100 năm chữ quốc ngữ : các hội thảo lớn cuối tháng 12 năm 2019
(Chép lại từ Giao' Blog )
Nhớ lại, thì nhiều chục năm về trước, liên quan đến chữ quốc ngữ và giáo
sĩ Đắc Lộ, thì hồi thập niên 1990, một bài khá đanh đá hiếm có của một
học giả công giáo vốn rất đỗi điềm đạm là cụ Nguyễn Khắc Xuyên (xem lại ở đây).
Tôi đến bây giờ vẫn chưa hết bất ngờ về sự nóng nảy của cụ Xuyên vào
năm đó - năm 1993, kỉ niệm 400 năm ngày sinh Đắc Lộ (1593-1993).
Bây giờ, vào tháng 12 năm 2019, về chủ đề chữ quốc ngữ, có một số hội
thảo lớn được tổ chức ở các thành phố lớn trên toàn quốc. Quan sát ở đây
là dành cho hội thảo đã diễn ra ngày 21/12 tại Tp. Hồ Chí Minh và hội
thảo sẽ diễn ra ngày 28-29/12 sắp tới tại Đà Nẵng.
Tin từ các nơi. Cập nhật dần.
---
I. Hội thảo tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 21 tháng 12 năm 2019
..
1.
Kính thưa quý vị,
Hôm nay chúng ta gặp mặt là để cùng nhau bàn về CHỮ QUỐC NGỮ nhân kỷ
niệm 100 năm ngày chữ Quốc ngữ lên ngôi trong phạm vi cả nước.
Tất nhiên chúng ta đều biết lịch sử chữ Quốc ngữ không phải chỉ có 100
năm. Nếu chỉ tính từ Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes thì chữ
Quốc ngữ đến nay đã 368 tuổi.
Ở miền Bắc năm 1915 đã bãi thi Hương, nói như Phạm Quỳnh, đó là “hồi
trống sau cùng đã báo từ nay chợ văn-chương thôi không họp nữa, ai còn
gồng nặng gánh nhẹ quẩy về mà giở xoay nghề khác”, là “buổi chợ chiều,
mà đồ hàng kia không phải là đồ hàng bán được trên thị-trường thế-giới”.
Phạm Quỳnh khẳng định: “Cái thần Cử-nghiệp bắt đầu chia tay với người
Nam-Việt từ đấy vậy” (Phạm Quỳnh, Cái vấn-đề giáo-dục ở nước Nam ta ngày
nay - bàn về bộ “Học-chính Tổng-qui”, Nam Phong số 12, tháng 6-1918,
tr. 325).
Nhưng phải đến ngày 28/12/1918, khi vua Khải Định ra đạo dụ chính thức
bãi bỏ khoa cử nho học và năm 1919 khoa thi Hán học cuối cùng được tổ
chức ở miền Trung, thì “thần Cử-nghiệp” mới chính thức chia tay với sĩ
tử, nghĩa là chữ Hán rút lui, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ. Để đi đến
quyết định đó, thực ra nhà nước Bảo hộ đã chuẩn bị rất công phu: để xóa
bỏ dần nhà trường Hán học, họ tiến hành một chương trình cải cách giáo
dục trong 10 năm, do toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski khởi xướng
và toàn quyền Albert Sarraut hoàn thành; họ cho xen cài chữ Quốc ngữ và
chữ Pháp vào các kỳ thi Hội và thi Đình. Đạo dụ của Khải Định năm 1918
thực chất chỉ là “đặt dấu chấm trên chữ i”, kết thúc về mặt kỹ thuật một
tiến trình do chính người Pháp chủ trương.
Chủ trương ấy không phải dễ dàng, ngay cả đối với người Pháp. Năm 1890,
Étienne François Aymonier, người biết nói tiếng Khmer, tiếng Việt, lấy
vợ người Chăm, tác giả cuốn Ngữ pháp tiếng Chăm (1889), là tác giả (cùng
với Antoine Cabaton) cuốn từ điển Chăm – Pháp (1906), từng làm Công sứ
Bình Thuận, công khai chống đối chủ trương phổ biến chữ Quốc ngữ. Ông
cho rằng cần dạy tiếng Pháp cho người Việt, để người Việt nghĩ như người
Pháp, gắn bó với mẫu quốc là nước Pháp, nghĩa là biến người Việt thành
một thứ người Pháp gốc Á, và như thế là quyền lợi của Pháp sẽ được bảo
tồn.
Chủ trương đẩy mạnh chữ Quốc ngữ rốt cuộc đã thắng thế. Và ngay cả tầng
lớp sĩ phu, vốn nặng lòng với chữ Hán, khi thấy ở chữ Quốc ngữ một lợi
khí để khai dân trí, đã là quay sang ủng hộ. Đầu thế kỷ 20, Đông Kinh
nghĩa thục cổ động: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước / Phải đem ra tính
trước dân ta”. Một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí
Minh ký sắc lệnh cưỡng bức học chữ Quốc ngữ, coi là một bước quan trọng
để diệt giặc dốt, trong điều kiện 95% dân số mù chữ.
Chữ Quốc ngữ đã làm biến đổi sâu sắc văn hóa Việt Nam. Không có chữ Quốc
ngữ, khó lòng công cuộc Duy Tân tiến nhanh như vậy, khó lòng các cuộc
vận động xã hội nửa đầu thế kỷ 20 có một tác động sâu rộng như vậy.
Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo 100 năm chữ Quốc ngữ là để ghi nhận cái mốc quan trọng này.
Chúng tôi xin chào mừng tất cả quý
vị tham dự Hội thảo và thay mặt Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh,
xin tuyên bố khai mạc Hội thảo.
..
II. Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 28 - 29 tháng 12 năm 2019
..
1.
TS. Trần Đức Anh Sơn
Kính thưa quý vị !
Ngày mồng 4 tháng 11 năm
Khải Định thứ 3 (nhằm ngày 28/12/1918), vua Khải Định ban Dụ số 123 về
việc bãi phép khoa cử Hán học. Dụ có 4 khoản chuẩn định rằng:
Khoản thứ nhất: Đình bãi phép khoa cử [Hán học].
Khoản thứ hai: Cho phép đến năm sau [1919] có khoa thi Hội cuối cùng.
Khoản thứ ba: Phàm những
việc liên quan đến tuyển bổ quan lại thuộc ban văn và cách học cách thi
sẽ có chương trình định lệ riêng.
Khoản thứ tư: Viện Cơ mật và Bộ Học theo quyền phận của mình, chiểu Dụ thi hành.
Theo đó, từ năm 1919 chữ
Hán không còn giữ vị trí độc tôn ở nước ta. Chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đã
được công nhận và được sử dụng thay thế trong chế độ khoa cử và thể chế
hành chính.
Trong thực tế, vào năm
1915, vua Duy Tân đã ban Dụ bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kỳ. Còn ở Nam Kỳ,
việc bỏ chữ Hán để dùng chữ Quốc ngữ trong hệ thống hành chính đã diễn
ra từ ngày 1/1/1882, theo một Nghị định được ban hành vào ngày
06/04/1878 bởi Thống đốc Nam Kỳ Lafont.
Tuy nhiên, việc vua Khải
Định ban Dụ số 123 bãi bỏ chế độ khoa cử Hán học (kể từ năm 1919) là
một dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho chữ Quốc ngữ được thừa nhận ở
nước ta, dẫn đến việc vua Bảo Đại ban Dụ số 67 ngày 30/07/1945, quy định
việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam kể từ bấy giờ.
Sau cùng, với Sắc lệnh số 20 ngày 08/09/1945 do Bộ trưởng Nội vụ Võ
Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký, quy
định toàn dân phải học chữ Quốc ngữ, thì chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay
thế chữ Hán để trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.
Năm 2019, nhân kỷ niệm
100 năm cáo chung của chế độ khoa cử Hán học, chữ Quốc ngữ chính thức
được sử dụng trong hệ thống học đường và chế độ hành chính Việt Nam, Hội
Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng và Công ty cổ phần kinh doanh ấn
phẩm văn hóa Tao Đàn Thư Quán (Tao Đàn Thư Quán) đồng phối hợp tổ chức
hội thảo khoa học quốc tế “100 năm chữ quốc ngữ ở Việt Nam” để tôn vinh
chữ Quốc ngữ và những người có công sáng tạo, phát triển hoàn thiện chữ
Quốc ngữ; nhìn lại quá trình tiếp nhận, truyền bá và sử dụng chữ Quốc
ngữ của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ qua; đồng thời thảo luận những
vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ.
Khác với những hội thảo
truyền thống trước đây, hội thảo này được tổ chức theo cách thức riêng.
Đó là: một đoàn thể chính thống (Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng)
đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức hội thảo; một công ty tư nhân (Tao Đàn
Thư Quán) hỗ trợ về chuyên môn và tài trợ kinh phí tổ chức hội thảo.
Ban Tổ chức hội thảo đã dùng mạng xã hội Facebook để loan tin về hội
thảo và kêu gọi cộng đồng tham gia / tham dự hội thảo. Cụ thể:
Sau khi xây dựng đề
cương nội dung, ấn định ngày giờ, địa điểm tổ chức và được Ủy ban nhân
dân thành phố Đà Nẵng đồng ý cấp phép tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức hội
thảo đã đăng tải chương trình hội thảo bằng các ngôn ngữ: Việt - Pháp -
Anh trên Facebook, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham
gia / tham dự hội thảo.
Sau đó, cũng thông qua
Facebook, nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã quan tâm,
hưởng ứng và ngỏ ý tham gia / tham dự hội thảo. Đó là: Viện Tôn vinh chữ
Quốc ngữ (ở Đà Nẵng, Việt Nam), Hội Hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam (ở
Porto, Bồ Đào Nha), Hội Ái mộ Bác sĩ Yersin (ở Montpellier, Pháp), Hội
Nhịp cầu Thái Bình và Trường Âu Lạc Việt (ở Genève, Thụy Sĩ).
Đặc biệt, đã có gần 40
học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học ở Việt Nam và từ các nước:
Australia, Bồ Đào Nha, Canada, Hoa Kỳ, Rumani, Thụy Sĩ, Trung Quốc… gửi
tham luận tham gia hội thảo. Có hơn 120 người từ nhiều tỉnh thành ở Việt
Nam và từ các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Australia,
Thụy Sĩ, Trung Quốc… đã thông qua Facebook và e-mail để đăng ký tham dự
hội thảo với tư cách cử tọa.
Có thể xem đây là thành
công bước đầu của hội thảo, xét trên phương diện quảng bá và truyền
thông. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài
nước đối với những vấn đề rất thú vị và cũng rất gay cấn: lịch sử ra
đời, phát triển và sử dụng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam; vai trò và công lao
của những người đã khai sinh và hoàn thiện chữ Quốc ngữ; vấn đề bảo tồn
và cải cách chữ Quốc ngữ từ trước đến nay.
* * *
Các tham luận gửi đến hội thảo rất phong phú, đề cập nhiều nội dung:
- Lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.
- Vai trò của các nhà
truyền giáo phương Tây và của người Việt trong việc khai sinh, hoàn
thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam trong gần 400 năm qua.
- Những vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ.
- Sự ra đời và phát triển văn học chữ Quốc ngữ.
- Báo chí với việc truyền bá chữ Quốc ngữ.
- Các phong trào xã hội liên quan đến chữ Quốc ngữ.
- Kinh nghiệm trong truyền bá tiếng Việt và chữ Quốc ngữ cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Căn cứ vào nội dung các
tham luận, Ban Tổ chức hội thảo thành lập 3 tiểu ban và sắp xếp các tham
luận vào từng tiểu ban thích hợp để các tác giả trình bày tham luận và
các cử tọa tham gia trao đổi và thảo luận với các tác giả:
Tiểu ban 1: Chữ Quốc ngữ: Khai sinh và phát triển
Tiểu ban này có 10 tham luận của các tác giả sau:
1. Vietnamese
lexicography from 1651 to 1775 [Nghiên cứu tiếng Việt từ năm 1651 đến
năm 1775] (tiếng Anh kèm bản dịch tiếng Việt), của GS.TS. Roland Jacques
(Đại học Saint Paul, Canada).
2. Quá trình truyền giáo
của Dòng Tên Bồ Đào Nha ở Hội An và sự ra đời của chữ Quốc ngữ, của TS.
Nguyễn Thị Vĩnh Linh (Trường Đại học Quảng Nam).
3. Khởi thảo Quốc ngữ ở
một số cư sở truyền giáo tại Quảng Nam của giáo sĩ Dòng Jésuites Bồ Đào
Nha thế kỷ XVII, của TS. Hoàng Thị Anh Đào (Trường Đại học Khoa học, Đại
học Huế) và ThS. Hoàng Đức Bảo (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà
Nẵng).
4. Chữ Quốc ngữ - Hình thành và phát triển, của bà Châu Yến Loan (Thành phố Hồ Chí Minh).
5. Francisco de Pina
(1585 - 1625): A linguist from Guarda in Cochinchina (Vietnam)
[Francisco de Pina (1585 - 1625). Một nhà ngôn ngữ học từ Guarda ở Nam
Kỳ (Việt Nam)] (tiếng Anh), của TS. Antonio Salvado Morgado (Guarda, Bồ
Đào Nha).
6. Đóng góp của cư dân
bản địa đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII, của bà Nguyễn Thị
Hồng Hạnh (Trường Đại học KHXH và NV, Đại học QG TPHCM).
7. Bình Định với sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ, của ThS. Đoàn Minh Chiến (Trường Cao đẳng Bình Định).
8. Đóng góp của Chân
phước - Thầy giảng André Phú Yên với Giáo sĩ Đắc Lộ trong quá trình hoàn
thiện chữ Quốc ngữ, của ông Trần Thanh Hưng (Sở Thông tin và Truyền
thông Phú Yên).
9. Chữ Quốc ngữ. Sơ lược các giai đoạn hình thành và phát triển, của ông Lê Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).
10. Chữ Quốc ngữ và 100 năm, của bà Nguyễn Thủy Tiên de Olivieira (Hội Hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam, Bồ Đào Nha).
Các tham luận ở Tiểu ban
1 bàn luận các vấn đề: Nguyên nhân ra đời của chữ Quốc ngữ; đâu là nơi
khai sinh ra chữ Quốc ngữ: Thanh Chiêm, Hội An hay Nước Mặn?; Vai trò
của các giáo sĩ phương Tây trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, thảo luận
về công lao và đóng góp của hai giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina và
Alexandre de Rhodes; Sự tham gia của người Việt (những bậc trí thức
đương thời và cư dân bản địa) vào việc sáng tạo và hoàn chính chữ Quốc
ngữ; Những tiến triển của việc hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ trong các thế kỷ
XVII - XVIII; Điểm lược những chặng đường phát triển của chữ Quốc ngữ
trong gần 4 thế kỷ qua và những thành tựu nổi bật của văn chương và sử
học do chữ Quốc ngữ mang lại; Trả lại cho lịch sử vị trí xứng tầm của
chữ Quốc ngữ…
Tiểu ban 2: Người Việt với quá trình sử dụng và hoàn thiện chữ Quốc ngữ
Tiểu ban này có 11 tham luận của các tác giả sau:
1. Đà Nẵng với buổi đầu phát triển chữ Quốc ngữ, của ThS. Bùi Văn Tiếng (Hội KHLS Đà Nẵng).
2. Petrus Trương Vĩnh
Ký. Người tiên phong sử dụng và truyền bá chữ Quốc ngữ với tấm lòng yêu
nước, yêu dân, của ông Trần Hữu Phúc Tiến (Công ty Giáo dục Hợp Điểm,
TPHCM).
3. Nguyễn Văn Vĩnh với
việc truyền bá chữ Quốc ngữ và phát triển báo chí tiếng Việt đầu thế kỷ
XX, của TS. Nguyễn Thị Lệ Hà (Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
4. Lý tưởng sống còn của
Nguyễn Văn Vĩnh với sự nghiệp phổ cập chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX ở Việt
Nam, của ông Nguyễn Lân Bình (Hà Nội).
5. Phan Bội Châu và chữ Quốc ngữ, của NCS. Nguyễn Đình Khánh (Đại học Trung Sơn, Trung Quốc).
6. Sự truyền bá chữ Quốc ngữ trên Nam phong tạp chí, của ThS. Lê Thị Thanh Giao (Khoa Du lịch, Đại học Huế).
7. Tạp chí Tri Tân và
vai trò của nó với việc truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, giai đoạn
1941 - 1946, của ThS. Trương Thị Hải (Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH
Việt Nam).
8. Những đóng góp của
Hội truyền bá Quốc ngữ với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước
năm 1945, của ThS. Trương Thị Phương (Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH
Việt Nam).
9. Xã hội hóa: mấu chốt
thành công của cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, của NCS. Lê
Thị Kim Dung (Đại học Tổng hợp Bucharest, Rumani).
10. Dân tộc hóa học
đường: Tiếng Việt trong giảng dạy bậc đại học ở hai miền Nam - Bắc Việt
Nam sau năm 1945, của TS. Lê Nam Trung Hiếu (Trường Đại học Khoa học,
Đại học Huế).
11. Chữ Quốc ngữ. Sự lựa
chọn phù hợp của dân tộc Việt, của ThS. Dương Xuân Quang (Trường Đại
học KHXH và NV, Đại học QG Hà Nội).
Các tham luận ở Tiểu ban
2 bàn luận các vấn đề: Đánh giá và tôn vinh những người Việt tiên phong
trong việc sử dụng, truyền bá và góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ từ
cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,
Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh...; Quan điểm của các bậc trí thức lớn ở
Việt Nam đương thời như: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… đối với chữ
Quốc ngữ; Vẽ lại bức tranh báo chí Quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu
thế kỷ XX, thông qua các tờ báo tiêu biểu như: Gia Định Báo, Đông Dương
tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân… coi đây là những kênh truyền dẫn
hiệu quả về việc sử dụng và giá trị của chữ Quốc ngữ nhằm mở mang tri
thức, học vấn, khích lệ cải cách, duy tân, khơi gợi lòng yêu nước đối
với các tầng lớp người Việt vào thời kỳ này; Điểm lược hoạt động của các
phong trào, các cuộc vận động, các tổ chức xã hội ở Việt Nam vào nửa
đầu thế kỷ XX như: phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục,
phong trào Duy Tân, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Trí Tri, phong trào Bình
dân học vụ… trong việc vận động sử dụng chữ Quốc ngữ, thay đổi nhận
thức của chính quyền và của các tầng lớp nhân dân, dẫn đến việc chính
quyền thừa nhận và ban hành các văn bản pháp lý công nhận chữ Quốc ngữ
là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam; Yếu tố xã hội hóa trong
cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX; Vấn đề dân tộc hóa trong
giảng dạy tiếng Việt trong các trường đại học ở 2 miền Bắc và Nam Việt
Nam từ sau khi chữ Quốc ngữ được đưa vào hệ thống học đường Việt Nam…
Tiểu ban 3: Chữ Quốc ngữ: Những vấn đề học thuật, thành tựu và sự tôn vinh
Tiểu ban này có 12 tham luận của các tác giả sau:
1. Từ Cristofori Borri
đến Huình Tịnh Của: Chính tả Quốc ngữ 1631 - 1895, của TS. Trần
Quốc Anh (Đại học Santa Clara, Hoa Kỳ).
2. Tiếng Việt từ thời Alexandre de Rhodes: Kinh Lạy Cha (phần 5A), của ông Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc).
3. Tiến trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ trong Kinh Lạy Cha, của bà Châu Yến Loan (Thành phố Hồ Chí Minh).
4. Sự tương liên giữa chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, của ông Phạm Thúc Hồng (Hội KHLS Đà Nẵng).
5. Ghi chép thực địa của
giáo sĩ Đắc Lộ ở thế kỷ XVII về nữ thần Cửa Chúa khu vực Nghệ An, của
ông Chu Xuân Giao (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
6. Truyện thơ Quốc ngữ
cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Một nhịp cầu kết nối truyền thống và
hiện đại, của ThS. Nguyễn Minh Huệ (Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt
Nam).
7. 100 năm chữ viết Việt Nam, của ông Võ Xuân Tòng (Thành phố Hồ Chí Minh).
8. Bảo tồn tiếng Việt ở
nước ngoài dựa vào cộng đồng: Những bằng chứng từ khảo sát tại Rumani,
của NCS. Nguyễn Thế Hà (Đại học Ovidius, Rumani) và NCS. Nguyễn Quốc
Phương (Đại học Tổng hợp Bucharest, Rumani).
9. Thành quả rực rỡ của chữ Quốc ngữ hồi cuối thế kỷ XIX (1865 - 1887), của ông Nguyễn Q. Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh).
10. Chữ Quốc ngữ: Giải tỏa những thành kiến cùng bác bỏ những ngộ nhận, của ThS. Đào Tiến Thi (Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội).
11. Học và dạy tiếng mẹ
đẻ: Phương pháp tự nhiên và khoa học theo thuyết Tomatis cho tiếng Việt
đơn âm, của TS. Hoàng Văn Khẩn (Trường Âu Lạc Việt, Genève, Thụy Sĩ).
12. Đề án tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ, của GS.TS. Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liège, Bỉ).
Các tham luận ở Tiểu ban
3 bàn luận các vấn đề học thuật liên quan chữ Quốc ngữ: Sự thay đổi
theo hướng hoàn thiện của chính tả tiếng Việt trong diễn trình phát
triển của chữ Quốc ngữ từ lúc khai sinh đến giữa thế kỷ XX thông qua các
văn bản như: Kinh Lạy Cha, các cuốn hồi ký, các bộ từ điển của các nhà
truyền giáo phương Tây: Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pignaux
de Béhain, Jean-Louis Tabert… hay của các học giả Việt Nam như: Huỳnh
Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh; Những ghi chép thực địa của
giáo sĩ Alexandre de Rhodes liên quan đến các địa danh ở Việt Nam và vấn
đề chính tả tiếng Việt trong thế kỷ XVII; Giới thiệu và đánh giá các
truyện thơ, tiểu thuyết chữ Quốc ngữ và văn chương Quốc ngữ ở Việt Nam
đầu thế kỷ XX; Làm sáng tỏ những ngộ nhận đồng thời bác bỏ những thành
kiến về chữ Quốc ngữ; Phân tích nguyên nhân thất bại của các đề nghị cải
cách chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỷ XX đến nay; Vấn đề giảng dạy chữ Quốc
ngữ và bảo tồn tiếng Việt cho các cộng đồng người Việt ở nước ngoài;
Cách thức dạy và học tiếng Việt theo phương pháp tự nhiên và khoa học
của thuyết Tomatis cho tiếng Việt đơn âm; Việc bảo tồn và tôn vinh chữ
Quốc ngữ và tiếng Việt hiện nay…
* * *
Kính thưa quý vị !
Cuộc hội thảo do Hội
Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng và Tao Đàn Thư Quán tổ chức hôm nay
tại thành phố Đà Nẵng là cuộc hội thảo thứ 6 về chữ Quốc ngữ diễn ra
trong năm 2019, sau các cuộc hội thảo / tọa đàm được các viện nghiên
cứu, hiệp hội chuyên môn, tổ chức dân sự, cơ sở tôn giáo… tổ chức ở Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Lisbon (Bồ Đào Nha) trong thời
gian qua.
Là hội thảo diễn ra sau
cùng, nhưng với số lượng tham luận khoa học vượt trội, có giá trị học
thuật và tính thực tiễn cao, lại diễn ra trong bối cảnh đang có những
tranh cãi liên quan đến việc tôn vinh công lao của những vị tiền bối có
công sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, nên hội thảo “100 năm chữ Quốc
ngữ ở Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm không chỉ của học giới, của các
tầng lớp nhân dân, của truyền thông trong và ngoài nước, mà cả chính
giới ở trung ương và địa phương.
Chúng tôi hy vọng rằng:
những thông tin, quan điểm, luận chứng trong các tham luận; những trao
đổi, thảo luận giữa các tác giả tham luận với cử tọa, giữa cử tọa với cử
tọa trong hội thảo này, sẽ làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc lịch sử và nhiều
vấn đề khoa học liên quan đến chữ Quốc ngữ và tiếng Việt.
Đó cũng là mục đích mà
những người tổ chức hội thảo, tác giả các tham luận và quý cử tọa hiện
diện tại hội thảo này hướng đến và kỳ vọng.
Và tôi tin rằng: hội thảo sẽ thành công như mong đợi.
Trân trọng cảm ơn sự chú ý của quý vị.
T.Đ.A.S.
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét