Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

GIAO THOA THỂ LOẠI TRONG TẢN VĂN VÀ TIỂU LUẬN CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

 

 


GIAO THOA THỂ LOẠI TRONG TẢN VĂN VÀ TIỂU LUẬN CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

 

       PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC HẠNH

 

Trong văn học Việt Nam đương đại, xu thế giao thoa ra giữa các thể loại văn học ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mỗi thể loại văn học đều như đang tự “phá bỏ” mọi “ranh giới” của mình, để vừa hút vào trong nó đặc trưng của các thể loại văn học khác, vừa sẵn sàng “tràn” sang các “vương quốc” thể loại lân cận. Đặc điểm kể trên khiến các thể loại văn học trở nên mạnh mẽ và “giàu có” hơn. Cuộc sống hôm nay, với thời đại 4.0, với xu thế Toàn cầu hóa và sự bùng nổ thông tin đa chiều, đã thôi thúc và đòi hỏi văn học phải giãn nở mọi đường biên giới, cộng hưởng sức mạnh và phương thức đặc thù của các thể loại văn học, nhằm phản ánh được bức tranh thời đại đã và đang biến động khôn lường, cũng như miêu tả được số phận con người tồn tại như những dòng sông ngầm khó đoán định trước được hướng đi và điểm bắt đầu - kết thúc của nó. Nguyễn Quang Thiều là một nghệ sĩ đa tài và đã định hình một phong cách nghệ thuật độc đáo. Sáng tác của anh anh cũng không nằm ngoài xu thế giao thoa thể loại có tính toàn cầu hôm nay. Đọc Tản văn và Tiểu luận của anh, chúng tôi bắt gặp sự giao thoa thể loại ở một tầm vóc lớn với chất lượng nghệ thuật đặc sắc: - Chất thơ của tác phẩm trữ tình; chi tiết đắt giá của truyện ngắn; những nguyên mẫu là những điển hình văn hóa của ký văn học, một kiểu loại ký văn học đặc biệt của Nguyễn Quang Thiều. Đó là những Tản văn, Tiểu luận có tính hàm xúc cao độ của thơ và truyện siêu ngắn, những vấn đề lớn lao của văn hóa nhân loại, văn hóa Việt được nén chặt trong một lượng câu chữ hạn hẹp, có độ ám gợi và mở ra những liên tưởng rộng lớn đến vô cùng cho người đọc.

Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi tập trung nghiên cứu sự giao thoa thể loại trong tản văn, tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều ở hai phương diện sau đây:

1) Giao thoa thể loại khi xây dựng Hình tượng người Trần thuật:

Từ điển Thuật ngữ Văn học định nghĩa về hình tượng người trần thuật như sau: “Người trần thuật là một nhân vật hư cấu và có thật mà văn bản tự sự do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Trong khi kể chuyện, người trần thuật là một người sống sinh động (...) Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật lại khác, nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hiện trong tác phẩm tự sự” [1, tr.221]. Định nghĩa kể trên đã khái quát khá trọn vẹn những đặc trưng cơ bản của hình tượng người trần thuật trong tác phẩm tự sự. Nhưng trong Tản văn và Tiểu luận, chúng tôi thấy cần bổ sung vào nội hàm của khái niệm kể trên một vài nét nghĩa riêng cho hình tượng người trần thuật của hai tiểu luận này. Hình tượng người trần thuật trong hai tiểu loại thuộc loại ký văn học này mang đặc trưng “kép” vừa Tự sự vừa Trữ tình. Về hình thức, nó mang vẻ bề ngoài của tác phẩm tự sự, về nội dung nó lại gần gũi với chủ thể trữ tình trong tác phẩm Trữ tình: - luôn bộc lộ trực tiếp, mãnh liệt, điển hình tâm trạng của người viết nhập vai người trần thuật và ở đây sự giao thoa thể loại đã diễn ra thật tinh tế. Trong Tản văn và Tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu loại hình tượng người trần thuật xuất hiện trong mối tương quan xoắn bện và liên tục “đổi vai” cho nhau, tạo ra những trang viết đặc sắc và hấp dẫn

  • Hình tượng người trần thuật thi sĩ

Trong tản văn tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều, hình tượng người trần thuật thi sĩ xuất hiện với cái nhìn nghệ thuật thấm đẫm “chất thơ”. Khái niệm chất thơ được sử dụng thường xuyên trong nghiên cứu phê bình văn học nhưng không phải đã được duy danh định nghĩa một cách đầy đủ và tường minh. Đây là một phẩm chất thẩm mỹ đặc biệt của tác phẩm trữ tình và những sáng tác mang tính trữ tình. Nó đòi hỏi người viết phải nhìn và miêu tả cuộc sống con người một cách duy mĩ, duy tình “đậm đặc” nhất. Trong cái nhìn nghệ thuật ấy nguyên tắc lãng mạn hóa phi thường hóa là nguyên tắc nghệ thuật quan trọng nhất. Trong 2 tập Tản văn và Tiểu luận “Mùi của ký ức”, “Có một kẻ rời bỏ thành phố”, Nguyễn Quang Thiều đã hóa thân vào hình tượng người trần thuật thi sĩ, chỉ chọn lựa và phản ánh những những đối tượng thẩm mỹ thấm đẫm chất thơ, rồi miêu tả đối tượng ấy qua “lăng kính” lãng mạn hóa, lý tưởng hóa. Đó là là bánh khúc trong “Tôi khóc những cánh đồng rau khúc”, là dòng sông quê hương trong “Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại”, là những món ăn dân dã bình dị nhưng thấm đẫm tình người và có hàm lượng văn hóa Việt thật đẹp đẽ trong “Nhớ cà dầm tương” “Muối” “Món xáo chuối” “Canh Việt”, v.v.. Trong các tác phẩm kể trên, quá khứ đẹp đẽ tuy nghèo khó cùng hiện tại đủ đầy về vật chất nhưng đang tàn phai về văn hóa song hành, người trần thuật thi sĩ xưng “tôi” đứng giữa hai chiều không thời gian ấy mà thương mến nâng niu và vời vợi nhớ tiếc. Những món ăn dân dã kia gắn bó với hình bóng người thân, nó ngon và khiến ta nhớ lâu hơn bởi có một nếp sống văn hóa của làng quê Bắc Bộ một thời chan chứa trong đó. Với Tản văn có nhan đề đậm chất thơ “Tôi khóc những cánh đồng rau khúc” người trần thuật chọn tiếng rao “ai khúc đây” để đánh thức hồi ức: - Vẻ đẹp bình dị mà mơ mộng của cánh đồng rau khúc nơi làng chùa, gắn với vẻ đẹp phúc hậu của người bà bỗng trở về trong thương nhớ: “Cả cuộc đời bà tôi gắn liền với làng và cánh đồng cùng cây cỏ, côn trùng với đói no, ấm lạnh, với khổ đau, hạnh phúc. Thế giới của bà tôi là ngôi nhà, cánh đồng và dòng sông chảy qua làng. Vì lẽ đó mà bà tôi có thể nghe được tiếng mưa xuân mỏng như hơi thở lúc gần sáng, nghe thấy tiếng cá quẫy vật đẻ tận đầm nước cuối làng trong những cơn mưa đầu tiên của mùa hạ, nghe được những hạt mầm tách vỏ trong lòng đất... Chỉ khi lớn lên ở tuổi mà tôi bắt đầu biết suy nghĩ về kiếp người thì tôi mới cảm nhận được tiếng của những cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân. Nó đúng là hơi thở của đất. Mơ hồ, đằm sâu và nồng ấm. Và cũng chỉ lúc đó tôi mới nghe được tiếng rau khúc nở râm ran và tươi tốt trên những cánh đồng làng bất tận và mờ tối” [2, tr.13]. Chỉ có người trần thuật thi sĩ mới có thể nghe được và miêu tả được những hình ảnh, âm thanh, màu sắc mơ hồ từ ký ức vọng trở về: - tiếng mưa xuân mỏng như hơi thở; tiếng cá quẫy vật đẻ tận đầm nước cuối làng; những hạt mầm tách vỏ trong đất; tiếng rau khúc nở râm ran và tươi tốt... Tất cả những tín hiệu thẩm mĩ ấy được miêu tả qua cái nhìn lãng mạn hóa của một nhà thơ đắm đuối với “mùi của ký ức”, với bao yêu thương và tiếc nuối, khi làng  quê và văn hóa làng quê đang bị đô thị hóa, bê tông hóa từng ngày. Trong Tản văn “món ăn thiêng liêng của tháng 7”, người trần thuật thi sĩ ấy, qua một phong tục đẹp của người dân làng Chùa mà ngợi ca tinh hoa văn hóa Việt: Lòng ân nghĩa thủy chung, không quên ơn nghĩa đã nhận từ người khác... Cỗ biếu tháng 7 dù chỉ có bát canh ốc nấu chuối và một đĩa xôi đậu mà ẩn chứa trong đó truyền thống nhân ái của người Việt Nam: “tục biếu cỗ ngày rằm tháng bảy làng tôi vẫn giữ. Nhưng món ốc chuối không phải là nhà nào cũng còn nấu (...) cái thiếu ấy không phải thiếu một món ăn mà thiếu đi một điều gì đó thiêng liêng. Đó chính là nghi lễ của lòng tôn kính và mang ơn đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ và ân nhân của mình” [2, tr.55]. Khi mỗi nhà văn, nhà thơ có tâm, có tài vươn tới một tầm vóc lớn, họ cũng sẽ trở thành nhà văn hóa lớn của dân tộc. Đọc tản văn của Nguyễn Quanh Thiều, chúng tôi gặp được minh chứng cho quy luật ấy.

1.2. Hình tượng người trần thuật triết luận

Trong Tản văn và Tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều, hai kiểu loại hình tượng người trần thuật thi sĩ và triết luận luôn vừa song hành vừa giao thoa với nhau. Đó là hai hình tượng người trần thuật có sự kết hợp tư duy hình tượng cùng cái nhìn giàu chất thơ của nhà thơ với tư duy logic cùng cái nhìn phân tích, lí giải khúc triết của nhà văn viết chính luận và viết ký. Sự phân chia làm hai kiểu loại hình tượng người trần thuật kể trên, căn cứ vào tỉ lệ chênh lệch giữa hai kiểu tư duy nghệ thuật, ưu thế nghiêng về phía nào mà thôi. Trong các Tản văn, Tiểu luận: “Những hạt giống của cơn mơ”, “Đức tin và lối đến thiên đường”, “Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất”, “Những sát thủ của một thành phố hòa bình” .v.v.., chúng tôi đều bắt gặp hình tượng người trần thuật triết luận đi từ những sự vật, hiện tượng, những con người nhỏ bé, giản dị trong đời sống xã hội mà phân tích, bình luận và khái quát những vấn đề lớn lao, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp cho con người, vì con người.

Trong Tản văn “Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất”, người trần thuật ấy đã quan sát, phát hiện, luận giải một hiện tượng có tính phổ biến của nhiều người Việt hôm nay: - đi lễ Chùa, Đền rồi dâng lễ mà kêu xin công danh, tài lộc. Phong tục đẹp đẽ đi lễ đầu xuân đã bị biến tướng, vừa thực dụng vừa tầm thường đến thảm hại. Đó là trò “Hối lộ thánh thần” thật dung tục và vô nghĩa, biểu hiện sự xuống cấp về văn hóa, tha hóa về nhân cách của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hôm nay. Những luận giải sắc sảo, ngôn ngữ và giọng điệu mỉa mai sâu cay, người trần thuật triết luận đã phê phán mà không thể phản bác hiện tượng tha hóa nhân cách này: “Cho dù tôi có muốn một cái bỉ chức nào đó thì tôi cũng không bao giờ đến đê xin ngài điều ấy. Vì đến  cũng phải dâng lễ cho dù lễ to hay lễ nhỏ (…) Các ngài làm sao chịu nổi cảnh ấy. Vì thế, các ngài có đâu mà biết đến những trò “Hối lộ thánh thần” [3;tr.32]. Và từ đó, một thông điệp vừa nhân văn vừa lấp lánh trí tuệ được gửi tới người đọc: - Lòng từ bi, nhân ái trong lòng mỗi người mới là ngôi đền, chùa thiêng nhất. Chúng ta đang bỏ quên nơi linh thiêng ấy, vậy thì đi cầu cúng ở Đền, Chùa nào có ích gì khi trong tâm đục ngầu Tham, Sân, Si? Thần thánh nào phù hộ cho những dục vọng ấy?

“Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi chùa, ngôi đến dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi chùa, ngôi đền thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa chùa, giữa đền cũng không thấy yên. Khi không từ bi thì quỳ dưới chân Thần phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác…” [3, tr.34]. Trong Tản văn này, những luận điểm luận cứ, luận chứng chặt chẽ, xác đáng, sự phân tích sắc sảo, luận giải logic và sáng rõ là những biểu hiện nổi bật của người trần thuật triết luận này.

Có một số Tản văn mà hình tượng người trần thuật thi sĩ và người trần thuật triết luận như đã song hành và xoắn bện với nhau để phân tích, luận bàn vừa sắc sảo, thuyết phục vừa thấm đẫm chất thơ. Tản văn “Trong tiếng vọng những mùa Sen đã chết” là một tác phẩm như thế. Từ câu chuyện cái chết của đầm sen tuyệt đẹp ở làng Chùa đến cái chết của môi sinh, của thiên nhiên quanh ta, một vấn đề lớn, nhức nhối của xã hội hiện đại được phản ánh qua hình ảnh đẹp tinh khiết, gắn với văn hóa làng quê, mang hồn quê hương xứ sở là đầm sen đã chết.

Mở đầu tác phẩm, người trần thuật thi sĩ miêu tả những âm thanh kì diệu có màu sắc, mùi vị và chuyển động thật mơ mộng: “Cái gì đấy tựa như tiếng một cô gái 17 tuổi trinh tiết nhón đôi bàn chân trần đi từ một cánh đồng của thiên đường trở về. Tiếng gì đó mát rượi như nước dưới đáy Hồ và tỏa hương như từ những đám mấy triền miên, thiên thanh vô tận. Tôi nghe cái tiếng đó trong những đêm đầu hạ suốt 10 năm liền. Cuối cùng tôi nhận ra đó là tiếng của một mùa sen thức dậy từ đầm nước rộng lớn trước cửa nhà tôi” [3, tr.121]. Cũng với nguyên tắc lãng mạn hóa, người trần thuật thi sĩ tái hiện vẻ đẹp tuyệt mĩ của đầm Sen hiện về trong hồi ức: “Trong tiếng mưa đêm mùa hạ ấy, tôi thấy hàng đàn cá chép lấp lánh bay lên từ đầm nước rộng lớn trước cửa nhà. Như một thói quen, sáng hôm sau tôi lại chạy như bay ra bờ đầm nước. Và trên mặt nước lấp lánh buổi hừng đông, tôi nhận thấy những mầm sen như những thỏi bạc đâm thẳng lên mặt nước. Và chỉ một tuần sau, cả đầm nước đã phủ kín một màu xanh như ngọc và ngào ngạt hương” [3, tr.122]. Nhưng ngay sau đó, người trần thuật thi sĩ đã được chuyển vai cho người trần thuật triết luận để miêu tả trần trụi, với cái nhìn nghệ thuật không né tránh những chi tiết thô nhám, xù xì của đời thực – một điều tối kị với yêu cầu nghiêm ngặt của chất thơ: “Người ta đã cho đấu thầu đầm sen. Những người thắng thầu của nhiều năm nay đã tát cạn đầm để đào hết sen không sót một gốc nào. Họ lấy đầm sen nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp. Trên bờ đầm là trại nuôi vịt hàng ngàn con. Chỉ sau hai, ba tháng, hàng ngàn con vịt đã làm cho bờ đầm vốn  nhiều cây hoa dại rất đẹp trở thành một bờ trọc trơ toàn đất sét và hôi nồng phân vịt. Thi thoảng người ta còn thấy cả những chiếc xi lanh của những thanh niên tiêm chích ma túy vứt lại đó”. [3, tr.125]. Chất văn xuôi đã lấn át chất thơ. Những câu văn ngắn xuất hiện dồn dập. Các biện pháp tu từ bị triệt tiêu. Nếu như ở phần dầu tác phẩm, giọng điệu trữ tình – Hoài niệm rưng rưng là giọng điệu chủ đạo thì đến đoạn văn này, giọng điệu trung tính – vô âm sắc vốn thường xuất hiện trong văn báo chí lại xuất hiện, nhưng để tường thuật khách quan một sự kiện, để rồi sau đó người đọc tự đánh giá và bày tỏ thái độ của mình. Nhưng thực ra đằng sau giọng điệu khách quan chừng mực ấy là dòng nước mắt lặng lẽ chảy của nhà văn. Bởi ở đây không chỉ là cái chết của một đầm sen, của một vùng kí ức tươi non với bao kỉ niệm ấu thơ, mà còn là cái chết của môi sinh, của văn hóa làng quê vốn trọng tình nghĩa không chỉ giữa con người với con người mà còn là giữa con người với thiên nhiên, với nguồn cội quê hương, với những gì thiêng liêng mà ông bà, cha mẹ nâng niu ngàn năm mà thương mến trao lại cho con cháu. Với mặt trái của cơ chế thị trường, khi đồng tiền lên ngôi, một số đứa con của làng giờ thành ông – bà chủ sẵn sàng phá hủy những cội rễ làm nên văn hóa làng quê Bắc Bộ - Một gam màu đẹp đẽ, giàu có nhất trong bức tranh văn hóa Việt Nam. Đau xót mà bất lực, nhà văn chỉ còn biết đợi chờ những mùa sen đã chết thức dậy trong giấc mơ. Nhưng liệu giấc mơ ấy có trở thành hiện thực? Việc xây dựng thành công hai kiểu loại hình tượng người trần thuật thi sĩ và người trần thuật triết luận và giao thoa, kết hợp linh hoạt hai kiểu loại người trần thuật ấy vừa tạo ra sự đặc sắc cho Tản văn, Tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều, vừa đóng góp vào việc hình thành phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn.

 

  1. Giao thoa thể loại trong ngôn ngữ nghệ thuât của tản văn, tiểu luận Nguyễn Quang Thiều.

Ngôn ngữ nghệ thuật bao giờ cũng song hành – hô ứng với hình tượng người trần thuật trong Kí văn học nói chung, trong Tản văn và Tiểu luận Nguyễn Quang Thiều nói riêng, bởi có một nguyên tắc nói thật giản dị là: - mỗi kiểu loại người đều sẽ có ngôn ngữ của riêng nó, phù hợp với nó. Với hai kiểu loại hình tượng người trần thuật kể trên, ngôn ngữ của thơ và ngôn ngữ chính luận xuất hiện như một hệ quả tất yếu, chúng giao thoa với nhau, trộn hòa hai phẩm chất thẩm mĩ khác biệt, tạo ra một “Hỗn hợp ngôn ngữ” đặc sắc và thú vị.

Ngôn ngữ của thơ là ngôn ngữ hàm súc, gợi sự liên tưởng và tuowgr tượng, chấp nhận tính mơ hồ đa nghĩa và đặc biệt duy mĩ. Những gì không thơ, không đẹp và cao cả không phải là đối tượng thẩm mĩ của chúng. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều trang viết đẫm chất thơ với những đặc điểm kể trên trong Tản văn, Tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều. Trong tản văn “Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại”, nhà văn viết: “Có những đêm ngồi trên hiên nhà nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi thấy linh hồn sông Đáy đang trôi trong vũ trụ vô tận, và bên linh hồn của dòng sông là linh hồn của những người làng tôi. Tất cả đang ra đi và ang theo những vẻ đẹp giản dị nhưng thiêng liêng của một đời sống” [2, tr.68]. Dòng sông Đáy chảy qua làng Chùa của nhà văn đã bị ô nhiễm nặng, nhiều loại cá, tôm, hến trước đây rất nhiều giờ không còn sự sống. Nhà văn không hề sử dụng các từ ngữ mà văn xuôi thường dùng trong hoàn cảnh này: - yêu thương, mong nhớ, căm giận, đau xót, v.v.. Nhung tất cả những trạng thái cảm xúc ấy vẫn được gợi mở, được hiện diện trong một hình tượng thơ đích thực: - linh hồn sông Đáy đang trôi trong trong vũ trụ, “thể xác” là con sông hiện thực đã chết. Linh hồn của sông đang trôi trên bầu trời cùng linh hồn của bao người làng Chùa đã khuất. Dòng sông vô hình thấm đẫm yêu thương đau xót, tiếc nhớ, vốn chỉ xuất hiện trong thơ, giờ xuất hiện trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều và được khắc họa bằng ngôn ngữ thơ đẹp, buồn khắc khoải.

Bên cạnh ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ chính luận của kí sự, phóng sự với đặc điểm khách quan hóa cao độ, triệt tiêu các biện pháp tu từ dấu kín và cảm xúc chủ quan của người viết: “Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang kể về dòng sông Thạch Hãn những năm chiến tranh. Trong đêm tối, hàng trăm người lính vượt sông. Nhiều người trúng đạn khi đang bơi giữa dòng. Họ chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Mẹ ơi” rồi chìm xuống đáy sông vĩnh viễn. Có những đêm khốc liệt, trong đêm tối, người ta nghe cả dòng sông tối thẫm như sôi sùng sục vì đạn bắn rền vang tiếng gọi “Mẹ ơi” cho đến sáng” [3, tr.51]. Với ngôn ngữ của thể ký, nhà văn như đang miêu tả khách quan về một sự kiện, với sự dấu kín cảm xúc, tình cảm chủ quan, nhưng có lẽ chính vì thế mà người đọc òa khóc và sẽ còn khóc mãi trong trái tim mình.

Trong tản văn “Bí ẩn của rùa trắng”, chúng tôi cũng bắt gặp sự hòa kết hai loại ngôn ngữ kể trên. Ngôn ngữ thơ dành để miêu tả vẻ đẹp thanh cao của đầm sen: “lúc đó cả đầm sen bạt ngàn hoa trắng cả không gian như được ướp bằng hương sen thanh cao” [3,tr.140]. Nhưng ngay sau đó, đám đông đói khát, hung dữ đã tìm mọi cách để bắt rùa trắng về nấu cháo. Ngôn ngữ của kí sự, phóng sự được sử dụng để miêu tả cảnh tượng kinh hoàng này: “những người đàn ông hùng hục chạy về làng mang theo cuốc, xẻng, gậc guộc, dây thừng, sọt tre… Rồi như một đám quân đằng đằng sát khí, họ lao ra bờ đầm để bắt những cao rùa trắng…” [3, tr.140]

Bên cạnh ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ của thể ký, ngôn ngữ chính luận với sự sắc sảo trong phân tích, logic chặt chẽ trong lập luận, xác đáng trong chứng minh xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm. Ta có thể gặp rất nhiều ví dụ của ngôn ngữ chính luận trong các Tản văn, Tiểu luận: “Như là một ngày sám hôi”, “Ngày của thế gian”, “Hồi tưởng về những sợi tóc”, v.v.. một đoạn văn sau đây mang phong cách chính luận đã chứng minh cho vẻ đẹp trí tuệ , sức hút mạnh mẽ của tản văn Nguyễn Quang Thiếu: “nếu hắn nghĩ rằng hắn rời bỏ cái thành phố hắn đang sống cho dù hắn có thể bị thiêu đốt bởi những cái nóng khủng khiếp của những điều tồi tệ (…) vì thế có những buổi chiều hay những đêm tối, hắn rời bỏ thành phố để đến với những cánh đồng liền chân trời là để quay lại thành phố với giấc mơ lớn hơn, ý chí mãnh liệt hơn và một hành động quả cảm hơn cho thế giới người đúng nghĩa của hắn” [3, tr.168]

Như vậy, sự giao thoa thể loại ở hai phương diện hình tượng người trần thuật, ngôn ngữ nghệ thuật đã diễn ra trong Tản văn và Tiểu luận của Nguyễn Quang Thiều không chỉ là một phương thức tự sự đặc sắc, cũng không chỉ là bước đi thành công khi hòa nhịp vào xu thế sáng tác hiện đại hôm nay. Cao hơn và sâu thẳm hơn, bắt nguồn từ cả ý thức và vô thức, sự giao thoa ấy là những âm thanh ngân lên từ một cây đàn tâm hồn có tính đa thanh, đa sắc thái thẩm mĩ. Đọc tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi hay liên tưởng tới một ngã ba sông, nơi có ba con sông lớn gặp gỡ, cuộn xoáy vào nhau, hòa hợp để cùng đổ ra biển lớn, với vẻ đẹp kì diệu và sức mạnh phi thường. Sự phân chia sóng nước của từng con sông chỉ để ngắm nhìn và yêu mến. Nơi ngã ba sông ấy, trong giăng mờ sương khói huyền ảo, hình như ở đáy sông có một trái tim lớn đang đập thổn thức, gọi vọng lên bầu trời ba tiếng gọi: - Tình yêu – Nỗi đau - Mơ ước...   

 

 

Tác giả

Nguyễn Đức Hạnh – Đại học Thái Nguyên

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nhiều tác giả, (1992), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb. Giáo dục.
  2. Nguyễn Quang Thiều, (2017), Mùi của Kí ức, Nxb Trẻ.
  3. Nguyễn Quang Thiều, (2012), Có một kẻ rời bỏ thành phố, Nxb Hội Nhà văn.
  4. Nguyễn Quang Thiều, (2015), Người kể truyện lúc nửa đêm và những giấc mộng, Nxb. Trẻ.vna_potal_phu_tho_lien_hoan_hat_xoan_thanh_thieu_nhi_thanh_pho_viet_tri_lan_thu_vi_nam_2019_stand

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét