NHỮNG PHẬN NGƯỜI THƯỜNG GẶP
Đọc “Đường chiều” tập
truyện ngắn của Y Mùi, nxb Hội Nhà văn, 2019
Vũ Nho
Mấy năm gần đây nhà văn Y Mùi, bút
danh của Tiến sĩ Bác sĩ Đào Thị Mùi xuất hiện thường xuyên trên các trang báo mạng,
báo giấy của Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nhà văn Hà Nội, Hội văn học nghệ thuật Hải
Phòng, Hội Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ, Hội văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc,...
Nhiều ý kiến của bạn văn, của các nhà phê bình bàn luận về tác phẩm của bác sĩ quen cầm kim tiêm, kim châm cứu bây giờ chuyển
sang cầm bút.
Các nhà văn Việt Nam hiện nay vốn
làm nhiều nghề nghiệp khác nhau chứ không mấy ai chuyên làm nghề viết văn.
Trong số các bác sĩ cầm bút thì nhà thơ Vũ Quần Phương thành công và nổi danh với
thơ và bình thơ; bác sĩ Vũ Oanh thành công với tiểu thuyết và truyện ngắn (dù ông
cũng có viết và in một tập thơ). Bây giờ là nữ bác sĩ có bút danh Y Mùi.
Mười lăm
truyện ngắn trong tập “Đường chiều” có nội dung
và chủ đề khá phong phú. Nhưng các nhân vật phần lớn thuộc những người bình
thường đâu đó quanh ta. Có thể nói vị Tiến sĩ Bác sĩ kiêm nhà văn quan tâm đến
những phận người nhỏ bé thường gặp (một
công chức hạng ba, một giáo viên tiểu học, một chị hàng trầu vỏ, một bà cô không chồng nhà họ Đới, một
thằng Vinh học trung cấp nông nghiệp, một “mụ Tân hết đát”,…). Không gian của các
truyện ngắn là làng quê và những gian nhà
chật hay nhà trọ nơi phố thị. Thời gian là trong thời buổi kinh tế thị trường.
Những người quê nhao ra thành phố để kiếm sống, để tránh sự kì thị, ì xèo hoặc
buộc phải theo con cái (Rể phố, Cô Gấm,
Liệu có thể khác đi, Người tử tế, Nhà số 100 big). Cũng có người chỉ thoáng
qua đôi tuần ở thành phố như lão Chí (Thi nhân xóm núi). Nhưng cũng có những người
phố tìm đường về quê như bà bác sĩ Nhàn (Người
quê). Và người mẹ (Vụn vặt chuyện nhà),
bà cụ Cội ( Cụ Cội và con dế hồng), ông
em “ sành sỏi sự đời” của bác sĩ Nhàn (Người
quê) thì chẳng đi đâu cả, chỉ ở
trong làng mình thôi. Có thể nói ngoại trừ hai nhân vật có cỡ một tí là vợ chồng
giáo sư tiến sĩ (Nhà số 100 big) và
Linh, Viện trưởng (Bánh cáy thì phải ngọt),
các nhân vật của Y Mùi là những người bình thường, những nhân vật “bé mọn”, thậm
chí còn không có tên, chỉ được gọi là “nó”
như trong truyện “Chỉ là giấc mơ”
hay chỉ gọi bằng tên nghề “cô thợ may”, “cô thợ làm đầu” trong truyện “ Người quê”.
Vũ Nho - Chủ trang
Nhìn chung, tác giả là người kể
chuyện có duyên thầm. Câu chuyện giản dị, không có những yếu tố gay cấn hay giật
gân. Nhà văn cứ nhẩn nha và hồn nhiên như là gặp đâu kể đấy. Nhưng đó chỉ là “cảm
giác” của người đọc. Bài binh bố trận, xây dựng lớp lang mà cứ như là không. Đó
cũng là biểu hiện của sự thành công. Ví như truyện ngắn “ Những nẻo đường tu”.
Câu tục ngữ “Thứ nhất là tu tại gia, thứ
nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” nói về sự khó khăn của việc “tu”. Tu ở đây là
tu tâm dưỡng tính, dốc lòng làm điều thiện, cởi bỏ tham, sân, si. Tại gia, ở nhà
thì vướng víu trăm thứ bà dằn, khó mà tĩnh tâm tu hành. Ở chợ búa cũng vậy, nơi
ồn ã, ì xèo bán buôn, cũng khó tu. Còn tu ở chùa thì dễ hơn nhiều vì đó là nơi
thanh tĩnh, là nơi có thể tập trung tâm sức cho việc kinh kệ, tu hành. Truyện
ngắn bắt đầu bằng sự kiện ở chùa, từ đó mà gợi nhớ đến sự đụng độ với “chị hàng
trầu vỏ” ngoài chợ. Rồi sau mới đến cuộc gặp gỡ ở nhà (“tư gia”) của nhân vật. Dù “chị hàng trầu vỏ”
không nhớ người đã gặp ở chợ, đã cãi cọ ở chùa, nhưng cô giáo thì vẫn nhớ. Cái
khéo của việc bố cục chính là chọn cả ba nơi để nhân vật “chị hàng trầu vỏ” thể hiện tính cách
của mình. Và kết cục của người có tính cách như thế là một sự “quả báo” nhãn tiền.
Câu chuyện kết thúc bỏ lửng với giấc mơ “chị hàng trầu vỏ” đã biết “khéo ăn nói”
và “dễ coi” hơn. Nhân vật cô giáo thì thiếp ngủ với câu hỏi của lương tâm và trách
nhiệm. Còn người đọc thì băn khoăn không biết thằng Hoàng sẽ ra sao, “chị hàng
trầu vỏ” sẽ ra sao. Để cho người đọc không yên tâm, như thế chẳng phải nhà văn đã
thành công hay sao!
Một truyện khá ngắn để lại sự ám ảnh
trong người đọc là “ Chỉ là giấc mơ”.
Nhà văn viết về nhân vật “Nó” - một phụ nữ vô danh , một công chức hạng ba, hết
lòng vun quén cho gia đình. Nhưng người chồng của “nó”, một người thành đạt,
gia trưởng với triết lí sống chỉ vị tiền “Đi
đâu kiếm ra tiền thì hãy đi”. Nó đã nín nhịn, chịu đựng sự bạo hành về tinh
thần, chịu đựng mãi rồi nó dám cãi lại tay chồng với biệt danh “ông đúng rồi”. Và gã
chồng vũ phu đã quát mắng, đã vớ cả chiếc
bàn là ném vào nó, đuổi nó ra khỏi nhà. Nó đã kiên quyết bỏ lại tất cả, Nó đã
thu xếp đồ đạc rồi gọi xe taxi và ra đi…Nhưng hóa ra đó chỉ là một giấc mơ ra đi mà thôi. Tình
thương con đã không để cho nó rời khỏi căn nhà vì “nó” biết thằng con rất cần có
nó.
Cái bàn là nằm chềnh ềnh trên cầu
thang là chứng tích rành rành của sự bạo hành của gã chồng, hơn thế là để “nó”
chắc chắn việc xảy ra đã không ở trong cơn mơ. Chỉ có một giấc mơ là việc “nó”
gói ghém đồ đạc, lên xe mà không biết đi đâu, chỉ có sự “vật lộn” để trốn chạy ở
trong giấc mơ của người mẹ...
Biết bao nhiêu phụ nữ chịu cảnh bạo
hành như người đàn bà hàng chài trong
truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của
Nguyễn Minh Châu. Và trong truyện ngắn “Chỉ
là giấc mơ” này nữa. Có điều người đàn bà hàng chài ấy trong hoàn cảnh ít học,
lại sống với nghề biển, một nghề đòi hỏi phải có người đàn ông. Còn “nó”, một
phụ nữ có bằng đại học hẳn hoi, nhưng nó vẫn phải chịu cảnh bạo hành thật quá đáng
chỉ vì lòng thương con.
Một truyện ngắn khác chứng tỏ việc
xây dựng tình huống truyện của tác giả khá chắc tay. Đó là truyện “ Bánh cáy thì phỉ ngọt”. Quà tặng của một
bạn học, được gói bọc công phu, trong một ngày trọng đại là bảo vệ luận án tiến
sĩ, cầm rất nặng tay. Thế nhưng bên trong lại chỉ là hộp bánh cáy Thái Bình, một
thứ “đồ thừa, đồ cũ” của nhà bạn. Ngay cả
cô bé osin cũng chê là “nhạt”! Thế nhưng, hóa ra trong cái vỏ hộp đó lại là cuốn
sổ, trong cuốn sổ lại là phong bì. Và hóa ra Hòa đã nghĩ sai về người bạn giờ đã
làm sếp lớn.
Tình huống hài hước độc đáo là tình huống trong truyện ngắn “ Người mắc chứng chập IC” hay nói theo ngôn
từ dân dã là chập cheng hay hâm hấp! Hai nhân vật, cô nhà văn, và người tự xưng là “nhạc sĩ Cao Nguyên”.
Một truyện ngắn được chuyển thể. Mọi người nghĩ rằng sẽ được chuyển thể thành kịch
bản sân khấu, hay kịch bản phim. Hóa ra, nó được chuyển thể thành “ca khúc”! Thế
là nữ văn sĩ thì thất vọng tả tơi vì cái
cháu nhạc sĩ chập IC, còn nhạc sĩ Cao Nguyên thì thất vọng không kém vì có người
muốn nổi tiếng mà “ki bo”. Tác giả bỏ lửng kết luận: “ Vị khách kì nhân ấy bị chập IC? Hay chính mụ bị chập IC? Hoặc là cả hai
cùng bị chập IC cũng nên?!”. Sau tình huống trớ trêu cười ra nước mắt, người
đọc thấy được sự nhộn nhạo của kiểu kiếm tiền có tính lừa đảo mà nhân vật Cao
Nguyên không hề “tâm thần phân liệt”. Câu
chuyện này có yếu tố giống như là “tự truyện” khi cô nhà văn kể chuyện xưng tôi
và cái truyện ngắn có tên “Những nẻo đường
tu”. Còn nhạc sĩ Cao Nguyên thì có thể là bịa. Chính yếu tố thật như bịa và bịa như thật làm cho truyện ngắn này thêm thi vị!
Theo cách đánh giá truyện ngắn truyền
thống thì nếu nhà văn xây dựng được tình huống càng độc đáo, càng mới lạ, coi
như truyện ngắn đã có được hơn một nửa sự thành công. Phần lớn các truyện trong
tập đều có tình huống với các mức độ khác nhau.
Truyện ngắn “Đường chiều” là kiểu truyện ngắn không có tình huống. Chỉ là những
mẩu hồi ức của nhân vật “mụ Tân” về hưu bắt đầu viết văn. Điều thú vị là truyện này gợi nhớ đến “Ánh trăng lu” của nhà văn Đặng Lưu San. Một bên là nhân vật “gã” khó
ngủ với tiếng ngáy “phù phào” của người vợ già mà gã không yêu nhưng cũng không
dám bỏ. Bên này là nhân vật “mụ Tân” cũng
đã nghỉ hưu không ngủ vì tiếng mưa suốt đêm. Đặng Lưu San phê phán “gã” đàn ông
sĩ diện, tham lam và hèn nhát. Còn Y Mùi thì lại cảm thông, bao dung với “mụ Tân”
cặp bồ với ông Toàn thành “đôi tình nhân tuổi xế chiều”.
Trong những truyện ngắn của mình,
nhà văn đã quan sát, mổ xẻ và phê phán những cái xấu, những vấn nạn của xã hội.
Đó là sự “vì tiền” của những người nhà họ Đới (Rể phố), của anh chồng cô công chức hạng ba (Chỉ là giấc mơ), của vợ chồng
ông giáo sư có khuôn mặt ma - nơ - canh (Nhà số 100 big). Đó là sự bán mua trong thị trường học vấn “Người ta mua thầy hướng dẫn, mua thầy phản
biện, kể cả phản biện kín; mua Hội đồng chấm luận án; mua đề tài, mua số liệu,
mua kết quả nghiên cứu; có khi mua cả luận án hoàn chỉnh rồi trình bày y như
người làm thật viết thật, diễn trước Hội đồng và bạn bè người quen như đúng rồi
vẫn nhan nhản đấy thôi” (Bánh cáy thì
phải ngọt). Đó là sự chụp giật bất chấp những gì là luân thường đạo lí hay
lẽ phải: “Ở cái thời mắc dịch này, cái gì
cũng đảo điên, nháo nhào, chụp giật. Vinh thì chụp giật để lấy được gái phố. Em
Mai thì chụp giật cho bằng được tấm chồng bất chấp sự chênh lệch không thuận về
tuổi tác, sự khác biệt về gốc gác” (Rể
phố). Và cả sự bạo hành gia đình mà người phụ nữ phải cắn răng chịu đựng; sự
bội bạc của người đàn ông có được tí chức tước là ruồng rẫy vợ, dù đó là người
không có tội tình gì, hay chỉ có mỗi tội là hết lòng vì chồng con (Chỉ là giấc mơ, Liệu có thể khác đi). Tuy nhiên, nhà văn
không chỉ nói về thói xấu, con người xấu. Vẫn có những con người tốt đẹp, lương
thiện, tử tế. Đó là người mẹ cả đời “vay dài mượn nóng” chăm lo cho chồng con (Vụn vặt chuyện nhà), là Hoa (Liệu có thể khác đi) là Hòa, Linh (Bánh cáy thì phải ngọt), là “Liên H cộng”
(Người tử tế), là cô Gấm (cô Gấm), là cụ
Cội (Cụ Cội và con dế hồng), là bác sĩ
Nhàn (Người quê)...
Các nhân vật trong truyện ngắn của
Y Mùi dù chưa được chăm chút tỉ mỉ, dựng lên như những nhân vật truyện ngắn nổi tiếng kiểu lão Hạc, Chí Phèo (Nam Cao), Mỵ, A Phủ (Tô
Hoài), Tràng, người vợ nhặt (Kim Lân), lão Khúng (Nguyễn Minh Châu),… Tuy nhiên,
họ đã có số phận, có vóc dáng và tạo cho
người đọc những ấn tượng nhất định. Đó là “chị hàng trầu vỏ”, là cô Gấm, là “cô thợ may”
của Nhà may Sài Gòn, là bà cụ Ngãi, là cụ Cội, là mụ Tân, là Liên H cộng,…
Có thể nói nhờ có một vốn sống khá
phong phú về làng quê thuở ấu thơ, kết hợp với sự hiểu biết về cuộc sống thành
thị những năm kinh tế thị trường bung ra gần đây, và những vốn sống trực tiếp
khi tiếp xúc với người bệnh, vốn sống gián tiếp khi đọc những trang viết phong
phú của các nhà văn đồng nghiệp khác, tác giả đã thành công trong những truyện
ngắn của mình.
Tôi không nghĩ rằng nếu Y Mùi dùng
các kiến thức của riêng mình về ngành y thì tác phẩm của chị sẽ có những thành
công vượt trội. Chị có viết về bác sĩ Nhàn ( Người quê), chị có sử dụng một ít kiến thức về thần kinh phân liệt
hoang tưởng (Người mắc chứng chập IC),
nhưng những truyện thành công của chị là do vốn sống, do sự quan sát, sự trải
nghiệm và đặc biệt là sự vững vàng trong kĩ thuật tạo tình huống, dựng truyện và
khắc họa tính cách nhân vật.
Hi vọng là sau những thành công
bước đầu, người đọc có thể chờ đợi những thành tựu mới của cây bút văn xuôi Y Mùi.
Hà Nội, tháng 02/2019
Đăng trên báo Người Hà Nội tháng 3/2019
Đăng trên báo Người Hà Nội tháng 3/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét