VĂN HỌC KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ TỰ THÂN
GALIN TIHANOV: “VĂN HỌC HIỆN NAY KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ TỰ THÂN”
TRẦN HẬU dịch
Galin
Tihanov là nhà nghiên cứu văn học Anh gốc Bulgaria. Cuốn sách mới nhất
của ông có nhan đề “Sự ra đời và cái chết của lý luận văn học”. Trong
bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Nga Konstantin Mitroshenkov đăng trên
tờ GORKY.MEDIA, Garin Tihanov nói về việc tại sao đã đến lúc phải chia
tay với lý luận văn học, một bộ môn quan trọng và mới gần đây thôi đang
phát triển mạnh mẽ như vậy, đồng thời ông cũng bàn về diễn ngôn văn học
thế giới, về điển phạm và nhiều vấn đề khác.
- Tôi có nghe một số đồng nghiệp nói rằng xét về mặt trí tuệ họ cảm thấy các công trình lý luận văn học thú vị hơn
chính
các tác phẩm văn học được phân tích trong đó. Ví dụ, tôi không thích
đọc Balzac, nhưng lại thích đọc Lukacs viết về Balzac. Theo ông, điều gì
tạo nên sức hấp dẫn như vậy của lý luận văn học?
-
Tôi nghĩ ở đây có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, trong thời kỳ hoàng
kim của mình, lý luận văn học đóng vai trò dẫn dắt toàn bộ đời sống trí
tuệ và gắn bó chặt chẽ với triết học. Trong một ý nghĩa nào đó, lý luận
văn học là phiên bản pha loãng của triết học, nếu có thể nói như vậy.
Thứ hai, một số nhà nghiên cứu xem lý luận văn học như một nhánh của
lịch sử trí tuệ. Họ tìm kiếm trong lý luận văn học lời giải đáp cho
những vấn đề rộng hơn: phong cách tư duy, cấu trúc của nhận thức thay
đổi như thế nào. Trong trường hợp đó, quả thật, đối với họ đọc về Balzac
quan trong hơn đọc tác phẩm của ông. Tất nhiên, tốt nhất là đọc cả hai.
- Ông
bắt đầu nghiên cứu lý luận văn học như thế nào? Tại sao ông thích thú
các tác giả Đông và Trung Âu: Bakhtin, Lukács, Shklovsky và những người
khác?
-
Ở Đông và Trung Âu, dưới thời xã hội chủ nghĩa, lý luận văn học ở các
khoa ngữ văn có một uy tín đặc biệt. Cho đến nay đã và đang tồn tại một
số bộ môn lý luận văn học riêng biệt. Lý luận đóng vai trò dẫn dắt tư
duy và các công trình nghiên cứu cụ thể - đôi khi có phần độc đoán. Năm
1993, sau khi chuyển đến Anh, tôi bắt đầu viết luận văn tiếng Anh, đồng
thời hoàn thành luận văn bằng tiếng Bulgaria về chủ nghĩa hiện đại thời
kỳ đầu ở Bulgaria. Tôi ngồi ở Oxford và nghĩ: mình viết gì nhỉ? Cuối
cùng, tôi quyết định viết công trình về Lukács và Bakhtin - lý thuyết
tiểu thuyết như là triết học xã hội. Vào thời điểm đó, tôi ủng hộ các
quan điểm khá tả khuynh, vì vậy tôi quyết định viết về Lukács. Đối với
tôi, quan trọng nhất không phải là việc Lukács chuyển sang chủ nghĩa
Marx, mà là kinh nghiệm sống lưu vong của ông. Bằng trực giác, tôi quyết
định so sánh ông với Bakhtin, thậm chí không nghi ngờ sự so sánh này
hiệu quả như thế nào. Tôi không biết rằng Bakhtin theo dõi các công
trình của Lukács, rằng phần lớn lý thuyết tiểu thuyết của Bakhtin xét về
cấu trúc được xây dựng trên lý thuyết của Lukács. Trước hết, tôi nói về
sự đối lập giữa sử thi và tiểu thuyết, mà cả hai tác giả đều đề cập,
nhưng với những đặc điểm trái ngược nhau.
-
Tôi học ở Đại học Sofia từ năm 1985 đến năm 1990. Tất nhiên, đây là
trường đại học tiên phong nhất ở Bulgaria. Lý luận văn học được giới
thiệu khá bảo thủ. Tính bảo thủ không phải là một đặc điểm tiêu cực, ở
đây nó đồng nghĩa với tính hệ thống. Bắt đầu từ Aristotles, chúng tôi
tìm hiểu rất kỹ các nhà lãng mạn Đức, và sau đó là các nhà hình thức
luận Nga. Về mặt lịch sử, chương trình của chúng tôi kết thúc vào trước
Thế chiến thứ hai. Chúng tôi đọc công trình của các tác giả phương Tây,
nhưng không phải ở trường, mà tự đọc trong các tiết học ngoại khóa. Lần
đầu tiên, chúng tôi được nghe nói về Derrida và giải cấu trúc vào năm
1990, trong một khóa chuyên đề tự chọn. Lần đầu tiên tôi nghe nói về
thông diễn học và Gadamer vào năm 1988 tại một nhóm phi chính thức.
- Cuốn
sách mới nhất của ông có nhan đề “Sự ra đời và cái chết của lý luận văn
học”, trong đó ông gắn buổi hoàng hôn của lý luận văn học với sự thay
đổi vị thế của văn học trong thế giới đương đại. Trong bối cảnh đó, di
sản lý luận văn học của thế kỷ XX còn cần thiết nữa không?
-
Khi phản hồi về việc xuất bản cuốn sách này, nhiều người không hiểu
rằng sự suy ngẫm về văn học không giới hạn ở lý luận. Lý luận chỉ là một
phương thức tư duy được hình thành trong lịch sử. Đây chính là điều tôi
chứng minh trong cuốn sách. Trong phần kết của cuốn sách, tôi xem xét
ảnh hưởng mà lý luận văn học tiếp tục gây ra đối với văn hóa ngay cả sau
cái chết của nó. Chẳng hạn, diễn ngôn Anglo-Saxon có ảnh hưởng rất lớn
đến văn học thế giới. Ở đây văn học thế giới được nhìn nhận chủ yếu trên
quan điểm vượt qua các biên giới văn hóa, ngôn ngữ và chính trị nhờ
tính năng chuyển ngữ. Cơ sở lý luận của tinh thần lạc quan đó bắt nguồn
từ lý luận văn học cổ điển – trước hết là các công trình của Shklovsky
về tính văn học như một đặc điểm dễ chuyển dịch và điều này mâu thuẫn
với Jacobson.
Sau cái
chết của lý luận văn học, chúng ta có thể đọc lý luận mà không phụ thuộc
vào sức ép của nó, vào tính chất quyền uy vốn đặc trưng không những cho
lý luận Marxist mà còn cho bất kỳ nền lý luận nào. Lý luận văn học xem
xét hạn chế của mình ở chỗ nó luôn luôn bám rễ vào một bối cảnh xã hội
và văn hóa nhất định.
- Ông có nhắc đến diễn ngôn văn học thế giới. Ông định nghĩa khái niệm này như thế nào?
-
Đối với tôi, văn học thế giới là sự tương tác không đồng đều và bất đối
xứng giữa các nền văn học khác nhau trên thế giới. Đây là một tiến
trình bao gồm không phải tất cả các nền văn học đồng thời, mà các nền
văn học khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Điều quan trọng là phải
hiểu những gì nằm sau sự bất đối xứng này. Ví dụ, phương Tây bắt đầu
quan tâm một cách nghiêm túc đến văn hóa và văn học Trung Quốc vào thế
kỷ XVI, còn Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến Shakespeare và Goethe chỉ
vào cuối thế kỷ XIX. Lần đầu tiên, Goethe được nhắc đến trong tiếng
Trung vào năm 1878, và không phải ở chính Trung Quốc, mà là trong bài
phát biểu của một nhà ngoại giao Trung Quốc ở phương Tây. Shakespeare
lần đầu tiên được dịch sang tiếng Trung (bằng văn xuôi) vào cuối thế kỷ
XIX và đầu thế kỷ XX. Nếu nhìn nhận điều đó trên quan điểm lý thuyết hệ
thống thế giới của Wallerstein, chúng ta sẽ ngay lập tức nói rằng Trung
Quốc lạc hậu hơn phương Tây. Do đó, phương Tây tiến bộ hơn đã quan tâm
đến Trung Quốc sớm hơn và bắt đầu tiếp thu những thành quả văn hóa của
nó. Quan điểm này bỏ qua một thực tế là, theo thống kê lịch sử và kinh
tế của Maddison, vào cuối thế kỷ XVI, kinh tế Trung Quốc phát triển hơn
nhiều so với phương Tây: giá trị tổng sản phẩm của nước này năm 1600 cao
hơn tổng sản phẩm của tất cả các nước phương Tây và Nga gộp lại. Nhưng,
tất nhiên, cách tiếp cận này không tính đến quan điểm của Trung Quốc
xét về phương diện văn hóa và văn minh. Theo truyền thống, ngay cả trong
thời kỳ suy thoái kinh tế, người Trung Quốc vẫn coi văn hóa của họ là
tinh tế, tự cung tự cấp và tin rằng người nước ngoài không thể hiểu
được, chẳng hạn như sự hoàn thiện và tính phức tạp của thơ ca cổ điển
Trung Quốc mà việc sáng tác đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy tắc khác
nhau (tùy thuộc vào phong cách, thể loại, v.v...). Người Trung Quốc đề
cao tính độc đáo và trọng tâm của văn hóa cổ điển Trung Quốc. Vì vậy nếu
không muốn biến nền văn học thế giới thành một bản đồ văn học phẳng của
thế giới hoặc một cuốn bách khoa toàn thư tẻ nhạt, chúng ta phải ghi
nhận sự không đồng đều, bất đối xứng và sự biến thiên lịch sử mà không
phải lúc nào cũng do các yếu tố kinh tế gây ra.
- Nếu
lý luận văn học không phải là cách duy nhất để suy ngẫm về văn học, thì
những cách thức mới nào đang thay thế nó? Và những cách thức mới này
liên quan như thế nào đến các tiến trình chính trị và xã hội mà chúng ta
đang chứng kiến hiện nay?
-
Cái đang thay thế lý luận văn học và khiến nó không thể tồn tại ở dạng
thuần khiết nữa chính là sự trở lại của quan điểm vị lợi trong văn học
và nghệ thuật. Trước đây, người ta nói về những đặc trưng của văn học,
còn hiện nay, trọng tâm của văn học đã chuyển sang sự thỏa mãn cá nhân,
tác dụng chữa bệnh của việc đọc sách, cũng như vai trò của nó trong
chính trị bản sắc. Vào thế kỷ XIX, văn học cũng được nhìn nhận trên quan
điểm vị lợi: nó là công cụ tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, đóng vai
trò quan trọng trong các cuộc thảo luận công khai về tự do, bình đẳng,
v.v... Hiện nay, tính tập thể của chủ nghĩa vị lợi này đang trở lại dưới
một hình thức khác. Văn học hiện nay xây dựng bản sắc nhóm (thường nói
về các nhóm thiểu số bị phân biệt đối xử). Những người này nói về bản
thân, muốn được lắng nghe, và đó là quyền thiêng liêng của họ. Nhưng
điều đặc biệt quan trọng là văn học không còn giá trị tự thân nữa, nó
được đọc và giảng dạy (tôi nhận thấy điều này ở các trường đại học Mỹ và
Anh) chỉ như một tài liệu minh họa để bàn thảo về các tiến trình chính
trị, xã hội, kinh tế khác nhau, liên quan đến các vấn đề đạo đức hoặc
bản sắc. Chúng ta không còn quan tâm đến tính ước lệ, tính hư cấu của
văn học nữa.
- Khi
chúng ta nói về các cuộc chiến tranh văn hóa và bản sắc, xuất hiện câu
hỏi về điển phạm (canon), trong đó không có đại biểu của nhiều nhóm dân
cư. Ông có thấy đây là một vấn đề phức tạp không?
-
Vâng, đang tồn tại một vấn đề như vậy, và ở Anh nó sâu sắc hơn ở Nga.
Nếu xét về đặc điểm giới tính, thì ở Anh tình hình không khả quan hơn ở
Nga là mấy. Phụ nữ chiếm vị trí nào trong hệ thống điển phạm Anh? Ví dụ,
ở thế kỷ XIX, may ra chỉ có 5 cái tên xuất hiện trong tâm trí, không
hơn. Ở thế kỷ XX, chúng ta có Virginia Woolf và một vài tên tuổi nữa.
Giữa
lý luận và điển phạm có một mối liên hệ quan trọng. Lý luận kỳ vọng vào
việc hình thành nên những nhận định phổ quát về văn học. Để làm được
điều đó, nó cần những ví dụ phổ quát chỉ có thể lấy từ điển phạm. Sự
phát triển của lý luận văn học đi đôi với sự hình thành và củng cố điển
phạm văn học, cả ở phương Tây lẫn ở Nga. Cuộc khủng hoảng lý luận trong
những năm 1980 diễn ra đồng thời với cuộc khủng hoảng điển phạm. Bất kỳ
nền lý luận văn học lớn nào của thế kỷ XX cũng đều được xây dựng trên
các ví dụ rút ra từ điển phạm. Ngay cả khi Bakhtin nói về văn hóa dân
gian, carnaval, hiện tượng lễ hội tập thể, ông cũng đều lấy tiểu thuyết
của nhà văn kinh điển Pháp làm điểm xuất phát.
Sự
phức tạp của điển phạm là ở chỗ nó bảo thủ trong cấu trúc diễn ngôn của
mình. Trở thành điển phạm khó hơn bị loại khỏi nó. Chúng ta đã tích lũy
được rất nhiều thông tin mới về văn học Anh, chúng ta đã đọc nhiều tác
phẩm bị lãng quên, nhưng hóa ra những người mà chúng ta biết lại là
những tác giả xuất sắc nhất. Điển phạm là một sản phẩm được tạo ra dưới
tác động của các yếu tố xã hội, chính trị và văn hóa khác nhau. Nhưng vì
điển phạm được khai sinh vào đúng thời điểm khi văn học được xem xét
chủ yếu qua lăng kính của đặc thù thẩm mỹ và diễn ngôn của nó, cho nên
nó bao gồm những tác phẩm xuất sắc nhất trên quan điểm thẩm mỹ. Giá trị
thẩm mỹ là nền móng của tòa nhà quái dị này.
Bản
thân quan niệm về văn học như một bộ phận của văn hóa đỉnh cao là sản
phẩm của lịch sử. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, trước thời kỳ lãng mạn,
không ai nghĩ như vậy về Shakespeare hay Cervantes. Người ta chủ yếu coi
đó là văn học giải trí, còn các nhà lãng mạn chủ nghĩa đã biến nó thành
thứ mà ngày nay được gọi là nền "văn học lớn". Trước hết, sở dĩ như vậy
là vì vị trí của văn học trên thị trường các giá trị văn hóa đã thay
đổi. Chính các nhà lãng mạn chủ nghĩa đưa ra khái niệm về sự độc đáo và
đặc biệt lưu ý rằng văn học đích thực không giống như các tác phẩm khác.
Shakespeare thường xuyên đạo cốt truyện, nhưng đối với các nhà lãng mạn
chủ nghĩa, ông là một tác giả độc đáo, không phải là một kẻ đạo văn, mà
là một thiên tài ngôn ngữ và tâm lý hiếm hoi. Thang giá trị đã thay
đổi, xuất hiện quan niệm cho rằng tính độc đáo của nền văn học lớn đảm
bảo cho sự bất tử của nó. Kể từ thời điểm đó, bắt đầu việc xây dựng hệ
thống điển phạm hiện đại. Hai trăm năm sau, khi văn học không còn được
coi là một diễn ngôn đặc thù, bất di bất dịch và độc đáo, một cuộc khủng
hoảng điển phạm đã bắt đầu, còn hiện nay bản thân khái niệm “văn học
lớn” đang nhanh chóng đánh mất ý nghĩa.
- Trong
cuốn sách của mình, ông nói nhiều về việc lý luận văn học phát triển
xuyên biên giới. Để lấy ví dụ, ông dẫn chứng việc tiếp nhận các công
trình của Bakhtin ở Pháp và nhấn mạnh rằng những nỗ lực của Yulia
Kristeva đóng vai trò quan trọng trong việc đưa những tư tưởng của
Bakhtin đến gần hơn với chủ nghĩa hậu cấu trúc. Sự ngược dòng như vậy có
luôn cần thiết để một lý thuyết được tiếp nhận ở một vùng đất mới
không?
-
Đúng vậy, tôi nghĩ điều đó là cần thiết. Người đóng vai chính trong
trường hợp này là Kristeva, chứ không phải Todorov, mặc dù ông cũng viết
về Bakhtin vào thời điểm đó. Chính Todorov đã biên soạn hợp tuyển đầu
tiên của các nhà hình thức luận Nga ở phương Tây năm 1965. Lẽ ra, tuyển
tập đầu tiên phải là của các nhà phê bình văn học trẻ Ba Lan, nhưng hai
trong số những người khởi xướng dự án này đã bị giết trong Thế chiến thứ
hai.
Khi Barthes mời
Kristeva phát biểu tại hội thảo của ông và nói về Bakhtin, bà hiểu rằng
cần phải tạo ra một Bakhtin khác để ông được trọng dụng ở Pháp. Bakhtin
gắn với các khái niệm liên văn bản và diễn ngôn phân tâm học đã là một
Bakhtin "giàu sức sống". Để thu hút giới trí thức Paris, cần phải kéo
Bakhtin đi qua phân tâm học, ký hiệu học và liên văn bản. Kristeva đã
làm được điều đó, hơn nữa khá triệt để. Đôi khi, để tạo ra một đời sống
thứ hai cho nhà tư tưởng, cần phải sắp xếp lại các tư tưởng của ông ta
trong một ngôn ngữ mới. Trong một ý nghĩa nào đó, các nhà tư tưởng,
giống như các nhà văn, vẫn còn sức sống khi di sản của họ được diễn giải
lại một cách hiệu quả.
Trần Hậu (Theo Gorky.media)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét