Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

VỚI NGƯỜI ĐI GIỮA MIỀN THƠ




VỚI NGƯỜI   ĐI GIỮA MIỀN THƠ
                     Phỏng vấn nhà phê bình văn học Vũ Nho

PV:     Thật hạnh phúc vì không phải ai cũng có cơ hội để "Đi giữa miền thơ" nhiều như anh. Tập phê bình tiểu luận thứ ba vừa được xuất bản có gì mới so với những tập trước, theo cảm nhận của chính anh?
Vũ Nho (VN): Như đã nói ở lời đầu sách, tôi vẫn làm theo cách đã làm trong hai tập Đi giữa miền thơ lần trước. Cái mới hơn hai tập trước chính là ở chỗ vấn đề mới, tập thơ mới, tác giả mới và lời bình cho những bài thơ chưa có ở hai tập trước. Tuy nhiên cũng có tác giả được nói đến trong hai tập trước, nhưng lần này lại nói về họ ở góc độ khác, như vậy so với chính họ thì cũng là mới và tuy cách làm cuả tôi không đổi nhưng sản phẩm thì mới hoàn toàn.
  PV: Được biết trước đây anh đã từng là một nhà giáo, sao anh lại bỏ nghề để đi theo  dịch thuật và viết phê bình, và có vẻ như anh quyết định đi dài hơi với con đường này?
VN:
Thật ra thì nghề của mình là nghề giáo, trước sau vẫn là nghề giáo. Viết, dịch, viết phê bình chỉ là làm cho vui, làm để chứng tỏ rằng nhà giáo dạy văn và bây giờ là nhà giáo chỉ đạo dạy văn Vũ Nho không phải là ông thầy dạy suông. Thế thôi. Nhưng do điều kiện làm việc, nhất là nghề dạy văn rồi chỉ đạo dạy văn là nghề liên quan nhiều đến phê bình, vì vậy mà làm mãi rồi trở thành nhà phê bình lúc nào cũng chẳng rõ.
PV:  Lâu nay, có người quan niệm, phê bình là phải chê, tìm ra cái chưa được để chê. Có nghĩa là công việc của người “bới lông tìm vết”. Tuy nhiên, trong các tập phê bình của anh, dường như anh chỉ chọn những cái hay, cái đẹp để bình phẩm, điều đó tốt nhưng nếu đẹp mãi, e cũng dễ nhàm, anh có nghĩ vậy không?
VN: Điều này thì không thật đúng với tôi. Nhà phê bình Hoài Thanh có nói đại ý là cái dở không đại diện cho cái gì hết, vì vậy phê bình chủ yếu là tìm ra cái hay, biểu dương cái hay. Tôi không hoàn toàn tán thành cách làm của cụ Hoài Thanh. Tôi cũng chê bên cạnh khen chứ không phải chỉ toàn khen. Chẳng hạn như  khi bình bài thơ nổi tiếng Hương thầm của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, khi viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi viết về thơ Trần Đăng Thao, khi nói về bài Áo đỏ, bài Cơn sốt rừng của nhà thơ Vũ Quần Phương... Có điều mình chê chân thành, không chê kiểu “bới lông tìm vết”, nên người ta tưởng là  mình không chê. Khen không đúng thì tệ hại còn hơn cả chê nữa. Vấn đề không phải là khen hay chê, mà là khen hoặc chê có đích đáng không? có ích cho người viết và người đọc hay không? Bởi vậy mà khen hay chê cũng là điều rất khó mà người phê bình cần được sự cảm thông của mọi người.
PV:  Theo tôi được biết, anh là người rất quan tâm đến thơ. Tôi rất thích bài anh trả lời phỏng vấn anh Hoàng Xuân Tuyền trước đây trên Văn Nghệ Trẻ. Đối với anh, thơ có vị trí như thế nào trong cuộc sống và với ngòi bút phê bình?



VN: Thú thật khi học ở đại học, điều mà tôi ngại nhất là phải tập giảng thơ. Truyện thì nó có cốt truyện, có nhân vật, có chi tiết. Còn thơ thì lơ mơ lắm. Có lẽ vì biết mình yếu về phân tích cảm thụ thơ, lại muốn giúp các bạn sinh viên dạy thơ, vì thế mà mình quyết đi vào bếp núc của phê bình thơ, học mẹo bình thơ, cảm thụ thơ. Ban đầu thì trình bày trong các buổi dạ hội văn học của sinh viên, rồi viết thành bài in báo, sau tập hợp các bài viết in thành sách. Một cuốn rồi vài cuốn, thế rồi được dán nhãn nhà phê bình thơ. Nhưng cũng phải nói thêm một chút là dù nghiêng về thơ, Vũ Nho còn phê bình văn xuôi và phê bình cả phê bình nữa đấy. Chẳng hạn như về các tập phê bình của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Hoàng Sơn, Lưu Khánh Thơ...

PV: Anh đã phê bình hầu hết các nhà thơ hiện đại như Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ, Phạm Đình Ân, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến... Anh tự đánh giá về bài viết của mình như thế nào? Các nhà thơ được anh viết,  họ có ý kiến như thế nào?
VN:
Thật ra thì khi tôi viết về nhà thơ nào đó, tôi đều đọc họ rất kĩ và viết hết mình. Viết như thể là sau đó không có gì phải băn khoăn thêm nữa. Bản thân tôi cũng là người có làm thơ nên tôi rất tôn trọng và hiểu những thành quả lao động của người viết. Bởi thế tôi cố gắng khen chê họ thật rành mạch, không vống lên, nhưng cũng không hạ thấp. Thường thì sau khi viết, tôi nhận được ý kiến của bạn bè và cả các nhà thơ nữa. Họ đánh giá là  tôi điềm tĩnh, có chỗ tinh tế khi thẩm bình thơ, có cái nhìn đôn hậu, có cách tiếp cận khá hệ thống và khoa học. Nhưng tôi cũng phải dè chừng những lời xã giao không muốn làm mình mất lòng. Chỉ biết chắc một điều là những nhà thơ được tôi viết,  tôi mới chỉ nhận được lời cảm ơn, lời khen nhiều hoặc ít, chứ chưa nhận được lời chê.
PV:  Vậy còn đối với các tác giả thơ trẻ hiện nay, nếu được "phê" về họ, anh sẽ có đánh giá như thế nào?
VN: Thật ra thì mình cũng có đọc một số các nhà thơ trẻ, cũng đã có động bút nói về một đôi người. Ấn tượng chung của mình là: các nhà thơ trẻ là người được học hành tử tế, có kĩ thuật làm thơ khá cao, có sự táo bạo trong tìm tòi, có cái kiêu hãnh của tuổi trẻ. Một số nhà thơ cũng rất biết tự lăng xê, trình bày trên diễn đàn, trên mạng...Nhưng cái yếu nhất của thơ trẻ ấy chính là sự  chưa hết mình vì thơ, vì một lẽ sống cao hơn cả thơ ca. Có thể nói tóm gọn là phần cái tôi của nhà thơ thì khá trội, nhưng phần công dân thì khá mờ.
PV:  Trong ba tập Đi giữa miền thơ của anh, tôi thấy anh viết cả từ ca dao, thơ cố điển, thơ hiện đại... Cả ba phương diện anh đều có những thành công. Cũng như khi viết về thơ, anh vừa viết về các vấn đề lớn, vừa viết các bài phê bình giới thiệu các tập thơ, lại vừa bình những bài thơ cụ thể. Khi phê bình thơ, anh thương đặt mình vào tâm thế nào?
VN: Đây là một câu hỏi khó  trả lời. Tâm thế của tôi ư? Có lẽ là tôi không nghĩ mình làm công việc phê bình mà nhà thơ Xuân Diệu đặt cho hai chữ khá ngộ là “lườm nguýt”. Khi viết  về bài thơ, tập thơ, trước hết tôi là người đọc thơ, một bạn đọc thơ. Tôi thưởng thức tác phẩm, từ bài cho đến tập. Tôi muốn chia sẻ những ý nghĩ, những cảm xúc của mình với chính tác giả, với bạn đọc. Còn khi viết về các vấn đề của thơ thì tâm thế có khác đi. Lúc này tôi muốn trao đổi với các bạn đọc những điều mà một nhà chuyên môn đã để ý, đã tích luỹ, suy ngẫm. Nói cách khác, khi trình bày tiểu luận thì cái vai nghiên cứu lộ rõ hơn. Bởi vì muốn thuyết phục bạn đọc ở đây thì không chỉ có cảm, hiểu thơ, mà còn phải có cách tiếp cận, có phương pháp. Tuy nhiên tôi nghiệm ra rằng có người chỉ nói được vấn đề lí luận, có người chỉ giỏi cảm và phân tích các bài thơ, câu thơ cụ thể. Còn tôi thì khi bình cụ thể vẫn có một chút tổng quan, còn khi khái quát lí luận, vẫn không quên có những lời bình cụ thể. Có lẽ vì thế mà tôi viết phê bình thơ bền bỉ hơn chăng?

PV: Sau tập "Đi giữa miền thơ 3", anh có định cho ra đời tập 4?
VN: Tôi không muốn nói trước điều gì. Có lẽ tôi muốn in một tập phê bình văn xuôi. Bài viết thì đã đủ. Nhưng tôi lại  muốn ưu tiên cho tập “ Những mảnh tình riêng”, một tập phê bình dành riêng cho các nhà thơ nữ của nước ta. Từ bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương cho đến các nhà thơ nữ bây giờ. 

PV:Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện.


                                                 Trần Hoàng Thiên Kim thực hiện

Đã đăng báo với nhan đề " Tôi không muốn là ông thầy dạy suông"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét