Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

CÂY TRONG PHỐ




CÂY TRONG PHỐ
(Bút ký)
                                            Nguyễn Thị Lan
         

          Người Việt ta vốn từ xưa đã rất yêu thiên nhiên đặc biệt yêu cây xanh. Giờ đây các công trình cây xanh đô thị không chỉ là sản phẩm khoa học kỹ thuật, một sản phẩm tự nhiên hiện lên trong môi trường đô thị mà còn là sản phẩm của sự sáng tạo mang tính nghệ thuật và môi trường. Nó là phương tiện để nâng cao mức sống, nâng cao năng suất lao động, nâng cao vị trí cạnh tranh giữa các đô thị, có ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt của đời sống đô thị.
          Thành phố Hải Dương hiện nay có khoảng 30 nghìn cây đường phố với 67 loài. Bài viết này là một góc nhìn về ba vạn cây xanh đó.

1. Tôi sinh ra, lớn lên và sống ở thành phố Hải Dương đã trên nửa thế kỷ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với con phố cổ rợp bóng cây bàng. Thị xã hồi đó hai bên hè phố người dân thường trồng bàng. Đó là loại cây có bóng mát, chịu được gió bão, dễ tỉa mà lại cao tuổi thọ. Với tôi, cây là kỷ  niệm đặc biệt của thời thơ ấu.
          Sau này có dịp đi lại khắp thị xã tôi lại phát hiện: không chỉ con phố của tôi, thị xã cũng đẹp biết bao - một thị xã nhỏ xinh xắn, yên bình, phố nào cũng rợp mát bóng cây.
          Ngoài bàng, các đường phố trong thị xã hồi đó còn trồng xà cừ, sấu, lát, đa, đề, gạo gai … Vài chục năm gần đây những cây có hoa cũng được đưa vào trồng như: cây bằng lăng, cây phượng, cây muồng vàng, cây hoa sữa. Hầu như phố nào cũng có một vài cây hoa được trồng làm cho đường phố đẹp hơn, duyên dáng hơn, mềm hơn; người chầm chậm bước trên đường lâu hơn và cảm thấy lòng chợt bình an.
          Đẹp nhất là mùa hè, mùa của hoa bằng lăng và hoa phượng nở.
Trong khi những chú ve sầu chưa cất tiếng, phượng vỹ còn cuộn mình trong lá xanh thì bằng lăng đã nở, hoa tím biếc như một giấc mơ dịu dàng giữa nắng hạ. Cánh hoa bằng lăng nhỏ bé, mềm mại, mong manh như tâm hồn nhạy cảm của con người. Đi dưới đường hoa tím ngát trời, tím một màu bình lặng, lòng người như dịu lại và cảm thấy mọi ưu phiền tan hết. Hoa bằng lăng mau nở cũng mau tàn, làm cho ta tiếc nuối một thời gian đã qua với bao kỷ niệm ngây thơ và trong sáng.
Hoa phượng có vẻ đẹp khác hoa bằng lăng. Những ngày hoa phượng nở.  thành phố có nhiều trời rực sắc đỏ. Hoa phượng đẹp rực rỡ huy hoàng, tất cả tán và cành đều dành hết cho hoa, trông như những bông pháo hoa khổng lồ đỏ rực, nở tung giữa trời xanh. Nhìn hoa ta sẽ thấy choáng ngợp và tràn ngập lòng yêu thương vẻ đẹp thiên nhiên. 
          Cây muồng vàng lại có vẻ đẹp riêng. Cây thường cho hoa vào mùa Hè và mùa Đông. Muồng vàng có dáng đẹp, trổ hoa nhiều tháng liền trong năm. Hoa muồng nở vàng cả khoảng trời xanh trước mặt. Từng cụm hoa vàng sặc sỡ ở đầu cành cứ vươn thẳng lên đón nắng làm cho đường phố trở nên đẹp và lãng mạn hơn bao giờ hết.
          Cuối Thu đầu Đông cũng là mùa hoa sữa nở. Những cụm hoa nhỏ xíu chen chúc như những chùm đèn lồng trắng tinh khiết. Dưới gốc cây rơi rắc những chấm hoa nho nhỏ. Hương hoa sữa nồng nàn thức tỉnh mọi giác quan. Hoa sữa nở vào những ngày lặng gió và thiên về đêm khiến cho những con đường phố Hải Dương như thêm phần lãng mạn. Đi giữa hàng cây hoa sữa cạnh Nhà thi đấu thể thao và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, tôi chợt nhớ đến câu hát: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em. Có lẽ nào …”, rồi “Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ, đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương …” Thiên nhiên đã đi vào thơ ca, âm nhạc, từ ngày xưa và mãi mãi mai sau sẽ vẫn thế. 



 
          Nếu như cây hoa trong phố mang vẻ đẹp nữ tính dịu dàng thì những cây xà cừ, lát, sấu, đa, gạo xanh lại mang vẻ đẹp nam tính: cao lớn, vạm vỡ, hiên ngang bất chấp gió sương. Thành phố Hải Dương hiện có hàng trăm cây to, đường kính gốc từ 50, 60cm đến hơn 100cm. Trong những cây đại thụ đó có hai cây gạo (còn gọi là gạo hoa đỏ, mộc miên) ở bể bơi Yết Kiêu có đường kính gốc hơn 100cm, hàng chục cây bàng ở khu phố cổ còn phần lớn là xà cừ (được coi là loại cây đại mộc). Những chàng lực sỹ xà cừ này, mỗi mùa xuân về lại đâm chồi nảy lộc, lá non vươn lên xanh mướt như ngọc.
          Thành Đông có hơn hai trăm năm tuổi, còn tuổi của cây không ai biết chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn, những cây đại thụ này mãi mãi là sự chở che yên bình cho người dân thành phố. “Phải chăng cây là biểu tượng của tình yêu, một tình yêu lặng lẽ và vững bền. Con người tìm về thiên nhiên như tìm về một sự đơn giản và bình yên của sự an tĩnh tâm hồn”, có những hôm buồn bã tìm đến cây, tựa vào cây tôi đã bâng khuâng nghĩ như vậy.
          Ngoài cây đường phố, thành phố còn có nhiều vườn hoa, công viên. Những vườn hoa Bùi Thị Xuân, vườn hoa Nguyễn Du, vườn hoa Bà Triệu, vườn hoa Tam Giang … đều có diện tích nhỏ, xinh xắn nhưng cũng đủ làm mát mắt người đi đường.
          Đáng kể nhất là công viên Bạch Đằng bao quanh hồ Bạch Đằng. Theo số liệu của phòng kỹ thuật “Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương”  công viên Bạch Đằng có diện tích 67ha (chưa kể diện tích mặt nước hồ). Nơi đây thực sự là “lá phổi xanh”, “viên ngọc bích” của thành phố, là nơi lý tưởng cho mọi người đến ngắm cảnh thư giãn. Có ai là người Hải Dương không một lần đi quanh công viên. Ngay giữa phố ồn ào, công viên trở thành một không gian xanh, đủ rộng, đủ yên bình, để người ta có thể lạc hẳn vào sự tĩnh lặng rất hiếm hoi của đời sống đô thị. Dường như ở đây thiên nhiên và con người dễ có sự đồng điệu. Những người yêu thiên nhiên được đắm mình trong màu xanh cây lá, màu xanh của hồ nước trong.
          Những ngày nghỉ tôi thường bách bộ quanh hồ. Bên bờ hồ là hàng liễu rủ và những cây cổ thụ chen vai nhau tỏa xanh mát rượi, rất đẹp và thơ mộng. Những cây liễu vóc dáng mềm mại, thướt tha và màu xanh dịu mát tạo cho hồ một vẻ đẹp nên thơ.
          Nhưng công viên Bạch Đằng không chỉ có liễu. Nơi đây có gần bốn nghìn bốn trăm cây (chính xác là 4.389 cây) gồm cây bóng mát, cây hình khối, cây hoa với 30 loài, rồi nhiều thảm cỏ xanh … Tất cả đã tạo nên một quần thể cỏ, cây, hoa, lá rất đẹp đẽ. Hơn bất cứ nơi nào trên thành phố Hải Dương, ở đây những cây xanh, cây hoa, thảm cỏ được chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng rất công phu.
          2. Thành phố Hải Dương hiện nay đang trong quá trình đô thị hoá. Một câu hỏi đặt ra với người yêu cây: trong tương lai cây xanh thành phố sẽ ra sao? Mang câu hỏi đó tôi tìm đến “Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương” .
          Tiếp tôi là kĩ sư Phạm Thị Liêm, 31 tuổi, cán bộ phòng kỹ thuật phụ trách mảng cây xanh, vườn hoa, công viên. Liêm đã học ở trường Đại học Nông nghiệp khoa “Cảnh quan đô thị” đó là một kĩ sư trẻ rất yêu nghề, yêu cây. Khi được hỏi, cô đã nhiệt tình trao đổi thật tỉ mỉ chi tiết với tôi về việc quy hoạch, thiết kế, thi công các công trình cảnh quan và cây xanh trong thành phố hiện nay. Theo cô, trong việc trồng cây xanh điều đầu tiên cần phải nghĩ tới là chọn cây gì. Điều này giới quản lý đô thị đã hoàn toàn chủ động. Trên cơ sở các nguyên lý chung về thiết kế trồng cây xanh đường phố, việc chọn loại giống cây cần xem xét kỹ yếu tố sinh lý, sinh thái cây trồng. Từ đó một số tiêu chí để chọn loại cây đường phố đã được quy đinh (…) Tuy nhiên, trên thực tế rất ít có những loại nào thoả mãn được tất cả những yếu tố trên, do đó việc chọn chủng loại cây trên đường phố chỉ có tính chất tương đối.
Rồi người nữ cán bộ phòng kỹ thuật ấy say sưa nói với tôi về quy hoạch cây xanh đường phố trong tương lai. Toàn thành phố có 181 đường phố thì đều đã có quy hoạch, riêng 118 đường phố nội thành đã có quy hoạch xây dựng chi tiết phố nào trồng cây gì. Cầm bảng “Hướng dẫn trồng cây xanh đường phố” cô đưa, tôi tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai như một bức tranh nhiều màu sắc: những đường ven sông nào sẽ tha thướt liễu; những đường phố nào sẽ được trồng thay thế bằng những cây sấu, sanh, sao đen, long não, viết, chẹo, bạch đàn, nhãn, nhội, xà cừ… những đường phố nào sẽ là những “đường hoa” với cây phượng vĩ, bằng lăng, muồng vàng và cây hoa sữa; những dải phân cách nào sẽ có những thảm cỏ xanh trên đó là những  cây hình khối như cây ngâu, cọ, tùng tháp, cau…, hai bên đường viền thảm cỏ sẽ trồng cây chuỗi ngọc, cây bỏng nở, cây cẩm tú mai… cho thêm đẹp mắt.
          Được hỏi về công viên Bạch Đằng, Liêm hào hứng cho biết: mai kia công viên sẽ được đưa vào nhiều chủng loại cây, những cây đại diện các vùng nhiệt đới; lúc đó số loài trong công viên không chỉ là 30 như hiện nay mà sẽ lên đến con số 100. Công viên sẽ trở thành “vườn thực vật nhiệt đới”, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường của giáo viên, học sinh, sinh viên.
          Tôi nghĩ đến một ngày không xa, công viên Bạch Đằng không chỉ là nơi cho trẻ em đến vui chơi, nơi những đôi thanh niên đến ngồi tình tự, nơi những người cao tuổi đến tập dưỡng sinh mà còn là “trường học”, một trường học đặc biệt từ thiên nhiên xanh. Công viên Bạch Đằng sẽ là tình yêu và niềm tự hào của người dân thành phố.
          3. Nhưng có một cây xanh nào trên mỗi tuyến đường đô thị không in dấu bàn tay, khối óc con người? Tôi muốn nói đến những kỹ sư, công nhân ở “Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương” mà tôi đã ví một cách lãng mạn: đó là “Những người nối tình yêu giữa cây và đời, giữa trời và đất”.
          Những người kỹ sư ở đây được đào tạo bài bản, có hiểu biết về lĩnh vực cảnh quan và cây xanh đô thị. Hơn ai hết, họ là những người hiểu vai trò tác dụng của cây xanh, phân loại cây xanh, thiết kế quy hoạch cây xanh trong thành phố. Ngoài những giờ ngồi miệt mài bên máy vi tính họ còn trực tiếp giám sát thi công, tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây, tưới cây, bón phân … để mỗi cây trồng đều sống và phát triển xanh tốt. Việc chọn giống gì, trồng như thế nào, ở đâu … hầu như phụ thuộc vào sự sắp đặt của những người kỹ sư. Trong bản giao hưởng “trồng – cây – xanh - đường phố” họ chính là nhạc trưởng.
          Còn những người công nhân áo xanh của công ty là những người cần mẫn, chăm chỉ tuyệt vời. Họ tỉ mẩn lặng lẽ làm việc hầu như suốt ngày ở ngoài trời dưới cái nắng, cái nóng nực của mùa hè hay những ngày đông rét mướt, những ngày mưa tầm tã. Họ chăm cây hoa của cộng đồng chẳng khác gì trong vườn của mình và hẳn nhiên họ cũng vui buồn cùng cây hoa không kém bất cứ chủ vườn cây cảnh nào.
          Không chỉ chịu thương chịu khó, có sức khoẻ để trụ với nghề, công việc còn đòi hỏi những người công nhân phải có bàn tay khéo léo, đầu óc thẩm mỹ không kém các nghệ nhân trong làng hoa cảnh. Nhìn họ làm ta chợt nghĩ họ không chỉ là người lao công mà giống như một nghệ sĩ đang làm nghệ thuật.
          Một năm bắt đầu vào mùa xuân – mùa trồng cây, những người công nhân lại đi trồng cây mới thay cây cũ theo kế hoạch.
Vào mỗi dịp Tết đến hay mùa mưa bão, những người công nhân lại phải đồng loạt ra quân. Những hàng cây cổ thụ xum xuê tán lá giờ đây phải cắt cành tỉa nhánh để tránh sự cố gẫy đổ và làm thoáng không gian nội ô.
Vào dịp ngày lễ, những “chiến sĩ thầm lặng” ấy lại luôn có mặt ở mọi nơi để chăm sóc những chậu hoa, những thảm cỏ mượt mà, những phối cảnh rực rỡ sắc hoa…
Rồi những luống hoa tươi được thay theo mùa. Rồi nhổ cỏ bón phân theo quy trình. Rồi tưới tắm cho cỏ hoa, những tháng hè có khi ngày tưới hai lần, mùa đông hanh khô phải luôn giữ cho đất lúc nào cũng đủ độ ẩm… Họ đã làm hết sức mình để tôn tạo cảnh quan, góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.
4. Trước khi viết những dòng cuối cùng này tôi đã cùng Phạm Thị Liêm, cô kĩ sư “cảnh quan đô thị” cưỡi “ngựa sắt” một vòng trong thành phố để “thưởng” cây và hoa, lắng nghe hơi thở của cây xanh. Liêm đưa tôi đi qua những “đường phố điển hình” (theo Liêm đó là những đường phố có hè to, đường rộng thông thoáng để cây vươn mình thoải mái, sinh trưởng cân đối, cây ra cây, cành ra cành, tán ra tán) đã được trồng cây mới: đường Hồng Quang với cây sao đen, đường Trường Chinh với cây sấu, đường Thanh Niên với dải cây hoa, đại lộ Hồ Chí Minh với cây lát… Tất cả đã bén rễ, xanh cây đang ở độ tuổi thanh thiếu niên tràn đầy sức sống.
Đến công viên Bạch Đằng, tôi và Liêm đi trong sự tĩnh lặng của đất trời nơi đây, thả hồn vào con đường ven hồ thơ mộng. Bây giờ đang là mùa xuân, hàng cây móng bò trồng năm ngoái ven hồ đang vươn lên trong gió. Ngửa mặt lên trời, hai cây gạo xanh bên bể bơi chiếm không gian bát ngát. Ở bán đảo (khu vực đẹp nhất công viên), liễu trắng đang tha thướt xõa tóc, liễu đỏ đang ra hoa, tùng tháp, lộc vừng xanh mướt đón gió xuân; những cây sanh si được cắt tỉa công phu, tạo ra những kiểu dáng, hình khối khác nhau trông thật đẹp mắt. Rải rác đó đây chúng tôi gặp những chiếc ô xanh, gốc thẳng; đó là những cây cọ, loài cây từ trung du đã cắm rễ sâu vào đất Hải Dương. Rồi những thảm cỏ xanh mướt như nhung …Đứng cạnh con hồ đầy trời, đầy gió mà lồng lộng hồn. Nhìn sang bờ bên kia, cây cối xanh mờ yên ả trong mưa. Sự sống đang nảy mầm dưới lớp mưa xuân. Lòng chúng tôi tràn ngập một tình yêu. Chúng tôi thấy thật hạnh phúc, bởi hạnh phúc của cuộc đời đôi khi chỉ là biết ngắm và đựoc ngắm những hàng cây xanh. Cây ở công viên là kho tàng quý báu, làm nên một giá trị văn hoá của Thành Đông mến thương. Tôi chợt thấy lòng mình ngân nga câu thơ của Bác: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Hỏi Liêm có ước mơ gì, cô trả lời chân thành: Mong nhận được sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành có liên quan; mong được sự chia sẻ, hành xử có văn hoá với cây xanh của người dân-những người đang hưởng lợi ích trực tiếp của cây xanh-để thành phố lúc nào cũng tươi đẹp, rạng rỡ, lúc nào cũng xanh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh.
Còn tôi? Đô thị hiện nay đang bị bê tông hóa, tôi ước ao sao mỗi mét vuông trên khối bê tông chết sẽ được trả lại một mét vuông cây xanh, để tạo cảm giác thư giãn, gần gũi với thiên nhiên cho con người. Thành phố quê hương tôi mai này không chỉ có ba vạn cây mà là bốn vạn, năm vạn cây…Những công trình đô thị sẽ núp dưới bóng cây xanh. Lúc đó thành phố Hải Dương sẽ là “phố trong cây” như quốc đảo Xinh ga po. Ước mong ấy có xa vời không nhưng tôi vẫn hy vọng. Mà hy vọng nói như Lỗ Tấn, đại văn hào Trung Quốc: “Đã hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng như những con đường đi trên mặt đất. Kỳ thực, vốn trên mặt đất làm gì có sẵn đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Hải Dương, đầu Xuân năm 2012

 Trích trong tập " Cây trong phố", nxb Hội Nhà văn, 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét