Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Mưa của Vân Long với lời bình

 

Mưa

                                          Vân Long
Qua dải sân mưa tôi ngắm em
Màn mưa nhòa những nét thân quen
Tình yêu chớm nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen!
Bình luận
Mưa - bài thơ giàu sức truyền cảm

Trước Vân Long, thơ tình viết quanh chữ "ghen", có Xuân Diệu, Nguyễn Bính khá tinh tế, sâu sắc. Chỉ có điều trước đó, người ta nói tới ghen vẫn không ngoài thứ tình cảm ích kỷ, bản năng vốn có trong con người. Ghen của Vân Long trong "Mưa" có khác, hóm hơn. Chủ thể đánh ghen ở đây không phải con người, mà là mưa. Vì vậy, tình yêu không còn bó hẹp mà lan tỏa sang thiên nhiên. Nói cách khác, tình yêu được sự đồng cảm, sẻ chia của cả những hạt mưa...Mưa bỗng được hồn người thổi vào và trở thành "tình địch" với tác giả. Mưa cũng bị dáng em kia quyến rũ, si mê...

Bài thơ tứ tuyệt có 4 câu 7 chữ, đọc thấy 3 câu trên chỉ là giao đãi, tả cảnh, ngôn ngữ, hình ảnh chưa có gì tác động mạnh người đọc. Thậm chí, đến câu thứ 4, mà mãi đến chữ cuối cùng "ghen" mới bật sáng linh hồn bài thơ. Đây là khám phá của nhà thơ: "Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen".


Cả bài thơ không miêu tả người con gái đẹp như thế nào, mà chỉ nói là "những nét thân quen" chung chung. Song, nếu nói những hạt mưa đang giăng thành màn để che, để xóa đi những nét dáng của em là bởi vì mưa "ghen" không muốn cho người con trai nhìn ngắm, thì quả thật cô gái bỗng hiện lên đẹp tuyệt vời! Thì ra cái hay của thơ ở đây không phải ở câu chữ, hình ảnh mà là ở cái hồn, cái tứ bài thơ.

"Mưa" của Vân Long được sáng tác từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20, in trong tập thơ đầu tay của nhà thơ. Nhưng đến nay, sau gần nửa thế kỷ, vẫn có sức sống truyền cảm, chắc bởi tình yêu được tưới thấm đẫm vị ngọt mát của cả những hạt mưa chăng.
Nguyễn Siêu Việt - Hội Văn nghệ tỉnh Hải Dương
In trang Gửi tới bạn Đầu trang  Gửi phản hồi

2 nhận xét:

  1. Bình gọn mà sâu, phát hiện trúng cái thần của bài tứ tuyệt. ĐV

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!

    Trả lờiXóa