Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

NGƯỜI SAY ĐẮM THIÊN NHIÊN QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC




 NGƯỜI SAY  ĐẮM THIÊN NHIÊN QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
                                                             Vũ Nho
Bạn đọc đã từng quen với tên tác giả Nguyễn Thị Lan, một nhà giáo, một cây bút lí luận phê bình của tỉnh Hải Dương với các bài viết  tập hợp trong hai cuốn chuyên luận “Văn học nước ngoài trong nhà trường” và “Văn chương Hải Dương đương đại”, từng đoạt Giải thưởng VHNT Côn sơn- Hải Dương và giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Lan không chỉ có thế. Chị còn  được giải  thưởng về cuộc thi viết kỉ niệm nước Nga và văn học Nga, giải thưởng cuộc thi viết về du lịch Hải Dương và giải thưởng cao về cuộc thi bút kí của Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương. Ngòi bút của nhà giáo ấy còn tìm đến hai thể loại để tung tẩy sáng tạo là tản văn và bút kí. Bây giờ chị đã có một tập dày dặn “Cây trong phố” để tặng quê hương Hải Dương, tặng những miền đất thân thương mà chị đã có dịp ghé qua trong những chuyến đi của một người say đắm thiên nhiên, say đắm những vẻ đẹp khác nhau của mọi miền đất nước.
Tập sách 23 bài này gồm 9 bài viết về quê hương Hải Dương và 14 bài viết về các vùng miền khác nhau của  mảnh đất Việt Nam từ Lũng Cú đến Cà Mau, Côn Đảo. Như vậy ngoài chuyên luận “ Văn chương Hải Dương đương đại” viết chuyên về các nhà văn Hải Dương; nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Lan lại có thêm 9 tản văn và bút kí về quê hương mình. Đó là các bài viết về  mảnh đất Hải Dương với  con sông Hương, với Đảo Cò-Chi Lăng Nam, với “Thanh Hà miền quê yêu dấu”, với Nơi lưu niệm Tự lực văn đoàn. Và các bài còn lại viết về thành phố Hải Dương thân thương một đời chị gắn bó, từ phố cây bàng, đến thư viện, đến công viên, đến mùa xà cừ thay lá trong thành phố.
Nếu thành phố Hải Dương có mĩ tục như Hà Nội, tặng danh hiệu công dân ưu tú  cho những người có nhiều đóng góp cho thành phố, tôi tin trong danh sách đó sẽ có tên nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Lan.

                       Vũ Nho - Chủ trang

 
Theo dấu ngày tháng in dưới mỗi bài viết, ta có một bảng thống kê về những bút kí và tản văn trong tập sách này. Năm 2011  có 2 tản văn. Năm 2012 có 2 ( 1 tản văn , 1 bút kí). Năm 2013 có 1 bút kí. Năm 2014 có 5 ( 1 tản văn, 1 tạp văn, 3 bút kí). Năm 2015 có 1 bút kí. Năm 2016 có 7 ( 1 tản văn và 6 bút kí). Năm 2017 có 3 ( 1 tản văn, 2 bút kí). Năm 2018 có 2 ( 1 tản văn, 1 bút kí).
Như vậy, ban đầu nhà giáo, nhà phê bình nghiên cứu Nguyễn Thị Lan chỉ ngập ngừng thử bút ở hai thể loại này. Năm 2014 và 2016 là năm chị viết say sưa và nhiều nhất. Phải chăng, chính những chuyến đi của đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương đến các vùng miền đã tiếp thêm năng lượng, đã khơi gợi, đã  kích thích, đã thôi thúc ngòi bút của người viết làm bùng nổ khả năng sáng tạo? Đủ biết rằng những chuyến đi, chuyến thâm nhập thực tế và trải nghiệm quan trọng đến mức nào với người viết kí, viết tản văn! Đi, viết, công bố trên các phương tiện thông tin báo chí của địa phương và của Trung ương như tạp chí Văn Nghệ Hải Dương, Văn Nghệ Phú Yên,  Văn hóa Thể thao & Du lịch Hải Dương, Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam… Rồi lại tiếp tục đi và viết. Thật đáng khâm phục người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn đã có những chuyến đi không mỏi đến huyện Sông Mã Sơn La, đồn biên phòng Sì Lờ Lầu Lai Châu, Mèo Vạc, Lũng Cú Hà Giang,  qua Phú Yên, qua Tây Nguyên, về sáu tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến Mũi Cà Mau và ra tận Côn Đảo, “mảnh đất bi hùng” giờ đây là Côn Đảo xanh, Côn Đảo sạch, Côn Đảo bình yên.
Dù là những chuyến đi ngắn đến những nơi trong phạm vi tỉnh Hải Dương, hay những chuyến đi dài vượt hàng mấy trăm, vượt hàng nghìn cây số đến các vùng miền khác, khát vọng tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm là một nét nổi bật. Không chỉ với tinh thần của một lữ khách rong chơi, mà đó là  tình cảm của một người con dân nước Việt đến với những miền đất, những con người thân thiết của mình được sinh ra từ một bọc trứng của Âu Cơ, gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào” thân thiết. Bởi thế mà tràn đầy trong những trang viết về con người trên mọi miền đất là những tình cảm trân trọng, ngợi ca, yêu mến:
Nhưng yêu thương và quý nhất vẫn là những con người ở nơi đây, những bông  “hoa của đất”. Họ là những người cần cù, chịu khó, lầm lụi, bền gan trong mọi hoàn cảnh. Bằng đôi bàn tay của mình, họ đã “vẽ” lại núi đồi:  những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh làm say lòng người, những quả đồi bạt ngàn ngô, nhãn, những vườn mận, vườn đào, những chiếc nhà sàn như những tổ chim cheo leo trên nơi lưng chừng trời.
Những con người ấy thuần khiết, hồn hậu, hiền hòa và tốt lạ thường với nhu cầu yêu thương vô hạn”. ( Sông Mã tháng Ba).
Họ là người Sông Mã của Sơn La, cũng là người  Đồng Văn, Mèo Vạc Hà Giang, hay ở Sì Lờ Lầu Lai Châu, là những người dân nước Việt ở vùng phên dậu của biên cương phía Bắc.
          Tác giả là người say đắm với thiên nhiên.  Chị yêu con phố  nhỏ trồng toàn bàng của thành phố Hải Dương, rồi  mê đắm  30 ngàn  cây trong phố như  trong bút kí “Cây trong phố” gồm những cây hoa có vẻ đẹp nữ tính đến cây gỗ có vẻ đẹp nam tính “cao lớn, vạm vỡ, hiên ngang bất chấp gió sương”. Các loại cây xanh bao giờ cũng là niềm say mê của khám phá, tìm tòi. Bởi thế cây quéo ở thư viện cũ, những cây xà cừ của thành phố Hải Dương,  hai “cụ” cây phượng và ổi ở ngõ 275 đường Âu Cơ, Hà Nội, những cây bàng Côn Đảo…là chủ để riêng của một bài viết nhiều tư liệu, thông tin và cảm xúc. Rồi các loại hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn, hoa ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt, lại có riêng một bài viết về loài hoa Mimosa ( Mi mô sa, em ơi…). Người viết say sưa nói về vẻ đẹp của cây bàng, về những chùm quả bàng chín, tặng vật cho những trẻ em thời cả nước còn nghèo, về  nhân bàng  đặc sản của Côn Đảo. Ngay cả chuyện những chiếc lá rụng thường gợi buồn thương, dưới con mắt trìu mến và trân trọng của người viết, nó cũng lãng mạn đượm chất thơ:
          Thời khắc lá rụng trông thật lãng mạn và đẹp làm sao. Một cơn gió đi qua, hàng trăm, hàng ngàn chiếc lá nhỏ lại dịu dàng vương đầy khắp nơi, xôn xao trên mặt đường, níu gót chân người. Lá bay bay bám vào tóc, vào xe của người đi trên phố. Lá trút xuống mặt hồ, trên đường phố cổ, trên những nếp nhà đượm chút rêu phong. Lá tự buông mình xuống thảm cỏ xanh trong công viên nhẹ nhàng như những cánh hoa bay. Những cơn mưa lá nho nhỏ dần bao phủ lấy không gian thực tại. Cảnh vật nên thơ, phố giống như người đàn bà luống tuổi lại trở nên quyến rũ trong nét hoài cổ hơi u buồn”. (Thành phố mùa xà cừ thay lá)
          Niềm say đắm thiên nhiên của người viết còn thấm đẫm trong những trang viết về  hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa đào núi, hoa gạo, hoa bạc hà trên cao nguyên đá  Hà Giang; về “ bầu trời, mặt đất, nắng, gió, cây và hoa” ở Tây Nguyên; về những cánh rừng, những con đèo, những thác nước, những con hồ, những ngôi nhà dài,  ngôi nhà gỗ thông, quán cà phê,  chợ đêm, sương mù Đà Lạt; về những cây cầu khỉ, cầu dây văng hiện đại, những “tắc ráng” vùng sông nước miền Tây.
          Một trong những điều làm nên sự thú vị của tập sách là tác giả thường như là một người đi khám phá, đồng thời lại kiêm luôn vai  “hướng dẫn viên du lịch” đối với bạn đọc. Một hướng dẫn viên cởi mở, thân thiện và tận tụy. Bạn đọc vừa được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên, vừa được biết lịch sử vùng đất, biết những con người có tên và vô danh,  biết những phong tục tập quán, đặc biệt là những món ăn đặc sản nơi thăm thú. Để có những điều nói với chúng ta, tác giả  dùng kiến thức mắt thấy, tai nghe . Như ở Bản Lác lúc đêm về: “thật ngạc nhiên, dưới gầm nhà sàn - một không gian mở - đồ đạc của mọi người để nguyên như ban ngày, từ bàn ghế, vật dụng sinh hoạt,, ti vi, tủ lạnh,quạt điện, xe máy,…xe đạp để hàng dãy dài cho khách du lịch thuê không khóa. Rồi đến những quầy hàng lưu niệm trị giá vài chục triệu đồng không ai trông nom […] Hỏi một người đàn ông chợt gặp trong buổi sớm mai đó “Ở đây không có trộm hay sao?”. Bác nói :“Ở đây an ninh rất tốt, không hề có trộm lớn, trộm nhỏ”. Lại thắc mắc:“ Không có trộm , sao dân bản nuôi chó lắm thế?”. Ông cho biết : “Nuôi chó để cho vui thôi, chứ không phải để giữ nhà”. ( Mai Châu một lần đến). Còn ở  Côn Đảo : “Ban đêm, khách sạn, nhà dân không bận lo khóa cửa, xe chạy qua ngã tư nửa đêm vẫn dừng khi đèn đỏ, điện thoại lỡ bỏ quên ở ngoài quán, cả ngày sau quay lại vẫn còn nguyên. Chúng tôi đã gặp những chiếc xe máy vất đầy đường và bãi biển. Người Côn Đảo thường nói đùa : “Du khách đến đây chỉ lo việc thăm thú, mua sắm, không lo trộm vặt” ( Bình yên Côn Đảo ). Những điều ấy luôn mới lạ trong mắt nhìn khám phá của người viết. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng  vô số những kiến thức có trong các tài liệu về  lịch sử, địa lí, văn hóa, phong tục mà một người say mê sách, say mê đọc đã một đời tích lũy.  Những trang tản văn và bút kí có khi được tác giả dẫn ra những câu thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng như: Lí Bạch, Đỗ Phủ,Vương Bột, Puskin, Exenhin, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Chế Lan Viên,  Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh…thật hợp cảnh hợp tình; những câu hát trữ tình, lãng mạn cũng làm tăng thêm chất thơ cho bài viết. Chất thơ bàng bạc trên nhiều trang viết của tác giả là một phẩm chất tổng hợp được tạo ra từ nhiều yếu tố: đó là từ  cái Đẹp của tự nhiên và con người; đó là từ nhịp điệu, tiết tấu, âm thanh, hình ảnh, ngôn từ của tác phẩm; đó là ý vị trữ tình bay bổng, sự thi vị; đó còn là sự rung động, cảm xúc trực tiếp và tấm lòng của người viết với cái Đẹp của cuộc sống. “Chất thơ” ấy đã tác động tới tâm hồn của người đọc và gợi lên những khoái cảm thẩm mỹ.      
          Tác giả bộc bạch: “ Chúng tôi đã cố “đi”,“nhìn”, “nghe” và cả “chạm” vào Đà Lạt nhiều nhất” (Đêm Đà Lạt). Không chỉ với Đà Lạt mà đến bất cứ nơi đâu cũng thế. Người viết say mê khám phá thiên nhiên, cảnh vật, con người, nhất là những nét đặc sắc trong sinh hoạt và văn hóa  của mỗi vùng miền.  Phố cổ Đồng Văn đã được viết tỉ mỉ như một du kí của người làm kiến trúc. Phó Bảng, Phố Cáo được quan sát và miêu tả theo con mắt của người khảo cứu dân tộc học. Cây bàng Côn Đảo được quan sát và miêu tả như một  nhà thực vật học,… Chính niềm say mê đó như truyền cảm hứng cho người đọc, nhất là những ai, do hoàn cảnh mà chưa tới những nơi tác giả đi qua.
          Thật tình mà nói, hầu hết những địa danh tác giả viết trong tập sách này, do hoàn cảnh công tác của mình, tôi đã đặt chân đến. Có nơi còn đến tới hai, ba lần. Nhưng vì không có ý định ghi chép và viết, thành ra tôi chỉ như người cưỡi ngựa xem hoa.  Bởi vậy mà khi đọc những trang viết của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Lan, tôi thích thú như một lần  nữa được  thăm lại nơi  tưởng  đã là quen mà còn rất lạ; nơi tưởng như đã biết nhiều mà thực ra chưa biết được bao nhiêu; nơi tưởng không có điều gì đáng nói đáng kể, nhưng thực ra còn rất nhiều điều đáng nói, đáng kể. Những trang viết ấy đã làm cho tôi thêm một lần nữa trải nghiệm về thiên nhiên, cuộc sống và con người trên những miền đất khác nhau của Tổ quốc mình, làm cho mình càng thêm mến yêu, gắn bó. Tôi nhớ đến những câu thơ mộc mạc mà thiết tha của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:
          Việt Nam đất nước ta ơi
          Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
           Cánh cò bay lả rập rờn
          Mây mờ che đỉnh  Trường Sơn sớm chiều
          Quê hương biết mấy thân yêu…
Những trang viết của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Lan sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương và đất nước trong mỗi chúng ta.  
                                                       Hà Nội, tháng 1/2019
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét