Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

THƠ VĨNH BIỆT MẸ VỚI LỜI BÌNH

 


PHÙNG QUÁN

 

THƠ VĨNH BIỆT MẸ

(Trích)

 

Con biết Mẹ con yêu thơ lắm 

Nuốt nỗi đau thương lệ ứa tràn 

Con viết bài thơ con liệm Mẹ 

Tiễn Mẹ đi về Cõi vĩnh hằng.

……………………….. Mẹ nằm đó vô cùng yên tĩnh

Như mặt nước hồ trong như đỉnh núi trong sương 

Mẹ đã sống trọn đời đức hạnh

Nên phút ra đi thanh thản vô cùng.

 

Vĩnh biệt Mẹ, chúng con nhìn kỹ Mẹ 

Lòng xé đau mà kinh ngạc vô cùng 

Mảnh mai thế mà suối nguồn nghị lực 

Vẫn tràn đầy cho đến phút lâm chung.


 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 

 

“NHƯ CHÍNH CUỘC ĐỜI MẸ MỚI LÀ THƠ!”


Mẹ cho chúng con hình hài máu thịt Cho tâm hồn, cho cuộc sống sạch trong Với chúng con, Mẹ là báu vật

Không có gì sánh được ở thế gian.

 

Mẹ ơi! Bà ơi! Cụ nội, ngoại ơi Con cháu chắt, xóm giềng bè bạn Phút vĩnh biệt xé lòng gọi Mẹ Mẹ ơi, Mẹ có nghe thấy không?

 

Nắp ván nghìn đời đã đóng lại Thôi từ đây, Mẹ mãi mãi vắng nhà! Mẹ yêu thơ, con viết thơ dâng Mẹ

Như chính cuộc đời Mẹ mới là Thơ!


Thơ viết về mẹ xưa nay có nhiều, song thơ viết vào thời điểm mẹ vừa tắt nghỉ, rời thế gian này sang thế giới bên kia thì có lẽ chỉ Phùng Quán mới làm được. Bởi xuất phát từ sự thấu hiểu, người con biết mẹ rất yêu thơ nên mới "nuốt nỗi đau thương" để viết bài "Thơ vĩnh biệt mẹ", bày tỏ niềm tiếc thương và tri ân vô hạn đối với người mẹ đẻ   của mình.

Khổ thơ đầu nói rõ lý do bài thơ ra đời "Con  biết Mẹ con yêu thơ lắm / Nuốt nỗi đau thương lệ ứa tràn / Con viết bài thơ con liệm Mẹ / Tiễn Mẹ đi về Cõi vĩnh hằng". Trước nỗi sinh ly tử biệt, chủ thể   trữ tinh cố nén đau thương để nhìn rõ mẹ, để  khắc  cốt ghi tâm hình hài của mẹ: "Mẹ nằm đó vô cùng  yên tĩnh / Như mặt nước hồ trong như đỉnh núi trong sương / Mẹ đã sống trọn đời đức hạnh / Nên phút ra đi

thanh thản vô cùng". Sự so sánh kép liên tiếp mẹ với hai hình ảnh: mẹ vừa "Như mặt nước hồ trong, như đỉnh núi trong sương" đã nói lên hai nét nổi bật ở mẹ: hiền hoà mà vững chãi, dịu dàng mà cứng cỏi khiến hết thảy các con đều yêu quý và cảm phục. Bởi là tấm gương "đức hạnh" sáng ngời cho con cháu, cả đời sống nghĩa tình, ân đức với mọi người nên mẹ ra đi thật nhẹ nhàng "thanh thản vô cùng". Đó là niềm an ủi lớn nhất cho những người con khi phải mãi mãi xa mẹ. Ngắm hình hài của mẹ, người con ngỡ ngàng bởi mẹ nhỏ nhắn nhưng lại tiềm ẩn năng lượng sống thật mạnh mẽ: "Mảnh mai thế mà suối nguồn nghị lực / Vẫn tràn đầy cho đến phút lâm chung". Khổ thơ thứ tư là lời tri ân vô cùng cô đọng và sâu sắc về công lao không gì sánh nổi của mẹ: "Mẹ cho chúng con hình hài máu thịt / Cho tâm hồn, cho cuộc sống sạch trong / Với chúng con, Mẹ là báu vật / Không có gì sánh được ở thế gian". Mẹ không chỉ cho chúng con cuộc sống, mẹ còn dành cả cuộc đời để nuôi dạy chúng con nên người, có tâm hồn và nhân cách trong sạch. Nghệ thuật so sánh "với chúng mẹ là báu vật" không gì sánh nổi trên thế gian này là lời ngợi ca và tri ân lớn nhất với đấng sinh thành. Giờ đây mẹ ra đi sang thế giới vĩnh hằng, tác giả thay mặt những người thân yêu ruột thịt của mẹ,  cất lên tiếng gọi thất thanh qua liên tiếp những câu cảm thán: "Mẹ ơi! Bà ơi! Cụ nội, ngoại ơi / Con cháu chắt, xóm giềng bè bạn / Phút vĩnh biệt xé lòng gọi Mẹ / Mẹ ơi, Mẹ có nghe thấy không ?" Những câu thơ này là tiếng khóc xé lòng, cao trào đỉnh điểm của cảm xúc trong thi phẩm, chạm đến sâu thẳm trái tim  mọi người. Hỏi có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mẹ mất? Nhịp thơ ngắt ra, như tiếng thổn thức nghẹn ngào của cõi lòng. Khổ thơ cuối, dường như người con tĩnh tâm hơn để nhìn ra sinh - tử là qui luật ở đời, chẳng ai có thể tránh được. Nên người con một lần nữa nhìn thân hình mẹ giờ đã liệm xong, ván đóng kín: "Nắp ván nghìn đời đã đóng lại / Thôi từ đây, Mẹ mãi mãi vắng nhà! / Mẹ yêu thơ, con viết thơ dâng Mẹ / Như chính cuộc đời Mẹ mới là Thơ!". Câu thơ cuối thật cô đọng, là sự kết tinh cảm xúc, linh hồn của cả bài thơ. Đây cũng là sự ngợi ca, ngưỡng mộ cao nhất, lớn nhất đối với mẫu thân. Trong bài, điệp từ “Mẹ” (18 lần), “con” (9 lần), từ Mẹ luôn được viết hoa tỏ rõ thái độ kính trọng mẹ, gia tăng thêm niềm thương tiếc khôn ngu

Bài thơ thêm một lần nữa khẳng định nỗi xót thương, thái độ ngợi ca tri ân mẹ "Như chính cuộc đời Mẹ mới là Thơ!".

vbnhuy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét