Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Hồn Thiền trong thơ LÝ - TRẦN







Mấy cảm nhận về tập “ Hồn thiền trong thơ Lý- Trần” của Vũ Bình Lục



                                                Vũ Nho



1. Vài năm gần đây, nhà giáo, nhà thơ Vũ Bình Lục chuyên chú vào việc bình thơ. Chỉ từ năm 2010 đến thời điểm này, anh đã cho ra mắt sáu tập  giai phẩm và lời bình. Đều là sách bìa cứng và dày 4, 5 trăm trang. Tập thứ sáu không mang tên như các tập trước mà có tên “Hồn thiền trong thơ Lý- Trần” kèm phụ đề “Tinh tuyển, dịch thơ và bình giải” dày đến 704 trang khổ 14,5 x 20,5.

Bỏ công sức, thời gian và cả tiền bạc nữa để tìm hiểu thơ của tiền nhân và viết cuốn sách độc đáo như thế, quả là một việc đáng ghi nhận và biểu dương, khích lệ. Bởi vì càng ngày, những người biết chữ Hán càng ít, những người có đủ say mê và hiểu biết thơ cổ  càng thưa vắng; tuổi trẻ bây giờ học tiếng Anh để giao tiếp và hội nhập, ít có nhu cầu tiếp xúc với thơ, nhất là thơ cổ lại viết bằng chữ Hán với những điển tích, điển cố có phần xa lạ. Phải có đủ sự kiên tâm, sự say mê và cả đủ sự dũng cảm mới dám chọn và làm công việc này.



2. Trong cuốn sách nhiều tâm huyết của tác giả, như phụ đề có ghi : Tinh tuyển, dịch thơ và bình giải, chúng tôi đánh giá cao công sức của tác giả ở hai phần sau.

Nói về việc tinh tuyển, không phải là Vũ Bình Lục không có đóng góp.  Thành tựu nghiên cứu về thơ Lí -Trần của nước ta có một bước phát triển mới. Nếu so với các bài thơ thời Lí- Trần được truyển trong “ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X- thế kỉ XVII” nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1962 thì quả thật số bài thơ được tuyển trong sách của Vũ Bình Lục đã vượt khá xa. Tuy nhiên, tác giả cũng đã thừa hưởng thành quả của các cuốn sách “Thơ Văn Lí –Trần”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978 và “ Tuyển dịch thơ đời Lý- Trần” của Đinh Văn Chấp, NXB Lao Động, 2010.  Mặc dù trong quá trình tuyển chọn, tác giả đã đối chiếu, bổ khuyết, điều chỉnh một số chú thích sai hoặc không phù hợp. Nhưng nhìn chung, cái công ở đây là có, nhưng không nhiều.

Phần đóng góp quan trọng của Vũ Bình Lục chính là phần dịch thơ và bình giải.

Về dịch thơ, tác giả đã nghiền ngẫm kĩ nguyên tác, thêm nữa, với vốn liếng khá dày của một người làm thơ đã có 8 tập thơ in, đã từng được giải cao trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Vũ Bình Lục đã cung cấp nhiều bản dịch khá hay về thơ của tiền nhân. Có một số bài chưa có bản dịch thơ, thì bản dịch của Vũ Bình Lục lại càng quý. Những bài đã được tiền nhân dịch, Vũ Bình Lục cung cấp một cách cảm khác, nhất là cách diễn đạt khác, cho người đọc thấy vẻ lung linh của bài thơ nguyên tác. Thơ Lý-Trần có nhiều bài có vị thiền, nhiều bài “kệ” ý tứ thâm sâu phải có hiểu biết nhất định về đạo Phật mới có thể hiểu được. Rồi từ hiểu mà chuyển thành thơ để người khác cũng hiểu và rung động với người xưa. Việc ấy không phải ai muốn là có thể làm được. Mặt khác, thơ của người xưa cách chúng ta gần một ngàn năm với những điển tích đòi hỏi phải tra cứu công phu mới tránh được hiểu “sai một li đi một dặm”. Như tác giả có bộc bạch : chỉ riêng việc hiểu hai sự vật “áo chiến bào” và “cờ Hán” trong thơ Nguyễn Trung Ngạn, phải mất cả một ngày để săm soi tài liệu. Bên cạnh đó chắc chắn không tránh khỏi khó khăn là rào cản ngôn ngữ. Thơ viết bằng chữ Hán. Trình độ chữ Hán của tác giả chỉ ở mức của người tự học. Dù có thông minh và cần cù đến mấy, chắc cũng khó mà đủ để hiểu những chữ nghĩa sâu xa của các nhà thơ vốn là đại trí thức hoặc đại khoa của hai triều đại. ( Chúng tôi sẽ chỉ ra những bất cập này trong phần sau).

Nhìn một cách tổng thể, những bản dịch thơ của Vũ Bình Lục về cơ bản là thành công. Nhiều bài thơ chữ Hán, sau khi dịch nghĩa vẫn có cảm giác khó hiểu, nhưng Vũ Bình Lục đã chuyển sang bản dịch thơ một cách tinh tế, dễ hiểu và dễ cảm. Một số bản dịch đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn tín, đạt, nhã.

Phần đóng góp  nhiều nhất theo cách đánh giá của  chúng tôi là phần bình giải của tác giả tập sách.


Nếu ở các tập giai phẩm với lời bình trước của Vũ Bình Lục, phần lời bình là phần quan trọng nhất, viết tung tẩy, phóng khoáng, thì ở tập này, phần bình được viết thận trọng hơn, chắc chắn hơn và tất nhiên có vẻ “khô khan” hơn. Cũng đúng thôi, vì ở đây bình cho đúng, cho trúng cũng đã là một thành công lớn rồi. Với thơ cổ thì giải ( chúng tôi hiểu gồm chú giải, giải thích) là một phần rất quan trọng. Chú giải đúng, giải thích đúng điển cố, từ ngữ, hình ảnh là đã góp phần quan trọng vào việc cảm và hiểu, thưởng thức bài thơ. Việc giải đúng sẽ làm cho lời bình chính xác, thỏa đáng chứ không rơi vào bình tán chủ quan.

Xin dẫn ra vài ví dụ mà  chúng tôi tâm đắc với người làm sách.

-  Bàn lại với các cụ Đào Phương Bình và Nam Trân việc dịch thơ thành máu giặc hay máu người, Vũ Bình Lục viết :



“  Trộm nghĩ, cụ Đào và Nam Trân, có lẽ chưa chuyển tải được đầy đủ tình ý của tác giả ở hai câu kết này. Trần Minh Tông viết “ tưởng rằng máu người chết trận vẫn chưa khô”, nghĩa là máu giặc xâm lăng như còn đỏ ngầu trên dòng sông Bạch Đằng, và cả máu của những anh hùng hữu danh và vô danh con dân nước Đại Việt ta nữa chứ! Máu ta, máu giặc cùng hòa vào dòng sông, đều cùng là máu người cả, bởi “ máu người không phải nước lã”. Những chiến binh phía Nguyên Mông, chỉ là những nông dân vô tội, bị ép buộc phải cầm vũ khí, phải chết một cách vô nghĩa vì quyền lợi và tham vọng bẩn thỉu của bọn cầm quyền ngạo mạn, sao chẳng đáng thương? Nên chi vua Trần Minh Tông mới viết là “ máu người chết trận” ( thác nghi chiến huyết), chứ không chỉ là “máu giặc”, đủ thấy một tấm lòng thương người không biên giới, một minh triết nhân văn sâu rộng đến nhường nào!” ( trang 218).

- Nhân bàn về sai lầm của vua Trần Minh Tông và sự ân hận của nhà vua, Vũ Bình Lục biện giải : “ Bậc thánh nhân chưa hẳn là đã toàn bích. Đến như Lê Lợi là vị vua anh hùng, nhưng ông ấy cũng phạm những sai lầm nghiêm trọng, quá tin bọn xu thời hiểm độc, nên đã giết hại một số trung thần khai quốc. Lại đến như vua Lê Thánh Tông, một vị vua sáng, anh hùng, có công lớn với đất nước, cũng là người minh oan cho Nguyễn Trãi sau này. Minh oan cho Nguyễn Trãi là sáng suốt rồi, nhưng không dám minh oan cho bà Nguyễn Thị Lộ, thì đó lại là một sự thiếu trung thực. Cuối đời, Lê Thánh Tông cũng mắc sai lầm nghiêm trọng, nghe sàm tấu mà giết hại mấy trung thần. Chả thấy các vị vua ấy có lời hối hận nào được ghi vào sử sách hay văn chương cả. Thế mà thiên hạ vẫn hết lời ca ngợi Lê Lợi, Lê Thánh Tông, là bởi vì người ta nhìn thấy rừng, chứ không chỉ nhìn vào cây, không chỉ biết có cây vậy!” ( trang 220).

- Nhân chữ Thẹn trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, tác giả bình “ Đó chính là sự thẹn thùng có liêm sỉ của một nhân cách lớn, muốn vươn tới đỉnh cao của người quân tử chính danh. Thơ của ông cha ta thời trung đại, cũng thấy thể hiện không ít chữ thẹn thùng, ví như Chu Văn An, ví như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, rồi cả Nguyễn Khuyến chẳng hạn…Thẹn thùng được thể hiện như một uyển ngữ, vừa là tâm trạng, vừa là thái độ và trong đó ngầm chuyển tải thông điệp về ý chí của con người cá nhân ở những cấp độ và màu sắc khác nhau” ( trang 257-258).

- Vũ Bình Lục đã tranh luận nhẹ nhàng với các tác giả sách “ thơ văn Lý Trần, tập III “ nếu dịch Oanh hoa là mùa xuân, không sai, nhưng mà lại không ăn nhập với câu cuối. Chả lẽ Mùa  xuân lại làm rối nắng mai, tức nắng xuân hay sao? […] Chúng tôi dịch ra thơ : Oanh hoa hưng phế chẳng màng/ Vô tư đùa dỡn với chàng nắng mai là có thể chuyển tải đúng tinh thần nguyên tác chăng? “ ( trang 321)

Quan sát các bài viết của Vũ Bình Lục, chúng tôi thấy tác giả khi kết thúc bài viết rất hay dùng câu hỏi tu từ ( như câu vừa dẫn). Có thể thấy kiểu kết thúc này  trong phần cuối bài bình giải ở các trang: 78, 84, 104, 105, 109, 113, 125, 176, 180, 184, 202, 212, 220, 225, 249, 280. 290, 297, 313, 321, 350, 363, 387, 425, 464, 479, 497, 527, 532, 562, 578, 591, 608, 636, 669, 677, 692.  Gần 40 mươi lần dùng câu hỏi tu từ khi kết thúc bài viết. Chưa kể cũng số lượng nhiều hơn gấp đôi  như thế  câu hỏi  tu từ không khẳng định dứt khoát ở  giữa bài. Điều này cho thấy cách diễn đạt mềm mại, uyển chuyển của tác giả, vừa thể hiện sự khiêm nhường, vừa thể hiện tinh thần dân chủ, đối thoại với người đọc và cũng không gắng gỏi áp đặt hay ép buộc mọi người.



3. Tất nhiên, có nhiều lí do khác nhau, bên cạnh những thành công to lớn, đáng khẳng định, tác giả vẫn còn để lại những “ thiếu sót” theo  chúng tôi là rất đáng tiếc. Với mong muốn trao đổi lại để tác giả hoàn thiện khi tái bản, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số điều mà “với con mắt hạt đậu” chúng tôi thấy khi chăm chú đọc cuốn sách này.

Thứ nhất là những sai sót về mặt kĩ thuật.



Một số trang đã in thiếu chữ Hán

-         trang 53 thiếu hai câu thơ 7 và 8.

-         Trang 99 thiếu chữ “viên” ở câu thơ đầu

-         Trang 110, bài thơ 10 câu, thiếu 3 câu (8,9,10)

-         Trang 121, thiếu 4 chữ cuối của 4 câu thơ



Một số phiên âm thiếu hoặc sai

-         Trang 59 chữ Hán viết : xuất nham đầu, trang 60 lại phiên là thất nham đầu.

-         Trang 91 chữ Hán viết : Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn, trang 92 không phiên âm dòng nhan đề bài kệ.

-         Trang 132, câu thơ chữ Hán  thứ 2 của bài một viết : tùng tâm, phiên âm thành tùng lâm.

-         Trang 213, câu thơ chữ Hán thứ 5 viết là Sơn hà kim cổ, lại phiên âm thành Thiên hà kim cổ.

-         Trang 259, câu thơ chữ Hán thứ 8 viết là  kiến vịnh thi, lại phiên âm thành kiến vịnh chi.

-         Trang 273, cùng một chữ Hán, sách Hợp tuyển thế kỉ X- thế kỉ XVII ghi là Bùi Tông Quán, tác giả lại phiên thành Bùi Tông  Hoan. Cũng trang này, câu thơ thứ nhất chữ Hán viết lập giang thiên, lại phiên thành lập giang biên.

-         Trang 291, câu thứ 7 và 8 không ghi phiên âm :  Kỉ đa lỗi khối huy trung sự/ Thả hướng tôn tiền thi nhất kiêu. Mà thay bằng hai câu giải nghĩa.

-         Trang 295 câu thơ chữ Hán thứ tư viết Xuân vũ, lại phiên thành Hiểu vũ.

-         Trang 298 , nhan đề bài thơ bằng chữ Hán viết : Tống Đỗ Ân Ky tử quá Chí Linh. Phiên âm thiếu chữ tử, và sai nghiêm trọng là Đỗ, phiên thành Đồ, dẫn đến hiểu nhầm  chết người rằng Tiễn ông đồ Ân Ky.

-         Trang 302, nhan đề chữ Hán : Tiên Du sơn Vạn Phúc Tự, phiên âm thiếu chữ sơn.

-         Trang 310,  câu thơ chữ Hán thứ 6, phiên âm lỗi vi tính chữ man ( cũng đọc là mạn) thành  makn.

-         Trang 317, câu thơ thứ 4 chữ Hán viết cổ danh, lại phiên thành cổ thanh.

-         Trang 322, câu thơ chữ Hán thứ ba viết Quân vương, lại phiên thành quan vương. Đặc biệt nghiêm trọng là chữ  “phong” trong nhan đề  Động Nhiên phong hữu cảm. Chữ phong này có nghĩa là đỉnh, chỏm núi. Khi dịch nghĩa thì chữ Phong được dịch thành Đỉnh mới đúng.  Vì thế sẽ dịch nhan đề là : Cảm xúc khi qua đỉnh Động Nhiên. Nhưng đã  viết sai thành  qua đình Động Nhiên, một sai sót nghiêm trọng.

-         Trang 333, câu thơ chữ Hán thứ nhất viết : Nhất đôi thạch lão khi phiên âm lại thành Nhất đôi lão thạch. Câu thơ thứ tư chữ Hán viết: Võng la chỉ thị, phiên âm lại thành : Võng la chính thị.

-         Trang 405, nhan  đề chữ Hán in nhầm Tương gian cảm hoài, trong khi phiên âm lại là “ Vãn Châu Ngân Giang dịch”. Cũng cần nói thêm khi dịch nghĩa lại thành “Tới trạm Ngân Giang ở Linh Châu”, trang 407 viết Ngân Giang thuộc Linh Châu. Vậy Vãn Châu hay Linh Châu là đúng?

-         Trang 544 nhan đề chữ Hán viết Bão Phúc nham, phiên âm thành  Bão Phúc nam.

          - Trang 609, nhan đề và phiên âm Yên Tử sơn am cư, khi dịch nghĩa lại bỏ mất chữ Yên Tử, chỉ còn Ở am trên núi.



Chúng tôi cũng muốn trao đổi lại một số điều nho nhỏ nữa với tác giả. Ví như tác giả đặt nhan đề là “ Hồn thiền trong thơ Lý- Trần”. Nhưng thế nào là vị thiền, màu thiền, phong vị thiền, hồn thiền là một chuyện quá khó. Hơn nữa, thơ của  thời nhà Lý thì rõ là thơ thiền, nhưng thơ nhà Trần, không phải bài nào cũng mang hồn thiền. Chỉ có một số nhà vua đi tu, một số vị quan lánh đời, nhưng ngay với những người này không phải bài nào cũng mang hồn thiền. Tác giả trong phần tiểu luận : “Thơ Lý-Trần một kì quan rực rỡ” đã không lí giải được hồn thiền và tiêu chí của nó cho cặn kẽ, và hình như có vẻ né tránh khi viết khái quát thơ thời Trần. Thiết tưởng chính xác nhất, cái tên của tập này phải là Thơ Lý- Trần ( tinh tuyển, dịch thơ và bình giải).

          Việc dịch thơ của tác giả chúng tôi đã nói khái quát về thành tựu ở phần trên. Tuy vậy, đọc kĩ, vẫn thấy có thể cần phải trao đổi lại đôi điều. Chẳng hạn với bài Nam quốc sơn hà, các nhà nghiên cứu đã xác định không phải của Lí Thường Kiệt. Rồi có nên dịch quá thoát như Vũ Bình Lục “ non sông đây, có chủ rồi” câu thơ Sông núi nước Nam, vua Nam ở ?

Bản dịch thơ ở trang 45: Trâm anh trót đã mắc câu bầy cò. Người đọc câu này sẽ ngỡ bầy cò đánh bẫy trâm anh. Trong khi đó nguyên tác là “ trót vướng trâm anh trong bầy cò”, nghĩa là cũng  vướng vào trâm anh như bầy cò đó.

Trang 69. Sách Hợp tuyển dịch  Ngư nhànCảnh thanh nhàn của ngư ông, tác giả theo sách khác hay tự dịch thành Cái nhàn của làng chài. Thật ra làng chài chỉ được nhắc đến trong một câu thơ mà chỉ là tả cảnh ( một xóm dâu gai, một xóm khói mây), còn ngư ông được nhắc trong hai câu, trong đó có câu kết. ( Ngư ông ngủ say, không ai gọi/ Quá trưa tỉnh dậy, tuyết xuống đầy thuyền).  Đọc cả bài thì thấy  cảnh nhàn của ngư ông mới là chính xác.

Trang 165, bản dịch nghĩa : Khác nào “ trông tường thấy bóng, ăn canh thấy hình” dẫn điển tích vua Nghiêu nhớ vua Thuấn, thấy vua Thuấn hiện trên tường ( khi  ngồi nhìn), trong bát canh ( khi ăn). Tác giả dịch thành thơ “ Trông tường như thấy Thuấn Nghiêu dáng hình”. Hóa ra Trần Nhân Tông thấy cả Nghiêu và Thuấn ? Lẽ ra cần dịch :

Chùa Phổ Minh vẫn cô liêu

Tựa vua Thuấn nhớ vua Nghiêu thuở nào

        mới đúng điển cố và sáng nghĩa.

                   - Trang 178 tác giả dịch : Những quan thất phẩm áo khăn chỉnh tề. Nguyên văn Y quan thất phẩm, nghĩa là Áo mũ chỉnh tề các quan đủ bảy hạng ( từ nhất phẩm đến thất phẩm). Nên dịch Các quan bảy hạng áo khăn chỉnh tề mới chính xác.

          -  Trang 185, tác giả dịch câu thơ chữ Hán “ Thụy khởi châm thanh hà mịch xứ” thành “ Chợt tiếng chày ai say đập áo”, trang sau lại bình giải

“ tiếng chày đập vải thùm thụp sôi lên nhịp sống lao động rất đời thường, thanh bình và yên ấm, khiến người thơ như bừng tỉnh giấc chiêm bao” 

( VN nhấn mạnh) . Như thế hoàn toàn sai lệch so với nguyên tác. Bản dịch đúng, in trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam chúng tôi đã dẫn ( trang 85)

, câu này là “ Thức dậy, tiếng chày đã vắng ngắt”.      

- Trang 209 bài mưa đêm, bản dịch nghĩa dịch :  Há đâu chịu ngồi ôm mối sầu mà nghe mưa rơi, khi bình giải ở trang 211, Vũ Bình Lục đã bình đúng : “ Nhưng đã biết sai rồi thì phải kiên quyết sửa lỗi, dẫu có muộn màng, chứ không thể cứ ngồi ôm mối u hoài mà than vãn suông “ Há đâu chịu ôm mối sầu mà nghe mưa rơi” ! Đáng tiếc, khi dịch thơ, lẽ ra cần dịch : Há ôm sầu hận lặng thầm nghe mưa thì tác giả lại dịch thành : Đành ôm sầu hận lặng thầm nghe mưa. Một đằng là không chịu, một đằng là buông xuôi, khác hẳn nhau.

          - Trang 307 câu thơ chữ Hán : Nhất vị thuần lô nãi nhĩ hà. Dịch nghĩa  : nhưng phong vị cá, rau quyến luyến làm sao.  Thuần là rau thuần, lô là cá lô. Câu thơ dịch Thú quê thuần vược níu chân khách phàm, hai chữ “thuần vược” lại thành điển cố mới, trong khi có thể dịch giản dị : Thú quê rau, cá níu chân khách phàm…

          - Trang 385 câu thơ chữ Hán : Dã điệp thâu hương đới phấn khinh Bản dịch nghĩa không rõ vì sao lại thành Bướm nội trộm hương nhẹ nhàng mang theo phấn. Vũ Bình Lục bị ám ảnh bởi chữ trộm, nên dịch : Bướm trộm hương nhẹ nhàng qua trước thềm. Oan cho bướm quá. Chữ thâu chỉ có nghĩa là thu, bướm đi thu hương hoa thôi, làm gì có chuyện trộm cắp ở đây!

Cũng còn một vài chỗ có thể trao đổi cho minh bạch, tránh hiểu lầm. Chẳng hạn tác giả bình giải chữ câu tử ( con ngựa non, con ngựa khỏe, con ngựa hai tuổi) thành ra ngựa quý, rồi lại lan man “ Ngựa quý, là Ngựa Kỳ, ngựa Ký, còn gọi là “thiên lí mã” ( trang 61). Khác xa với nguyên bản.         

Trang 194, câu thơ của Trần Anh Tông : Bất phục du chàng nhập mộng trung. Khi bình giải, Vũ Bình Lục đã công phu dẫn Du chàngmàn trướng ( trang 197) theo sách Di phục chí. Chúng tôi xem trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam  thế kỉ X – thế kỉ XVII, thì chữ du chàng được hiểu là lá cờ lệnh. Thực tế, tra chữ chàng, thì được rõ đó là một loại cờ. Giữa cờ lệnhmàn trướng, chúng tôi thấy cách giải thích của sách Hợp tuyển khả tín hơn.

Trang 416, Vũ Bình Lục dịch : Áo chiến bào đã ướt đầm sương mai. Thật ra, chinh chữ Hán có nghĩa trước hết là  đi xa, nghĩa thứ hai mới là đánh nhau, còn hai nghĩa nữa là thu lấytiến lên. Chúng ta gặp chữ này trong câu thơ ở bài Tảo giải của Hồ Chí Minh : Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng ( Người đi cất bước trên đường thẳm). Ở đây chinh bào chỉ có thể hiểu là áo người đi xa. Mà ông quan đi sứ chứ có ra trận đâu mà lại mặc chiến bào?

Cũng về bài thơ này, Vũ Bình Lục nêu ra băn khoăn về chuyện đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn. Ông đi sứ lần thứ nhất để đáp lễ nhà Nguyên 1314- 1315 thì đã rõ, được ghi trong chính sử. Vì ở bài thơ này có chuyện cờ Hán, mà Hán thì không phải nhà Hán của Lưu Bang, vậy Hán nào? Vũ Bình Lục ngờ rằng có thể Nguyễn Trung Ngạn cầm đầu sứ đoàn sang thăm dò Trần Hữu Lượng ( con Trần Ích Tắc), người xưng đế, gọi là Hán đánh nhau với Chu Nguyên Chương nhà Minh.

Vấn đề là cờ Hánngựa Hồ trong bài thơ nên hiểu như thế nào. Nếu cờ Hán là cờ của Trần Hữu Lượng, vậy ngựa Hồ là ngựa của ai?  Tác giả giải thích:  ngựa Hồ không hẳn chỉ quân Nguyên Mông nói chung, hay  chỉ là để đối với cờ Hán cho chỉnh câu văn? Chúng tôi  cho rằng không nên hiểu chi tiết Hán, Hồ như thế. Đây chỉ như là thi liệu  có tính ước lệ mà nhà thơ dùng để chỉ  những gì nhìn thấy trên đất khách mà thôi.



Chúng tôi đã dẫn ra những chỗ còn phân vân của mình về cuốn sách công phu và tâm huyết của nhà giáo, nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục. Như đã nói trước, với lòng yêu mến và trân trọng tác giả, chúng tôi “vẽ rắn thêm chân” chẳng qua muốn thấy cuốn sách hoàn thiện, xứng với công sức, tấm lòng của tác giả với tiền nhân, với lịch sử văn học dân tộc. Những gợi ý   của chúng tôi hi vọng sẽ được tác giả để mắt tới, ngõ hầu làm cho cuốn sách phục vụ tốt nhất cho bạn đọc.



                                             Hà Nội, 8 tháng 8 năm 2013



                                                               Chủ trang Vũ Nho, ảnh chụp năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét