Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

CHÚ KHÁCH

CHÚ KHÁCH

             TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

                                                                       

 nh_v_thin_khi_1

 

 


Nhớ quê, bà tôi hay kể đủ chuyện ngày xưa ở làng. Đôi lần bà tấm tắc khen những chú Khách chợ Xanh giỏi giang đường buôn bán. Mấy năm cuối dời, lẫn rồi, vài bận bà tôi nhìn trước nhìn sau rồi vời tôi đến bên giường thì thào: Nhà mình nhận nuôi một chú Khách từ lúc nó còn con nít. Nó khổ lắm. Rồi bà im bặt. Dường như nhận ra mình lỡ lời. Ngày cha tôi đưa bà vào ở hẳn trong thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện Hoa kiều đang hồi gay cấn lộn xộn. Tôi nghĩ bà chợt loé lên những ký ức một thời hoang mang sợ hãi. Trước ngày làm một chuyến tự mình tìm về Sông Nguồn, tôi được cha tôi kể cho nghe chuyện chú Khách nhà mình.                                                                  

Ông nội con được một ông thày Tầu cho phương thuốc bí truyền chữa bệnh vô sinh. Chỉ uống khoảng một trăm viên nhỏ như cúc áo, nhiều cặp vợ chồng đã có được những đứa con kháu khỉnh sau nhiều năm tuyệt vọng. Thuốc này ông con không bán. Chỉ vui vẻ nhận một cặp gà giò hay cân đường cát gói vuông phức trong phong giấy xanh xanh đỏ đỏ khi họ bế con đến tạ lễ thày. Ông mãn nguyện nói với họ: Được thấy cháu bé xinh đẹp của anh chị là món quà quí hoá lắm rồi.

Ông nội con có được mối nhân duyên này, bố nghĩ cũng từ con Sông Nguồn đưa đến.

Làng Điềm nằm cạnh sông Nguồn. Chợ Xanh nằm ở giữa làng Điềm. Chợ Xanh khác hẳn các chợ quê trong vùng bởi một dãy chừng mươi căn nhà thâm thấp, tường gạch, mái lợp ngói âm dương quay mặt vào sân chợ. Chủ nhân của dãy phố này là những Hoa kiều mà dân làng gọi là chú Khách. Chả ai nhớ những chú Khách ấy có mặt tự bao giờ. Chỉ biết khi ông nội con còn bé tẹo theo mẹ đi chợ đã nghe họ xì xồ với nhau trong mấy cửa hàng cũ kỹ ấy rồi. Ngồi sau những quầy gỗ đen bóng luôn là mấy ông bà già mặt nhăn nheo như quả táo Tầu. Đến đời bố vẫn thấy họ y sì như vậy. Quầy thuốc bắc thì ông thày lang thận trọng chụm năm đầu ngón tay bốc từng vị bỏ vào chiếc đĩa cân tiểu ly. Ông khác quẹt cả hai bàn tay loắt toắt gảy bàn tính. Lại ông khác cầm chiếc dùi đồng giã vào chiếc cối đồng, giã xuống thì nhẹ mà hất lên thì đập mạnh vào miệng cối phát ra những tiếng keng keng ầm ĩ. Bán tạp hoá thường là những bà già. Bàn tay họ khéo léo gói đồ, lại cũng rất khéo léo lấy vài viên kẹo dúi cho những đứa trẻ con núp sau lưng mẹ, kèm theo câu nói ngọng nghịu: Lằng bé lày linh lẹp quá a. Gặp những ngày lễ, tết theo phong tục Tầu mới thấy vài cô gái răng trắng muốt, mặc sường sám bó sát thân và vài cậu chủ mặc đồ tây, đội mũ phớt xuất hiện. Họ lí lới chuyện trò như chão chuộc kêu đêm mưa. Những thứ hàng thiết yếu như vải vóc, tạp hóa và thuốc chữa bệnh họ nắm hết thị phần. Người làng Điềm chỉ biết bán cho nhau rau quả, cá tôm, và linh tinh sản vật địa phương, nguồn lợi chả là bao.

Chợ Xanh cách bến Xanh chừng non cây số. Sông Nguồn đến quãng này đã gần ra tới biển, mặt sông phình rộng ra. Nhìn sang bờ bên kia xa mờ, mênh mang giống cửa biển. Bến Xanh thời ấy quanh năm ra vào san sát những con thuyền buôn trọng tải hàng chục tấn. Thuyền ăn hàng, thuyền bốc hàng, phu khuân vác cúi gập lưng vác những kiện hàng to đùng, lên lên xuống xuống vô cùng nhộn nhịp. Buổi sáng hạ buồm, buổi chiều đã bung rộng cánh nâu, cánh trắng phần phật đón gió lướt ra ngoài biển, hay ngược lên tận mấy thành phố lớn. Chợ Xanh và Bến Xanh ngày ấy sầm uất lắm. Đoạn đường từ chợ ra bến sông chừng non cây số, luôn lịch kịch từng đoàn xe cút kít kêu rền rĩ. Nằm chình ình trên hai càng xe, vài bó chiếu xanh nuột sợi cói, hay vài bao tải thóc tròn căng như tang trống. Bố nghĩ làng Điềm mình có một số đông Hoa kiều lui tới và lưu trú lâu dài là do vị thế giao thương tiện lợi của cái bến Xanh và cái chợ Xanh đầu mối này. 

Chú Khách bán thuốc lang thang ấy thường ghé nghỉ nhờ nhà ông nội con vào những cuối chiều đã xâm xẩm tối. Khi ngoài đường vọng vào tiếng rao khàn khàn: Thôốc đơi… Thôốc đơi vừa ngớt, thì ông già A Sáng ấy đã lững thững đi vào nửa sân rồi. Lần nào ông cũng vận bộ đồ màu chàm bợt bạt, chiếc mũ mây rộng vành che mái tóc lưa thưa và cái cần cổ gầy gò đưa về đằng trước. Một bên vai ông đỡ chiếc đòn gánh quảy đôi bồ thuốc cũng đan bằng những sợi mây. Theo sau ông vẫn là thằng bé cỡ tuổi bố ngày ấy, mắt nhìn sợ sệt, nhũng nhẵng bám chặt vạt áo ông già. Bao giờ ông A Sáng cũng được nội con quí mến đãi bữa cơm tối. Nhìn thằng bé liến láu và cơm vống má, nuốt không kịp nhai, mặt vã mồ hôi, ông nội con kín đáo lắc đầu thương xót. Bố đã nghe ông con hỏi ông già: Sao thày không để cháu ở nhà. Trẻ mỏ đi lại xa xôi vất vả, lại đang thời buổi bom rơi đạn lạc thế này. Ông già Tầu lào phào thiểu não trả lời: Bố mẹ nó chết lói cả lồi. Biết cực khổ nhưng phải cho ló đi theo kiếm cơm ông à.

Rồi ít tháng sau, một buổi tối cuối năm, sắp tết rồi, lúc thằng bé kia đã ngủ ngon lành, ông thày Tầu ấy nói với ông nội con: Tôi biếu ông bọc thuốc đã chế biến sẵn rồi, còn đây là toàn bộ phương thuốc ấy, ông biết chữ Hoa, cứ theo những gì tôi đã viết ra đây mà làm. Hiệu nghiệm lắm lớ. Tặng ông phương thuốc này, tôi đã phá lệ của tổ tiên, nghiêm trọng lắm đấy. Phụ nữ chậm kỳ thai sản đều do kinh nguyệt xấu. Uống mấy gói nhỏ lày, máu tháng sẽ đỏ tươi, đảm bảo đơm hoa kết trái ngay. Sáng mai tôi đi sớm, xin gửi ông thằng bé cháu tôi. Ít bữa nữa tôi sẽ trở lại đón cháu về. Mong ông nhón tay làm phúc. Ông nội con nắm tay ông khách: Cháu ông cũng như con tôi mà. Sáng mai, lúc ông già lịch kịch quang gánh thì thằng bé choàng dậy. Nó bám lấy ông. Hai ông cháu líu lo với nhau một hồi, nó quệt nước mắt vái ông ba vái. Ông thày Tầu lụt cụt bước nhanh ra ngõ, đầu không ngoái lại.

Thằng bé tên là Vòong A Sếnh. Từ hôm ấy, ông thày Tầu không bao giờ quay lại nữa. Thằng Sếnh ở với nhà mình. Không có giấy tờ chính thức, không chung máu mủ, nhưng cả nhà ta yêu quí nó chả khác cháu con ruột thịt. Mấy năm liền, bố với thằng Sếnh ngủ chung một giường, ăn chung một mâm, chỉ đi học không cùng một lớp. Vì nó còn phải học nói được tiếng Việt đã. Ví dụ cầm đôi đũa rồi bảo nó nói đôi đũa. Cứ vậy với cái nón, cái cày, cái cuốc. Rồi ăn no, rồi vui buồn… Nó học nhanh lắm, chưa đầy năm đã lau láu giao tiếp được với mọi người. Ông cho nó đi học lớp đồng ấu. Năm ấy bố học lớp ba. Có lần bố dẫn nó đi chơi chợ Xanh, đến dãy phố chú Khách, nghe họ nói lí lớ với nhau, bố hỏi: Hiểu gì không, nó lắc đầu. Khi nhìn thấy một nửa dãy phố Tầu treo cờ sao trắng, nó sợ run cầm cập. Hỏi, nó bảo: Ở đây cũng có người thuộc phe cờ sao trắng à, quân lính cờ sao trắng ác lắm.

Sao trắng là cờ Chính phủ Tưởng Giới Thạch. Ngày ấy Tây đang đóng đồn Xanh, làng Điềm mới lập Tề. Treo cờ quân Tưởng không bị cấm. Từ đấy, nó không dám bén mảng ra chợ nữa. Bố nhớ hôm ấy, ông lang Tầu chăm chăm nhìn nước da trắng, nhìn đôi mắt một mí của nó một chặp rồi nói: Lằng bé này ngộ quá ha. Chả giống chú lày tí nào. Rồi ông ấy vốc một nắm táo tầu cho nó, nó nhất định không lấy. Buột mồm nó bật ra vài tiếng líu lo lơ lớ, khiến chú Khách ấy trợn mắt rồi im lặng. Sau ngày ký kết hiệp định Geneve, nửa phố chú Khách treo la liệt cờ đỏ in mấy ngôi sao vàng nhỏ của chính phủ Trung Quốc thì ở lại. Còn nửa phố chú Khách treo cờ sao trắng thì xuống thuyền di cư vào nam. Đến tận giờ, cả hai bên vẫn không một ai quay về.

Sau đình chiến, bố học lên cao hơn, được đi du học, rồi công tác liên miên ở hải ngoại. Chỉ nghe nói ở nhà, chú Sếnh xin đi học chuyên nghiệp, xin đi làm công nhân nhà máy đều bị từ chối vì lai lịch có yếu tố nước ngoài không rõ ràng. Bố đã gửi thư nhờ mấy bạn đồng môn công tác trên tỉnh can thiệp nhưng không kết quả. Trước khi mất, ông nội con đã kịp cưới cho chú Sếnh một cô vợ rất ngoan và làm cho một ngôi nhà nhỏ gọn gàng, ấm cúng. Chỉ buồn khi xẩy ra vụ biên giới hai nước Việt Trung ùng oàng năm 1979, chú Sếnh bỏ vợ con trốn biệt. Bố đoán, chú Sếnh buộc phải bỏ vợ con về Tầu, có lẽ bởi hôm ấy chú Khách kia đã biết nguồn gốc chú ấy rồi ngầm theo dõi. Sau khi ta và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ, chú Sếnh trở về làng, nhưng bị cụt mất một cánh tay. Những chuyện sau này của chú Sếnh, con về quê gặp chú ấy, hỏi kỹ càng xem sao.

Về làng Điềm hôm trước, hôm sau tôi hỏi chú tôi: Chú Sếnh bây giờ còn ở ngôi nhà ông con dựng cho không? Chú tôi: Ờ… Ờ, cái tay Sếnh Sáng ấy mang dòng máu chú Khách nên chớp thời cơ đổi mới đã nhanh chân chuyển nhà ra chợ Xanh rồi. Bây giờ hắn lột xác thành ông lang Sếnh lâu rồi. Nhiều đứa trẻ vùng này được bố mẹ phấn khởi khoe: Con chú Sếnh đấy. Cái phương thuốc vô sinh của nó còn tài hơn cả bệnh viện tỉnh. Chả hiểu nó học bao giờ mà bị gẫy xương, rắn cắn, đau nhức, hóc xương, sài đẹn… mắc chứng nào đến lang Sếnh đều khỏi cả.

Chú cháu tôi đến nhà chú Sếnh đang lúc đông buổi chợ. Dãy phố chú Khách xưa chả còn tí dấu vết nào. Hai bên con đường dẫn ra bến Xanh mọc lên những ngôi nhà cao ba bốn tầng lầu treo san sát những biển hiệu điện tử nhấp nháy xanh xanh đỏ đỏ. Cũng chả còn bóng dáng chiếc xe cút kít bánh gỗ kêu rền rĩ năm nào. Chợ Xanh đã có bến xe khách luôn chờ sẵn cả chục chiếc ô tô đời mới êm ru, bóng loáng. Giao thông đường bộ nhanh hơn, tiện hơn, lại rẻ hơn đường thuỷ, bến Xanh mất đi vị thế trên bến dưới thuyền nhộn nhịp là phải. Quay mặt vào sân chợ Xanh chả đếm hết được bao nhiêu cửa hàng bày bán chả thiếu thứ gì. Từ đồ điện tử nổi tiếng thế giới, hàng hiệu thời trang, giầy dép thật, giả trưng ra dưới ánh đèn điện đủ mầu sắc, cứ như là một khu mua sắm nhỏ giữa thành phố lớn.Chủ nhân các cửa hàng này đều là người làng Điềm. Có điều hơi buồn là sân chợ chỉ còn một khoảnh bé tẹo. Lèo tèo một dúm dân quê ngồi bán mẹt rau, rổ cà, rổ ốc với vài mớ cá vụn. Căn nhà chú Sếnh mái lợp tôn đã rỉ vàng, hai cánh cửa sắt xộc xệch mở toang, trưng ra một quầy gỗ tạp thâm thấp, nhọ nhem, trên mặt bày lủng củng những chai lọ dán giấy mầu viết loằng ngoằng những chữ Tầu. Hỏi: Sao chú không viết chữ Việt cho người ta dễ đọc. Chú Sếnh cười hở cả hai hàm răng còn mấy chiếc: Hầy… cái thằng này, không biết tâm lý dân mình sính đồ ngoại sao. Lại chất vấn: Chú ra chợ buôn bán đã vài chục năm rồi, chắc vốn liếng khá rồi, sao không cất căn nhà to đùng như dãy phố bên kia? Chú lấy cánh tay cụt dụi dụi vào lưng tôi thân mật: Không có tiền lớ. Con chim chết vì bộ lông sặc sỡ, con Ếch chết vì to mồm cháu à. Tôi đùa nhại theo chú: Hầy dà… chú hiện nguyên hình là chú Khách khôn lỏi hết cỡ rồi lớ. Chú nghiêm nét mặt trả lời: Chú Việt hơn cả người làng Điềm mình đấy cháu à. Tôi đoán ngày xưa, lúc người ông chú dẫn chú gửi nhà ông nội tôi chắc cũng tầm tuổi chú bây giờ. Vậy mà trong ký ức cha tôi, ông ấy hom hem tiều tuỵ quá. Còn chú Sếnh bây giờ, ngoài sáu chục, nhưng da dẻ chú  vẫn trắng trẻo hồng hào chưa một nếp nhăn. Mái tóc hoa râm cắt kiểu mai cua ngắn ngủn trông chú chưa ra dáng ông già. Dẫu vậy, đuôi lông mày sênh sếch và đôi mắt một mí vẫn nguyên vẹn đặc trưng Trung Hoa, nhìn thoáng cũng nhận ra y sì chú Khách. Nếu không mất một cánh tay thì chả ai ngờ đời chú từng trải qua nhiều vất vả gian truân nhường ấy.

Chiều muộn, Thím Sếnh trải chiếu giữa gian nhà mời chú cháu tôi ăn cơm. Chú Sếnh xách từ trong buồng kín ra một chia rượu màu tím lịm. Chú lại cười hở hết mấy chiếc răng còn lại: Rượu gia truyền quí lắm lớ, Khách quí mới được mời lớ. Rót đầy ba chén nhỏ, chú quay sang tôi: Cháu cứ uống đi. Không say đâu. Một chén nhỏ còn bổ hơn cả xiêu thuốc đấy. Bí mật gia truyền đấy. Suốt bữa cơm ấy, trong tiếng mưa rào lộp bộp rơi trên mái tôn, chú Sếnh trầm giọng kể với chú cháu tôi:

Chuyện này bây giờ tôi mới kể với anh và cháu. Từ buổi bố của cháu đây dẫn tôi ra chợ Xanh, hai anh em tò mò vào mấy hiệu chú Khách xem thử họ bán những gì, tôi vô tình dại dột buột ra mấy tiếng thổ ngữ quê tôi bên ấy. Thế là bị họ để ý theo dõi. Mấy mươi năm cũng chả thấy hiện tượng gì. Cho đến năm hai nước Trung Việt xẩy bất hoà, nhiều lần tôi đi đâu đó ban đêm cứ gặp một người không rõ mặt. Người ấy bắt tôi đăng ký vào cái hội gì đó, tôi không đồng ý. Tới một khuya, hai bóng người lách cửa vào nhà tôi, họ ra tối hậu thư: Không lập tức bí mật theo họ về nước thì sẽ bị giết cả nhà. Cho thời hạn ba ngày để thu xếp. Ba ngày liền tôi mất ăn mất ngủ. Không theo họ thì vợ và ba con tôi, cả tôi cũng chết, họ không tha đâu. Tôi đã chứng kiến cha mẹ tôi chết dưới bàn tay những người như họ dã man thế nào rồi. Tố cáo với chính quyền thì tôi tố ai cụ thể đây. Để cứu vợ con, tôi đành phải xuống thuyền trốn đi theo họ. Qua biên giới rồi, tôi mới biết người cả dãy phố chú Khách cũng có mặt ở đấy. Mấy ngày sau tôi bị biên chế vào đội dân binh toàn những người nói tiếng Việt như tôi. Cứ ba người được phát một khẩu súng trường. Lệnh rằng người cầm súng chết, người tay không sẽ cầm súng thay. Người không có súng thì mang vác hòm đạn hay linh tinh đủ thứ. Khi cái toán quân ô hợp chúng tôi tràn qua biên giới, ngày đầu tiên cái anh cầm súng cỡ tuổi tôi bị tử thương, anh cùng tổ tôi bị chỉ định giữ khẩu súng ấy. Anh ta đã ở lâu năm trong một bản vùng núi bên này, Vợ con anh ấy cũng như vợ con tôi vẫn ở Việt Nam. Chẳng may đường hành quân lại qua đúng cái bản cũ anh đã có một tổ ấm gia đình. Đại đội trưởng ra lệnh đốt phá, anh ấy đầm đìa nước mắt gào lên đau đớn rồi điên dại bắn chỉ thiên. Tôi chứng kiến anh gục xuống vì một viên đạn bắn ra từ đâu đó. Nghĩ trăm phần mình sẽ chết, bỏ trốn càng chết sớm như anh bạn kia thôi. Sau gặp dịp một cơn mưa đổ ào ào, đơn vị dừng lại chui vào cái hang tối thẳm. Rờ rẫm thấy một tảng đá chênh vênh bám vào vách đất, tôi dùng lưỡi giáo khẽ cạy cạy rồi nhét cánh tay mình xuống dưới. Viên đá đổ rầm, tôi kêu thét lên mấy tiếng. Được cứu ra thì cánh tay nát bấy. Đại đội trưởng gào lên chửi tôi đồ ngu như lợn. Tôi được theo đoàn phế binh bông băng trắng xoá như khăn tang quay về. Sau đấy ít ngày, nghe nói đã dạy cho bọn nó bài học rồi, thắng lợi lớn rồi. rút đại quân về thôi. Nghe cũng chỉ biết vậy thôi. Tôi chẳng khai quê gốc ở đâu, chẳng khai dân tộc gì, nên được ở lại gần biên giới, bổ xung vào một công xã nhân dân. Ở đấy mấy năm, khổ như tù nhân, đói cơm như tù. Rồi nghe nói hai nước lại bình thường hoá quan hệ, lại hữu nghị như cũ. Lợi dụng họ nới lỏng theo dõi, tôi tìm cách vượt biên trốn về. Về tới làng Điềm, mất một cánh tay nhưng vợ và hai con còn đầy đủ. Tôi khai thật với chính quyền mọi sự xẩy ra. Chẳng bị làm khó dễ gì. Từ bấy đến nay, tôi là người hạnh phúc nhất trên đời. Đất nước đổi mới, tôi ra chợ Xanh làm nghề thuốc. Sống dư dả lắm. Chú tôi nói đùa: Cái thằng Tầu này còn nhiều bí hiểm lắm lớ. Thế bao nhiêu phương thuốc bí truyền này mày lấy ở đâu, sao trước kia không thấy nói gì? Chú Sếnh chẳng giận mà con nheo mắt cười: Ầy dà… coi ông nội tôi xưa làm nhiều lần như vậy rồi nhớ thôi. Chả bí hiểm gì đâu. Tôi đã dạy cho hai thằng con kỹ càng rồi. Chúng nó là người Việt mình, phương thuốc ấy là của người Việt mình, chữa cho người Việt mình. Mai này chết rồi, tôi là ma Việt từ hình tới bóng. Chiến tranh, thù hận chỉ khổ dân lành thôi. Dân Việt cũng cũng như dân Tầu chả ai muốn chết chóc đâu lớ.

17/5/2016  

 

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét