Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

CẢM NHẬN TẬP "KÍ ỨC LỜI RU"

 


CẢM NHẬN KHI ĐỌC TẢN VĂN

KÝ ỨC LỜI RU CỦA NHÀ VĂN PHẠM NGỌC TÂM DUNG

                             HÀ KIM QUY

          Thật may mắn tôi được gặp chị trong một ngày cuối đông. Trong ngôi nhà 162 Trấn Vũ - Văn phòng của Thượng tướng, viện sĩ hàn lâm khoa học nghệ thuật quân sự  Liên bang Nga, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu, tôi vinh hạnh được gặp PGS, TS Vũ Nho, GS, TS Bùi Quang Thanh, nhà Kiều học Trần Mạnh Tuấn, nhà văn Cầm Sơn, nhà văn Lê Hoài Nam... - Những người nổi tiếng tôi nghe tên từ lâu. Còn chị, chẳng biết có phải duyên do trời định hay ngẫu nhiên mà tôi quen chị. Thời gian gặp nhau chưa đầy một buổi sáng ngắn ngủi nhưng sau đó chị em hay tâm sự nên có dịp hiểu về nhau nhiều hơn. Chị là Phạm Ngọc Tâm Dung. Tên chị thật đẹp. Điều tôi ngỡ ngàng là tôi đã đọc văn chị trên báo Phụ nữ từ hồi nhỏ không sót số nào.

tm_dung_1

NHÀ BÁO NHÀ VĂN PHẠM NGỌC TÂM DUNG

      Ngày bé, ông họ tôi làm ở thành phố Nam Định. Ông luôn đặt các loại báo mang về làng cho bọn trẻ chúng tôi đọc. Cứ mỗi chiều đi làm về, trên ghi đông xe đạp ông thế nào cũng có quà, khi là một vài quả sấu, vài cái kẹo sìu châu còn báo thì không khi nào thiếu, khi thì báo TNTP, khi thì báo Phụ nữ, Nhân dân... Tôi như con mọt sách đói chữ, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là tót sang nhà ông ngấu nghiến đọc. Đọc chuyên mục chị viết, tôi cứ thắc mắc không biết người viết này ở ngoài đời như thế nào? Chắc chị xinh đẹp và rất am hiểu về tâm lý. Khi gặp chị, tôi ngỡ ngàng. Ở tuổi ngoài 70 mà trông chị mới chỉ hơn 60 tuổi. Dáng vẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, những nét thanh xuân tươi tắn dường như ít phôi pha trên gương mặt chị.

          Là cô giáo dạy Ngữ Văn ở quê lúa Kiến Xương Thái Bình, sau chị chuyển nghề sang làm báo và gắn bó với báo Phụ nữ Việt Nam chuyên mục hôn nhân gia đình. Cũng từ chuyên mục đó, khi đó tôi bé xíu (tầm 10 tuổi) nhưng cũng đã học được nhiều điều qua bài chị viết.

          Bận việc, mãi hôm nay mới có dịp đọc cuốn sách Ký ức lời ru chị tặng. Cuốn tản văn với 31 bài tản viết về "những gì gần gũi, thân thương, hết sức bình dị của đời thường" (lời tựa của PGS, TS Vũ Nho). Hình ảnh cây cối quen thuộc của làng quê Thái Bình hiện lên trong tản văn của chị mượt mà, sâu lắng và ấn tượng. Ta bắt gặp những bắp ngô non "nhu nhú trinh nguyên với một dúm râu vàng ươm như những búp tơ của con tằm khổng lồ nào đó chui vào làm tổ" (Tản mạn về ngô).

          Đọc ký ức Lần đầu bắt cua ngôm của chị mà tôi như được sống lại với kỷ niệm thuở ấu thơ. Cái cảm giác thò tay vào mà cua trống,  chạm lớp da trơn của cá, của rắn mới hồi hộp làm sao. Có lần, tôi cũng như chị, mới chạm vào đã sợ, rụt vội tay lại, ngay lập tức một con cá quả lao vụt ra trong sự tiếc nuối của những đứa bé lần đầu đi bắt cá. Rồi nỗi ám ảnh của trẻ con hồi đó là đỉa. Thật sự đến sau này tôi vẫn có những giấc mơ khiếp sợ về loài vật chuyên hút máu người. Ngày đấy vùng chiêm trũng, quê chị cũng như quê tôi, sợ nhất khi lội xuống nước, có động và có hơi người là lũ đỉa lượn lờ như những chiếc lá tre to, nhỏ bơi tụ lại bám vào chân người. Sờ vào chúng nhùn nhũn, dứt không ra. Nhiều người sợ quá, hét lên, chạy bán sống bán chết lên bờ, vừa giậm chân bình bịch vừa la oai oái mà con đỉa vẫn không buông tha, nó bám rất chặt, trừ khi no căng mới nhả ra. Rất hiếm người không biết sợ như nhân vật Xoan trong bài viết của chị. Hồi đó, đỉa là nỗi khiếp sợ của nhà nông nên mỗi lần ra đồng ai nấy đều đeo lủng lẳng một lọ trộn gồm vôi, muối, ớt, hễ đỉa cắn, dùng que bôi hỗn hợp đó vào mồm nó là nó xót rơi ngay xuống. Viết đến đây mà cảm giác vẫn gai người lên hơn nỗi nhớ về muỗi hoa xoan của chị!

          Những bài viết trong cuốn tản văn là những cái tên mộc mạc, dụng dị như Rau cần quê tôi,  Lần đầu bắt cua ngôm, Mắm cáy, Lại nói về mắm tép, Chè củ súng, Khoai tía giềng làng Răng, Tản mạn về ngô... Những mùa ký ức của làng quê Kiến Xưong Thái Bình đậu lại trên những trang văn tưởng như nơi nào cũng có, nhưng không, đọc lên ta mới thấy rất riêng.  Mùa xuân vọng về với Muỗi hoa xoan, Mùa hoa gạo,  Hoa bưởi.  Những người gắn bó với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì  ký ức luôn sống dậy những  hình ảnh ấn tượng thân thuộc, dù là muỗi hoa xoan,  loài  vật chuyên hút máu người sinh sản cực mạnh vào mùa hoa xoan nở. Đọc bài của chị, tôi lại nhớ ngày xưa. Ngày xưa, cái ngày đói khổ ấy, tôi vẫn nhớ buổi tối học bài, để tránh muỗi đốt, mẹ tôi đưa cho chị em tôi  mỗi người một cái bao gai dài, xỏ chân vào đó kéo lên cao  rồi ngồi học. Dù có rặm nhưng vẫn còn sướng hơn là vừa học vừa gãi xoành xoạch vì muỗi đốt. Thì ra, những gì quá đẹp hoặc quá xấu luôn để lại nỗi nhớ đậm sâu trong lòng con người. " Và tôi nhớ cả...đàn muỗi đói'"  "...nhớ đến gai người" ( Muỗi hoa xoan)

          Tôi ấn tượng với mùa hoa gạo nơi quê chị. Đó là " Ông gạo xóm Tám" và "Hai cụ gạo đình Trung". Hai cụ gạo này đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của mảnh đất quê nhà với tuổi thọ ngót năm trăm năm, được Nhà nước cấp bằng công nhận " Di sản Văn hoá" là một điều quý hiếm. Mỗi mùa hoa gạo, ở nơi xa quê, khi nhìn thấy những bông gạo rụng ven đường, chắc chị cũng như những người con quê hương lại quay quắt nỗi nhớ quê nhà.

          Những món ăn thân thuộc như mắm cáy, mắm tép,  rau cần, canh bồng khoai nước, chè củ súng, ốc, khoai tía riềng làng Răng thân thuộc nơi quê hương chị được giới thiệu tới bạn đọc, có những món lần đầu tôi biết đến như chè củ súng, thật độc và lạ, chỉ đất Thái Bình mới trồng nhiều cây này vì tôi vẫn thấy đầu cầu Tân Đệ, người ta hay bán đầy các túi củ súng đen nhưng bên trong ruột thì trắng bóc, ăn bùi bùi, ngòn ngọt. Bất ngờ  thay, đó lại là món chè được người Nam Định quê tôi nấu và để lại ấn tượng trong chị. Chị viết về những chi tiết rất đời thường, có thể là những món ăn giản dị như canh dưa rau sắn Phú Thọ, hay những giọt sương sớm hay mưa đầu đông... Đọc bài của chị, hình ảnh thân thuộc ấy hiện lên vừa gần gũi vừa có nét tươi mới. Đặc biệt, vốn ca dao cổ và thơ về các chủ đề có liên quan được chị tìm tòi công phu và thể hiện nhiều trong các bài viết.

          Tôi ấn tượng với tản văn Ký ức lời ru, cũng chính là tên của cuốn tản văn. Phải chăng  những câu chữ trong tản văn của chị đã chạm vào không chỉ trái tim tôi mà còn chạm vào trái tim những người đọc.Những câu chữ hiện lên cứ dung dị như lời ru của bà, của mẹ, như nguồn sữa lành của quê hương, của những người phụ nữ gửi gắm khát khao, nỗi niềm rồi ngấm dần, tưới mát và bước vào tâm hồn những đứa trẻ thôn quê. Lớn lên từ hạt lúa, củ khoai của làng quê chiêm trũng, con cua, con cáy, bồng khoai ...đã nuôi lớn về thể xác và lời ru đã nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ lớn lên từ làng. Biết đâu, những lời ru có thể là khởi nguồn cho tình yêu thi ca của con người. Và chính chị là một minh chứng, người đã nặng lòng với lời ru của những người đàn bà quê chị, để lớn lên, chị đã say mê con chữ vào độ tuổi không còn trẻ và viết Ký ức lời ru vọng mãi trong tâm hồn.

          Bên cạnh đó, những kỷ niệm được chị nâng niu như với nghề chị tưởng như gắn bó đó là nghề giáo (Ấm áp 20-11) , hay kỷ niệm về đứa con thân yêu (Ngày đầu đời của con) và những điều muốn gửi gắm, tâm tư cùng cháu (Thư cho cháu gái), với bạn bè như Ánh Tuyết- Người bạn gái làm thơ dễ thương hay qua tản văn Có một miền thơ như thế, tác giả muốn nói về một người bạn thơ đặc biệt của chị trên dòng sông Sứ quê nhà...

          Khép cuốn tản lại, tôi như vẫn còn thấy đâu đây hình ảnh quê chị hiện lên bên dòng sông Sứ êm đềm với con thuyền thơ của người bạn thân, với những ruộng ngô thơm ngon thuở nào. Và những cây gạo – niềm kiêu hãnh của làng quê như chứng tích của làng bao nhiêu năm chứng kiến những thăng trầm của lịch sử với những cuộc đời đi qua kiếp bể dâu. Dù chị không ở làng nhưng chị vẫn dựa vào làng, vào ký ức của làng mà sống và viết nên những trang văn mượt mà, tha thiết, dung dị mà tự hào về người con quê lúa Thái Bình.

 vna_potal_phu_tho_lien_hoan_hat_xoan_thanh_thieu_nhi_thanh_pho_viet_tri_lan_thu_vi_nam_2019_stand

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét