Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

PHỎNG VẤN DỞ DANG...nhà văn BÙI NGỌC TẤN



Lục tìm tài liệu trên máy tính cũ. Thấy bài phỏng vấn ...dở dang này. Đưa lên để lưu một kỉ niệm với tác giả CHUYỆN KỂ NĂM 2000.



 CHUYỆN KỂ …CỦA BÙI NGỌC TẤN

                                                                     Vũ Nho

          Trại sáng tác Đại Lải của Hội Nhà văn mở  cuối tháng 4 /2002. Tôi , Nguyên An và Lê Sơn lên chơi với Hoàng Minh Tường. Các bác , các anh đi trại đều là các nhà văn lão thành. Sáng 5/5, tôi tranh thủ ghé vào phòng làm việc của Bùi Ngọc Tấn, tác giả của “ Chuyện kể năm 2000”. Nghe tên nhà văn đã lâu, đây là lần đầu gặp mặt, không giấu vẻ ngưỡng mộ, tôi gợi hỏi anh vài chuyện. Anh kể.
          V.N.    : - Anh đã viết và in “Chuyện kể năm 2000” như thế nào ?
          B.N.T. : -  Mình nghiền ngẫm và viết trong khoảng mười năm. Bấy giờ tình cờ gặp Đoàn Thị Lam Luyến về chơi Hải Phòng. Trong một bữa cơm, Luyến khoe Luyến hợp tuổi với Trần Đăng Khoa nên cuốn “ Chân dung và đối thoại” rất trúng. In và tái bản dài dài. Mình hỏi : “Có một cuốn sách viết về chuyện tù. Liệu Luyến có in được không?” Luyến hỏi tuổi của mình, nhẩm tính rồi bảo : Anh cứ đưa em đọc. Thế là mình đem gửi Đoàn Thị Lam Luyến. Gửi xong, mãi không thấy hồi âm. Mình điện thoại để hỏi. Bấy giờ Lam Luyến đang đi công tác Yên Bái,  Luyến bảo mới đọc được 60  trang, hấp dẫn. Để sẽ báo cáo lại với anh Ngợi. Sau đó anh Bùi Văn Ngợi quyết định in và chính thức làm việc với mình. Nhà xuất bản  muốn tạm ứng cho . Lam Luyến khuyên mình nên tự in. Lúc đó mới được cái giải bên Văn Nghệ quân đội khoảng 5 triệu, và tiền gia đình có 5 triệu, mình đưa 10 triệu với Luyến để góp vốn. Sách in ra. Mình nhận 100 cuốn coi như là nhuận bút tạm ứng. Sau cuốn sách bị thu hồi nên  mất luôn cả . Chỉ được một an ủi là dù sao, cuốn sách được in ra, đã được người đọc biết đến.
          V.N.: - Nghe nói cuốn sách của anh được giải thưởng ở nước ngoài ?
          B.N.T. : - Đúng vậy . Giải thứ nhất 3000 đôla , giải thưởng Chân Thiện Mĩ của tổ chức Việt Nam phục quốc. Mình đã từ chối không nhận giải này.
          Giải thứ 2 là Giải thưởng Nhân quyền của Đảng Cộng sản Mỹ trao, trị giá 7.000 đô la.
          V.N. : - Anh cũng từ chối  chứ ?
          B.N.T.: - Không. Có người của Hội nhà văn khuyên mình tuyên bố từ chối. Mình nói không. Không phải vì mình cần tiền ( Ai mà chẳng cần tiền),  cái chính vì đây là giải thưởng của tổ chức Cộng sản tiến bộ. Họ lại bảo mình : Đành thế nhưng Đảng Cộng sản Mĩ  bây giờ cũng phức tạp lắm. Mình bác đi . Ai mà biết được phức tạp hay không.  Người ta cứ làm như nếu nhận giải thưởng thì mình sẽ thế này thế kia. Thực ra thì nếu nói về tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc, mình dám đảm bảo là cá nhân mình chẳng kém bất kì ai.  Mình đã ngần này tuổi rồi cơ mà. Thế là mình thông báo quyết định nhận giải thưởng này.
          V.N. : - Và anh đã có 7 ngàn đô la?
          B.N.T. : - Chưa. Lần thứ nhất thì ngân hàng báo sang cho bạn không khớp số tài khoản đăng kí của mình. Mình gửi lại. Mới đây bạn thông báo là đã chuyển tiền sang nhưng lại  không nhập vào được, đành rút tiền về. Không biết trục trặc ở khâu nào.
          V.N. : - Nghe nói anh sắp được Hải Phòng cấp cho một ngôi nhà ?
          B.N.T. : - Mình cũng nghe nói thế. Hữu Thỉnh thông báo miệng ý định của Thành uỷ và UBND Hải Phòng.
          V.N. : - Anh thấy đi trại viết thế nào ?
          B.N.T. : - Vui, được gặp nhiều bạn văn. Có chuyện  là khi cuốn sách “ Chuyện kể năm 2000” in xong, mình đang đi trại viết Đồ Sơn. Có người quen đến chơi không thấy mình, hỏi thăm. Nhà mình bảo anh ấy đi trại. Họ  nghĩ  ngay là trại cải tạo.

Máy chỉ lưu có vậy. Chắc là còn nữa. Nhưng biết làm sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét