Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

CHUYỆN MỘT BÁC NÔNG DÂN NUÔI HAI VỊ TƯỚNG QUÂN


                                                                 Vũ Nho chủ trang

CHUYỆN MỘT BÁC NÔNG DÂN NUÔI HAI VỊ TƯỚNG QUÂN

                                                           Xantưcop Sedrin ( Nga)
                                                            Vũ Nho dịch

Có hai ông tướng. Bởi cả hai cùng khinh suất, nông nổi, nên sắp tới, như có phép thần, theo ý muốn của tôi, các ông sẽ rơi xuống một đảo hoang.
          Hai ông tướng cả đời đã làm việc ở một văn phòng nào đó. Ở đó, các ông ấy được sinh ra, được nuôi lớn và trở thành người già, nên các ông chẳng hiểu biết gì cả. Đến nói cũng chẳng biết gì hơn câu : ” Xin được ngài chấp nhận lời cam đoan hoàn toàn thành kính và tận tụy của tôi!”.
          Người ta bỏ văn phòng vì nó đã vô dụng và giải phóng cho hai ông tướng. Ra khỏi biên chế, hai ông đến Peterburg, ở trên phố Podiatrexki, trong hai căn hộ riêng, có hai chị bếp riêng và hàng tháng hưởng lương hưu. Đột nhiên các ông lạc đến một đảo hoang, rồi tỉnh giấc và thấy cùng đắp chung một cái chăn. Lẽ dĩ nhiên, thoạt đầu các ông chẳng hiểu gì cả và bắt đầu nói chuyện, cứ như không có gì xảy ra.
          - Lạ thật, thưa đại nhân, tôi nằm mơ hay sao ấy! – một ông tướng nói – Tôi thấy như mình đang ở trên đảo hoang...
          Ông tướng nói xong bỗng nhảy phắt lên. Ông kia cũng nhảy lên.
          - Trời ơi! Chuyện gì lạ thế này! Chúng ta ở đâu vậy nhỉ?
          Cả hai kêu toáng lên rồi quay ra sờ nắn nhau xem là mơ hay thật. Hóa ra là thật! Họ tự nhủ chẳng qua cũng chỉ là mơ nhưng cuối cùng vẫn phải buồn rầu thừa nhận chuyện là thực.
          Trước mắt họ, biển trải rộng xa tắp một phía, phía kia là một rẻo đât hẹp, sau rẻo đất ấy  lại cũng là biển không bờ.
          Hai ông tướng bật khóc, lần đầu tiên kể từ ngày người ta đóng cửa văn phòng.
          Họ nhìn kĩ lại nhau và nhận ra cả hai cùng mặc đồ ngủ, trên cổ treo mề đay.
          - Giá có tách cà phê thì tuyệt! – một ông tướng buột miệng; sực nhớ đang gặp một trò đùa tai quái chưa từng thấy bèn òa khóc lần nữa.
          - Chúng ta sẽ làm gì bây giờ? – Ông tướng tiếp lời qua dòng nước mắt. – Chẳng nhẽ viết báo cáo?
          - Phỏng ích gì?
          - Thế này vậy, -ông tướng kia đáp- người hãy đi, thưa đại nhân, sang Đông, còn tôi – sang Tây, buổi chiều mình vòng lại đây. Có thể sẽ tìm thấy gì chăng?
          Họ bắt đầu tìm hướng Đông, hướng Tây. Họ nhớ quan trên dạy nếu muốn tìm hướng Đông thì quay mặt về hướng Bắc, bên tay phải chính là hướng cần tìm. Họ bèn tìm phương Bắc, đứng thế này, đứng thế nọ, quay đủ các hướng, nhưng vì cả đời làm việc trong phòng giấy nên không tìm nổi.
          - Thế này vậy, thưa đại nhân : đại nhân đi sang phải, còn tôi sang trái, thế sẽ tốt hơn! – Một ông tướng nói. Ông này ngoài công việc ở văn phòng còn từng làm thầy giáo luyện chữ ở trường võ bị liên tổng, nên tất nhiên có thông minh hơn.
          Nói sao – làm vậy. Một ông  tướng đi sang bên phải và thấy cây cối mọc đầy, trên cây vô khối quả. Ông tướng muốn kiếm dù chỉ một quả táo, nhưng chúng đều treo cao đến mức phải trèo mới hái được. Ông  tướng thử trèo – nhưng không ăn giải gì, áo ông liền rách toạc. Ông tướng kia đi ra suối nhìn thấy: cá đầy đặc hệt trong ao nuôi ở Fontanca, nhung nhúc những cá là cá. ” Giá mang được lũ cá này về phố Podiatrexki!” – Ông tướng nghĩ, mặt nhăn dúm lại vì thèm. Ông tướng đi tiếp vào rừng – chim hót ríu tít, gà lôi trống gáy gọi gà lôi mái, thỏ chạy tung tăng.
          -Trời ơi! Thức ăn! Thức ăn! – ông tướng kêu, sau khi cảm thấy nôn nao trong cổ họng.
          Chẳng làm thế nào được, ông tướng tay trắng trở lại chỗ hẹn. Ông tướng kia đã ngồi sẵn đợi.

-         Thế nào, thưa đại nhân, đại nhân kiếm được gì chăng?
-         Có đấy, có trang báo cũ Tin Moxcva, chẳng có gì hơn!
Hai ông tướng lại nằm ngủ, nhưng không ngủ nổi vì rỗng bụng. Hai ông hết lo không có người lĩnh hộ lương hưu, lại quay sang nhớ những trái cây, tôm cá, chim chóc, gà lôi, thỏ rừng nhìn thấy ban ngày.
- Ai biết được, thưa đại nhân, rằng thức ăn của người, ban đầu lại biết bay, biết bơi và mọc ở trên cây nhỉ? – Một ông tướng hỏi.
- Quả vậy – ông tướng kia đáp – thú thực là đến bây giờ tôi vẫn cứ tưởng bánh mì trắng tự nhiên sinh ra đã như thế, như buổi sáng người ta bán cho chúng ta kèm với cà phê ấy!
- Vậy là, nếu muốn ăn gà gô, thì trước tiên phải bắt nó, giết, vặt lông, rồi nướng chả...Nhưng làm mọi chuyện đó như thế nào?
- Làm mọi chuyện đó như thế nào? – như một tiếng vọng, ông tướng kia lặp lại.
Cả hai im lặng, bắt đầu cố gắng thiếp đi, nhưng cái đói hoàn toàn xua tan giấc ngủ; chim đa đa, gà gô, lợn sữa chập chờn trước mắt họ: béo ngậy, tuyệt ngon nằm ngồn ngộn bên đủ thứ rau quả.
- Tôi đói đến nỗi có thể xơi cả ủng da của mình mất thôi! – Một ông tướng nói.
- Có đôi găng da cũ mà chén cũng tốt nhỉ! – Ông tướng kia thở dài.
Bỗng nhiên hai ông tướng liếc nhau, mắt tóe lửa man rợ, răng nghiến kèn kẹt, từ lồng ngực phát ra tiếng gầm ghè ghê sợ. Cả hai chầm chậm bò lại gần nhau, trong giây lát bốn mắt quắc lên. Một cuộc ẩu đả nổ ra, tóc tai bị giật đứt rơi lả tả. Họ hét lác, kêu lên ôi ối. Ông tướng từng làm thầy giáo luyện chữ cắn đứt huân chương của ông bạn nuốt tọt vào họng. Nhưng viễn cảnh đổ máu làm họ sực tỉnh.
- Chúng mình là đồng loại – họ đồng thanh thốt lên – sao ăn thịt nhau được?
- Sao chúng ta lại sa vào đây? Thằng đểu nào chơi xỏ vậy chứ?
- Thưa đại nhân, ta phải nói chuyện gì đó để tiêu khiển, nếu không, khéo đến giết nhau mất! – Một ông tướng nói.
- Đúng vậy! – Ông kia đáp.
- Ví dụ nhé, đại nhân thử nghĩ mà xem, sao mặt trời đầu tiên lại mọc rồi sau mới lặn mà không ngược lại?
- Ngài hỏi thật kì quặc, thưa đại nhân, đại nhân  chẳng cũng thức giấc rồi mới đến công sở, ở đó đại nhân ngồi viết lách cách, rồi sau cùng mới đi ngủ đó sao?
- Thế tại sao không thể sắp đặt lại thế này : đầu tiên tôi đi ngủ, mơ đủ thứ tuyệt vời kèm, rồi sau mới thức dậy?
- Hừm...Vâng...Quả có vậy...Còn tôi, xin thú thực là, khi ở công sở, bao giờ tôi cũng nghĩ thế này : đây, bây giờ là buổi sáng, sau đó sẽ là buổi trưa, rồi đến bữa tối, và cuối cùng là đi ngủ!
Nhưng việc nhắc đến bữa tối khiến hai ông lại ỉu xìu và câu chuyện tắt ngóm ngay từ khi vừa khơi mào.
- Tôi nghe một ông tướng bác sĩ nói rằng con người ta có thể sống lâu chỉ nhờ thứ dịch nào đó của riêng mình – Một ông tướng bắt đầu kể.
- Thế là thế nào?
- Vâng, thế đấy. Thứ dịch ấy hình như sinh ra từ những thứ dịch khác, rồi sinh ra từ mình các thứ dịch khác và cứ thế, cứ thế,... cho đến khi cạn kiệt...
- Rồi sao?
- Rồi người ta phải ăn cái gì đó vào mồm...
- Phù!
Tóm lại, dù bắt đầu từ đâu, câu chuyện của họ cuối cùng đều quay trở về với các đồ ăn thức uống, và lại càng khiến họ thèm rỏ dãi cả ra. Cả hai quyết định không nói chuyện nữa; rồi đột nhiên nhớ đến tờ báo Tin Moxcva nhặt được, họ mang ra đọc ngốn ngấu.
” Hôm qua, - một ông tướng xúc động đọc – tại nhà thủ trưởng đáng kính ở đô thành cổ kính của chúng ta có một bữa tiệc thịnh soạn. Chủ nhà bày ra một trăm bộ đồ ăn lộng lẫy, mĩ lệ cực kì. Cứ như bao nhiêu của ngon vật lạ muôn phương hẹn nhau dồn hết về buổi hội kì tuyệt này. Thôi thì đủ cả nào ”cá tầm vàng béo ngậy” (1), nào vô số sản vật miền Cavcaz, nào thịt chim trĩ, nào dâu rừng tháng hai cực hiếm từ phương Bắc mang về”.
- Phù, ôi trời đất ơi! Thưa đại nhân, lẽ nào đại nhân không tìm được cái gì khác ư? – Ông tướng kia thốt kêu lên tuyệt vọng, giật lấy tờ báo và đọc sang đoạn khác:
Tin Tula : hôm qua một buổi tiệc đã được tổ chức nhân dịp người ta bắt được một con cá chiên trên sông Tula ( chuyện lạ này tuy mấy tay dân kì cựu trong vùng không biết, nhưng ngài B., cảnh sát trưởng sở tại đã chứng thực). Chú cá chiên – lí do chính của cuộc vui – được đặt trên chiếc đĩa gỗ khổng lồ, giữa cơ man nào là dưa chuột bày quanh với một cọng rau xanh gài ngang qua mồm. Bác sĩ P., cựu thượng sĩ hải quân, trông nom rất cẩn thận để mỗi thực khách  đều được xơi một miếng cá chiên. Những món nước sốt muôn vẻ muôn màu, hết sức cầu kì...”.
- Đại nhân thứ lỗi, nhưng thưa đại nhân, hình như cả đại nhân chọn tin cũng hơi sơ suất đấy! – Viên tướng thứ nhất cắt ngang, và lại cầm tờ báo cao giọng : - ” Tin Viatca : một dân bản địa nghĩ ra cách nấu món canh cá độc đáo như sau : bắt cá tuyết sông còn tươi, đem khía sơ khiến cá tuyết đau buồn đến nở to lá gan ra...”
           Các vị tướng gục đầu xuống. Cứ họ để mắt đến cái gì là y như rằng đều về chuyện ăn uống; mọi ý nghĩ trong đầu đều khởi loạn, và dù cho cố gắng hết sức để xua đuổi, những tưởng tượng ngon lành về món bít tết vẫn ngoan cố mở đường chạy thẳng vào tâm trí họ. Nhưng bỗng nhiên, ông tướng từng làm thầy giáo luyện chữ phấn chấn hẳn lên.
          - Đại nhân nghĩ sao nhỉ, thưa đại nhân -, ông tướng mừng rỡ nói, - nếu như ta vớ được một bác nông dân, hả?
          - Một bác nông dân...thì sao nào?
          - Vâng, một bác nông dân bình thường... như các nông dân bình thường khác...Bác ta sẽ lập tức mang cho ta bánh mì trắng, sẽ bắt gà gô và cá nữa...
          - Hừm...nông dân...nhưng đào đâu ra một thứ như vậy, khi không có hắn?
          - Sao lại không có nông dân – đâu mà chả có nông dân, chỉ việc đi tìm bác ta về thôi! Có thể bác ta đang chui rúc trốn việc ở đâu đó!
          Ý nghĩ này làm hai ông tướng khoan khoái nhảy cẫng lên như mấy con rối và chạy ngay đi kiếm bác nông dân.
          Hai ông tướng lang thang trên đảo rất lâu không có kết quả, cuối cùng một mùi găn gắt của bánh mì làm từ cám và áo da cừu chua chua nồng nồng đã chỉ đường cho họ. Dưới gốc cây, một nông dân nằm ngửa, tay kê dưới gáy, ngáy say sưa. Đích thị là một gã đại lếu láo đang lỉnh việc. Hai ông tướng phẫn nộ không để đâu cho hết.
          - Ngủ à, đồ chẩy thây!
          Hai ông mắng té tát:
          - Mày phỏng không biết có hai tướng quân đang chết lả vì đói hai ngày đêm nay sao? Dậy ngay đi làm việc, a lê, hấp!
          Bác nông dân mở mắt ; thấy rõ hai ông tướng đang rất trang nghiêm. Bác ta cũng định lỉnh đi nhưng bị hai ông tướng phát hoảng lạnh toát cả người vồ lấy, tóm chặt.
          Thế là bác ta đành bắt tay vào việc trước mắt hai ông tướng. Thoạt tiên bác ta trèo cây vặt mười quả táo chín thơm nhất cho hai ông tướng, phần mình chỉ dám xơi một quả - một quả táo chua. Sau đó , bác ta bới đất, dỡ khoai tây lên, rồi dùng hai mảnh vỏ cây quẹt mạnh vào nhau để lấy lửa. Sau đó bác ta nhổ tóc của mình làm cái bẫy để bắt gà thông. Sau rốt, bác ta thổi bùng lên một đống lửa, nướng nướng, quay quay một đống đồ ăn, nhiều đến nỗi các ông tướng nảy ra ý nghĩ : nên chăng, cho gã du thủ du thực ấy dăm miếng gì?
          Hai ông tướng ngắm bác nông dân cặm cụi, trái tim cứ rộn ràng vì sướng. Họ quên phắt hôm qua suýt chết đói mà nghĩ : làm tướng thật hay – đi đâu cũng không hoài công làm tướng!
          - Các ngài hài lòng chứ ạ, thưa các đại tướng quân? – Bác nông dân ”đồ lười chẩy thây” hỏi.
          - Chúng ta hài lòng, anh bạn yêu quý ạ, chúng ta thấy rõ anh rất thành tâm – hai ông tướng đáp lời.
          - Thế bây giờ các ngài cho tôi được nghỉ chứ?
- Nghỉ ngơi đi, anh bạn, nhưng hãy bện cho chúng ta sợi thừng cái đã!
Bác nông dân liền kiếm cây gai dại, ngâm xuống nước, đập dập, chuốt xơ – đến chiều bác bện xong sợi thừng. Hai ông tướng dùng sợi thừng trói bác nông dân vào thân cây để bác ta khỏi trốn mất, còn mình thì quay ra ngủ.
Một ngày trôi qua. Một ngày nữa trôi qua. Bác nông dân xoay xở khéo léo, tay không mà vẫn nấu được xúp. Hai ông tướng của chúng ta trở nên tươi rói, vui vẻ, no nê, trắng nõn. Họ bèn nói rằng ở đây họ sống cũng đàng hoàng, còn lương hưu ở Peterburg ngày  càng được tích góp thêm nữa.
- Đại nhân nghĩ sao, thưa đại nhân, liệu có chuyện lộn xộn khi người ta xây tháp Babilon không? Hay chỉ là một câu chuyện ngụ ý gì? – Một hôm, một ông tướng nói với ông tướng kia sau bữa điểm tâm.
- Tôi nghĩ là có thật, đại nhân ạ, chuyện đó có thật, vì nếu không thì làm sao giải thích nổi tại sao có lắm thứ tiếng khác nhau tồn tại trên thế giới này đến thế?
          - Thế cũng có Đại Hồng Thủy chứ?
          - Đại Hồng Thủy cũng có thật, bởi vì rằng nếu không như thế, làm sao có thể giải thích tại sao có những thú vật từ trước Đại Hồng Thủy nào? Hơn nữa, báo Tin Moxcva viết...
          - Hay ta đọc Tin Moxcva nhỉ?
          Họ lục tìm tờ báo, ngồi dưới bóng cây râm, đọc hết cột này sang cột khác, về những chuyện người ta ăn ra sao ở Moxcva, ở Tula, ở Penda, ở Riazan – và chẳng bị làm sao hết, chẳng thèm thuồng gì hết!
          Tuy vậy, chẳng mấy chốc, hai ông tướng bắt đầu thấy phiền muộn. Họ bắt đầu thường xuyên nhớ hai chị bếp đã bỏ lại ở Peterburg, và thậm chí họ còn khóc lén, khóc thầm.
          - Phố Podiatrexki giờ này ra sao đại nhân nhỉ? – một ông tướng hỏi.   
         - Xin ngài đừng nói nữa, thưa đại nhân! Tim tôi đang héo hắt cả đây !- Ông tướng kia đáp.
          - Ở đây tốt đẹp thật – đúng là khỏi phải chê! Nhưng vẫn buồn phiền làm sao ấy! Đến cả bộ lễ phục cũng thương, cũng nhớ.
          Nhớ quá đi ấy chứ! Nhất là bộ lễ phục tứ phẩm (2). Cứ nhìn cái ngù thêu của nó đầu óc đã váng vất hết cả lên!
          Và họ bắt đầu thúc bách đòi bác nông dân đưa trở lại phố Podiatrexki! Thôi đành vậy! Hóa ra bác nông dân cũng biết phố Podiatrexki, đã ở đó, đã uống thứ bia vàng như mật toàn chảy theo ria mép không làm sao vào mồm được!
          - Chúng ta là các đại tướng ở chính cái phố đó! – hai ông tướng mừng rỡ.
          - Còn tôi, giá các vị nhìn thấy cái kẻ treo người lủng lẳng bên ngoài các ngôi nhà trong một chiếc thùng buộc dây, quét sơn các bức tường, hay là đi men trên các mái nhà hệt con ruồi chính là tôi đó! – Bác nông dân đáp.
          Và bác nông dân bắt đầu cà kê dê ngỗng, rằng bác muốn làm các ông tướng của mình sung sướng bởi các ông thật khoan dung với bác ta, một gã du thủ du thực, đã không khinh mệt cái công sức nông dân của bác ta!
          Và bác đã đóng xong con thuyền – không, không phải con thuyền, mà là một chiếc chậu gỗ khổng lồ để vượt biển – vượt đại dương thẳng một mạch về đến tận phố Podiatrexki.
          - Liệu hồn, anh chàng bịp bợm ạ, đừng có mà dìm chúng ta đấy! – Các ông tướng đe khi nhìn cái chậu bập bềnh trên sóng.
          - Xin yên tâm đi, thưa các đại tướng, đây có phải lần đầu đâu! – bác nông dân đáp và bắt tay chuẩn bị cho cuộc hành trình.
          Bác đi nhặt lông thiên nga mềm để rải đáy thuyền. Sau đó bác đặt các ông tướng lên tấm thảm ấy, làm dấu thánh và  rồi lôi đi. Hai ông bị mấy phen sợ hãi, hoảng hồn vì đủ thứ sóng gió, bão tố. Khối lần các ông ra sức rủa bác nông dân vì bác ta thật vô tích sự đến không bút nào tả xiết, không truyện cổ tích nào có thể kể hết. Còn bác nông dân vẫn chèo thuyền, chèo mãi và bắt cá trích nuôi sống các ông.
          Cuối cùng, dòng Neva-mẹ hiền- đã hiện ra, rồi đến dòng kênh yêu dấu mang tên Ecaterina, và kia là phố Đại Podiatrexki! Mấy chị bếp rối rít vẫy tay khi trông thấy các ông tướng của họ no nê, trắng mẫm và vui vẻ đến vậy! Các ông tướng uống thỏa thuê cà phê, ăn thả phanh bánh sữa và thắng lễ phục vào. Họ đến ngân khố quốc gia và lĩnh không biết cơ man nào là tiền – không bút nào tả xiết, không truyện cổ tích nào nói cạn!
          Nhưng họ chẳng quên bác nông dân đâu nhé; họ gửi cho bác một chén vodca và một đồng xu bạc : hãy vui vẻ đi, bác nông dân!

Đã in trên Văn Ngệ Quân Đội số tháng 8/2013





5 nhận xét:

  1. TUy một số từ dùng không có vẻ Nga lắm nhưng câu chuyện vui đáng đọc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu từ dùng là Nga thì phải đọc ở bản tiếng Nga ông bạn ạ.
      Tôi chuyển tiếng Việt, cốt không sai nội dung là ổn.
      Cám ơn đã ghé và để lại nhận xét!

      Xóa
  2. Chết cười với hai ông tướng của chủ quán, tự phụ, dốt nát và keo kiệt. Mà đâu phải hạng người đó chỉ có ở nước Nga.

    Trả lờiXóa
  3. Chết cười với hai ông tướng của chủ quán, tự phụ, dốt nát và keo kiệt. Mà đâu phải hạng người đó chỉ có ở nước Nga.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái hay là ở đâu thì nông dân cũng làm mọi việc, nhưng đãi ngộ thì mọi người biết đấy. Đúng như câu tục ngữ cải tiến : Quan nhất thời SƯỚNG, dân vạn đại KHỔ!
      Cám ơn Miennho đã ghé trang!

      Xóa