Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Hội thảo 100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam ( tiếp)

 
II. Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 28 - 29 tháng 12 năm 2019

Chép lại từ Giao'Blog

3.




Hội thảo "100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam" diễn ra trong hai ngày 28 và 29.12 tại Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên, một hội thảo quốc tế được tổ chức chủ yếu qua mạng xã hội Facebook và thư điện tử.
Mọi thứ đều qua Facebook
TS Trần Đức Anh Sơn, Giám đốc nội dung của Tao Đàn Thư Quán, đơn vị tổ chức hội thảo quốc tế "100 năm chữ Quốc ngữ", khai mạc ngày 28.12 cho biết: Khác với những hội thảo truyền thống trước đây, hội thảo này được tổ chức theo cách thức riêng. Đó là một đoàn thể chính thống (Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng) đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức hội thảo; một công ty tư nhân (Tao Đàn Thư Quán) hỗ trợ về chuyên môn và tài trợ kinh phí tổ chức hội thảo. Ban Tổ chức hội thảo đã dùng mạng xã hội Facebook để loan tin về hội thảo và kêu gọi cộng đồng tham gia/ tham dự hội thảo".

Hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam” khai mạc ngày 28.12 tại Đà Nẵng. Ảnh: H.V.M
Hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam” khai mạc ngày 28.12 tại Đà Nẵng. Ảnh: H.V.M
Cụ thể, sau khi xây dựng đề cương nội dung, ấn định ngày giờ, địa điểm tổ chức và được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đồng ý cấp phép tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo đã đăng tải chương trình hội thảo bằng các ngôn ngữ: Việt - Pháp - Anh trên Facebook, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia/ tham dự hội thảo.
Sau đó, cũng thông qua Facebook, nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã quan tâm, hưởng ứng và ngỏ ý tham gia/ tham dự hội thảo gồm: Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ (ở Đà Nẵng, Việt Nam), Hội Hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam (ở Porto, Bồ Đào Nha), Hội Ái mộ Bác sĩ Yersin (ở Montpellier, Pháp), Hội Nhịp cầu Thái Bình và Trường Âu Lạc Việt (ở Genève, Thụy Sĩ).
Đặc biệt, đã có gần 40 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học ở Việt Nam và từ các nước: Australia, Bồ Đào Nha, Canada, Hoa Kỳ, Rumani, Thụy Sĩ, Trung Quốc… gửi tham luận tham gia hội thảo. Có hơn 120 người từ nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và từ các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Australia, Thụy Sĩ, Trung Quốc… đã thông qua Facebook và e-mail để đăng ký tham dự hội thảo với tư cách cử tọa.
100 năm bãi bỏ khoa cử Hán học
Ngày mồng 4 tháng 11 năm Khải Định thứ 3 (nhằm ngày 28.12.1918), vua Khải Định ban Dụ số 123 về việc bãi phép khoa cử Hán học. Dụ có 4 khoản chuẩn định rằng:
Khoản thứ nhất: Đình bãi phép khoa cử [Hán học].
Khoản thứ hai: Cho phép đến năm sau [1919] có khoa thi Hội cuối cùng.
Khoản thứ ba: Phàm những việc liên quan đến tuyển bổ quan lại thuộc ban văn và cách học cách thi sẽ có chương trình định lệ riêng.
Khoản thứ tư: Viện Cơ mật và Bộ Học theo quyền phận của mình, chiểu Dụ thi hành.
Theo đó, từ năm 1919 chữ Hán không còn giữ vị trí độc tôn ở nước ta. Chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đã được công nhận và được sử dụng thay thế trong chế độ khoa cử và thể chế hành chính.
Đây là hội thảo không giống với những hội thảo truyền thống lâu nay về khâu tổ chức. Ảnh: H.V.M
Đây là hội thảo không giống với những hội thảo truyền thống lâu nay về khâu tổ chức. Ảnh: H.V.M
Trong thực tế, vào năm 1915, vua Duy Tân đã ban Dụ bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kỳ. Còn ở Nam Kỳ, việc bỏ chữ Hán để dùng chữ Quốc ngữ trong hệ thống hành chính đã diễn ra từ ngày 1.1.1882, theo một Nghị định được ban hành vào ngày 6.4.1878 bởi Thống đốc Nam Kỳ Lafont.
Tuy nhiên, việc vua Khải Định ban Dụ số 123 bãi bỏ chế độ khoa cử Hán học (kể từ năm 1919) là một dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho chữ Quốc ngữ được thừa nhận ở nước ta, dẫn đến việc vua Bảo Đại ban Dụ số 67 ngày 30.7.1945, quy định việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam kể từ bấy giờ.
Sau cùng, với Sắc lệnh số 20 ngày 8.9.1945 do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký, quy định toàn dân phải học chữ Quốc ngữ, thì chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay thế chữ Hán để trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, hội thảo "100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam" lần này để tôn vinh chữ Quốc ngữ và những người có công sáng tạo, phát triển hoàn thiện chữ Quốc ngữ; nhìn lại quá trình tiếp nhận, truyền bá và sử dụng chữ Quốc ngữ của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ qua; đồng thời thảo luận những vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ.
Các tham luận gửi đến hội thảo rất phong phú, đề cập nhiều nội dung: Lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây và của người Việt trong việc khai sinh, hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam trong gần 400 năm qua. Những vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ. Sự ra đời và phát triển văn học chữ Quốc ngữ. Báo chí với việc truyền bá chữ Quốc ngữ. Các phong trào xã hội liên quan đến chữ Quốc ngữ. Kinh nghiệm trong truyền bá tiếng Việt và chữ Quốc ngữ cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại...
HOÀNG VĂN MINH
https://laodong.vn/van-hoa/100-nam-chu-quoc-ngu-hoi-thao-quoc-te-to-chuc-qua-mang-xa-hoi-775124.ldo?fbclid=IwAR3NXA2oNSWiKAU2Wgk7sbxF9BBFfUpSP4Pag3sxc1yWThbGFxWBrKeBbw8




2. Cập nhật ngày 28/12/2019 (Fb TDDAS):

"
Hội thảo đã qua ngày đầu tiên với 4 phiên họp diễn ra tại Khách sạn Hilton - Đà Nẵng.
Thành công hay không thì tùy đánh giá của những người tham dự, nhưng BTC đã cố gắng hết sức để hội thảo diễn ra suôn sẻ. Dưới đây là 1 vài thông tin vắn tắt:
- 6 tháng đăng tin trên Facebook để mời tham gia, tham dự hội thảo. Kết quả có 33 tác giả với 33 tham luận của các tác giả từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Rumani, Trung Quốc, Úc, Thụy Sĩ… được mời tham gia và in tham luận vào kỷ yếu. Có 27/33 tác giả trực tiếp đến Đà Nẵng tham gia hội thảo. Có 17 tham luận trình bày tại hội thảo và có hơn 60 lượt thảo luận tranh luận tại hội thảo với thời lượng 3 tiếng đồng hồ cho 3 panel. Do không đủ thời gian nên phải ngưng thảo luận, nếu không thì còn lâu mới hết ý kiến “tranh qua cãi về”, rất thú vị.
- Hơn 140 người đăng ký tham gia, nhưng BTC chỉ nhận 130 đăng ký vì hết chỗ và phải lo ăn trưa và tea-break cho chừng đó người nên phải dừng đăng ký 1 ngày trước khi hội thảo diễn ra để BTC chuẩn bị. Kết quả, hội trường 200 chỗ ngồi kín chỗ.
- Buổi sáng có 2 phiên: Phiên khai mạc và Phiên họp của Panel 1, có khoảng 200 người tham dự. Buổi chiều có 2 phiên họp của Panel 2 và Panel 3 tại 2 phòng riêng. Mỗi phiên có khoảng 80 người tham dự. Lúc cuối cùng, tại phần bế mạc, dù đã 5h45 chiều, tôi đếm vẫn còn 62 người ngồi nghe.
- In 200 kỷ yếu, tặng cho tác giả tham luận và đại biểu hết 60 cuốn, còn lại 140 cuốn, thì đã bán hết 130 cuốn tại hội thảo (giá 180.000đ cuốn). Còn lại khoảng 100 người đăng ký mua kỷ yếu gửi qua đường bưu điện, thì sáng nay sẽ quyết định in thêm cho đủ số lượng để gửi cho người ta. Ngoài ra, còn bán thêm được khá nhiều tựa sách khác do Tao Đàn Thư Quán liên kết xuất bản và phát hành.
- Nhiều vấn đề khoa học liên quan đến chữ Quốc ngữ đã được bàn luận tại hội thảo cực hay, cực bổ ích và cực thú vị.
Tóm lại, rứa là Ban Tổ chức đã không uổng công, uổng tiền và uổng thời gian tổ chức hội thảo này.
Ngày thứ nhất đã xong. Hôm nay, sẽ đi tham quan thực tế tại Thanh Chiêm, Phước Kiều và Hội An.
Cảm ơn nhiếp ảnh gia Hoàng Đức Bảo (Người Thế Chí) đã tài trợ bộ ảnh này.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)
"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét