Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

VŨ NỮ CHÀM với LỜI BÌNH



                

 VŨ NỮ CHÀM*
                           Vũ Từ Trang
Tháp Chàm
nắng đóng đinh
vũ nữ múa si mê.

Ôi thời nguy nga
bỏ đi đâu
vui buồn rung chuông
tháp âm thầm sụp đổ
tôi bên tháp thấy mình đơn lẻ
thời khắc tan
còn lại những gì?

Vũ nữ oằn mình, muốn nói điều chi
thớ gạch cũ rần rật dòng máu đỏ
mình còn là mình, giữa tháng ngày nham nhở?
hơi thở cô đơn trong mạch vữa nhu mì.

Một thời vàng son
một thời vàng son
rã rời, phân ly
bàn tay buông bàn tay
ký ức cựa mình lá cỏ.

*Vũ nữ Chàm-Thơ Vũ Từ Trang (Trong tập “Cây chuyển mùa”-
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016.

                     VŨ ĐIỆU VÀNG SON-ĐỔ VỠ

                                                Trần Trung

   Trước Cái-Đẹp gắn với một thời vàng son của văn hóa, đã lùi xa vào quá vãng, ai mà chả ngậm ngùi, tiếc nuối-với người nghệ sỹ, càng rõ !
  Bài thơ “Vũ nữ Chàm” của nhà thơ Vũ Từ Trang (Trong tập “Cây chuyền mùa”-Nxb HNV,2016, trang 60-61) ngầm chứa bao điều kiêu hãnh lẫn xót xa trước hình ảnh đẹp, dậy lên trong tâm tưởng về những vũ nữ Chàm của “Một thời vàng son”, một đi không trở lại, cũng như nền văn hóa gắn với nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chàm.



 
  Cũng bởi thế, đi suốt bài thơ là hình ảnh sinh động mà ám ảnh đến nao lòng về những vũ nữ Chàm, những thiếu nữ say đắm, “múa si mê”; Hình ảnh thơ của Vũ Từ Trang mang giá trị tạo hình, dẫu trong hồi tưởng vẫn mang trạng thái đồng hiện giữa những đối cực tương phản : điệu nghệ và vô vi (vũ nữ oằn mình, muốn nói điều chi); giữa vẻ “nguy nga” của một thời vàng son cùng cả sự mất mát, biến đi,  “sụp đổ” :
       “Ôi thời nguy nga
         bỏ đi đâu
         vui buồn rung chuông
         tháp âm thầm sụp đổ
       ...thời khắc tan
         còn lại những gì ?”
  Trước những vẻ đẹp đi qua trong mất mát, đổ vỡ hoặc rêu phong xưa cũ của những ngôi tháp Chàm, nhà thơ như còn rung động đến máu-thịt-tâm-tư
 của Con-Người-Nghệ-Thuật (vũ nữ Chàm) và xa xót cho sự mất đi của văn hóa một thời vàng son của một dân tộc. Niềm tiếc xót ấy mang chiều sâu nhân văn riêng của bài thơ :
          “Vũ nữ oằn mình muốn nói điều chi
            thớ gạch cũ rần rật dòng máu đỏ
            mình còn là mình, giữa tháng ngày nham nhở ?
            hơi thở cô đơn trong mạch vữa nhu mì.”
  Chữ “mình” trong khổ thơ trên, có lẽ đã lia chạm tới tâm tư buồn tiếc, bẽ bàng của nhiều đối tượng : của những vũ nữ đã qua đi trong quá khứ; của chính dân tộc Chàm (còn có tên Chăm) và của bao người trong qua khứ, hiện tại và tương lai, tất nhiên không loại trừ nỗi niềm của chính nhà thơ !
  Với hai hình tượng sóng đôi: vũ nữ và Tháp Chàm, bài thơ của Vũ Từ Trang, không hề gợi vẽ ra một cách cụ thể về cuộc sống và con người (Chàm) của một thời quá vãng (Những ngôi tháp Chàm được xây dựng từ khoảng thế kỉ 13, 14 và gắn với lễ hội, phong tục xa xưa của dân tộc này: lễ rước trang phục; lễ mở cửa tháp; lễ tắm Thần... và, các vũ nữ Chàm thường xuất hiện trong những ngày thiêng liêng, trọng đại ấy!).
  Ngoảnh lại “một thời vàng son”, cảm hứng chủ đạo của thi phẩm “Vũ nữ Chàm”, tất nhiên là  kiêu hãnh lẫn tiếc xót ! Thế nhưng, khổ thơ cuối của bài thơ, tác giả lại đem đến và gieo vào lòng độc giả cảm giác bình thản, “tự nhiên nhi nhiên” trước những điều đã qua của con người và nghệ thuật. Bởi, đó cũng chỉ như “ký ức cựa mình lá cỏ” :
              “Một thời vàng son
                một đời vàng son
                rời rã phân ly
                bàn tay buông bàn tay
                 ký ức cựa mình lá cỏ”

                         Tr Trung-Hà Nội, Tháng 6/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét