MINH CHUYÊN
NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC
CỦA NHỮNG ÔNG LỚN VĂN CHƯƠNG
TRẦN ĐĂNG KHOA
Có lẽ đối với đông đảo bạn đọc, Minh Chuyên không còn xa lạ nữa. Anh là một nhà văn, một đạo diễn phim tài liệu truyền hình nổi tiếng. Các tác phẩm của anh, bao gồm cả hai thể loại văn xuôi và phim tài liệu truyền hình đều được bạn đọc và người xem đặc biệt yêu thích. Cũng đã có nhiều luận văn Tiến sĩ, luận văn Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, rồi các công trình nghiên cứu văn chương, nghiên cứu báo chí mổ xẻ tác phẩm của anh. Vậy con đường nào dẫn anh đến thành công như vậy? Bí kíp của anh ở đâu?
Xưa nay, khi bàn đến một nền văn học lớn, hay một tác giả lớn, thường người ta hay nghĩ đến tiểu thuyết. Điều đó cũng có lý. Bởi tiểu thuyết luôn là trụ cột của một nền văn học. Nhưng thực tiễn sáng tác nhiều khi lại chẳng như các nhà lý luận “chỉ đường”. Có những nhà văn rất lớn, một ông khổng lồ, bậc thầy của cả nhân loại, mà lại chẳng có cuốn tiểu thuyết nào cả. Đó là An tôn Tchekhov. Cả đời ông dường như chỉ viết truyện ngắn. Có truyện phong phanh vài trang, như “Anh béo, anh gầy”, “Cái chết của viên công chức”, Có truyện dài đến trăm trang, vài trăm trang, như “Phòng 6”, “Thảo nguyên”, “Một chuyến đi”. Nhưng vẫn không phải tiểu thuyết. Đó là truyện ngắn viết dài mà ông gọi là Truyện vừa. Ở ta có Nguyễn Tuân, một nhà văn rất lớn, nhưng ông cụ cũng đâu có viết tiểu thuyết. Đã thế, ông cụ lại viết ký, một thể loại đong đưa giữa báo và văn. Và rồi ông cụ viết gì cũng thành ký. Vậy mà lại hay. Rất hay. Văn học Việt Nam mà thiếu Nguyễn Tuân, thì cũng xộc xệch vì khuyết đi một mảng lớn mà không ai có thể thay thế được.
Cách đây chừng trên hai mươi năm, khi bàn về một nhà văn lớn rất nổi tiếng, là nhà văn Nguyễn Khải, tôi chợt nhận ra rằng, hầu như cuốn sách nào của ông ra đời cũng gây được tiếng vang, vì luôn đề cập những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại. Khảo sát thêm trong vài lần đi thực tế với ông, tôi thấy ông khai thác tư liệu như một anh nhà báo. Nhân vật và cốt truyện của ông đều người thật, việc thật đã có sẵn trong đời sống. Tên tác phẩm của ông cũng na ná như tên các bài Phóng sự: “Tháng Ba ở Tây Nguyên”, “Họ sống và chiến đấu”, “Gặp gỡ cuối năm”, “Chủ tịch huyện”, “Mùa lạc”, hoặc như xã luận báo Nhân Dân: “Tầm nhìn xa”, “Hãy đi xa hơn nữa!”…Tôi gọi ông là “nhà văn thông tấn”. Đó là cách khu biệt ông với các nhà văn khác. Ông có vẻ giận. Nói thế, khác gì biến nhà văn thành nhà báo. Mà nhận định như vậy cũng là hạ thấp giá trị văn chương của ông.
Thực chất đâu phải vậy. Trong kho tàng văn chương nhân loại từng có những ông khổng lồ mà giới lý luận cũng gọi họ là “nhà văn thông tấn” đó thôi, ví như: Ernest Hemingway và Gabriel Garcia Marquez. Hai ông vĩ đại này đều được trao Giải thưởng Nobel về văn chương. Tôi không nghĩ nhà báo thua Nhà văn, hay Văn chương thì vĩnh cửu hơn Báo chí. Sức sống của tác phẩm không nằm trong thể loại, mà hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người sáng tạo ra nó. Một bài báo hay có giá trị hơn một truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết mà lại viết tồi.
Ở ta có một nhà văn lớn rất nổi tiếng, một ông khổng lồ, mà bạn đọc Mỹ rất nể phục. Đó là Vũ Trọng Phụng. Chúng ta cũng có thể xem ông như một nhà văn thông tấn. Vũ Trọng Phụng trung thành với thể loại báo chí đến từng câu văn. Nhiều khi chẳng thấy hồn vía, khí sắc văn chương ở đâu cả. Chính Tô Hoài, lúc đương thời cũng đã từng chê: “Vũ Trọng Phụng lười lắm. Câu văn của ông ấy rất gầy”.
Thực ra Vũ Trọng Phụng không lười. Tô Hoài đã nhầm khi ông lại lấy những con chữ mang hơi hám văn chương ra để làm thước “đo” Vũ Trọng Phụng. Phải lấy Vũ Trọng Phụng làm thước đo chính Vũ Trọng Phụng thì mới chuẩn xác được. Vũ Trọng Phụng là nhà văn thông tấn. Những vấn đề ông đề cập hầu hết là những vấn đề của báo chí. Nhưng cũng như Nguyễn Khải, những vấn đề của báo chí, lại được ông nhìn bằng con mắt của nhà văn. Và rồi bằng tài văn, ông đã vĩnh cửu hoá những vấn đề mang tính báo chí.
Bây giờ, chúng ta lại có thêm Minh Chuyên. Anh là người học trò xuất sắc của mấy ông lớn này.
Khi bàn đến chuyện báo chí, người ta thường nghĩ đến các sự kiện, hay những vấn đề thời sự có khi chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Sự kiện qua đi, không ai tìm đến những bài viết đề cập đến những chuyện đã cũ ấy nữa. Nhưng đó thường là những bài báo xoàng của những nhà báo xoàng. Còn đối với những nhà báo có tài, hay những nhà văn nhìn vấn đề của báo chí bằng con mắt văn chương thì không phải thế. Bởi họ có thể biến những khoảnh khắc mong manh của báo chí thành vĩnh cửu. Và rồi với sức sống mãnh liệt của những con chữ linh diệu, có sức ám ảnh người đọc, họ có thể làm sống dậy cả một giai đoạn lịch sử hay một thời đại mà nó đã đề cập.
Những tác phẩm xuất sắc của Minh Chuyên hầu hết đều là ký hoặc phóng sự hay phóng sự truyền hình. Sức mạnh của anh không phải ở những con chữ hay những câu hình, khuôn hình xuất sắc, mà ở sự thật anh đề cập. Nói một cách hình ảnh, thì anh như một lão thợ đấu lực lưỡng, vạm vỡ, cứ huỳnh huỵch vác từng tảng đời sống tươi ròng mà vật lên trang giấy, vật lên màn ảnh, màn hình.
Nhiều người đọc anh, xem anh rồi ngỡ ngàng: “Tại sao Minh Chuyên có được tư liệu hay thế”. “Cái đặc sắc nhất là Minh Chuyên đã tìm ra được những nhân vật điển hình. Không những thế, những nhân vật của anh còn rất độc đáo. Độc đáo đến biệt dị. Có được những nhân vật ấy là đã thành công rồi!”.
Nói thế, chẳng khác gì khẳng định, tài năng của Minh Chuyên là ở…cuộc sống, chứ không phải ở chính bản thân nhà văn. Ta lại nhớ đến một nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới. Ông bảo: “Tôi chẳng có tài cán gì đâu. Mọi bức tượng đẹp đã có sẵn ở trong các tảng đá ấy. Tôi chỉ có một tí cố gắng thôi là đục vứt đi những chỗ nào thừa”.
Vấn đề là làm sao có được con mắt để nhìn thấy một kiệt tác nghệ thuật đang nương náu trong một đời sống rất đỗi bình thường, mà loại đi những gì không phải là nghệ thuật. Con mắt ấy không phải ai cũng có được. Đó là những báu vật mà đường như Tạo hoá chỉ ban cho các thiên tài. Mà thiên tài thì hiếm lắm!
Những sự kiện hay các nhân vật của Minh Chuyên đều có sẵn trong đời sống rồi. Họ là những con người bình dị xung quanh Minh Chuyên, ở ngay trên vùng đất Thái Bình. Mà Thái Bình chỉ là một tỉnh nhỏ. Còn nhiều tỉnh rộng lớn hơn Thái Bình. Ở đấy cũng có nhiều con người có thể còn hay hơn, độc đáo hơn người Thái Bình. Nhưng thật tiếc ở đấy lại không có được một Minh Chuyên, và vì thế, nhiều vẻ đẹp, nhiều con người độc đáo vẫn chìm trong bóng tối, nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rồi tất cả “gió sẽ cuốn đi”, và chúng ta sẽ vĩnh viễn mất họ như họ chưa từng xuất hiện trong cõi đời lầm lụi này.
Một trong những điều rất đáng quý của Minh Chuyên là anh đã chịu khó lặn lội trong đời sống. Anh đã thực sự sống. Và sống theo Xuân Diệu là “Mắt luôn lục lọi, óc luôn kiếm tìm”. Kết quả của những cuộc lục lọi, kiếm tìm ấy là Minh Chuyên đã có được bao nhiêu những con người đặc biệt. Một sư cô Thích Đàm Thân từng một thời lăn lộn trên những tuyến đường khói lửa. Hết chiến tranh thì nương bóng Phật. Ta thực sự xúc động về số phận của một con người. Ai đọc bút ký “Vào chùa gặp lại…” cũng bị ám ảnh. Nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật cũng vì bút ký ấy mà lần về Thái Bình, tìm gặp sư cô Thích Đàm Thân. Rồi anh viết trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa”. Tác phẩm này cùng cuốn tạp luận “Vừa làm vừa nghĩ…” đã đưa Phạm Tiến Duật tới Giải thưởng Hồ Chí Minh, một Giải thưởng cao nhất về Văn học Nghệ thuật. Nhưng thú thực, đọc nguyên bản của Minh Chuyên, là bút ký “Vào chùa gặp lại…”, tôi thấy hay hơn nhiều và xúc động hơn nhiều trường ca của Phạm Tiến Duật. Xúc động vì nó rất thật. Bởi thế mà nó có sức ám ảnh người đọc chăng?
Minh Chuyên thành công không phải ở tài văn mà ở tấm lòng. Và điều này thì đúng như cụ Nguyễn Du nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài…”.
Minh Chuyên đã lặn lội sống chết vì nhân vật của mình. Trong bút ký “Người lang thang không cô đơn”, anh kể về một người lính bị thương, rồi lạc đơn vị. Sau này anh bị tâm thần. Ký ức xoá hết. Ở nhà đã báo tử anh. Anh lang thang như một người điên, sống vạ vật nhờ sự bố thí của thiên hạ. Rồi anh tìm được về quê. Cuộc tìm đường về quê đối với một người mất hết trí nhớ vất vả vô cùng, nhưng vẫn không vất vả khốn khổ bằng làm thủ tục để thành một người còn sống. Minh Chuyên cùng gia đình người lính bất hạnh lặn lội lên rừng xuống bể lo “Thủ tục làm người còn sống” cho nhân vật của mình. Nhiều khi bị o ép, anh đã tính cùng nhân vật rạch bụng mình, lấy cái chết dữ dội và trong sáng của mình, để xua đi bầu khí quyển u ám của những thủ tục hành chính phiền nhiễu làm khổ dân, giải phóng cho những người lính và những người dân có cùng cảnh ngộ với nhân vật của mình.
Sống hết lòng hết dạ vì trang văn, vì nhân vật, có lẽ chẳng ai hơn được Minh Chuyên. Đó cũng là một lý do, một bí kíp nhà nghề, dẫn anh đến thành công chăng?
Hà Nội 7- 4-2017
TĐK
Chép lại từ FB của Minh Chuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét