SUY ĐI NGẪM
LẠI,… TỪ MỘT ÁNG HÀI DAO
(Bình
tán)
Tặng LN
ĐƯỜNG VĂN
- Lẳng lơ: cũng chẳng hao mòn!
Chính chuyên: cũng chẳng sơn son để thờ!
- Lẳng lơ: chết cũng ra ma,
Chính chuyên: chết cũng khiêng ra ngoài đồng!
Thoạt đọc (nghe), thấy 2 cặp câu ca dào hài (tôi gọi tắt là hài dao) rất đỗi quen thuộc này khá rõ
ràng, dễ hiểu và đơn giản, về cả nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật cùng
là ý nghĩa nhân sinh - thẩm mỹ. Nhưng đọc kỹ, đọc sâu, suy đi ngẫm lại thì hình
như không phải vậy, mà ngược lại, từ áng hài dao độc đáo ấy lại tự tỏa lan
những vòng sóng nội dung ý nghĩa trữ tình, thế sự và triết luận không thuần
nhất, dễ tóm lược trong vài câu khẳng định hay phủ định giản đơn. Sự thật náu
trong văn bản hình tượng ngôn từ nghệ thuật phức tạp và thú vị hơn nhiều, nếu
xuất phát từ những điểm nhìn, chỗ đứng, nhập vai khác nhau của chủ thể trữ tình
cũng như người tiếp nhận. Bởi vậy, dưới đây cũng mới chỉ là một vài suy ngẫm,
liên tưởng, và phân giải chủ quan bước đầu của riêng kẻ viết bài bình tán nho nhỏ này, mong được trao
đổi, sẻ chia và tâm tình cùng chư bạn đọc.
***
1. Điều đầu tiên dễ thấy nhất là thái độ bênh vực công khai, đồng tình, cảm tình
với tính cách, lối sống lẳng lơ. Hiển
nhiên, ở đây là nói về người phụ nữ, thậm chí có thể chủ thể trữ tình chính là người
nữ tự nói về mình, tự bộc lộ công khai quan điểm sống của bản thân mình. Lý do xuất phát: rất đơn giản và thực
tế: Kết quả của chủ thể trong suốt cả quá trình tồn tại (sống) vẫn bảo toàn,
không phải gánh chịu sự hao hụt, mất mát; nghĩa là chẳng hao mòn - nguyễn y vân! Hơn nữa, kết quả cuối cùng, trước cái
chết (ra ma): cũng bị biến thành số không (0), thành hư vô vĩnh viễn…
Mọi sự
khen chê, bình phẩm của người đời về nó đều trở nên vô nghĩa! Trong sự đối lập
với tính cách đạo đức chính chuyên,
lối sống chung thủy, tình nghĩa vẫn được xem là truyền thống, chính thống, thì xét cho cùng, cũng rứa …mà thôi! Cũng chỉ là hư danh, hình
thức, cũng nhất thời tồn tại (sống) trong một không gian, thời gian nhất định,
hạn hẹp. Nó cũng buộc phải hoàn toàn chấm hết trước cái chết cụ thể hiện hữu (khiêng ra ngoài đồng). Nó cũng phải đem
chôn hay hỏa táng thành tro bụi mà dẫu có sơn
son (tô vẽ, làm đẹp, thần thánh hóa) để
thờ phụng, chiêm bái… thì cũng chỉ là hình thức, chiêu trò an ủi tinh thần
cho người sống mà thôi! Bởi vì:
Ấy chẳng qua
những trò thằng sống,
Chết đi rồi còn ngóng
vào đâu!
(Di chúc - Nguyễn
Khuyến).
Đối
sánh chung cùng với cái chết để đi
đến kết luận hiển nhiên: Chính chuyên chưa chắc đã tốt đẹp, ý nghĩa,
bền vững hơn lẳng lơ! Ngược lại, lẳng lơ chưa chắc đã kém, đã thua, đã
xấu hơn chính chuyên!!! Vấn đề không
phải là ở chỗ định danh, phán xét hoặc khen chê, bình phẩm! Mo phú! Mà là ai
thích sống kiểu gì cứ việc tùy nghi sống theo lối đó. Phải chăng đó mới là con
người Tự do, Hạnh phúc. Tự do, hạnh phúc vì được sống theo ý mình, quan niệm
sống của mình?
Đó là
một nghịch lý chối tai. Nhưng rõ là
một sự thật rất khó bác bỏ!
2. Đề cao lối sống lẳng lơ, tính cách thiếu đứng đắn một cách
đàng hoàng như thế, phải chăng người bình dân muốn đề cao và đặt sự tự tín vào tính cách tự do, chỉ sống theo cảm xúc, tình cảm, để kiếm tìm
hạnh phúc nhất thời nhưng đắm đuối, hồn nhiên, thỏa mãn khao khát cháy bỏng của
cá nhân, bản thể?! Có lẽ vì quan niệm như thế nên họ đã nhìn thấy ở lối
sống chính chuyên, đạo đức cũng có giới hạn, hạn chế nhất định của nó: mang
tính hình thức giáo điều, áp đặt, duy ý chí (nhất là trong lễ giáo phong kiến
cổ hủ, khắc nghiệt)… Chính chuyên giả
có khi còn tệ hại hơn cả lẳng lơ… thật!!
Chuyện rằng, có một vị học giả lừng
danh cả nước về sự uyên bác và lối sống gương mẫu, đúng mực. Đến tuổi ngoại bát
tuần, có lần cụ chợt thở dài ngán ngẩm, than với người bạn vong niên tri kỷ, một
triết lý đúc rút tự chính đời mình: - Ngẫm như tôi, cả đời chỉ được đ… có 1 cái
l…! Làm thằng đàn ông như thế kể ra cũng thật là hèn và bất hạnh!... Một nhà
đại văn hào lừng danh thế giới từng tự hào, đắc ý khoe với một nhà văn trẻ về
năng lực tình dục hơn người của mình thời tráng niên: - Này! Anh biết không?
Tôi hồi trẻ là một tay đ. không biết mệt đấy!...
Cả
hai, học giả và văn hào đều hưởng đại thọ ngoại bát tuần!
3. Cách nói phóng
đại, hài hước, đối lập, so sánh, nhưng lại xuất phát từ những quy luật tự nhiên – xã hội - hiện thực khách
quan, phổ biến khiến cho tính thuyết phục càng cao. Chẳng hạn, quy luật sống – chết, còn - mất.
Biện pháp tu từ và cấu trúc ngữ pháp (mang lại
hiệu quả tăng tiến cấp độ và nhấn mạnh):
+ Điệp từ: cũng, cũng chẳng; lẳng lơ, chính
chuyên.
+ Điệp cấu trúc: C1 cũng chẳng V1/ (không mở rộng)
C2 cũng chẳng V2 để V3 (mở rộng);
C3V3 cũng V4B/ (mở rộng)
C4V4 cũng V5B (mở rộng)
+ Lối nói phủ định: cũng chẳng (câu 1, 2); lối nói khẳng định (câu 3,4)
4. Từ trong bản
chất, bài ca dao vui thể hiện mối đồng
cảm sâu sắc với cái nhìn, lối
sống, tình cảm thoáng đãng, cởi mở, nhân ái và khoa học của người bình dân Việt
Nam
xưa nay. Cái nhìn và cách đánh giá
khách quan, toàn diện, không cực đoan, cố định về một lối sống, một quan niệm
sống, một loại tính cách con người.
Đó là
4 hướng suy đi từ bốn câu ca dao lẳng lơ và chính chuyên bất hủ!
***
5. Nghĩ lại, phải chăng đây là một trong những tiếng nói phản biện, dân chủ hay chỉ là cách nói cù nhầy, cãi chầy cãi cối của
những gã ưa thích lý sự cùn, trắng trợn, trơ tráo biện hộ lấy được cho quan
niệm và lối sống thiếu chuẩn mực, buông thả theo bản năng CON cơ hồ lấn át bản
chất NGƯỜI, trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển của mình?!
6. Nghĩ lại, đây có thể là tiếng
nói vênh váo, kiêu căng của cái ác, mặt trái đời sống trong thế đối lập và
tiến công mạnh mẽ, trực diện với cái tốt, cái thiện, của đạo đức truyền
thống cao đẹp vào cái tầm thường, dung tục. Cục
diện tương tranh tư tưởng – đạo
đức, phong tục đó tạo nên sự phản động lực tức thì và tất nhiên cũng mang lại
ít nhiều ảnh hưởng, kết quả nhất định. Nhưng tựu trung, không thể xoay chuyển,
thay đổi được quy luật và chiều hướng cơ bản của chính sự phát triển ấy.
7. Nghĩ lại, cứ muốn bật
cười vì sự ngụy biện, ngụy lý thông
minh nhưng láu cá về nhận thức luật
đời, luật tục của những kẻ lẳng lơ. Đương nhiên, trước cái chết,
mọi con người, sự vật đều bình đẳng. Nhưng dân gian ta lại có những câu:
- Vật chết để
da, người chết để tiếng;
- Người ta có
tổ, có tông,
Hơn nhau một
tiếng anh hùng mà thôi!
-
Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng!
-
Ngọc nát, còn
hơn giữ ngói lành (Hoàng Văn Thụ),
-
Giấy rách, thì giữ lấy lề!...
Thân thể kẻ lẳng lơ và cơ thể người
chính chuyên (thuộc phạm trù vật chất)
đều sẽ tan thành cát bụi, hư không; nhưng lẳng
lơ và chính chuyên (phẩm chất đạo đức - tính cách, thuộc thế giới tinh thần; phải chăng là cái hồn phách?) thì còn sống, có thể lâu,
mau, trong lòng những người đang sống, trong sự định luận, khen chê càng về lâu
dài sẽ càng chính xác, khách quan. Cái
quan định luận mới chỉ là sự định luận đầu tiên! Cho nên, chỉ có thể xem cái chết là sự chấm dứt vĩnh viễn một cơ
thể sống; chứ tử thần không thể thay
đổi một tính cách đã định hình, một quan niệm sống đã được chế ước hoặc tự
nguyện tuân thủ. Người chết, chỉ thật chết (chết hẳn, chết vĩnh viễn) trong
lòng những người sống. Chết như sống! Ngược lại, có những người đã chết từ lâu
ngay khi còn đang sống sờ sờ! Sống như chết! Đó cũng là những chân lý đanh thép
đến rùng mình được đúc kết từ sự thật xưa nay.
8. Nghĩ lại: Về thể loại
trữ tình dân gian truyền miệng, đây vốn là 4 câu ca dao vui, hài hước, có khả
năng: Mua vui cũng được một vài trống canh! (Nguyễn Du) theo kiểu bông phèng, đùa cợt, nói zậy, chưa chắc đã là zậy!!! Những ai thích đùa tếu, ưa lối sống
lạc quan, yêu đời, tự tin… đều có thể tìm thấy ở đây một cách luận bàn, với
dáng vẻ, hình thức bề ngoài hơi ngông nghênh, dí dỏm, phá cách, nhưng lại giấu bên trong sự nghiêm túc, trong sáng, tự
tin, tự tín cao độ vào chính bản thân mình.
9. Và suy đi
nghĩ lại, cuối cùng, kẻ viết bài này
mạo muội cho rằng: 4 câu ca dao hài trên thể hiện một trong những nghiệm sinh độc đáo mang ý nghĩa triết lý – tư tưởng đạo đức mạnh
bạo, mới mẻ của con người Việt Nam xưa vốn đã thế, đến nay, dường như vẫn thế! Trong
tương lai, có thể nảy sinh ít nhiều biến dị tiểu tiết, còn cốt lõi cơ bản: vẫn
vậy! Nhưng ở đây, chắc chắn vẫn chưa phải là chân lý duy nhất đúng và tuyệt đối
đúng?! Tất nhiên!
10.
Người
đọc (nghe) - người tiếp nhận hôm nay, những ai tính cách buông thả, lẳng
lơ, sẽ dễ dàng tán đồng, cảm tình với lối sống này (công khai hoặc thầm kín),
tất nhiên sẽ đồng cảm sâu nặng với bài ca dao. Ngược lại, những ai bình sinh
hoặc lớn lên trau dồi, rèn luyện để có được phẩm chất tính cách đạo đức tốt
đẹp, thủy chung, mẫu mực (thật sự chân chính hay chỉ giả vờ đóng kịch với đời!)
thì cũng đều chúng khẩu đồng từ kịch liệt hoặc nặng (nhẹ)
buông lời lên án những người đối lập với mình một cách hăng hái hay cố làm ra
vẻ hăng hái!...
Tuy nhiên, thiên hạ còn có loại người đọc thứ
ba: đọc rồi cười nhẹ nhàng, thoải mái, ra vẻ vô tư. Và phẩy tay, tặc lưỡi:
- Đời
là thế!... Con người là thế!... Ca dao Việt Nam mình vui vẻ trẻ trung, hài hóm
là thế!... Chính điều đó tạo ra sức sống bền dai, sức hấp dẫn mãnh liệt và lâu
dài của ca dao Việt… Chứ sao!!!???
Đêm 30/5/,
chỉnh sửa, bổ sung: 6/6/2016. ĐV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét