NIỀM RIÊNG NGƯỜI LÍNH
Vũ Nho
Do công việc nghiên cứu và phê bình
của mình, tôi đã từng tiếp xúc với hàng ngàn tập thơ của nhiều người đủ mọi
thành phần, nhiều lứa tuổi và
làm các nghề nghiệp rất khác nhau. Nhưng
có lẽ tiếp xúc với thơ của một vị tướng thì là trường hợp khá hiếm hoi. Lời tựa
tập thơ cho biết Trần Bá Dũng là một vị tướng trong quân đội. Nhưng tôi coi thơ
của anh chỉ là niềm riêng của một người lính, trong hàng triệu người mặc quân
phục màu xanh. Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi vì trước khi mang quân hàm cấp
tướng, chắc chắn, anh cũng trải qua những
cấp bậc bình thường tuần tự của một người lính. Mặt khác chính anh viết tâm sự rằng “ Cuộc
sống đa chiều của người lính đã hun đúc cho tâm hồn mình thành vần thơ, nét nhạc”.
Xem những ngày tháng ghi dưới mỗi bài thơ, được biết bài thơ sớm nhất trong tuyển
tập này được viết năm 1988. Như thế, tính đến thời điểm này, Trần Bá Dũng đã có gần 30 năm duyên nợ với thơ ca.
Trong một bài
thơ viết năm 2008, tức là sau 20 năm làm thơ, anh dứt khoát:
Nhất quyết từ rày tớ bỏ thơ
Chẳng buồn, chẳng giận, chẳng
mộng mơ […]
Kiếp sau cho tớ làm thi sĩ
Tớ cũng xin từ “nỏ giám mơ”.
Bỏ
thơ
Nhưng rồi như một duyên nghiệp không thể bỏ. Làm sao mà sống lại có thể
“Chẳng buồn, chẳng giận,
chẳng mộng mơ”? Thế là cũng ngay trong ngày ra “tuyên bố” bỏ thơ, anh lại
viết bài “ Duyên nợ với thơ”, sửa lại cái ý định sai lầm đó:
Đã
định từ rày gác bút nghiên
Nhưng thơ với rượu lắm cơ duyên
Theo cách nói của người xưa về sự gắn bó “rượu – thơ”, nhưng
chắc chắn một người lính yêu thơ, một người “ Khách thơ vốn dĩ đa tình/ Bởi yêu thơ dám hết mình vì thơ” ( Khách
thơ) đâu dễ dàng buông bút? Vì thế mà
duyên bút nghiên không thể dứt. Phần lớn những bài thơ trong tuyển tập này đều
được viết sau năm 2008. Phần Trường Sa thân yêu có 14 bài được viết
liền mạch từ ngày 6 tháng 4 đến 14 tháng
4 năm 2014 trong chuyến làm việc và thăm bộ đội, nhân dân trên cụm đảo
phía nam Trường Sa. Điều đó cho thấy cảm xúc dồi dào và bút lực mạnh mẽ của tác
giả. Trong những bài thơ này, có những khổ thơ ấn tượng về người lính:
Lính đảo chúng tôi lấy tiếng hát làm vui
Sau phiên gác gõ thìa nghêu ngao hát
Hút tầm mắt biển bao la bát ngát
Và có chi tiết thơ không
mục sở thị ( tận mắt nhìn), không nghĩ ra được:
Sống giữa
biển mà thiếu từng giọt nước
Mỗi tuần “tắm ướt” một lần thôi
Nước tắm xong thì phải “thu hồi”
Nên tắm giặt chẳng cần dùng bột giặt
Đảo
chúng tôi
Trong tuyển tập
thơ lần này, tác giả tạm phân chia thành 5 phần : Quê hương; Gia đình; Khúc quân
hành; Trường Sa thân yêu và Niềm riêng. Sự phân chia này có ý nghĩa tương đối mà
thôi. Bởi vì trong phần Quê hương và Gia đình, bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều
“niềm riêng” và tuy trong phần “ Niềm riêng”
nhưng lại có thể tìm thấy rất nhiều những “nỗi chung”.
Có thể thấy tác
giả là người giàu cảm xúc trong tình cảm gia đình, với cha mẹ, với vợ con. Người
lính nào thì cũng là người bình thường.
Nhưng họ khác bình thường ở chỗ luôn luôn xa nhà, luôn luôn ở những nơi hiểm
nguy, nóng bỏng của cuộc sống. Một tâm sự thật chân thành, rất bình dị, rất người:
Một mình thấm nỗi cô đơn
Xa em mới thấm nỗi buồn thiếu em
Xa
em
Người lính ấy hiểu tâm tình của mình, của đồng đội và những người vợ. Anh thấu
hiểu những lo lắng, mong mỏi của người vợ trong thư viết cho chồng:
Không tiếng súng, chẳng bom rơi
Những nơi thầm lặng là nơi bão bùng
Anh đi gìn giữ non sông
Đá mềm chân cứng yên lòng nghe anh
Gửi
anh
Anh bộc bạch tâm trạng mình rất chân thành, cũng là tâm trạng
của bao ông bố, bà mẹ có con trong ngày thi cử:
Khi con hết lớp mười hai
Mỗi ngày thi, cứ như dài bằng năm
Thư
gửi con gái
Bài thơ “Thư gửi con gái” là một bài thơ dài với bao nỗi niềm
của cha mẹ. Tôi nhớ đến anh Lê Thống Nhất cũng viết rất dài cho con gái. Hóa
ra, tình cảm của những người cha giống nhau : “ Với con, tin tưởng muôn phần/ Thế mà bao chuyện cứ cần nói thêm” (
Lê Thống Nhất - Tản mạn sau lễ của con). Trần Bá Dũng cũng vậy, với con gái,
anh làm đến ba bài thơ dài. Với người vợ,
anh ân cần nhắc nhủ ( Mùa đông nhắc vợ), “Dặn vợ”, và làm bài thơ “Một
ngày” với đề từ “Tặng vợ yêu”. Những vần thơ viết về mẹ, về cha dù mộc mạc nhưng
chan chứa tình cảm. Đặc biệt, anh đã khắc họa hình ảnh mẹ mình, một trong muôn
vàn người mẹ tận tụy hi sinh cho chồng,
cho con:
Hết chờ chồng lại mong con
Một đời mẹ những mỏi mòn ngóng trông
Mẹ tôi
Những bài thơ trong phần “Khúc quân hành” là những vần thơ
chúc Tết hoặc tặng các đơn vị. Đó là một
phương diện khác cho thấy sự đa dạng trong hồn thơ của người viết.
Đáng chú ý là trong phần “ Niềm riêng”, bạn đọc
có thể gặp những nỗi chung của mọi người. Đó là cảnh trong bệnh viện của những
người nhà bệnh nhân:
Thời tiết đêm nay tám độ xê
Người nhà nằm vất vưởng bên hè
Chiếu chiếc, chăn đơn sao ngăn rét
Mưa bay lất phất không mái che…
Vào viện
Cả hành lang hầm hập
Hệt như lò xông hơi
Hơi thuốc và hơi người
Mỗi giường hai người bệnh
Nhễ nhại mồ hôi tuôn
Thăm em ở bệnh
viện
Tác
giả không thể làm ngơ trước “ Nỗi đau thế thái nhân tình”. Nhưng bản chất một
người lính, tinh thần lạc quan của một sĩ quan vẫn thường trực để anh có thể tự
khuyên mình và nhắc mọi người :
Hãy nhìn phía trước và tin tưởng
Xã hội ngày mai sáng lung
linh
Nỗi
đau thế thái nhân tình
Tuyển tập thơ của Trần Bá Dũng là niềm riêng của một người lính,
nhưng cũng là nỗi chung của những người đồng đội, và cả những người thuộc các
ngành nghề khác nhau trong xã hội. Bởi thế, niềm riêng ấy chắc chắn sẽ giành được
sự cảm thông, chia sẻ và đồng vọng, đồng tình của bạn đọc yêu thơ.
Hà
Nội, 22 tháng 4 năm 2016
In trong Văn Mới số 9 năm 2016
In trong Văn Mới số 9 năm 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét