Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Ra mắt tiểu thuyết SÓNG HẬN SÔNG LÔ của nhà văn Vũ Ngọc Tiến




RA MẮT TIỂU THUYẾT “SÓNG HẬN SÔNG LÔ” CỦA NHÀ VĂN VŨ NGỌC TIẾN

                                                                           
Theo thư mời đã được thông báo trên các trang mạng, chiều 10 tháng 8, tại trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, buổi ra mắt tiểu thuyết được tổ chức với sự tham gia đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu và bạn đọc.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình giới thiệu tóm tắt về tiểu thuyết Sóng hận sông Lô, những thành công và đóng góp mới của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến phát biểu đôi điều về việc chọn đề tài, lối viết mới cho Sóng hận sông Lô.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, cây tiểu thuyết lịch sử chúc mừng thành công của đồng nghiệp Vũ Ngọc Tiến. Ông nhấn mạnh vai trò của nhà Lê. Nếu cuộc kháng chiến của Lê Lợi không thành công, không biết có còn tồn tại nước Đại Việt. Nhà văn dẫn chứng sự tàn bạo cướp sạch, đốt sạch của bọn xâm lược phương Bắc. Ông dẫn chứng đồ gốm nhà Trần rực rỡ thế, nhưng đến thời nhà Lê thì “tuyệt diệt”. Bởi bọn giặc bắt đi những người thợ tài hoa nhất. Ông mời mọi người lên chùa ĐỌI để xem tấm bia đá to, bọn giặc Minh đập vỡ một góc như là chứng tích tội ác. Ông tự tin tuyên bố đầy trách nhiệm rằng từ xưa đến tận bây giờ, âm mưu thôn tính Đại Việt của bọn thống trị phương Bắc không hề thay đổi. Không phải ngẫu nhiên, các bậc đế vương của nước ta, khi trăng trối  cho con cháu luôn nhắc cái họa phương Bắc.
Nhà văn cho rằng “Sóng hận sông Lô” là cuốn sách kịp thời cảnh tỉnh những ai giả vờ, hoặc cố tình ngủ quên trước hiểm họa đất nước. Đồng thời thổi một luồng sinh khí mới vào tinh thần yêu nước có lúc bị xúc phạm. Ông tâm đắc với bài học lịch sử về nhà Hồ xây thành đá và chịu thất bại được nói tới trong tiểu thuyết này. Nhà Hồ “xa dân, ngờ dân, sợ dân, ép dân” nên thất bại. Thành nhà Hồ xây kiên cố thế, nhưng không bắn được một mũi tên, không giết nổi một tên lính quèn nhà Minh. Từ góc độ nghiên cứu riêng, ông khẳng định Hồ Quý Ly không có tài, chưa đánh thắng một trận nào.
Hoàng Quốc Hải tâm đắc với những thông điệp nổi và chìm trong tiểu thuyết này. Ông nhắc lại lời của Mác về lịch sử, không phải là triệu bóng ma lịch sử trở về.
Nhà giáo Phạm Xuân Thạch phát biểu cảm nhận tiểu thuyết như viên ngọc nhưng chưa được mài giũa kĩ. Ông thấy xu hướng “phức tạp hóa” nhân vật lịch sử ( trong chính sử họ thường đơn giản). Ông cho rằng thành công của nhà văn là đã dựng nên một Lê Lợi không chỉ là một thủ lĩnh ( điều này quen thuộc), mà dựng lên Lê Lợi như một nhà vua, một người đứng đầu quốc gia. Lê Lợi vừa là thủ lĩnh, vừa là  nhà vua, đó là nét mới.
TS sử học Đinh Công Vĩ viết một tham luận dài. Ông là nhà Lịch sử, nên chăm chú xem xét sự “vi phạm” lịch sử đến đâu trong hư cấu của nhà văn. Sợ mất thì giờ của mọi người, ông tóm tắt bài viết và sẽ góp ý chi tiết với tác giả.
 Nhà văn Lê Mai viết một tham luận dài. Ông thích khoe giọng đọc trầm của mình nên nói với cử tọa rằng chỉ đọc mất bảy phút. Thực tế là nhiều hơn gấp hai lần. Lê Mai liên hệ “trực tiếp” âm mưu của bọn giặc Minh  trong tiểu thuyết với thực tế bây giờ bọn Tàu khai mỏ,  lập phố Tàu, thu mua đỉa…
TS Nguyễn Văn Khải- ông gìa Ozon chúc mừng nhà Văn, ông nhớ con phố Trần Nguyên Hãn thủa ấu thơ và viên tướng tài Trần Nguyên Hãn trong tiểu thuyết. Với tư cách bạn đọc, ông thích tiểu thuyết này.
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Hồng  cảm nhận tính kịch trong tiểu thuyết, đặc biệt là với nhân vật Trần Nguyên Hãn. Ông trao đổi với tác giả về một số chi tiết muốn hiểu rõ.
PGS TS La Khắc Hòa phát biểu với tư cách người đọc, đã đọc tiểu thuyết qua bản vi tính do PGS TS Trần Mạnh Tiến cùng khoa Văn gửi cho. Ông nói đùa “bổ chính” ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Nhà nước ta rất quan tâm đến Lịch sử. Ông dẫn chứng là thành nhà Hồ ở Thanh Hóa quê ông. Trước ra vào tự do. Từ ngày nhà nước “quan tâm”, có bảo vệ, không được “tự do” vào nữa. Và  chuyện thành cổ Tuyên Quang, sau khi được “quan tâm” đầu tư thì trở thành “cái lò gạch”!
La Khắc Hòa thích khái quát mô hình, hệ thống. Ông cho rằng Vũ Ngọc Tiến đã dựng được cái khung mới cho tiểu thuyết lịch sử ở ta. Vũ Ngọc Tiến không viết Lịch Sử như ngụ ngôn, rút ra bài học; nhà văn đã kể “câu chuyện thú vị” về Lịch Sử để người đọc nhận lấy thông điệp. Tán thành ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải, La Khắc Hòa cho rằng chúng ta nên “ngủ một mắt”  khi ở cạnh anh bạn láng giềng lắm thủ đoạn.
PGS TS Trần Mạnh Tiến nhấn mạnh  vốn kiến thức lịch sử dày dặn của nhà văn. Tiểu thuyết lịch sử này đã dựng lại thành công nhân vật lãnh tụ cuộc kháng chiến có tầm văn hóa. Đây là tiểu thuyết thành công vì đã đánh thức ý thức lịch sử của mọi người.
PGS TS Vũ Nho là người phát biểu sau cùng. Vì có bài viết in ở cuối tập sách nên  diễn giả chỉ nói miệng thêm mấy điều:
- Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã rất thành công khi viết bộ ba tiểu thuyết lịch Sử : Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ, Khúc Hạo, được in 3, 4 lần.
- Ông viết “Tiểu thuyết  giáo trình”,  “Tiểu thuyết Bài”, “Tiểu thuyết bài học”, “Tiểu thuyết giáo khoa” ( Lesson Novel) là viết thử nghiệm đầu tiên ở nước ta. Vì là đầu tiên, nên ngay cả tên gọi cũng chưa có cách gọi thống nhất. Nhưng đáng nói ở đây là thử nghiệm thành công. ( Nếu là người đầu tiên mà thất bại thì có gì đáng nói nhiều?). Diễn giả cũng có ý “tranh luận” thân ái với nhà văn Hoàng Quốc Hải khi nhà văn cho rằng tiểu thuyết đáp ứng sự “đói sử” của dân ta. Vâng!, diễn giả đồng tình với nhà văn, nhưng lại thêm : dân ta đói sử, nhưng lại kén ăn. Những món sử không chất lượng, không ngon thì dù đói cũng không ăn ( Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Gâu gần!). Vì vậy, tác phẩm lịch sử có hay thì dân ta mời xài. “Sóng hận sông Lô” đáp ứng được tiêu chí đó.
Diễn giả tâm đắc với các ý kiến trước đó và dẫn thêm: Nhà văn Tiệp Khắc J. Phu xích trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” đã viết câu nổi tiếng “ Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”. Tiểu thuyết này của nhà văn Vũ Ngọc Tiến cũng có một thông điệp nhắc nhở “ Hỡi con dân Đại Việt, hãy cảnh giác!”
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên mời bạn bè tăng hoa, mời nhà văn Vũ Ngọc Tiến phát biểu.
Nhà văn Vũ Ngọc Tiến xúc động vì bạn bè đến đông, các bạn miền Nam cũng gửi tham luận góp ý. Nhà văn cho biết đây là thử nghiệm cho tập đầu. Ông sẽ viết tiếp hai tập nữa cũng theo bút pháp Uy liam Phuôc-nơ. Ông cám ơn mọi người, nhất là cám ơn ba người phụ nữ : nhạc mẫu của ông, Minh Thi, vợ ông; và  cháu gái giúp việc gắn bó với gia đình ông.
Mọi người chụp ảnh lưu niệm với nhà văn và sau đó ra quán Bầu bạn trong Trung tâm thể thao của quận Cầu Giấy để uống bia mừng sự thành công của cuốn sách.

Lược thuật của Vũ Nho

                       Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nói về tác phẩm của mình

                       Những người tham dự


            Nhà văn Vũ Ngọc Tiến ( thứ ba từ trái qua), chị Minh Thi (bìa phải, phu nhân của nhà văn) chụp ảnh với bạn bè

           Trái qua : PGS TS La Khắc Hòa, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, PGS TS Vũ Nho, PGS TS Trần Mạnh Tiến



4 nhận xét:

  1. “ hỡi con dân Đại Việt, hãy cảnh giác!”

    "chúng ta nên “ngủ một mắt” khi ở cạnh anh bạn láng giềng lắm thủ đoạn."

    Là những ý kiến hay.

    Trả lờiXóa
  2. Chúc mừng tác phẩm mới của nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Khôn nhất vẫn là @ Vunho...Phát biểu sau cùng, ka ka!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khôn ngoan gì đâu Miennho ơi. Vì bài viết đã in vào cuối sách như lời BẠT. Ông Phạm Xuân Nguyên cũng có kinh nghiệm là không để người ĐỌC ý kiến, mà để người NÓI ý kiến cho người nghe đỡ mỏi. Cuối cùng là bất lợi vì ai cũng mệt rồi, họ không muốn nghe, nếu đọc hay nói dở.
      May mà cái việc nói của tôi cũng tạm nên ổn.

      Xóa