Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Thơ tình của thầy Hiệu trưởng với lời bình Nguyễn Thị Lan




ANH VỀ NƠI ẤY CHIỀU NAY
                                                     Đặng Bảo Thạch
Anh về nơi ấy chiều nay
Hanh hanh nắng, lá vàng bay cháy đường
Đâu rồi giọng nói yêu thương
Đâu rồi ánh mắt vấn vương mỗi chiều ...
Hàng cây đổ bóng liêu xiêu
Gió se se lạnh, nói điều gì đây ...

Anh về nơi ấy chiều nay
Muốn tìm lại buổi mưa bay tái người
Cái chiều hôm ấy em ơi
Run run chẳng nói nên lời trao nhau
Anh cố giữ chiều thật lâu
Mà hoàng hôn lại qua mau ghê người
Em – mặt trăng
anh – mặt trời
Cứ quay như tự lâu rồi đã quay
Em là đêm
anh là ngày
Chỉ hoàng hôn mới đong đầy yêu thương
Để rồi lại những đêm trường
Với bao khao khát vấn vương những ngày
Anh về nơi ấy ... Chiều nay ...


Lời bình  của Nguyễn Thị Lan      
            Trong những người làm thơ ở Hải Dương, thầy giáo Đặng Bảo Thạch – nguyên hiệu trưởng trường Trung học phổ thông dân lập Thành Đông là người làm nhiều thơ tình. “Anh về nơi ấy chiều nay” ( “ Tuyển tập thơ nhà giáo Việt Nam” – NXB Văn hoá dân tộc 2010, trang 745) là một trong những bài thơ tình hay nhất của người thầy giáo – thi sĩ viết nhiều thơ tình ấy.

            Bài thơ là một nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy bỗng dưng đột ngột xuất hiện trong hiện tại khi một buổi chiều “anh về nơi ấy”:
Anh về nơi ấy chiều nay
            Lời thơ hiu hiu như một làn khói bốc lên từ một quá khứ đầy hương xạ. Trong bài thơ cũng như ở nhiều bài thơ khác, Đặng Bảo Thạch hay nhớ về không gian “nơi ấy”. “Nơi ấy” là nơi nào? Đó là nơi lưu giữ kỉ niệm của hai người. Nơi ấy giờ đây vắng lặng và buồn tê tái:
“Hanh hanh nắng, lá vàng bay cháy đường”
            Một buổi chiều thu chỉ có nắng, gió và lá vàng bay ...
            Thiên nhiên như phụ hoạ với lòng người, cảnh cũ còn đó mà người xưa nay ở đâu? Khi nỗi nhớ dâng đầy thì bất kì hình ảnh nào của người thương cũng được hồi tưởng. Biết mấy khắc khoải nhớ thương khi anh tự hỏi:
“ Đâu rồi giọng nói yêu thương
Đâu rồi ánh mắt vấn vương mỗi chiều”
            Một “giọng nói”, một “ánh mắt” với bao “yêu thương”, “vấn vương” hồn anh, như chạm khắc vào trái tim anh ... giờ đây “đâu rồi” ?
            Người tương tư nhìn đâu cũng thấy nhớ:
Hàng cây đổ bóng liêu xiêu
Gió se se lạnh nói điều gì đây...
            Trời về chiều, hoàng hôn đổ bóng, gió se se lạnh càng làm tăng thêm nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình, như thầm nhắc anh nhớ về kỉ niệm xưa. Trong nỗi nhớ da diết anh tìm về kỉ niệm một buổi “mưa bay tái người” ngày xưa.
            Người ta nói: Kỉ niệm đẹp còn quý hơn cả kim cương, nó sưởi ấm những trái tim buồn. Khi yêu người ta thường cất giữ những kỉ niệm quan trọng: ánh mắt đầu tiên, buổi hẹn hò đầu tiên, nụ hôn đầu tiên ... Đặng Bảo Thạch nhớ về kỉ niệm:
Cái chiều hôm ấy em ơi
Run run chẳng nói nên lời trao nhau
            Đó là kỉ niệm về “cái thuở ban đầu” của một tình yêu đẹp, trong sáng, một tình yêu không nói nhưng sâu nặng. Tình yêu ấy biểu hiện lặng im bên ngoài nhưng đầy giông bão bên trong. Tại buổi chiều của kỉ niệm một cái “Run run chẳng nói nên lời” ấy cũng đủ nói lên tất cả. Đó là những giây phút hạnh phúc trong cuộc đời anh, chính vì thế anh muốn thời gian ngừng trôi để giữ mãi niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy. Nhưng thời gian cứ vô tình trôi đi...
            Buổi chiều nay, nỗi nhớ em càng được nhân lên khi giữa “em” và “anh” giờ đây xa cách vời vợi như “mặt trăng” với “mặt trời”, như “đêm” với “ngày”:
Em – mặt trăng
        anh – mặt trời
Cứ quay như tự lâu rồi đã quay
Em là đêm
       anh là ngày
Chỉ hoàng hôn mới đong đầy yêu thương
            Chỉ có một thời khắc duy nhất “em” và “anh” có thể gặp nhau là “hoàng hôn” – lúc chuyển giao giữa “ngày” và “đêm”, nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi ấy lại “qua mau ghê người”.
            Biết bao khao khát, mong nhớ, yêu thương trong câu thơ:
 Chỉ hoàng hôn mới đong đầy yêu thương”
            Hình ảnh “mặt trăng”, “mặt trời”, “đêm”, “ngày” để nói về những khoảng cách vô hình xa xôi giữa “em” và “anh” đó còn là những hình tượng đẹp, mang ý nghĩa biểu tượng.
 Em” và “anh” đó là sự hoà hợp của hai thái cực đối lập,“âm” (“mặt trăng”,“đêm”),“dương”(“mặt trời”, “ngày” ).
Mặt trăng”, “mặt trời”, “đêm”, “ngày” cách xa nhau vời vợi và chính những khoảng cách vô hình ấy nuôi trong anh những khao khát hướng tới em.
            Và những hình tượng tự nhiên lớn lao ấy còn biểu thị khát vọng của nhân vật trữ tình về một tình yêu lớn, vĩnh hằng mà chỉ có vũ trụ mới có thể so sánh nổi.
            Cuối bài thơ là nỗi “khao khát”, “vấn vương” dâng đầy không chỉ ngày và đêm, nó lặn cả vào trong miền vô thức, nó tồn tại bền bỉ, dai dẳng theo anh suốt cuộc đời:
Để rồi lại những đêm trường
Với bao khao khát vấn vương những ngày”
            Khép bài thơ, điệp khúc “Anh về nơi ấy ... Chiều nay...” với sự có mặt của ba dấu chấm lửng lại vang lên như một nốt nhạc trầm buồn dai dẳng, gieo vào lòng người đọc niềm nuối tiếc, bâng khuâng ...
            “ Anh về nơi ấy chiều nay” là bài thơ tình Đẹp và Buồn của Đặng Bảo Thạch. Làm nên vẻ đẹp của bài thơ trước hết ở cái tình của người viết. Bài thơ mang nhiều cung bậc của cảm xúc: có nhớ mong khắc khoải, có khao khát yêu thương, có khát vọng hướng tới cái thiện, cái mĩ, khát vọng về sự tràn đầy viên mãn. Chính những khát vọng ấy đã nuôi dưỡng thơ anh, nó làm tình cảm trong thơ tình của Đặng Bảo Thạch không bị nghèo đi bởi sự tự thoả mãn.
            Thể thơ lục bát được sử dụng rất đắc địa; những câu thơ sáu tám nhịp nhàng như hơi thở, giàu nhạc điệu và cảm xúc được nhà thơ dùng nhuần nhuỵ, tự nhiên, thanh thoát. Hình tượng thơ đẹp giàu biểu tượng ... Tất cả đã góp phần làm nên thành công của bài thơ “ Anh về nơi ấy chiều nay” của thầy giáo – thi sĩ Đặng Bảo Thạch.
Hải Dương, đầu Thu 2007 - cuối Xuân 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét