CUỐN SÁCH CẦN THIẾT VÀ BỔ ÍCH
Đọc Giáo trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại
của Đinh Trí Dũng- Bùi Việt Thắng, nhà xuất bản Đại học Vinh, 2018
Vũ Nho
Truyện ngắn là một thể loại có
nhiều thành tựu trong văn chương dân tộc. Cùng với tiểu thuyết, truyện ngắn ngày
càng có vai trò quan trọng trong đời sống văn học. Thưởng thức truyện ngắn, bình giá truyện ngắn,
viết truyện ngắn là một nhu cầu lớn của người đọc, người viết phê bình và người
sáng tác. Chính vì lẽ đó, đã có nhiều cuốn sách viết về thể loại này của các tác
giả Lê Huy Bắc, Phan Cự Đệ, Vương Trí Nhàn, Bùi Việt Thắng. Năm 2018 này lại xuất hiện “Giáo trình truyện ngắn Việt nam hiện đại”
của hai tác giả Đinh Trí Dũng và Buì Việt Thắng - cuốn sách kế thừa các kết quả
nghiên cứu trước đó. Sách có nội
dung chia làm 5 chương . Chương một trình bày quan niệm về truyện ngắn và khái
lược quá trình hình thành, phát triển thể loại. Chương hai: Đặc trưng thể loại
truyện ngắn. Chương Ba: Các dạng thức truyện ngắn. Chương bốn : Truyện ngắn Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến
1945. Chương năm : Truyện ngắn Việt Nam từ 1945 đến nay. Như vậy người đọc có
thể bao quát được khái niệm, sự hình thành truyện ngắn, đặc trưng truyện ngắn và các
dạng thức truyện ngắn, đồng thời biết được lịch sử phát triển truyện ngắn Việt
Nam qua hai thời kì lớn, cùng với các cây bút truyện ngắn tiêu biểu.
Do yêu cầu của
một tài liệu học tập, cho nên hai tác giả đã thống nhất cách trình bày nội dung
mỗi chương theo một cấu trúc chung: Yêu cầu cần đạt, Nội dung chương, Tóm tắt
chương, Câu hỏi ôn tập, đề tài nghiên cứu, Tài liệu tham khảo chính. Trong lời giới thiệu, các tác giả cũng chỉ rõ sự phân công
ai viết chương nào để học viên tiện theo dõi, trao đổi.
Người đọc
quan tâm đến định nghĩa thể loại và lịch sử phát triển có thể tìm thấy ở chương
một. Nhiều tác giả nổi tiếng thế giới và Việt Nam đã bàn về truyện ngắn. Người
viết đã rút ra những điểm chung nhất về
quan niệm truyện ngắn. Đó là hình thức tự sự cỡ nhỏ, thường khắc họa
một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất của cuộc sống hay đời sống tâm hồn.
Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý
thức xã hội, thường gắn với những “lát cắt” điển hình. Kết cấu, cốt truyện truyện
ngắn không quá phức tạp, chi tiết cô đúc, bút pháp nghiêng về chấm phá. Đồng thời, với một sự công phu bao quát tư liệu,
người viết đã cung cấp cho bạn đọc lịch sử hình thành truyện ngắn ở các nước Âu-
Mĩ, và sự hình thành các truyện ngắn truyền kì ở các nước gần gũi là Trung Quốc,
Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Ở đây, bạn đọc sẽ thấy tác giả Bùi Việt Thắng
đã dụng công “nhuận sắc” chương 1 và 2 trong chuyên luận trước đây của mình. Không
những thế, người viết còn bổ sung thông tin mới, lược bỏ một số tóm tắt truyện,
đưa nội dung “chí dị”, bước phát triển của
truyền kì về mục Truyền kì trong văn học
Trung Quốc.
Tìm hiểu truyện
ngắn, nhất thiết không thể bỏ qua những đặc trưng thể loại của nó. Chương này
do tác giả Đinh Trí Dũng viết. Có thể nói người viết đã cố gắng tiếp cận đặc trưng
thể loại theo quan điểm riêng. Chúng ta biết trong chuyên luận của Bùi Việt Thắng
“ Truyện ngắn - những vấn đề lí thuyết và
thực tiễn thể loại” xuất bản năm 2000, tái bản 2011, tác giả đã đề cập đến
những đặc trưng thể loại truyện ngắn gồm : 1. Dung lượng; 2. Cốt truyện; 3. Kết
cấu; 4. Tình huống; 5. Nhân vật.
Nhà văn Bùi Việt Thắng
Nhà nghiên cứu
Đinh Trí Dũng xem xét đặc trưng truyện ngắn cũng ở 5 bình diện. Nhưng có sự khác
biệt. 1. Truyện ngắn có nhiều điểm gần gũi với tiểu thuyết; 2. Hình thức tự sự
cỡ nhỏ; 3. Vai trò quan trọng của tình huống; 4. Nhân vật được thể hiện như một
“lát cắt” điển hình; 5. Vai trò của chi tiết.
Dễ dàng nhận thấy có những điểm trùng hợp
là Tình huống và Nhân vật. Hình thức tự sự cỡ nhỏ gần gũi với Dung lượng. Trong khi nhà nghiên cứu Bùi
Việt Thắng quan tâm đến Cốt truyện (
trong đó có chi tiết), thì Đinh Trí Dũng nhấn mạnh vai trò của chi tiết; Bùi Việt Thắng quan tâm đến Kết cấu, thì Đinh Trí Dũng quan tâm đến tính chất gần gũi tiểu thuyết. Tính chất
này sẽ chi phối kết cấu của truyện ngắn.
Cách trình bày
của tác giả Đinh Trí Dũng giản dị, dễ hiểu. Ông dẫn lại tình huống truyện của Bùi
Việt Thắng, đồng thời cũng bổ sung thêm quan niệm 4 tình huống của nhà nghiên cứu Văn Giá, có bình
luận rằng thực tế thì tình huống nhận thức chỉ là dạng đặc biệt của tình huống
tâm trạng, tâm lí. Tuy nhiên, nếu tác giả Đinh Trí Dũng ngoài phần sử dụng thuật
ngữ Situation, nên thêm thuật ngữ Moment, ngoài “tình huống”, nêu thêm “tình
thế” ( thuật ngữ các nhà văn hay dùng) thì sát thực tế sáng tác hơn.
Bạn đọc có thể
hình dung các dạng truyện ngắn hiện đại qua chương “ Các dạng thức truyện ngắn hiện đại”. Tác giả Bùi Việt Thắng đã làm
rõ tiêu chí để nhận diện các dạng. Phân chia theo tiêu chí dung lượng ( rất ngắn,
khung, tiểu thuyết hóa); theo bút pháp (
lãng mạn, hiện thực, kì ảo); theo mức độ cách tân ( cổ điển, hiện đại, hậu hiện
đại). Ông cũng đưa vào cách phân chia của Lê Huy Bắc, của Phan Cự Đệ để thấy thêm
sự đa dạng của truyện ngắn. Điều này là cần thiết bởi nếu theo cách phân chia của
soạn giả, sau đó chọn ra 6 dạng ( 3 theo dung lượng, 2 theo bút pháp và 1 theo
mức độ cách tân gồm truyện rất ngắn, truyện tiểu thuyết hóa, trữ tình, kì ảo, khung, hậu hiện
đại) thì mặc nhiên không bao quát được
dạng truyện
ngắn dòng ý thức, truyện ngắn- thư hay truyện ngắn giả cổ tích. Tôi nghĩ giá như tác giả không trình bày truyện ngắn khung ở mục
1.5 thì hợp lí hơn. Ba dạng truyện
rất ngắn, truyện ngắn khung
( truyện ngắn trong truyện ngắn), truyện ngắn tiểu thuyết hóa là kết quả của việc phân
chia theo dung lượng cần được trình bày nối tiếp nhau liền mạch thì bạn đọc dễ theo dõi hơn, mặc dù các đặc điểm của
chúng độc lập với nhau.
Nếu so với chuyên luận trước đây,
tác giả Bùi Việt Thắng cũng thay đổi cách
tiếp cận và trình bày. Tác giả không trình bày loại truyện ngắn cổ điển, mà thay vào đó là truyện ngắn tiểu thuyết hóa, đồng thời thêm vào loại truyện ngắn hậu hiện đại. Điều đó thể hiện
sự tiếp cận với thực tiễn sáng tác của các
nhà văn Việt Nam.
Về lịch sử phát triển của thể loại,
tác giả Đinh Trí Dũng viết chương 4, tác giả Bùi Việt Thắng viết chương 5 trình
bày hai chặng lớn của truyện ngắn Việt Nam.
Hai chặng đó nối tiếp nhau. Hai chương được trình bày theo bố cục nhất
quán là bối cảnh lịch sử xã hội, các đặc điểm truyện ngắn của giai đoạn, các tác
giả tiêu biểu.
Người đọc có thể hình dung những
nét chính của bức tranh truyện ngắn hiện đại Việt Nam, những chặng đường phát
triển, đặc điểm chính của truyện ngắn cùng những tác giả tiêu biểu. Trong sự phát triển của truyện ngắn, có những
dấu mốc quan trọng, kể cả những dấu mốc không quan trọng với thể loại, nhưng lại
liên quan đến người viết, người đọc cũng
được ghi lại. Chẳng hạn, một số truyện ngắn khiến tạp chí bị đình bản, hoặc bị
độc giả nữ “đấu tố”, rồi “gây chia rẽ” độc giả, khiến người đọc “lạnh gáy”,
suýt bị kiện tụng, bị đòi kết tội… (
trang 217).
Phần công phu và thú vị là những
nghiên cứu về một số tác giả truyện ngắn tiêu biểu. Đây là phần đòi hỏi nhiều tâm
sức, bút lực của hai tác giả. Các cây bút truyện ngắn tiêu biểu của truyện ngắn
Việt Nam hiện đại được nghiên cứu, đánh giá
gồm có: Nguyễn Ái Quốc, Phạm Duy
Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao ( trước năm 1945) và
Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Sơn Nam, Nguyễn Khải, Nguyễn
Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê.
Tất nhiên, người đọc có quyền băn
khoăn rằng Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học được nghiên cứu như một tác giả, như thế
liệu có ưu ái quá chăng, vì thành tựu của các vị là khá mỏng. Lại nữa, một số tác
giả khác như Thế Lữ, Tô Hoài, Nguyễn Kiên,
Lê Văn Thảo, Phạm Thị Hoài, Hòa Vang,…sao không được chọn? Dù sao, đây cũng là
giáo trình dùng cho học viên thạc sĩ, gắn với nhà trường, hẳn là các soạn giả đã
có những tiêu chí riêng, mặt khác sự để ngỏ này
cho thấy khi chưa đủ tư liệu, chưa đủ cảm hứng, và nhiều lí do khác, các
soạn giả chỉ dừng ở đó.
Nói về truyện ngắn chặng đầu tiên, soạn giả có nói đến việc phân
biệt truyện ngắn và tiểu thuyết chưa thật rạch ròi. Thế nhưng rõ ràng không thể
coi tiểu thuyết là truyện ngắn, và trình bày gộp chung trong dạng thức văn xuôi. Mặt khác dẫn chứng
toàn các cây bút tiểu thuyết mà tiêu biểu là Hồ Biểu Chánh ( trang 97) có vẻ như
không ăn nhập gì với tiêu đề Truyện ngắn
Việt Nam hiện đại chăng đầu tiên ( 1900-1930) . (trang 96).
Cuốn sách in đẹp, bìa cứng, nội dung phong phú, trình bày công phu. Đây là
cuốn giáo trình dành cho học viên cao học thạc sĩ của Đại học Vinh, song chúng
tôi nghĩ rằng việc hai tác giả giới thiệu kiến thức truyện ngắn “một
cách hệ thống, tinh giản, chú ý những vấn đề trọng tâm, cố gắng tiếp thu và cập
nhật những thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hiện đại”
( Lời giới thiệu) là điều làm cho giá trị tâp sách vượt ra khỏi khuôn khổ nhà
trường, phục vụ cho đông đảo bạn đọc, bạn viết và tất cả những ai quan tâm đến
truyện ngắn. Vì vậy mà cuốn sách cần thiết và bổ ích.
Hà Nội, tháng 8/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét