Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

PHỐ CÂY BÀNG




PHỐ CÂY BÀNG
( Tản văn )
Nguyễn Thị Lan
    Thân yêu tặng phố Quang Trung

 “ Phố em là phố cây bàng”. Câu mở đầu bài văn tả cảnh thuở học trò tiểu học của mình cách đây hơn nửa thế kỉ tôi vẫn nhớ như một kỉ niệm không thể nào quên. Tôi nhớ không chỉ vì câu văn ngộ nghĩnh đáng yêu mà còn vì nhớ lại tuổi thơ với con phố nhỏ.
          “ Phố cây bàng” của tôi, một con phố cổ có cách đây hàng thế kỉ. Phố dài khoảng vài trăm mét. Đầu phố là một ngã tư, cuối phố có đường xe lửa cắt ngang.
          Gọi là “Phố cây bàng” bởi vì ngày ấy trồng hai bên hè phố hầu hết là bàng. Thị xã hồi đó các con phố thường trồng sấu hoặc bàng. Hai cây ấy chịu được gió bão, dễ tỉa mà lại cao tuổi thọ.
          Suốt tuổi thơ và thanh thiếu niên tôi gắn bó với cây bàng. Với tôi cây là kỉ niệm đặc biệt của thời thơ ấu. Tôi yêu cây bàng vì cây đẹp suốt bốn mùa. Mỗi mùa cây khoác một màu. Bắt đầu bằng màu xanh nõn trong mùa Xuân ấm áp. Rồi Hè sang màu xanh thẫm của lá đan xen nhau tỏa bóng rợp mát cả dãy phố. Sang Thu lá bàng đỏ như giát đồng. Cây bàng cuối năm tự nhuộm mình đỏ ối như một ngọn đuốc khổng lồ, đẹp đến huy hoàng rực rỡ. Những chiếc lá lìa cành chao nhẹ đáp xuống, nằm thảnh thơi trên mặt đất làm nên một tấm thảm màu đỏ trên đường phố. Bây giờ đọc lại bài thơ “Mùa lá rụng” của thi sĩ Nga Olga Bergol:
“Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa
Maxcova, lại đã thu rồi!
Bao khu vươn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh lên vàng rực rỡ”
lại thấy mùa thu vàng của nước Nga sao giống mùa Thu lá bàng đỏ ối của phố tôi đến thế.

Mùa Đông, bàng đẹp vẻ khác, một vẻ đẹp khắc khổ mà gan góc, kiêu hãnh. Thân cây trơ trụi, bàng lặng lẽ vươn những cành khô khẳng khiu thâm nâu lên bầu trời xám xịt màu chì.
          Quy luật của tạo hóa là thế: có sinh, có trưởng, có diệt. Tàn rụng để sự sống lại hồi sinh. Để đến mùa Xuân năm sau nơi chiếc lá lìa cành một chồi non lại nhú lên, một sự sống lại bắt đầu. Rồi bàng sẽ nảy lộc dưới lớp mưa Xuân, những mầm đỏ tươi đậu chi chít trên cành. Sức sống tràn trề của bàng lại tuôn chảy dào dạt sau lớp vỏ dày khô cứng nứt nẻ. Mưa Xuân khiến lá bàng lớn nhanh đến nỗi khiến ta ngỡ ngàng. Những chiếc lá mượt mà reo vui như chào đón một năm mới tràn trề ước mơ, hy vọng.
          Ít có cây nào nhiều màu sắc trong năm như vậy.
          Cây bàng phố tôi có tự bao giờ ? Chỉ biết khi tôi sinh ra đã có cây rồi. Tính đến nay, những cây còn lại có tuổi ít nhất trên nửa thế kỉ. Trong những cây bàng quanh nhà, tôi nhớ nhất cây bên kia đường, chếch cửa nhà tôi. Đó là một cây bàng cổ thụ, uy nghi, gốc to bành nổi u bướu. Cây to đến nỗi hai đứa trẻ ôm không xuể. Cành lá xum xuê nhiều tầng như một cái dù khổng lồ che mát cả một góc phố. Rễ cây tỏa ra xung quanh nổi cộm trên mặt đất, ngoằn ngoèo xung quanh gốc. Đó là cây bàng bọn trẻ chúng tôi “ngưỡng mộ” nhất. “ Phố cây bàng” đẹp thêm vì có những cây bàng như thế.
          Những trong kí ức của tôi, “Phố cây bàng” còn đẹp vì gắn với kỉ niệm tuổi học trò, gắn với thế giới tuổi thơ.
          Hiếm có cây nào lá to như lá bàng. Mùa Hè chúng tôi lấy lá bàng tươi kết làm mũ cánh chuồn, mũ ca lô đội đầu. Lá bàng còn được buộc thành con trâu để chúng tôi chơi trò “ nghé ọ”. Mùa lá rụng, mẹ tôi lụi cụi quét lá về đun.
          Mùa Hè, hoa bàng đẹp làm sao. Những chùm hoa li ti trên búp lá, xanh một màu xanh nhẹ nhàng. Từng bông hoa xinh xắn như những chiếc chong chóng màu xanh tí hon vương trên mái tóc ngày thơ ấu.
Hết Hè, trái bàng từ màu xanh chuyển sang vàng mơ rồi vàng đậm. Bàng bắt đầu chín. Những trái bàng mũm mĩm từng chùm, hương thơm nhẹ nhàng, ngọt ngào lan tỏa khắp phố, vẫy gọi sự thèm thuồng của bọn trẻ. Hồi đó nhà nào cũng nghèo, trẻ con làm gì được ăn quà. Bàng chín là “ quà” của lũ trẻ chúng tôi. Quả bàng chín màu vàng ửng, mượt mà, cắn phập vào, chua chua, ngọt ngọt, chan chát,  sao mà ngon đến thế. Ngon nhất là quả bàng đào. Đứa nào cũng gặm sạch cùi, trơ lại cái hột màu hồng đỏ. Hột bàng còn ngon hơn cả cùi bàng. Bọn trẻ dùng cục gạch đập vỡ vỏ cứng, lấy nhân bỏ miệng, bùi bùi, ngọt ngọt, thơm thơm. Cái nhân bàng dạo đó sao ngon đến vậy. Bây giờ nghe nói ngày trước ở Huế, kẹo gương làm bằng hột bàng là một đặc sản của Huế về kẹo và ở ngoài Côn Đảo có mứt hạt bàng.
          Trái bàng ngon nên mùa bàng chín là khoảng thời gian vui vẻ, náo nức trong năm của bọn trẻ. Suốt ngày chúng tôi ngửa cổ lên cây để “ khám phá” những quả bàng chín. Sáng sớm ra lũ trẻ rủ nhau đi nhặt những quả bàng chín rụng la liệt, rồi lấy gậy chọc bàng. Những ngày nghỉ Hè, từng tốp con trai vác cây gậy đã được nối dài, kéo nhau hết phố này sang phố khác để chọc bàng. Đầu trần, chân đất, mặt mũi đen bóng nhễ nhại mồ hôi, đứa nào cũng may ô cho trong quần đùi để đựng bàng. Cuối buổi, cậu nào cũng hả hê vì có đầy một “ bụng bàng”. Bây giờ cuộc sống đủ đầy, có bao nhiêu thứ quà nên bọn trẻ chẳng thèm mấy quả bàng chát xít ấy. Thế mà ngày xưa với chúng tôi quả bàng thật là ngon.
          Tôi yêu cây bàng còn vì cây là “chứng  nhân” của một thời một đi không trở lại của cái phố nhỏ quê tôi. Thị xã ngày đó bé nhỏ, quanh quanh một vòng đi bộ là hết.
          Cuộc sống tỉnh nhỏ những năm 50, 60 của thế kỉ trước với nhịp sống chậm thật êm đềm, dễ chịu trong khung trời nhỏ hẹp thân thuộc cố hữu:
                                      “ Tỉnh nhỏ
                                         Đìu hiu
                                         Ngủ quên chiều”
                                                          ( Yến Lan )
Thị xã yên bình đến mức, tháp nhà thờ ngay trên đường Trần Hưng Đạo, những buổi sớm tinh mơ và chiều muộn đổ chuông- tiếng chuông vừa trầm tĩnh, vừa trong trẻo vang ngân- lại vọng vào từng con phố nhỏ. Đêm về, những cô gái gánh nước từ máy nước công cộng về nhà tạo thành những vệt ngoằn ngoèo trên phố, tiếng nước chảy vào thùng lanh tanh giữa đêm khuya vắng.
Cuộc sống bình dị, hiền lành cứ ngày lại ngày trôi đi. Ở nơi đây, người ta làm lụng, học hành, buôn bán, yêu đương, sinh con đẻ cái… Nơi đó, dưới bóng bàng cả người lớn và trẻ con có cả một vòm hạnh phúc. Những trưa Hè nắng gắt, đám con nít thường quây quần vui chơi dưới bóng mát của cây bàng. Những chiếc tán rất rộng xòe muôn vàn cánh tay thân thiện cho lũ trẻ. Chiều chiều, dưới bóng bàng lũ trẻ lại được bố mẹ lôi ra tắm truồng trước cửa nhà, thật hồn nhiên vô tư ( bây giờ nhớ lại tôi không khỏi mỉm cười ). Đến bữa chiều, nhà nhà kéo nhau trải chiếu trên hè dưới bóng bàng ăn cơm. Tiếng lách cách dọn mâm, tiếng mời nhau ăn cơm sao mà nồng ấm. Những tối mùa Hè oi bức, dưới tán lá bàng râm mát, , trẻ con, người lớn cả phố kê phản, trải chiếu nằm ngủ ( ngày đó, ít nhà có quạt điện ). Nửa đêm mưa giông bất chợt lại gọi nhau í ới chạy vào nhà.
          Ngày nay, con người đang bị đẩy dần vào việc đòi hỏi tiện nghi tối đa, xa dần cuộc sống thiên nhiên, xa dần cuộc sống giữa người với người. Thế mà có một thời ở “Phố cây bàng” này tuy đời sống còn nghèo nhưng con người sống với nhau thật mộc mạc, thân thiện trong tình hàng xóm láng giềng và gần gụi với thiên nhiên như vậy đấy.
          … Nửa thế kỉ đã qua đi, “Phố cây bàng” không còn nguyên vẹn như xưa. Nhiều cây cũ không còn, người ta đã trồng vào đó những cây xà cừ, cây bằng lăng, cây phượng… Nhiều người của một thời cũng lần lượt ra đi mãi mãi. Căn nhà xưa của cha mẹ tôi giờ đã có chủ khác, đã trở thành căn nhà của kí ức. Trong tôi, từ đáy sâu một vùng thương nhớ, chợt ngân vang câu thơ của ai:
                             “ Ôi dĩ vãng thân yêu và trong trắng
                                Bỗng hiện lên như một áng mây buồn
                                Rồi lặng lẽ tan dần vào xa vắng
                                Tay ta cầm một ảo giác cô đơn”
          Dẫu vật đổi sao dời nhưng lòng người không đổi.
          Chiều nay tôi trở lại phố xưa. Xa phố cây bàng khi mái tóc còn xanh giờ đã điểm nhiều sợi bạc. Hành trình “trở về” với tôi là để sống lại những ngày thơ ấu hạnh phúc; để  đánh thức trong tôi niềm thương, nỗi nhớ với những gì quý giá nhất, tốt đẹp nhất được cất kín trong mình. Và nhớ lại cũng như một cách di dưỡng tinh thần để tâm hồn mình bớt khô cằn trong xã hội đô thị hiện tại./.
                                                          Hải Dương, đầu Đông năm 2011

Trích từ cuốn " Cây trong phố", nxb Hội Nhà văn, 2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét