăng Dung – Ông vua làng chài và Án Dâm Đàm.
Ưu
điểm nổi trội của cả 2 vở kịch lịch
sử này là tác giả vẫn mạnh bạo và bản lĩnh lựa chọn những đề tài, sự kiện, vấn
đề, nhân vật lịch sử Việt Nam chưa thật định hình, đã từng và vẫn đang gây ra
những cuộc thảo luận, tranh luận gay gắt và dai dẳng, đồng thời đó cũng là
những sự kiện, nhân vật có nhiều khả năng liên tưởng, đối sánh, đối thoại với đất
nước, con người và thời đại hôm nay. Ưu điểm của Nguyễn Hiếu là tư duy và bản
lĩnh nghệ thuật vững vàng, khi thể hiện những chủ đề tư tưởng mới mẻ, quan điểm nhìn nhận, đánh giá thậm
chí trái ngược, đối lập với truyền
thống theo phong cách của mình. Quả thật, lịch sử không chỉ gồm những sự thật
lịch sử, những quy luật và chân lý lịch sử mà còn là những góc nhìn, điểm nhìn,
cách nhìn lịch sử khác nhau. Trải qua thời gian, chân lý lịch sử từ sự thật
lịch sử mới dần dần được tiếp cận, minh định càng ngày càng đúng đắn hơn, sâu
sắc hơn, đáng tin cậy hơn.
Chẳng hạn, vụ án Dâm Đàm được nhà viết kịch hôm nay nhìn nhận và phục dựng lại
trên sân khấu kịch nói lần này mang đậm tính
bi kịch. Các nhân vật chính đã được soi chiếu, phân tích và hình tượng hóa
với cái nhìn hiện thực đa chiều phong phú và khách quan hơn, khác hẳn với bộ ba
vở chèo nổi tiếng Bài ca giữ nước (Tào Mạt) (ra đời vào những năm
80 thế kỷ trước).
Nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh từ
một đại thần lương đống của triều Lý trở thành nạn nhân bị hãm hại, một tội nhân bạo nghịch không thể giãi bày oan
khuất chứ không phải như là một gian thần tài hoa nhưng kiêu mạn, dám táo tợn
mưu thí vua! Dưới ngòi bút Nguyễn Hiếu, đó là một nhân vật bi kịch. Không chỉ riêng ông đau đớn, bất lực chịu hình
phạt lưu đầy biệt xứ trong sự hả hê đắc thắng của lũ gian thần xiểm nịnh mà đến
vị nguyên soái lẫy lừng Lý Thường Kiệt,
vì sự rắc rối của vụ việc, ở vị thế đương chức của bản thân, trước uy quyền tối
thượng của bậc mẫu nghi thiên hạ, ông cũng đành thúc thủ đứng nhìn, không dám
và không thể can vua (học trò), canThái hậu, càng không thể làm rõ sự thật bên
trong!
Linh
Nhân Thái hậu cũng là nhân vật mâu
thuẫn, không đơn giản một chiều.
Không những bà biết rõ Lê Văn Thịnh vô tội mà ông còn là bậc toàn tài, một
trong 3 cây cột trụ của triều đình, nhưng Lê lại kiên quyết chống cản tâm
nguyện sám hối của bà (xây 72 ngôi tháp để thoát khỏi sự báo oán, quấy nhiễu
của oan hồn Thái hậu Thượng Dương và 72
cung nữ vô tội bị bà xuống lệnh giết trong vụ tranh giành ngôi Thái hậu).
Vậy thì bà, dù thật đáy tâm không muốn, nhưng vẫn phải xuống tay vu tội, khép
tội để loại trừ kẻ ngáng trở!...
Tôi cho rằng điểm mới đáng ghi nhận
thành công của vở Án Dâm Đàm là ở
đây, là ở sự phân giải và khai thác thế
giới nội tâm biến đổi phức tạp theo hướng tiêu cực của bà Thái hậu vốn xuất
thân từ cô thôn nữ ỷ lan này. Điểm
mới chủ yếu thuộc về nội dung tư tưởng, về cách phân tích, đánh giá nhân vật
lịch sử một cách toàn diện, khách quan, gần với sự thật lịch sử, mang tính
thuyết phục cao hơn.
Còn về mặt nghệ thuật thể hiện, trong vở này, thấy chưa thật có gì đặc sắc,
vượt trội. Nói cách khác, từ khai đoan qua cao trào tới thắt nút đến mở nút đều
khéo léo, hợp lý, mạch lạc, nhưng hiền lành một cách cổ điển! Chưa thấy có phá cách khiến người xem sững sờ, kinh
ngạc!
Nếu so với Án Dâm Đàm thì Mạc Đăng Dung
– Ông vua làng chài, trong cảm nhận và phân tích của chúng tôi, có lẽ là vở
kịch lớn hơn, toàn diện hơn, phức tạp hơn và cũng thành công hơn về cả nội dung
tư tưởng và thủ pháp biểu hiện. Điều này không chỉ được tuyên bố trực tiếp
trong những lời đề từ mang tính chỉ
dẫn tư tưởng – nghệ thuật:
Kịch
bản này chỉ có một mâu thuẫn: Ngừng trệ hay phát triển?! một nhân vật: Lịch sử… và lời giục giã cho
nghệ thuật sân khấu kịch lịch sử: Nào
lịch sử! chảy đi!... (tr. 541)
mà còn thấm đẫm trong từng tình huống, chi tiết, từng
nhân vật, từ đầu tới cuối. (Chúng tôi đã có dịp viết kỹ và cụ thể hơn trong bài
khảo cứu Những cách tân của Nguyễn Hiếu trong kịch bản Mạc Đăng
Dung… đăng trên Tạp chí Sân khấu số…., tháng…. năm 2014), nên ở đây,
xin phép không nhắc lại). Tôi chỉ muốn khẳng định thêm một lần, rằng:
Kịch bản Mạc Đăng Dung – Ông vua làng chài đánh dấu một thành công sáng tạo
nghệ thuật mới của nhà viết kịch Nguyễn Hiếu. Bằng hình tượng nghệ thuật kịch
nói, với những thủ pháp, mảng miếng khá đa dạng và hiệu quả, vở kịch ca ngợi
cha con vua Mạc Đăng Dung - Mạc Đăng Doanh và triều đại nhà Mạc; Vương triều
thay thế nhà hậu Lê suy vi, thối nát,
với những thành tích văn trị rực rỡ. Vượt thoát tư tưởng trung quân cổ truyền
bảo thủ, thoát ly hoàn toàn ảnh hưởng của cách đánh giá thiên lệch, cực đoan
của các sử gia triều Lê Trung hưng, họ Mạc không phải là những kẻ tiếm vị, soán
ngôi, võ biền, tàn bạo mà xứng đáng là những minh quân đem hết sức tài phục
hồi, ổn định và canh tân đất nước. Vương triều Mạc không phải là ngụy triều mà một trong những triều đại có những đóng
góp không nhỏ cho đất nước và nhân dân Đại Việt trong một giai đoạn lịch sử Việt
Nam
thế kỷ 16.
3.
Con tàu hoang là kịch nói đậm tính thời sự chính trị - xã hội từ trong
đề tài, chủ đề tư tưởng, thể hiện nhiệt tình và ý thức nhà văn – công dân cháy bỏng của tác giả trước một trong những vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, cấp
thiết của nước ta trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Vụ án kinh tế của tập
đoàn công nghiệp tầu biển Vinasin đã
khép lại với bao nhiêu thất thiệt về vật chất và tinh thần mà Nhà nước và nhân
dân phải gồng mình gánh chịu. Vụ án tham nhũng tập thể khổng lồ đã để lại không
ít bài học kinh nghiệm về cơ chế và đạo đức cán bộ lãnh đạo trước vấn đề lợi ích nhóm và quyền lợi ích kỷ của
những cá nhân tham nhũng, suy thoái… đã trở thành đề tài và cảm hứng sáng tác cho
1 truyện, 1 tiểu thuyết vừa và 1vở kịch
mới của Nguyễn Hiếu.
Mượn hình tượng con tàu hoang, lênh đênh những ngày đêm hấp hối trên đại dương,
hoàn toàn bị bỏ rơi, lãng quên, đợi ngày chìm hẳn trong lòng biển với người
thuyền trưởng cô đơn, khắc khoải đợi chờ sự cứu giúp từ đất liền trong vô vọng,
bất lực, uất ức và buồn chán. Hình tượng Thuyền trưởng Sơn tràn đầy nhiệt tình và giàu kinh nghiệm, bị rơi vào tình thế bế
tắc chất chồng, bi kịch chồng chất, cả việc công con tàu và việc tư gia đình
trên bờ: có người vợ ngoại tình với chính người em kết nghĩa mà ông từng cưu
mang,dìu dắt! Đau đớn trong căm giận, nhưng vẫn không phút nào lụi tắt niềm tin
và hi vọng vào cái thiện, cái đẹp của lý tưởng và con người,… Chân dung người
thuyền trưởng thế hệ thứ hai hiện lên thật đáng khâm phục và cảm thương. Phải
chăng đó là một bi kịch lạc quan của
thế kỷ 21? Vang lên giữa biển khơi bát ngát khúc bi ca về người anh hùng một
thời trở thành nạn nhân của một thời đổi thay cơ chế lãnh đạo, vận hành một
ngành công nghiệp mũi nhọn ở nước ta. Cái
mới và tính thời sự của cốt truyện và nhân vật đặt trong những xung đột gay
gắt, quyết liệt càng làm cho tính bi của
vở kịch thêm căng thẳng và cho đến tận cảnh cuối vẫn chưa hé lộ cách có thể cởi
mở, giải quyết vấn nạn. Đó là hiện thực đương thời của xã hội khắc nghiệt được
nghệ thuật hóa, điển hình hóa trong những không
gian nghệ thuật độc đáo: một con tàu
đang sắp thành ma lênh đênh giữa một không gian biển cả mênh mông cô đơn bao
trùm. Hình ảnh nghệ thuật sáng tạo thực - biểu tượng đột ngột và thú vị: Thuyền
trưởng Sơn câu cá và chính ủy Lân cùng kinh ngạc, chứng kiến cảnh con cá tham ăn, mắc mồi nhân tạo, vừa được
giật lên đã bị con hải âu tranh mất.
Ngay lập tức, con cắt biển xé gió lao vào tranh lại từ con hải
âu. Và cuối cùng, cả mấy con chim, con cá tranh ăn chí chết đều trở thành miếng mồi ngon ào vào cái miệng rộng
hoác, đỏ lòm của con cá mập khổng lồ
hung tàn, hiểm độc, đang há to, chờ sẵn!... Quy luật sinh tồn trong thiên nhiên
khắc nghiệt đến vậy! Nhưng quy luật cuộc sống xã hội con người thời hiện đại có
lẽ còn khắc nghiệt hơn nhiều!... Sức khêu gợi và cảnh báo của Con tàu hoang quả thật, sẽ không hề nhỏ!
4. Kịch tùy hứng – giả tưởng là
thể loại kịch mà Nguyễn Hiếu yêu thích và ra sức thể nghiệm, phát triển từ vài
chục năm nay và anh đã đạt được những thành công đáng kể như các vở Cu Tũn thích làm người lớn, Linh hồn đông lạnh…
Gần đây là Nhập nhòa, làng quê…
Tiếc cho cái nhan đề ám ảnh, đầy khêu gợi bị in thiếu chữ n thành ra Nhập hòa,
làng quê… chung chung đến lạc đề! Lại nữa, đọc kỹ vở kịch tùy hứng này cứ
thấy ít nhiều sự lặp lại vở kịch của
chính Nguyễn Hiếu viết dăm năm trước: Vụ
án giữa hai nhà (Hàng rào mồng tơi
gãy rập), từ cốt truyện vụ án giết người đến nhân vật, qua tình huống, mâu
thuẫn, kể cả cách khai thác các nhân vật ảo tưởng: linh hồn những người đã
chết, lão Cu, một nhân vật liên hoàn,
xuyên thể loại và tác phẩm độc đáo vào loại nhất của Nguyễn Hiếu, Thành Hoàng làng Chiện, một nhân vật
thần linh quen thuộc ở làng quê tác giả, rồi nhân vật Trưởng Công an xã thích
ăn tiền và ăn nhậu, quen thói hách dịch, vu tội cho người vô tội…
Ấn tượng này có phần làm giảm đi hứng thú của
người đọc, người xem; nhưng bù lại, các tình tiết trong kịch được dẫn dắt khéo
léo, kín võ. Giữa các nhân vật hư ảo và các nhân vật hiện thực vẫn có mối quan
hệ gần xa, gắn kết, giao lưu, đối thoại, chứng kiến và báo mộng, cầu xin, chạy
tội; cảnh báo và trừng phạt; có sự hỗ trợ hợp logich giữa thế giới tâm linh
huyền thoại mơ hồ, thiêng liêng (cõi âm) và chính quyền, pháp luật công bằng,
công tâm nơi dương thế. Quang cảnh và đời sống nông thôn Việt Nam đang tiến
mạnh trên con đường đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với biết bao sự
thay đổi phức tạp, mặt trái và mặt phải, ưu điểm và nhược điểm công khai và bí
mật, đơn giản và lắt léo, ánh sáng và bóng tối đan xen, chuyển tiếp… Đúng là nhập nhòa, làng quê! Con đường phát
triển vươn tới một nông thôn mới: xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn minh và nhân
ái không mấy suôn sẻ một lèo mà phải trải qua không ít khúc quanh, gập ghềnh.
Trên con đường vinh quang, mới mẻ đầy khó khăn, thử thách đó, vẫn luôn hiện hữu
sự khác biệt, nối tiếp, kế thừa và giao thoa giữa các thế hệ. Vấn đề giáo dục
phẩm chất con người sống và làm việc theo pháp luật, giáo dục và tự giáo dục
đạo đức đội ngũ cán bộ các cấp, các thế hệ chuyển tiếp, kế thừa nhau và giáo
dục con cháu họ, vẫn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong công
tác cán bộ và tuyên giáo hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.
Nhập
nhoà, làng quê tuy không có những
khám phá mới mẻ, đột xuất; nhưng vẫn là lời cảnh
báo xã hội bằng hình tượng nghệ thuật cần thiết và kịp thời, xứng đáng được
ghi nhận.
Trong các vở kịch tùy hứng - giả tưởng của mình, Nguyễn Hiếu ngày càng vận dụng nhuần
nhuyễn, linh hoạt và kết hợp thành công giữa các yếu tốt hư ảo, tưởng tượng và
yếu tố hiện thực đời thường với nhiều kiểu dạng, mức độ, tầng bậc khác nhau,
một cách tự do gần như tự nhiên, tùy hứng; nhưng thực tế vẫn không vượt ngưỡng cho phép. Tất cả các yếu tố hư ảo và cảm xúc tùy hứng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của tư duy và ý đồ
nghệ thuật của người sáng tạo. Đọc kỹ, thấy cả 8 vở trong tập đều ít nhiều,
thấp thoáng hay đậm đặc, xuyên suốt thủ pháp độc đáo này. Phải chăng đó chính là
một trong những đặc điểm làm nên phong
cách nghệ thuật kịch nói Nguyễn Hiếu?
5. Người đi giữa mùa sấu chứa
chan những hoài niệm, man mác trữ tình, ấm áp và dịu dàng tình yêu và lòng nhân
ái… như một bài thơ lãng mạn buồn về một thành phố Thủ đô Hà Nội trải hơn 60
năm, trải qua số phận cuộc đời, những cuộc gặp gỡ, chia tay, đợi chờ như là
định mệnh, như trong cổ tích của những Vệ,
An, Hải, Đằng, Thẩm… với những Vinh trọc, Lan, Định, thậm chí cả bọn
đầu gấu tay sai Long thộn, Hùng lang.
Bản tình ca cũ thi thoảng lại vẳng lên suốt chiều dài vở kịch như tiếng thì
thầm, như ngân nga, nhắc gợi của một mối tình bàng bạc đã cách chia lứa đôi tới
già nửa thế kỷ:
Ta với em cách nhau lá sấu rơi …
Em và ta, hai trái sấu đầu cành
cùng
với sợi dây xà tích bạc những quả sấu
hằng năm đã không chỉ trở thành vật kỷ niệm ghi nhớ mối tình đầu trắc trở mà
như linh hồn trữ tình của Hà Nội và người Hà Nội xưa: thanh lịch, thủy chung,
hiếu thảo, rộng rãi, nhân từ, ơn nghĩa… nói chung là… tốt lắm! đẹp lắm! xứng đáng
trân trọng, nâng niu lắm!... trải qua thời chiến tranh, chia cắt đến thời
hòa bình xây dựng kế hoạch, bao cấp khó khăn chồng chất mà vui đời, lạc quan hy
vọng…
Cảnh hiện tại đồng hiện với cảnh quá
khứ xa xưa lại là một Hà Nội nghèo cực, lam lũ xen với cảnh đời bụi bặm với
những lo toan, tính toán thực dụng mới của những thế hệ Hà Nội xưa và Hà Nội
hôm nay thể hiện trong 2 gia đình thông
gia bất đắc dĩ: gia đình bà An và gia
đình ông Thẩm. Thủ pháp dựng cảnh và sắp xếp thời gian đồng hiện như thế,
Nguyễn Hiếu vận dụng từ nghệ thuật thứ 7
(Điện ảnh), góp phần tạo nên tính hiện
đại của kịch bản.
Vở kịch như là sự nối tiếp cùng đề
tài, khác loại thể: tiểu thuyết Tình nhân
(2011), cũng của Nguyễn Hiếu xuất bản trước đó 6, 7 năm.
Chỉ tiếc nửa cuối cảnh 7, từ cốt truyện kịch đến tình huống và nhân vật cứ
nhang nhác như một đoạn truyện Những
người khốn khổ của văn hào Pháp thế kỷ 19 Vichto Huygô (đoạn kể chuyện ông Thị trưởng Giăng Van Giăng bị tên lưu manh tàn độc, nham hiểm Tê nac đi ê cùng đồng bọn lừa đến hang ổ
đe dọa, tống tiền. Có thể, đó chỉ là sự giống nhau một cách ngẫu nhiên, vô
tình?! Nhưng dù sao cũng gây ảnh hưởng không hay trong tư duy liên hệ của người
đọc, người xem. Tốt nhất là tác giả nên và cần sửa chữa lại đoạn kịch đó một
cách độc lập, trước khi cho dàn dựng hoặc tái bản kịch bản.
6.
Ba vở còn lại trong Tuyển tập:
- Tiếng
hú của sói con (kịch về nhóm thiếu nhi bụi đời, bỏ nhà, tụ bạ cùng nhau ăn
chơi, và tổ chức cướp bóc, tống tiền, bị phát hiện, trước sự ngỡ ngàng, ân hận
của các bậc cha mẹ (đều là những người lớn thiếu gương mẫu, chỉ nghĩ đến sự vui
sướng của mình mà thờ ơ, bỏ mặc con cái… Nói tóm lại là những bậc phụ mẫu…
chẳng ra gì! chẳng xứng đáng làm mẹ, làm cha trong cái nhìn uất hận, nghiệt ngã
của con trẻ. Họ chính là nguyên nhân đầu
tiên gây ra tội lỗi cho chính con cái mình). Cứ 1 cảnh thực hiện tại lại nối
tiếp xen kẽ 1 cảnh ảo (xảy ra trước đó) hoặc là kết quả tưởng tượng của nhân
vật chính của kịch (Hiền Hạnh – Sói con). Đó là điểm mới trong cấu trúc - bố cục của kịch bản này.
- Trong
đời, xin đừng cãi nhau: kịch ngắn, có xu hướng ngả sang kịch hài, nhưng tính giáo dục lối sống,
tính luận đề tư tưởng vẫn rất rõ. Nhân vật chỉ có 2 (Trúc, Ly), hành động cũng rất ít, thời gian xa cách và gặp lại cố ý
kéo dài hơn 20 năm mà tính cách của nhân vật Trúc vẫn nguyên y vân, cũng là điều khá lạ. Lời văn đối thoại vẫn có đôi câu
chưa thật tự nhiên và phù hợp với tính cách nhân vật.
- Người
đàn bà điên nơi rừng thẳm viết về chủ
đề người lính, người phụ nữ trong chiến tranh và trong hòa bình, quân đội làm
kinh tế… Đó là một kịch bản dựa vào cốt truyện khá quen thuộc, phổ biến nhưng
cảm động, chân thực. Tác giả ca ngợi tinh thần hy sinh của anh bộ đội Cụ Hồ; thể
hiện những mất mát, đau khổ của người phụ nữ từ thời chiến tranh bom đạn vẫn
hiện hữu và nhức nhối trong cuộc sống đời thường hôm nay. Và cả những tay hèn
nhát, phản bội, bạc tình năm xưa mà sao số phận may mắn, trở thành giàu sang,
vẫn tiếp tục những mánh lới làm ăn bất chính, những toan tính tăm tối, đê
tiện?! Cuộc sống hôm nay quả thật vẫn chưa mỉm cười với tất cả mọi người, vẫn
sáng tối nhập nhòa, hi vọng và đau khổ vẫn song hành đó đây, trong mỗi gia
đình, trong mỗi con người. Và cuộc sống cứ tiếp tục vận hành theo những quy
luật riêng của nó. Triết luận mà người đọc có thể rút ra từ kịch bản này có lẽ
là như thế!
Nhìn chung, cả 3 vở đều đọc được. Nhưng nội dung và nghệ thuật
biểu hiện trong từng vở không có gì thật mới mẻ, hấp dẫn. Người đọc chưa được
chứng kiến những xen, những cảnh dữ
dội hoặc bi tráng hoặc tột cùng éo le, thương đau… những nhân vật kịch chở nặng
tính cách, chứa đầy mâu thuẫn, xung đột chân thực và sinh động… chưa được tác
giả đẩy lên, làm căng lên, dồn nén, ám ảnh…đến mức bạn đọc – khán giả không thể
rời sách và đọc rồi vẫn bị ám ảnh khôn nguôi!...
Trèm, Bắc Từ Liêm, 30/6/2016. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét