CẢM THỨC CỘI NGUỒN TRONG THƠ VÕ THỊ NHƯ MAI
Cảm thức nguồn cội
trong thơ Võ Thị Như Mai
TS. BÙI NHƯ HẢI
- Nhà giáo, nhà thơ Võ Thị Như Mai - một cái tên quen thuộc, gần gũi, không hề xa lạ với bạn đọc của cộng đồng người Việt ở hải ngoại và trong nước. Chị sinh năm 1976 tại thành phố Đà Lạt, nguyên quán Mỹ Chánh, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị. Năm 1994, Như Mai học tại Khoa Anh, Đại học Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, chị về Trường THPT Ngô Quyền, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu dạy môn Anh ngữ. Năm năm sau, Như Mai sang Tây Úc học ngành Giáo dục tiểu học, sau đó là Thạc sĩ giáo dục ngành Ngôn ngữ học. Bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, chị ở lại làm giáo viên tiểu học cho đến nay. Duyên thơ đến với Như Mai khá sớm, ngay từ thuở thiếu thời. Thời còn học sinh, chị làm thơ chủ yếu chép tay vào cuốn sổ Lưu bút của mình. Sau này, chị viết thơ chỉ dành riêng tặng người thân, bạn bè, được mọi người khen ngợi, động viên tiếp tục sáng tác và công bố rộng rải đến với mọi người hơn. Chính sự đam mê cháy bỏng, cùng với sự động viên đó, nên ngọn lửa thi ca tiếp tục thắp lên, rực cháy trong trái tim Như Mai. Mặc dù rất bận rộn với công việc giảng dạy, ngốn rất nhiều thời gian trong việc chăm lo mái ấm gia đình, Như Mai vẫn cố gắng sắp xếp công việc, tranh thủ từng phút, từng giờ để sáng tác thơ ca. Bởi với chị, thi ca là một phần máu thịt không thể tách rời, không thể thiếu vắng được trong đời sống tinh thần của mình. Bằng cả trái tim nồng nhiệt, một tâm hồn sáng trong, Như Mai đã sáng tác hàng trăm bài thơ và được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận, yêu quý vì thơ chị thể hiện được những cảm xúc gần gũi, tự nhiên, bằng cả trái tim đau đáu nỗi niềm, như “cây đời mãi xanh tươi”; hình ảnh thơ có sức gợi, ngôn từ giản dị, trong sáng, giọng điệu thơ có cá tính,... Năm 2009, Như Mai quyết định cho ra mắt tập thơ đầu tay của mình với tựa đề Tản mạn thơ, do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Tập thơ vừa mới trình làng đã gây ấn tượng với người đọc. Lê Minh Quốc có một nhận xét khá xác đáng, khi cho rằng: “Tôi đọc những bài thơ của Mai vào những chiều mưa trút, chợt nhớ về ngày tháng học trò xa xăm đang thất lạc từng đêm trong trí nhớ,… Tôi lại tự nhủ, đọc chậm thôi. Có như thế, ta mới thấy đằng sau của chữ là một tấm lòng. Đằng sau một tấm lòng là những con chữ đang thở trên trang giấy”([1]). Với niềm đam mê cháy bỏng, mãnh liệt, sức viết dồi dào, năm 2011 Như Mai đã xuất bản tập thơ thứ hai Bên kia tít tắp đại dương, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Với tâm nguyện của bạn bè, độc giả yêu thích thơ Như Mai, vì thế rất mong được gặp trực tiếp chính tác giả một lần để trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm, đời sống văn chương trong và ngoài nước. Không thể chối từ, Như Mai đã tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc để trở về nước tổ chức buổi ra mắt tập thơ Bên kia tít tắp đại dương tại thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Trị. Ngày 01 tháng 05 năm 2011 tại Khu sinh thái Tích Tường, Quảng Trị - nơi nguồn cội của Như Mai đã diễn ra chương trình gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu tập thơ này. Buổi ra mắt tập thơ, không chỉ có người thân, anh chị em, bạn bè văn hữu ở quê nhà, mà còn từ những người bạn thơ, độc giả ở xa như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế,… cũng đến tham dự. Chương trình diễn ra trong không khí ấm áp, thâm tình, để lại nhiều ấn tượng trong lòng mọi người. Lê Ngọc Trác đã nhận định khá hay, đúng khi cho rằng: Đọc tập thơ Bên kia tít tắp đại dương, người đọc sẽ “bắt gặp những vần thơ giản dị, trong sáng, chân thật và đầy cảm xúc. Với một tâm hồn nhạy cảm, Võ Thị Như Mai đã bắt những con chữ chạy theo cảm xúc của mình khi trong lòng chợt rung lên tha thiết trước những hình ảnh đầy ấn tượng, chan chứa tình yêu với niềm tin hạnh phúc.”([2]). Võ Quê cũng có nhận xét khá hay, đúng với cái tạng thơ của tác giả: “Bên kia tít tắp đại dương,… là tứ thơ đẹp cho từng hình tượng thăng hoa, hồi quang lên từng con chữ lấp lánh niềm kính yêu vô hạn, trang trọng mà bình dị, gần gũi vô cùng giữa cõi nhân gian trìu ái”([3]). Chính sự trân quý, đón nhận nồng nhiệt của độc giả, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, khơi nguồn cảm hứng để Như Mai tiếp tục cầm bút sáng tác, và rồi hạ sinh đứa con tinh thần thứ ba Vườn cổ tích, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015. Tập thơ này vẫn đánh dấu sự tiếp nối “lối mòn truyền thống” của hai tập thơ trước nhưng cũng đã khẳng định được nét riêng về một kiểu tư duy mới, lạ khác hơn, hấp dẫn hơn của phong cách thơ Như Mai. Cũng giống như Bên kia tít tắp đại dương, tác phẩm này vừa mới ra đời lại được bạn đọc trân quý đón nhận, khen ngợi và mong được gặp gỡ, giao lưu với nữ sĩ Như Mai thêm một lần nữa. Trước sự yêu mến đó, Như Mai không thể khước từ, trái tim thổn thức hướng về bạn đọc ở quê nhà, và rồi phải lại lặn lội bay về để thực hiện sở nguyện đó.
- Thơ Võ Thị Như Mai như một “điệu hồn” nhằm hướng đến các giá trị toàn diện về chân lý của cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục đối với thế hệ hôm nay và mai sau, mà không dễ nhà thơ nào cũng có được. Thơ Như Mai khá đa dạng về đề tài, chủ đề nhưng nổi bật nhất, bao
trùm nhất vẫn là cảm thức về nguồn cội. Phải nói rằng, tình thơ về chốn quê, đất nước, gia đình, người thân, bè bạn và ký ức tuổi thơ, những thôi xao của thuở ban đầu,… đã tỏa khắp mọi nẻo đường thơ của Như Mai. Cái tình hiện diện trong thơ Như Mai chính là cái tình chung. Cái tình ấy, đã “vượt ra ngoài cái tôi nhỏ bé, vượt ra quỹ đạo giường chiếu của bạt ngàn nữ sĩ làm thơ. Để cảm thông với tha nhân. Như cảm thông nỗi chia ly muôn đời của bao cuộc tình thất thố,…”([4]).
2.1. Quê hương đã trở thành một biểu tượng (Icon) tiêu biểu nhất, tạo nên sắc thái cũng như nghệ thuật thơ độc đáo, đa nghĩa trong suốt hành trình thơ Như Mai. Mỗi chúng ta, ai cũng có một làng quê riêng. Chốn quê ấy chính là cội nguồn - nơi chào đời, lớn lên và trưởng thành. Quê hương - hai tiếng thân thương đã trở nên gần gũi, ngự trị trong trái tim của mỗi người và đã trở thành một sức mạnh tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nên nếu một ai đó, lãng quên hay không nhớ đến quê hương, ắt người đó sẽ “không lớn nổi thành người”. Quê hương cũng chính là nơi thổn thức, nỗi nhớ mong tìm về của những người sống xa quê trong những tháng năm phiêu linh, rong ruổi mưu sinh. Bởi chốn quê ấy, là nơi chúng ta được dưỡng nuôi lớn khôn từ bàn tay rám nắng của người cha, từ đôi gánh lưng còng lam lũ, vất vả và từ những lời ru ngọt ngào ngày đêm của mẹ, từ những câu chuyện kể dân gian rất ấm áp tình người của ông bà,... Nhưng xuất phát từ hoàn cảnh của mỗi người khác nhau nên sự gắn bó máu thịt nơi chôn nhau cắt rốn cũng có sự riêng khác. Viết về nguồn cội, mỗi nhà thơ cũng có cách thể hiện riêng, mang hương vị ngọt bùi riêng. Quê hương trong thơ Như Mai vì thế cũng có một linh hồn, linh khí mang dáng hình rất riêng, khác với các nhà thơ khác. Hơn mười lăm năm rời xa quê hương, để sang định cư Tây Úc xa xôi ngút ngàn, nghìn trùng cách trở vời vợi, Như Mai vẫn luôn canh cánh nỗi niềm da diết, luyến thương về chốn quê, vẫn luôn mong tìm về nơi một thời gắn bó vui buồn, ân nghĩa quanh đời. Bắt nguồn từ những tình cảm chân thành, tha thiết của một người con xa xứ, Như Mai đã viết nên những bài thơ về nguồi cội rất đỗi ngọt ngào, giàu xúc cảm. Mỹ Chánh - quê hương nguồn cội, miền nhớ thương “như một chiếc cầu tre bắc ngược” để dẫn dắt Như Mai tìm về với dòng chảy của ký ức một thời ấu thơ đã từng sống, từng gắn bó. Cội nguồn của nữ sĩ Như Mai là một làng quê nhỏ bé, xinh xắn, thân thương, gần gũi, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với những đường nét đặc trưng mang hồn cốt của làng quê Việt. Nơi đó, có con sông Ô Lâu huyền thoại tươi mát, xanh thẳm; có cánh đồng thẳng cánh cò bay; có đình làng, mái chùa rêu phong cổ kính; có bến nước, cây đa đầu làng; có cánh diều bay, có bụi tre xào xạc buổi trưa hè; có canh rau muống chấm cà dầm tương,... Dòng sông Ô Lâu tình sử chính là biểu tượng, là linh hồn của quê hương Như Mai. Sông Ô Lâu đã từng gắn bó với số phận của quê hương, của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Quanh năm con sông này, cũng đã mang phù sa về bồi đắp bao làng, trù phú và tươi tốt thêm cho hoa trái, thêm nguồn lợi thủy sản cho người dân nơi đây. Những người sống xa quê hương như người thơ ắt hẳn phải luôn hoài nhớ, luôn hồi tưởng về “con sông quê hương” ấy:
dòng Ô Lâu huyền hoặc từ Huế chảy ra
uốn lượn như trăn ngoằn ngoèo ngọn nước
tình sử miên man bắt nguồn bao câu hò khói sóng
hoài vọng ngày về len lén vào tâm thức người đi xa
Biểu tượng không gian văn hóa nơi làng quê Như Mai đâu chỉ có dòng sông Ô Lâu gắn liền với câu chuyện huyền thoại xa xưa, mà còn có đình làng, văn miếu, bến nước, gốc đa, bãi chợ, vườn rau, đường thôn lát gạch quanh co,… Ở đó, có thờ đức Thành Hoàng, các Phúc thần, nơi sinh hoạt, hội họp việc làng về hành chính và tôn giáo; đồng thời đây cũng là nơi dệt nên vóc, nên hình những mối tình trai gái yêu nhau,... Tất cả, đã đi vào tâm thức của mỗi người dân như một hình ảnh gắn bó mật thiết, bền chặt với cuộc sống, với tình yêu lứa đôi, với những người con xa quê luôn hướng về nguồn cội:
chị của em đau đáu dệt cần mẫn những vần thơ
có khói quê hương có dòng sông xanh thẳm
con đò lơ thơ bến chiều cau phất phơ thanh mảnh
rưng rức vọng về tiếng đình làng bãi chợ vườn rau
những con đường rẽ vào thôn lát gạch quanh co
nét trầm tư nhà rường, văn miếu
cây thị cổ xưa đâm hoa kết trái
quả mọng vàng thơm đung đưa theo
quang gánh của bà
(Chị ơi)
Như Mai còn tự hào về truyền thống lịch sử đánh giặc ngoại xâm của quê hương anh hùng. Ngay cả khi dạy các em học sinh trường Dryandra và South Ballajura - Tây Úc, chị vẫn thường kể về quê hương anh dũng, về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc:
này những cuộc chiến
tôi cứ nghĩ đã lùi xa nơi nào thăm thẳm lắm
tôi không biết phải nói các em nghe thế nào
về những làn đạn bắn như mưa
lên mảnh đất nuôi tôi khôn lớn...
em Iraq khuôn mặt tròn bầu bĩnh
em Afganistan vui tính
em Somalia nhỏ nhắn thơ ngây
giữa những nụ cười trong veo ấy
chiến tranh là một từ rất gần
Bài thơ thể hiện tình cảm yêu mến, ngợi ca cũng như sự tự hào của tác giả về những người con trung trinh, quyết tử vì Tổ quốc, vì quê hương được giải phóng, hòa bình. Qua đó, khẳng định được một niềm tin phơi phới của tác giả đối với quê hương, với đất nước hôm nay và mai sau sẽ giàu đẹp hơn, sáng tươi hơn:
đất nước tôi bây giờ bình yên, rộn rã, tưng bừng
những linh hồn bé bỏng lại sinh sôi
(Một chút suy tư)
Làng quê Như Mai cũng như một số làng quê khác của miền Trung - một vùng đất thấp trũng, bão, lụt quanh năm, đời sống người dân rất cơ cực, khó khăn nhưng tinh thần vẫn luôn lạc quan, yêu đời, vẫn kiên cường chống chọi với mưa bão, lũ lụt. Năm 1983, vẫn còn đó trong ký ức về trận bão, lụt kinh hoàng nhất, chưa từng thấy trong lịch sử của quê hương Như Mai. Nó đã tàn phá nặng nề, để lại hậu quả bi thảm về tài sản cũng như tính mạng con người. Đọc bài thơ Mỹ Chánh ký ức tuổi thơ, độc giả không khỏi xốn xang, thương xót trước cảnh gia đình, người thân của chị cũng như người dân nơi dây đang vật lộn, chống chọi với cơn bão, lũ hung dữ:
đó là trận lụt của năm tám mươi ba
anh cõng bà nội lên tra
o ngồi co ro trên cái tủ
người ta đồn
thuyền chở ba mẹ nhấn chìm trong lũ
may mà sau dông
cả hai lạnh, môi thâm, ào ạt vào nhà
ba ngày đêm bảo vần vũ kéo qua
anh lật thùng phuy nấu một nồi cơm nhão
chờ khi trời ráo
đấu thân chuối làm ghe
qua dì dượng xem chừng
đài phát thanh thị xã rè rẹt không ngừng
bao kẻ trôi sông, mấy người mất tích
mỗi năm đến mùa bão cứ dòm lên lịch
vái ông trời, cho Mỹ Chánh lặng yên
Tôi cũng như bạn đọc đã thấu hiểu nỗi vất vả, khổ đau từ ngàn xưa người dân quê Như Mai cũng như người miền Trung nói chung phải trải qua, gánh chịu. Bão, lụt vì thế đã trở thành một nỗi ám ảnh thường trực trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây. Từng gắn bó với chốn quê nên có nhiều kỷ niệm vui buồn, sướng khổ, không thể nhòa nhạt trong trí nhớ, trái tim của Như Mai. Nỗi nhớ quê vì thế luôn cồn cào như con sóng vỗ, như con thuyền lênh đênh không bến đậu, nhất những khi Xuân về, Tết đến Như Mai lại rất nao lòng, nhớ đến da diết, hầu mong được trở về đón Tết cùng gia đình, bè bạn:
mùa xuân này con đón Tết online
đón Tết qua phone nghe tiếng Mẹ ấm trong hơi thở
đọc thơ bạn đó đây yêu mùa xuân
lách khách cười hớn hở
con trai con hồn nhiên chưa biết Tết quê mình...
bao năm rồi con đón Tết online
may mà vẫn còn nghe nàng xuân khều
lanh canh trong trí nhớ
may mà vẫn còn nghe hơi ấm của mẹ qua phone
trong từng nhịp thở
bên khung cửa xứ người lặng lẽ một nụ mai
bên khung cửa xứ người nỗi nhớ bẻ làm hai
(Đón Tết)
Nỗi nhớ quê có khi chỉ là những cái bình thường nhất, giản dị nhất như: nhớ tô cháo vạt gường, bầy trẻ con tinh nghịch, cụ già móm mém nhai trầu,... nhưng lại hết sức gần gũi, không thể nào quên được trong tâm khảm Như Mai:
chiều Quảng Trị
bạn về
dấm dẳng
chẳng muốn xa
nhớ tô cháo vạt giường của cô bé tóc dài thanh lịch
bạn dang tay mỉm cười đón bầy trẻ con tinh nghịch
những cụ già móm mém nhai trầu tươi
(Hẹn ngày về)
2.2 . Đọc thơ Như Mai, độc giả còn thưởng thức một số bài thơ về gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè,... rất ngọt ngào, ấm áp. Gia đình - nơi tình cảm thiêng liêng nhất, nơi nương náu, trở về bình yên nhất đã trở thành nguồn cảm hứng dào dạt, một hình tượng đẹp lấp lánh trong sáng tác Như Mai. Chị viết về những người thân yêu trong gia đình của mình từ cái nhìn nhân văn sâu sắc, với tất cả những vẻ đẹp về tâm hồn sâu kín giàu nghĩa tình, nhân ái và thủy chung. Đọc các bài thơ Ngày mưa tiễn chị, Chưa có bài thơ tặng mẹ, Chị ơi,... tôi khẳng định với bạn đọc rằng, nữ sĩ Như Mai đã “nhận mặt quê hương trên gương mặt người thân” của mình. Ông bà, cha mẹ, chị em,... chính là hiện thân của những gì tinh túy nhất, là nơi lưu giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của làng quê, vì họ chính là hiện thân của nguồn cội, mà người thơ luôn nhớ thương, đau đáu tìm về:
đó là một chiều gió bạt
cậu mượn thuyền chở bé đi chơi
mê mải vớt lục bình, mưa rơi
chèo hoài, chưa thấy đâu là bến
đó là tô bánh canh hến
là bún bò mụ Rác
là cháo vạt giường chị Rê
là chén chè kê
hay mấy dái mít non
o Hai trộn chung với ruốc
đó là những đêm đốt đuốc
rước chị Hằng xuống quê
là những lần hội họ, họp nhánh phái, đắp đê
là khi Chánh - Tiên, Luận - Hà có con trai, con gái
làng quê giờ này xôn xao mùa gặt hái
càng nao lòng, nẫu ruột nhớ xa xăm
(Mỹ Chánh trong ký ức tuổi thơ)
Trong những gương mặt thân yêu nơi chốn quê ấy, Như Mai đã dành những tình cảm thân thương nhất về người bà, người mẹ, người anh, người chị,… của mình. Là một người phụ nữ nên Như Mai rất thấu hiểu được những thiệt thòi, mất mát, những vất vả sớm hôm của họ nơi quê nhà. Mỗi bài thơ Như Mai viết về họ, đều rưng rưng nỗi xúc động, chứa chan tình cảm trìu mến, yêu thương ngọt ngào. Nơi khung trời ký ức tuổi thơ, có những kỷ niệm Như Mai không thể nào quên, đó là hình ảnh của bà ngoại. Như Mai rất biết ơn, tự hào vì đã có ngoại, vì bà đã dành tất cả tình thương yêu nhất. Ngoại mất, không còn hiện tồn ở cõi nhân gian nữa, Như Mai thương tiếc vô hạn và đã viết nên bài thơ văn xuôi Ngoại để dành tặng riêng cho bà, đong đầy cảm xúc, tái hiện sinh động, chi tiết, rõ nét về cuộc đời của ngoại qua những dấu mốc thời gian, gắn với những kỷ niệm không bao giờ quên:
“Hàng cau ngoại trồng thân dài thẳng tắp trong một khu vườn đầy hoa trái, niềm vui lao động cần mẫn quanh năm bươn chải cũng đồng hành với thời gian làm hao gầy đi sức lực con người, đồng hành với các nếp nhăn, với lưng còng, và với nụ cười móm mém đầy trìu mếm. Nhớ lắm ngoại tôi hiển từ những thẳng tính và minh mẫn,...”
Sinh thời cuộc sống của ngoại rất gian khổ, dặm trường cơ cực, một đời duyên phận lận đận nhưng ngoại vẫn cam chịu, cần mẫn để nuôi các con, các cháu khôn lớn, đủ đầy:
“...Ngoại tôi đã lận đận từ thuở nảo thuở nào, cũng “lắng trong gạn ngoài”, “chạy từng hạt muối củ khoai”, cũng tất tả hết ra Trung rồi lại vào Nam tìm kế sinh nhai, hết lo cho từng người con rồi đến xoay vần bên đàn cháu. Ông ngoại bị bệnh mất sớm, ngoại tần tảo nuôi mẹ và dì, rồi ông ngoại hai xuất hiện trong đời ngoại chẳng được bao lâu, ngoại chưa kịp vui với niềm vui của một người vợ, có thêm ba cậu con trai năm một nối tiếp nhau ra đời, thì ông ngoại hai qua đời,... ”.
Ngoại khổ ải vì con cháu còn nhỏ dại, phải chăm bẵm, nuôi nấng lớn khôn, trưởng thành. Con cháu nên người, thành đạt, muốn đáp đền công ơn dưỡng dục như trời bể của ngoại, thì ngoại lại vĩnh viễn đi xa, không còn nữa:
“Xin cho con được mượn lời thơ dịu dàng này như một dấu lặng để được ru ngoại vào giấc ngủ ngàn thu, và bỗng dưng con nhớ ngoại lắm. Rồi con sẽ dạy cho con trai mình tình yêu thương nguồn cội, con sẽ trở về thăm mẹ con nhiều hơn ngoại ạ, để con trai con còn được nhiều lần sa vào lòng bà ngoại của nó, để được hít hà hơi ấm đầy yêu thương của bà ngoại và thốt lên rằng: cháu thương bà lắm cơ,...”.
Như Mai viết ngoại bằng chính con tim của mình, thể hiện sâu sắc lòng thành kính, sự biết ơn, tôn vinh ngoại, vì bà chính là đóa hoa sen tỏa ngát hương thơm, tô thắm thêm cho cuộc đời cháu con tươi sáng. Tác phẩm khép lại nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề về tình thương, lẽ sống của con người để cháu con mai sau sống nhân ái với nhau hơn, tốt với nhau hơn. Đây chính là thông điệp của nữ sĩ Như Mai muốn gửi đến bạn đọc rằng: Hãy yêu quý, trân trọng, dành tình cảm tốt nhất cho người bà thân yêu của mình khi bà đang còn sống ở cõi nhân gian.
Đọc những vần thơ “Con muốn làm thơ tặng người thân/Nhưng không có bài nào cho mẹ/Câu chữ lời văn chợt nghèo nàn/Ngôn từ không suôn sẻ” trong bài thơ Chưa có bài thơ tặng mẹ, tôi mới thấu hiểu lời tâm sự rất chân thật của Như Mai khi viết về người mẹ kính yêu của mình. Như Mai là con gái duy nhất trong gia đình, lại sống xa quê hương, ba mẹ nên trong lòng luôn ray rứt, quặn thắt. Cách trở ngàn dặm, Như Mai không thể gần gũi mẹ cha để trực tiếp phụng dưỡng, chăm sóc, vì thế không nguôi trăn trở, nghĩ suy trăm điều. Như Mai cầm bút viết về mẹ, vì thế trái tim lại nhói đau, lý trí lại trở xoay nên câu chữ, lời văn lại trở nên nghèo nàn, không suôn sẻ. Tôi nhớ hơn một lần Như Mai tâm sự rằng: “Cuộc sống của Mai rất ổn định, rất hạnh phúc bên chồng, con nơi xứ người. Nhưng lúc nào, Mai cũng không thôi suy nghĩ, nhớ về gia đình của mình nơi chốn quê. Bởi nơi ấy, có ba mẹ giờ đã ngã bóng chiều đang ngày đêm mong ngóng. Nỗi lòng của Mai vì vậy rất ray rứt, nhớ thương cha mẹ đến quặn thắt ”. Tôi đồng cảm, sẻ chia cùng với chị khi nghe lời tâm sự cũng như đọc các tác phẩm viết về người mẹ của chị. Đọc bài thơ này độc giả cảm nhận được nỗi nhớ, lời thủ thỉ của người thơ về ký ức một thời được sống cùng mẹ, được mẹ chăm bẵm lớn khôn:
“Nhớ, lại nhớ, lại hình dung, lại tưởng tượng, những giây phút sung sướng bên mẹ, những thủ thỉ tâm tình, những động viên vỗ về an ủi và nhất là những cuộc chia xa. Nhớ những lúc chơi tha thẩn ngóng cửa đợi dáng mẹ trở về sau buổi chợ với chút hàng quà, những lúc chào mẹ đi học một ngày dài hơn năm sáu tiếng, những chuyến đi chơi nho nhỏ xa mẹ mất mấy ngày, lúc nhập học phải xa mẹ cả học kỳ dài đăng đắng, cầm trên tay những đồng tiền phẳng phiu mẹ chắt chiu từ những buổi chợ mà nước mắt cứ tuôn trào,...”
Như Mai nhớ như in hình dáng của mẹ sớm hôm mưa gió, nắng hanh nhưng vẫn oằn mình, tảo tần trên đồng ruộng, nương khoai để có miếng ăn, áo mặc cho các con được lớn khôn, học hành thành tài, có ích cho gia đình, xã hội:
mẹ cả đời lận đận với tụi con, với ba
lận đận cả một thời con gái
những ngày chiến chinh, khổ đau ai cũng trải
khi đất nước yên bình,
và tụi con lớn rồi
mẹ vẫn oằn mình lo chuyện áo cơm
(Chưa có bài thơ tặng mẹ)
Như Mai thương mẹ vô bờ bến, vì mẹ một thời còn trẻ, từng bước chân dãi dầu cát bụi, bôn ba khổ nhọc để tạo kế sinh nhai cho gia đình. Đôi vai gầy của mẹ luôn oằn nặng, gánh gió sương nên giờ đây đôi chân của mẹ nhứt mỏi, yếu mềm đi mỗi khi trở trời, trái gió:
mùa vu lan chữ hiếu
nhớ mẹ đến ngập lòng
lâng lâng hoa nồng thắm
tiếng mẹ sưởi đêm đông
trở trời chân mẹ đau
rét luồn vào xóm nhỏ
cả đời gánh sương gió
kết tinh con dịu dàng
(Mẹ)
Như Mai cũng trân trọng, đáp tạ người chị gái ruột của mình qua những bài thơ giàu cảm xúc, rất chân thành như Ngày mưa đưa tiễn chị, Chị ơi,… Vẫn còn đó trong ký ức hằn in về một người chị hiền từ, biết chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho Như Mai mỗi khi mẹ vắng nhà. Chị còn sẻ chia với Như Mai những lúc vui buồn, những điều thầm kín không dám nói với mẹ. Những yêu mến, đùm bọc của chị dành cho Như Mai cũng không được bao lâu, thì chị đã ra đi về với tiên tổ khi đương còn vẹn nguyên đôi mươi:
chị tôi vừa được đôi mươi
vầng trăng kia đã lên ngôi bao giờ
chị đi để lại vần thơ
để em ngóng, niềm thơ dâng đầy
mấy vòng hoa rũ lòa xòa
đất trời loang lỗ ướt nhòa lê thê
trọn thương nắm đất vân vê
sóng lòng còn mãi, đành thôi, em về!
(Ngày mưa tiễn chị)
Chắc có người sẽ tự hỏi rằng: Vì sao nữ sĩ Như Mai không viết về người cha của mình? Lẽ dĩ nhiên thường tình, đã viết về người thân trong gia đình, không có nhà thơ nào lại viết về mẹ nhưng lại không viết về cha và ngược lại. Duy có một điều, các nhà thơ luôn hiểu rằng: “Nguyên lý mẹ - Huyền Tẫn - chất mẫu thân luôn bàng bạc giữa đời sống, và sự rung động bất chợt là khi con người cảm được cái tính Huyền Tẫn ấy, nó cũng là mẹ đẻ của thi ca”, nên khi viết về người thân thường hay ưu ái viết về mẹ, về chị của mình hơn. Đương nhiên ở đây, tôi không hoàn toàn làm một bài toán để so sánh sự nặng hơn và nhẹ hơn giữa người cha và người mẹ, vì thơ ca muôn đời không làm cái chuyện cân đo, đong đếm như thế. Cũng như bao nhà thơ khác, Như Mai vì thế vẫn viết về người cha cần cù, chân chất và nhân hậu của mình. Như Mai rất tự hào, luôn ngợi ca về người cha của mình vốn xuất thân từ mái nhà tranh, từ rợm rạ, bùn đất nơi chốn quê nghèo nhưng tinh thần lúc nào cũng lạc quan, yêu đời. Rất là thương, Dặn bố,… là những bài thơ chị viết về cha khá hay, thể hiện tấm lòng kính yêu đối với người cha cao cả và lớn lao dường nào:
bố ra Bắc vào Nam mãi mãi thời tuổi trẻ khó phai
mưa, nắng, bão dông, bình yên, hay chiến tranh
nụ cười bố hiền, bao dung và thánh thiện
phượng tím thẫm góc trời mỗi khi bố về quê
(Rất là thương)
Kính yêu cha vì cha đã mang đến cho Như Mai một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Cha là người dung dị, hiền lành, việc trong việc ngoài cha đều lo toan, đỡ đần, gánh vác dùm mẹ. Không thể nào quên những lúc cha ngược xuôi, quặn đau khi Như Mai bị té ngã hay đau ốm. Những lúc ấy, khuôn mặt cha trở nên hốc hác, đôi mắt quầng thâm nhưng cha vẫn nở nụ cười đầy tin yêu, trìu mến:
con yêu thương bao điều dung dị
yêu ánh mắt bố xót xa buồn khi con ngả thật đau
yêu giây phút cả nhà mình cùng thổi nến bên nhau
líu lo chim hót
bố đón con về sớm
(Dặn bố)
Ngoài người thân trong gia đình, Như Mai còn dành tình cảm với bạn bè, đồng nghiệp, đồng văn,... ở chốn quê. Hiện tại Như Mai đang sinh sống ở hải ngoại, rất xa cách, thời gian đã thay đổi đi nhiều thứ nhưng tình bạn vẫn luôn tròn đầy, vẫn như thuở ban đầu. Như Mai mãi nhớ những người bạn một thời ấu thơ cắp sách đến trường, cùng nhau nô đùa, giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống. Dù chỉ là một chút kỷ niệm nho nhỏ cũng đủ để Như Mai dựng lại một thời đầy thơ mộng, vô tư của tuổi mực tím:
đó là những ngày thần tiên
lội sình qua kênh thăm cô giáo
thằng Chiến tổ trưởng
năm nào cũng nhận phần thưởng
giờ lang thang ca khản cổ khắp làng
thằng Tân ngày xưa nhút nhát chẳng ai màng
đang làm giáo sư bên Pháp
sau những ngày bão táp
cùng thằng Bửu nhặt me
ăn có bao nhiêu, ném cả sau hè
rồi cười như nắc nẻ
(Mỹ Chánh trong ký ức tuổi thơ)
Đong đầy với bạn bè đồng nghiệp cùng chung niềm đam mê, tình yêu với nghề dạy học, gieo những con chữ, chắp cánh ngọn lửa về ước mơ, niềm tin và hy vọng của bao thế hệ học sinh:
cô giáo vào phòng thi
hồi hộp đến lạ kỳ
như học sinh cuối cấp
lịch trình - cẩn thận ghi
một năm dài bất tận
bài giảng vang sân trường
miệt mài trang giáo án
(Cô giáo vào mùa thi)
Những bạn bè thân thương ngoài đời cùng sẻ chia trong cuộc sống cũng đã đi vào thơ Như Mai. Tháng tư, Nhớ sinh nhật Điền, Này Kim, Viết cho sinh nhật Kim, Sinh nhật phương xa, Viết về tình bạn, Bạn và tháng ba, Những người bạn gái,… là những bài thơ Như Mai đã hun đúc nên từ tình bạn thân thiết, quý mến nhau trong những lần gặp gỡ, hò hẹn. Thật đúng khi một ai đó nói rằng: “Tình bạn là người anh em mà Chúa đã quên không gửi vào gia đình”.
Người lính trong thơ Như Mai không phải là mạch nguồn chính, nhưng các bài thơ chị viết về người lính cũng khá hay, giàu cảm xúc, có ý nghĩa thời sự. Sống trong thời bình, nhưng người lính nơi biên giới, hải đảo,... vẫn luôn sẵn sàng nắm chắc tay súng để giữ gìn từng tấc đất, bầu trời thiêng liêng của Tổ Quốc. Trong những ngày hè nóng bỏng của tháng 5 năm 2014, khi nghe tin biển Đông lại dậy sóng trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta, Như Mai đã sáng tác bài thơ Hướng về biển Đông. Bài thơ xuất phát từ trái tim nồng cháy rạo rực, đau đáu của một người con xa xứ yêu nước nồng nàn nên đã tạo được sự đồng cảm của hàng triệu trái tim mang dòng máu con Hồng cháu Lạc đối với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ Quốc.
anh lính trẻ hát vang trên bãi cát vàng
đau đáu tình yêu thương xuyên qua từng hải lý
thuỷ triều xuống lên
hoàng hôn dập dìu sóng vỗ về thuần túy
nghe biển Đông trở mình
người Việt Nam tứ miền một lòng thổn thức theo
(Hướng về biển Đông)
Người lính thời bình đều có tri thức, năng động trong nghiên cứu khoa học, trong công việc, đồng thời cũng rất dũng cảm đối mặt với những khó khăn trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Họ vừa mang phẩm chất anh hùng, cao cả, vừa dung dị, đời thường:
chân dung những người lính ngày nay
cũng hào hùng chẳng khác
giúp dân, cứu hộ, phòng chống thiên tai
làm kinh tế các vùng
mọi người vẫn thường ca tụng những ngành nghề
có sức bậc nói chung
mà quên rằng các chiến sỹ thời nay cũng hăng say
phát minh, sáng chế
(Người lính trong tôi)
2.3. Chính tình yêu nguồn cội da diết, mãnh liệt của một tâm hồn đầy đa cảm, một niềm say mê vô tận với cảnh sắc thiên nhiên, Như Mai đã dạo bước qua từng miền quê của đất nước. Những nơi nào chị đến đều ghi lại dấu ấn qua thi ca. Với Như Mai, Huế không chỉ đẹp và thơ về cảnh sắc thiên nhiên, về các công trình kiến trúc cổ kính. Huế còn làm say đắm khách lãng du, khi ngắm nhìn những cô gái Huế bầu bĩnh trái xoan, tóc thả ngang vai, thướt tha tà áo trắng, đội nón bài thơ đi trên đường phố mỗi khi tan trường:
người con gái Huế tất nhiên dịu dàng
người con gái Huế tất nhiên đảm đang
tóc thả ngang vai, mặt trái xoan bầu bĩnh
nữ sinh Đồng Khánh, tà áo trắng thướt tha
(Người con gái Huế)
Nét đẹp của cô gái Huế dịu dàng, thướt tha đã từng làm say lòng bao chàng trai, mà câu ca dân gian truyền tụng: “Học trò xứ Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Ngay trong thi ca, rất nhiều nhà thơ viết về cô gái Huế, thế nhưng đọc Người con gái Huế của Như Mai vẫn có nét riêng khác, vẫn có một ấn tượng riêng về cô gái Huế. Về với Bắc Ninh - vùng đất văn hóa châu thổ sông Hồng để dự hội Lim, Như Mai có được dịp chứng kiến những trò chơi dân gian vui nhộn (đập niêu, thổi cơm thi, đấu vật,...), ngắm nhìn những đôi nam nữ mang trang phục truyền thống, đội nón quai thao, hát những làn điệu quan họ ngọt ngào, ăn những miếng trầu têm hình cánh phượng,… Với không khí tươi vui đó, chị đã sáng tác bài thơ Hội Lim về. Bài thơ có cấu từ chặt chẽ, tình thơ chân thật, gợi nhiều cảm xúc nơi người đọc:
hội Lim về áo chẽn em mân mê
tần ngần trước gương, ướm xem, hồng đôi má
anh yêu hội Lim, ngẩn ngơ áo lụa là kẻ lạ
phong nhã, thanh cao, câu hát dặm nhún nhường
à ơi dải yếm mười thương
ướt mềm lòng anh - dáng ngà, sâu lắng
Từ mạch thơ trữ tình đó, độc giả tiếp tục đọc những bài thơ như Hình bóng Nha Trang, Và em cũng yêu Hà Nội, Sài Gòn rực rỡ sắc màu, Rưng rưng cùng tháng Ba hoa gạo,… sẽ nhận diện rõ hơn nữa một nữ sĩ Như Mai đa tình, đa cảm và sâu đậm, thao thiết một tình yêu quê hương, đất nước diệu vợi.
- Đọc từ tập thơ đầu tay Tản mạn thơ đến Bên kia tít tắp đại dương và qua Vườn cổ tích, nguồn cội đã trở thành cảm hứng chính trong quá trình sáng tác của Võ Thị Như Mai. Qua mỗi chặng đường thơ, bạn đọc cảm nhận được nỗi niềm của nữ sĩ Như Mai - người con tha hương luôn nặng tình hướng về nguồn cội. Thành quả hôm nay Như Mai có được, vừa thể hiện một hành trình lao động nghệ thuật hăng say, cần mẫn như con tằm kén tơ, vừa rất xứng đáng đứng vào đội ngũ các nữ nhà thơ thuộc thế hệ Đổi mới của Việt Nam ở hải ngoại. Hy vọng, Nàng thơ mãi mãi là mối tình vẹn nguyên, thủy chung, sâu đậm nhất cùng Như Mai tiếp tục đi qua những nẻo đường tháng năm hạnh phúc, muộn phiền, cô độc,... để chưng cất lên những vần thơ trong sáng, thuần khiết, đem đến người đọc một hương vị mới, lạ hơn.
Portland, Me, 14/2/2021
TRONG TẬP "ĐƯỜNG BIÊN CỦA CHỮ"
(1) Lê Minh Quốc (2009), “Lời giới thiệu”, in trong tập thơ Tản mạn thơ, Nxb. Văn nghệ, tr.9.
(1) Lê Ngọc Trác (2011), Bên kia tít tắp đại dương, Nguồn: annghequangtri.blogspot.com, (21/04).
(1) Võ Quê (2011), Đồng hành Bên kia tít tắp đại dương, Nguồn: voque.org, (20/04).
(1) Inrasara (2011), Một chút suy tư với Võ Thị Như Mai, Nguồn: inrasara.com, ( 24/5).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét