Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

TÌNH MẸ

TÌNH MẸ

 

                  Truyện ngắn của Phạm Ngọc Tâm Dung



tm_dung

 NHÀ GIÁO NHÀ VĂN PHẠM NGỌC TÂM DUNG

         Nghe tin Bình, con gái chị bạn thân sinh con gái đã gần ba tháng, thành phố lại cách ly covid, nay tôi mới tranh thủ đến thăm mẹ con cháu và động viên bạn mình.

Sau tiếng chuông, người mở cửa cho tôi là Bình.

- Con chào cô Hạnh!

Bình đây ư!

Một thiếu phụ tươi tắn, gọn gàng trong bộ quần áo mặc ở nhà, đúng phom "gái một con". Rồi Bình tong tả đi pha trà mời khách. 

Tôi xúc động cầm chén trà, một cái gì cay cay đang bò trong sống mũi tôi.

Chợt nghe tiếng trẻ khóc, Bình xin phép, vội vào nhà trong và tiếng âu yếm nựng con khe khẽ vọng ra:

- Ầu ầu…Mẹ đây, mẹ  Bình đây rồi!

Tôi đang như người lạc từ hành tinh khác, rơi tõm vào căn phòng này thì Phương, bạn tôi về.

Ôi chao! Trông bạn tôi như cũng trẻ ra hàng chục tuổi.

Phương nắm tay tôi, kéo vào phòng trẻ - nơi mẹ con của cháu Bình đang bồng bế, hôn hít, rí ráu với nhau.

Căn phòng thơm tho, ngăn nắp gọn gàng với tủ đồ, lỉnh kỉnh những làn nhựa, tã bỉm... và một lọ hoa hồng vườn nhà vừa hái còn đọng sương, thơm dịu nhẹ.

Em bé nằm trong nôi, hồng hào xinh xắn đang âu ơ chuyện cùng mẹ nó.

- Nào, bà ngoại Hạnh bế chút nào!

Tôi bồng bé lên, mùi sữa nồng nàn thơm tho phả vào mặt tôi - cái mùi hạnh phúc chỉ có những người đã từng làm mẹ mới cảm nhận hết. Tôi ngây ngất như người say rượu và dường như khó biết những gì đang diễn ra trước mắt, với tôi là thực hay tôi đang mơ.

Không! Trước mắt tôi là Phương, là cháu Bình và con gái bé bỏng xinh như tiên đồng của nó. Nhưng có ông Bụt, bà Tiên nào đã xuất hiện ở ngôi nhà hạnh phúc này chăng?

Biết tôi đang xúc động, Phương giục con gái:

- Con ra nấu cơm giúp mẹ, mẹ và cô Hạnh vừa nói chuyện vừa trông cháu.

- Vâng ạ!

Cánh cửa phòng khép lại. Chỉ chờ có thế, Phương ôm lấy vai tôi, lặng lẽ khóc.

Có lẽ hàng hàng nước mắt tủi hờn xen lẫn hạnh phúc đã tích tụ hơn hai mươi năm nay, bây giờ mới có cơ hội tuôn chảy...

 

Phương là bạn gái thân nhất của tôi. Chúng tôi cùng sinh ra trong một xóm nhỏ. Cùng học và cùng ngụ cư tại thành phố này. Cảnh dân tỉnh lẻ, xa quê, bao nhiêu thăng trầm, chúng tôi đều chia sẻ với nhau.

Chỉ có điều, hoàn cảnh chúng tôi hơi khác.

Tôi cũ kỹ, củ mỉ cù mì, đã lấy anh bạn học cùng quê, hai vợ chồng dạy học, lương ba cọc ba đồng. Ngoài giờ lên lớp thì bóc lạc, đan len rồi buôn bán nhỏ nuôi con. Phương xinh đẹp, lấy chồng nhà có điều kiện, dân thành phố gốc, hai vợ chồng làm cán bộ nghiên cứu khoa học.

Cuộc sống tưởng như luôn mỉm cười với bạn tôi, trừ phi...

Tôi đang chìm vào những suy tư xa xôi thì bất chợt em bé ọ ẹ khóc.

Tôi bồng bé đứng dậy và bất giác nhớ lại một buổi chiều buồn cách đây hơn hai mươi năm.

Hôm ấy, tôi đang chấm bài thì nghe bạn tôi gọi thất thanh:

-Hạnh ơi, nguy rồi, cậu đến ngay bệnh viện nhi trung ương, phòng cấp cứu... con của tớ...

Tôi lao như điên đến đó.

Phòng chật kín các giường bệnh. Trẻ em, người lớn lố nhố, những tiếng trẻ khóc, những tiếng  ho,  tiếng xuỵt mũi của người thân, những đôi mắt thất thần vì mất ngủ và âu lo... Chồng bạn tôi đang đờ đẫn ngồi bên đứa con gái tím tái và lên cơn co giật từng đợt. Xung quanh là dây dợ, máy móc cấp cứu của nhà y, các bác sĩ đang vây quanh khám bệnh trong vẻ mặt khá căng thẳng.

Nhìn thấy tôi, Phương cắn môi, cổ ngăn những cơn xúc động ừng ực đang trào dâng. Tôi ôm lấy vai bạn, cố ngăn giọt nước mắt.

- Hạnh ơi! Nó mà... làm sao thì tớ cũng...chết! 

- Bình tĩnh đi Phương, hãy tin vào khoa học, hãy tin vào sự ở hiền gặp lành.

Sau hơn hai tháng cứu chữa, cháu gái cũng thuyên giảm. Hôm ra viện, tôi vui mừng  cùng nhóm người đến bệnh viện để đón cháu.

Lựa lúc không ai để ý, chị bạn là bác sĩ ghé tai tôi nói nhỏ:

- Bệnh này ít nhiều cũng để lại di chứng, hãy động viên chị ấy!

Thế là cái Bình Ngọc (tên cháu là Ngọc Bình) của gia đình bạn tôi đã không bị vỡ nhờ bàn tay kì diệu của những người thầy thuốc.

Trải qua bao ngày tháng quặt quẹo, nhiều khi tưởng không  qua nổi, em bé lớn dần lên, thân thể  cũng gần như những đứa trẻ bình thường, chỉ có điều,  hơn mười tuổi bé mới biết nói ngọng nghịu và hơn hai mươi cứ tồ tề như thể tuổi lên.. mười!

Vợ chồng bạn tôi thương con lắm. Họ không dám sinh thêm để tập trung nuôi đứa con tật nguyền.

Thôi thì, ai mách đâu, vợ chồng bồng bế, dắt díu nhau đi tìm đến tận đó với hy vọng "còn nước còn tát". Nước trong, nước ngoài, thầy lang và cả ... thầy bói, thầy cúng... Có bệnh thì bái tứ phương.

Rồi bạn tôi phải nghỉ việc cơ quan trong lúc đang thăng tiến để ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con. 

Khi đến tuổi đi học, con cũng được đến trường như bao em bé, chỉ khác là em có mẹ đi kèm. Và em luôn chịu sự kỳ thị của bạn bè. Sự gian nan của một gia đình có đứa con tật nguyền không kể sao cho hết. Nước mắt của người mẹ có lẽ còn nặng hơn thân thể của con gái.

Rồi em cũng thành thiếu nữ. Những lần đến chơi nhà,  nhìn cô bé đến tuổi dậy thì, khuôn mặt xinh đẹp giống mẹ, làn da trắng bóc và mái tóc xoăn tự nhiên giống cha, đôi mắt mơ màng, dửng dưng, nói những câu ngây ngô mà trái tim tôi như có ai bóp nghẹn.

Phương cười buồn lắc nhẹ đầu. Tôi hiểu nỗi đau không thể nói thành lời, chìm sâu trong lòng người mẹ bất hạnh - bạn tôi.

              Bẵng đi một thời gian dài, một đêm khuya, Phương điện cho tôi trong thảng thốt:

- Hạnh ơi... nguy rồi!

- Sao! Sao!

- Con Bình... nó... nó có... bầu rồi...

- Có bầu! Có với ai, từ bao giờ!

- Có tầm 4 tháng, chắc là dịp nghỉ mát ở Nha Trang hồi tháng tư. Hôm đó...

Phương tự trách mình và đau khổ kể cho tôi nghe cái ngày định mệnh, hai vợ chồng cô cho Bình ở khách sạn một mình để đi bệnh viện thăm một người bạn ốm nặng và tiện thế đi chơi vài nơi.

Tôi đến với Phương trong không gian buồn như nhà có đám.  Con Bình đang ngồi nhai cả một túi khế chua, mẹ nó mua để kho cá. Nó chẳng nhớ và cũng chẳng thèm biết những gì đã và đang xảy ra với nó. Nhìn con bé mà thấy tội nghiệp. Làn da hơi xanh nhưng người thì đẫy ra. Mẹ nó phải thay đồ mặc rộng hơn.

Vợ chồng Phương hỏi ý kiến tôi. Thật tình, tôi nghĩ cũng khó. Tôi thương Phương hơn bao giờ hết. Một mình con bé, bạn tôi đã quá cơ cực, nay...?

Cả ba người đều lặng đi trong sự oái oăm của số phận.

Đêm ấy, tôi không ngủ được. Chốc chốc nghe tiếng chuông điện thoại reo, chúng tôi lại thầm thì bàn bạc, và gần sáng hôm đó chúng tôi quyết định để cho em bé được sinh ra, muốn đến đâu thì đến.

Không phải nói, bạn đọc cũng hiểu hơn bốn tháng tiếp theo, chúng tôi lo lắng thế nào...

Rồi giây phút chờ đợi của chúng tôi cũng đến. Bình trở dạ vào đúng một đêm mưa gió. Đang vào mùa dịch covitd nặng. Toàn thành phố nơi tôi ở trong tình trạng cách ly. Trong bệnh viện chỉ có một mẹ, một con. Phương vui mừng báo cho tôi tin: Cháu gái sinh thường, nặng ba cân kháu khỉnh  và mẹ nó ổn rồi. Tôi mừng rơi nước mắt, 

Tôi ao ước có phép màu nào đó, lúc này đây, tôi bay đến với mẹ con, bà cháu cô ấy.

Nhưng điều tôi lo lắng băn khoăn nhất là căn bệnh sau sinh của người phụ nữ vốn tổn thương về trí tuệ. Rồi đây sẽ ra sao khi đôi vai của bạn tôi vốn đã nặng, nay lại nặng gấp nhiều lần. Tôi chỉ biết cầu xin trời phật!

 

Thấy tôi cứ ngơ ngẩn, bàng hoàng, Phương xúc động kể những biến đổi bí ẩn của con gái. 

- Cháu thay đổi từng ngày. Chỉ cần hướng dẫn vài lần là thao tác thuần thục việc nuôi con, việc nhà và giao tiếp...

 

        Chia tay một gia đình hạnh phúc, tôi đem niềm vui của bạn mình chia sẻ với hai chị bạn; một là Thầy thuốc, một là Nhà Tâm lý học, họ đều khẳng định đây là một hiện tượng hồi phục kỳ diệu sau sinh con. Thì ra, bao nhiêu năng lương dự trữ, tiềm ẩn của người đàn bà sẽ được khai thác và  đánh thức  triệt để sau khi nàng làm mẹ.

            Hạnh phúc của chúng tôi giờ đây không bút nào tả hết. Chúng tôi cảm ơn trời phật, bao năm nay đã thấu hiểu lời cầu nguyện cứu khổ, cứu nạn của chúng sinh; cảm ơn thiên thần bé nhỏ đã xuất hiện đúng lúc để đem lại điều may mắn thiên định cho thế giới  nhỏ bé này của bạn tôi.

 

                                                1/2022

vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1

  
 

 

  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét