Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

MỘT CÂY BÚT PHÊ BÌNH CHỮNG CHẠC




MỘT CÂY BÚT PHÊ BÌNH CHỮNG CHẠC

          Đọc Tái sinh trong ánh sáng của Lương Kim Phương, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019

                                      Vũ Nho

Tái sinh trong ánh sáng là tập tiểu luận phê bình đầu tay của Lương Kim Phương, Hội viên hội văn học nghệ thuật Hải Phòng. Đây là tập sách  chưa đầy 200 trang gồm 18 bài viết của tác giả. Theo năm tháng ghi  dưới các bài, thì  Lương Kim Phương đã có  thâm niên  hơn 20 năm cầm bút viết phê bình, kể từ 2 bài bình thơ đầu tiên được giải thưởng của Đài tiếng nói Việt Nam khi tác giả đang còn ngồi trên ghế nhà trường Trung học phổ thông.

 Hơn 20 năm cầm bút mà chỉ viết có 18 bài, như thế có phải là quá ít hay không?  Thật ra thì tác giả chính thức dấn thân vào nghiệp viết từ năm 2012 (viết 5 bài, nhiều nhất trong những năm tiếp theo). Có lẽ nên tính thâm niên từ đây chăng?  Và số lượng bài, chúng ta chỉ biết những bài tác giả tuyển vào đây. Có thể còn có bài đã in nhưng tác giả chưa muốn đưa vào sách, còn để dành cho tập sau? Tác giả viết ở trang 5 có thể coi như lời mở sách:  “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ dấn thân vào văn chương. Có những năm bỏ bút trước những va chạm, gãy đổ của đời thường. Nhưng dường như nghiệp cầm bút vẫn thôi thúc tôi không thể từ giã. Văn chương giúp tôi tái sinh và đánh thức tôi những ước vọng”. Chính vì thế mà ngoài viết tiểu luận, phê bình, Lương Kim Phương còn sáng tác thơ và đã từng đoạt giải cao của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Cảng.


                                                         Vũ Nho - Chủ trang


Kể cũng khá ngạc nhiên đối với một giáo viên Văn, hàng ngày tiếp xúc với các bài thơ được tuyển chọn kĩ trong chương trình Ngữ văn nhà trường, nhưng tác giả chỉ có hai bài bình thơ viết từ khi còn là học sinh về bài thơ  Hoa cúc xanh  cuả Xuân Quỳnh và Ánh trăng của Nguyễn Duy. Phải chăng sự thận trọng và kĩ tính đã  không để tác giả viết tiếp những bài bình thơ, mà ngay từ khi còn rất trẻ, chị đã đoạt giải của cuộc thi Bốn phương cùng bình?  Phải chăng tác giả không thể vượt qua dấu ấn thành công thời trẻ?  Phải chăng tác giả muốn công bố những bài viết lớn hơn về tập sách, về tác giả, về một xu hướng văn chương để khẳng định ngòi bút phê bình?  Có thể do một hay nhiều nguyên nhân trên.

Quả thật, năng khiếu bình thơ đã thể hiện rất đậm trong hai bài viết đầu tay đó. Không nghĩ rằng đó là bài bình của cô nữ sinh  16 tuổi. Tôi lấy làm tiếc không thể đọc những bài bình tinh tế, giàu khám phá của tác giả.

Dù có năng khiếu bình thơ và làm thơ, nhưng tập sách này tác giả công bố số bài viết về thơ cũng chỉ ngang số bài viết về văn xuôi. Như vậy là người viết đã không khai thác hết những thế mạnh tiềm năng của mình? Hoặc người viết muốn là người phê bình toàn diện?

Rõ ràng, sự tinh tế trong cảm nhận, sự sâu sắc trong khám phá, sự tươi tắn, nhẹ nhõm trong diễn đạt là những ưu điểm nổi bật của tác giả khi viết về mảng phê bình thơ. Các tác giả, tập thơ mà  người viết dụng bút chủ yếu là người sống ở thành phố Cảng, hoặc gắn bó với thành phố này.  Đó là Nguyễn Viết Lãm, Mai Văn Phấn, Xuân Dương, Hoài Khánh, Nguyễn Đình Minh. Dù là viết về đời thơ của Nguyễn Viết Lãm, hay viết về các tập thơ của Mai Văn Phấn, viết về một hay 2 tập thơ của các tác giả đã kể  trên, Kim Phương đều đã chọn lọc được những câu thơ hay, bài thơ  tiêu biểu, những đóng góp riêng của tập thơ hay của người viết để thẩm bình, đánh giá. Chỉ cần đọc lướt những câu thơ trích dẫn trong bài viết, đủ yên tâm để đọc kĩ cả bài với những dẫn dắt, bình giải, đánh giá khá thuyết phục. Bài viết về thơ Nguyễn Viết Lãm là một bài viết sâu, có khám phá. Người viết đã chỉ ra sự khác biệt của Nguyễn Viết Lãm với nhóm thơ Quy Nhơn – Bình Định : “ Khác với cái đau thương quằn quại của Hàn Mặc Tử, khác với cái kì dị siêu tưởng của Chế Lan Viên trong Điêu tàn, khác với cái phảng phất Đường thi của Quách Tấn…”. Và cũng không ngại tranh luận với nhà thơ Vũ Quần Phương khi viết rằng “ U ẩn thì tôi thừa nhận, nhưng ma quái thì chưa hẳn. Thơ Nguyễn Viết Lãm không có những bóng ma Hời như Chế Lan Viên khi mơ về Chiêm Thành bí ẩn, không có những cười khóc rùng rợn, đau đớn với máu và hồn như thơ Hàn Mặc Tử” ( tr. 14).

Hai bài viết về thơ Mai Văn Phấn cũng có những phát hiện và đóng góp trong việc giới thiệu và giải mã những cách tân của nhà thơ này. Lương Kim Phương đã viết về tập thơ Hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn : “Mai Văn Phấn như một người làm vườn tinh tế, đã tự mình ươm tìm ra nhưng nụ hoa lạ, đẹp, ngát hương, li ti mà mà không hề khuất lẫn trong muôn vàn hương sắc” ( tr. 27).  Bình luận về bài thơ chủ điểm của tập “Theo mùi hương/ Quanh núi/ Gặp những triền đá sắc” (Tìm hoa), Nhà bình thơ nữ viết : “Phải chăng hành trình đến với cái đẹp đâu có giản đơn, dễ dàng, cũng đầy đau đớn với những ảo tưởng và ngộ nhận, những cách ngăn và vô cảm bủa vây”. Có vẻ như suy diễn hơi bị rộng, và xa ngoài tầm của bài thơ. Nhưng cái ý cơ bản là không dễ dàng, nhiểu cản trở thì vẫn đúng. Và những dòng nhận xét này thật xác đáng với thể thơ 3 câu của Mai Văn Phấn có thể chịu ảnh hưởng của haiku Nhật Bản nhưng không câu nệ : “Có thể, với sự thành công ở những bài thơ ba câu, với sự thuần thục tài tình để có thể có được nhiều bài thơ không thua kém gì “Hai-ku – Nhật”, e rằng tác giả - Thi sĩ sẽ bị chênh vênh giữa ranh giới nghệ sĩ và nghệ nhân. Cho dù là nghệ nhân có đôi tay vàng thì liệu có phải là một trong những đích cần đến của người làm thơ? Có nên tự làm khó mình, tự xoay xở trong cái khuôn của các nhà thơ cổ điển, cho dù đó là những khuôn vàng thước ngọc” (tr.35).

Bài viết về tập thơ “Vừa sinh ra ở đó” cuả Mai Văn Phấn  cũng là một bài viết thành công. Người viết tỏ ra đọc kĩ Mai Văn Phấn như một tác giả quan trọng. Sự so sánh ba tập thơ liên tiếp cho thấy Kim Phương rất “thuộc” đối tượng thẩm bình. “Nếu Bầu trời không mái che là khoảng không mở ra vẻ đẹp cuộc sống tự nhiên, phồn thực, sinh sôi; nếu Hoa giấu mặt là sự ngừng lắng, tinh lọc cần thiết để cảm nhận cái đẹp chốn thung sâu thì 18 bài thơ trong Vừa sinh ra ở đó của anh lại có thể lay động người đọc bởi một ý niệm:  con người liên tục được tái sinh, hồi sinh, được sinh ra từ những vẻ đẹp bình dị quanh mình” (tr. 63).

Các bài viết về các tập thơ của Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Đức Toản, Nguyễn Đình Minh, Xuân Dương, Hoài Khánh đều có những khám phá và bình giá khá thỏa đáng, dẫu rằng cũng có những câu thơ trích chưa tiêu biểu, câu lục bát mà lạc vận, đánh giá nhà thơ “quê mùa” chưa thật chuẩn, hoặc viết về một nhà thơ thiếu nhi bình thường nhưng lại dẫn toàn những nhà văn lớn của thế giới, dẫu rằng người viết có dụng ý tranh luận với ý kiến ai đó cho rằng những nhà văn lớn mới có thể viết thành công cho trẻ nhỏ. Có thể nói có năng khiếu bình thơ và là người  làm thơ đã hỗ trợ cho những bài phê bình thơ của Lương Kim Phương chất lượng và thanh thoát.

Có thể chỉ viết phê bình thơ, nhưng Lương Kim Phương  còn thử sức ở lĩnh vược văn xuôi. Và số bài  cũng ngang với số bài viết về thơ ( nếu không tính hai bài bình thơ đu tiên). Về văn xuôi, tác giả phê bình, giới thiệu tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn và giới thiệu lực lượng sáng tác văn học trẻ,  văn học về sinh thái của một vùng đất.

Nếu về thơ, người viết chú ý tập trung vào Mai Văn Phấn, thì ở văn xuôi, nữ tác giả tập trung vào Bão Vũ, một nhà văn quan trọng của đất Cảng. Tác giả đã khảo sát khá công phu về yếu tố tân cổ điển trong sáng tác của Bão Vũ thể hiện ở không gian, quan niệm con người, lối tổ chức nhân vật và cách xây dựng nhân vật. Công phu hơn, trong bài viết khác về Bão Vũ - Hoài vọng và huyền ảo -, Lương Kim Phương đã vận dụng  lí thuyết thi pháp học để khảo sát không gian cổ xưa, không gian huyền ảo, mang tính lập thể. Bài viết có giọng điệu như là “văn luận án”, tuy nhiên  việc khảo sát 4 tập truyện ngắn của Bão Vũ và trình bày như thế cũng rất đáng ghi nhận.

Phê bình hai tiểu thuyết, một theo xu hướng Giải thiêng của Dương Thị Nhụn (Thuyền nghiêng), một theo xu hướng  Thiêng hóa của Cao Năm ( Hai ngày và mãi mãi), nhà phê bình trẻ đã có những kiến giải khá xác đáng. Việc băn khoăn về chiếc áo mà anh Ba tặng anh Mai ( trang 102 -103) là một điều hợp lí, tuy người viết cho rằng có thể là tư liệu riêng của nhà văn Cao Năm, song  có đáng tin cậy không, khi mà khi đó anh Ba chưa “phát lộ tác phong lãnh tụ” và nhất là anh Mai thì đã có việc làm, hoàn cảnh hơn hẳn anh Ba.

Nhìn chung khi phê bình van xuôi, tác giả vẫn giữ được sự nghiêm cẩn, chắc chắn, chững chạc và thuyết phục.

Viết về các cây bút trẻ của miền đất Cảng, dẫn ra ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng về sự dấn thân nửa chừng, Lương Kim Phương như muốn bổ sung và nhấn mạnh thêm về căn bệnh vĩ cuồng nữa. Không biết khi đó tác giả nghĩ thế nào về mình, một cây bút có thể coi là cùng hội cùng thuyền với những bạn viết được đề cập? Qua tập Tái sinh trong ánh sáng, tôi thấy Lương Kim Phương không phải là người dấn thân nửa chừng. Chứng cớ là chị bền bỉ viết,  kể từ năm 2012 đến nay, năm nào cũng viết. Chị cũng không quá ảo tưởng, không ồn ào về mình. Chứng cớ là chị lặng lẽ viết, khiêm nhường và lặng lẽ công bố.  Chưa bao giờ tác giả nghĩ mình dấn thân vào văn chương. Nhưng bây giờ thì chị đã dấn thân rồi đó. Con đường phía trước còn dài. Hải Phòng là một miền đất văn đóng góp nhiều nhà văn tài danh cho đất nước, một miền văn chương giàu có cho người làm lí luận phê bình. Xin chúc Lương Kim Phương hanh thông trên con đường đọc, viết và hướng về ánh sáng để được tái sinh trong ánh sáng!

                                            Hà Nội, đầu tháng 11 năm 2019

In trên Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số tháng 12 năm 2019.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét