Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Các nhân vật trong TAM QUỐC




          


 CHÙM THƠ  VỊNH



          TAM QUỐC CHÍ



                 ***********



ĐƯỜNG VĂN

                     LỜI  DẪN



           Tôi vốn mê đam truyện Tam Quốc (La Quán Trung: 1330 (?) – 1400 (?), bản dịch tiếng Việt: Cử nhân Phan Kế Bính; Hiệu đính: Phó bảng Bùi Kỷ) từ hồi ấu thơ (1959). Tình cảm đặc biệt, kì lạ ấy dường như đeo bám suốt cả cuộc đời. Càng về già, đọc bộ Đệ nhất kỳ thư Tàu này càng thấy tăng thêm lý thú, bổ ích, như 1 thứ dược đan di dưỡng tinh thần. Lại cố tìm đọc khá nhiều sách nghiên cứu, phẩm bình, bàn luận về Tam quốc của các tác giả Trung Hoa, Nga, Việt… xưa nay. Càng đọc, càng xem phim Tam quốc (bản 1994, 2010) nhiều lần, càng thấy hiểu biết mình thật bé nhỏ, sơ sài, cạn nông trước biển kiến thức vô bờ của nhân loại; nên chưa bao giờ dám có ý định viết chút gì về bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại. Nhưng từ đầu mùa hè năm nay (2013), khi chớm bước vào tuổi 65, trong tâm trí bỗng nổi cảm hứng mãnh liệt, dạt dào đến ngạc nhiên về người và việc Tam quốc. Chẳng đặng đừng, cứ liều chiều theo ý thích ngẫu khởi, vẩn vơ, vô dụng của tuổi già, thử cài 1 đoạn hồi ức đọc Tam quốc trong bài tản văn: Sách , với tôi (6 – 2013)ngẫu cảm chùm thơ ngắn: 4 câu –-> tứ tuyệt (?), 8 câu dưới đây. Tạm đặt nhan đề: Chùm thơ vịnh Tam quốc chí  gồm 2 phần: A. Vịnh các nhân vật; B. Vịnh các sự kiện - sự việc trong truyện mà người viết ấn tượng, tâm đắc. Mong được sự chia sẻ, đồng cảm hay phản biện của bạn đọc gần xa, đặc biệt là những bạn đọc cùng 1 niềm mê đam Tam quốc như tôi.

.

Trèm, hạ tuần tháng 7 – 2013(Quý Tỵ). ĐV



A.               NHÂN VẬT



1.     TÀO THÁO



Túc trí đa mưu, vạn cổ sầu!



Tài, Sức đặt trước, Đức theo sau!

Ta phụ người! Người có phụ ta đâu!*

Mà Thục, mà Ngô không chế nổi!

72 giả mộ, chết còn đau!



Đệ nhất gian hùng! Đệ nhất công!

Khóa thuyền, không Nam hạ Trường Giang!

Đành lui về Bắc làm vua Ngụy,

Đồng Tước cô đơn, tưởng nhị Kiều!*



* Tiểu tự A Man, tự: Mạnh Đức (155 – 220). Cuối đời, được Hán Hiến đế phong tuớc Ngụy Vương. Sau Tào Phi truy phong Ngụy Thái tổ Vũ hoàng đế.* Châm ngôn sống của Tào: Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta! (Hồi 4) * Tào cho đắp sẵn ở bờ sông Chương. Ý sợ bị mất mộ. (Hồi  78). * Mưu kế Chu Du - Bàng Thống trong trận Xích Bích (208). * Thơ Đỗ Phủ: Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.



2.                        LƯU BỊ



Thật, giả hoà… giọt khóc,

Mà bao phen thoát hiểm, công thành!

Lệ Hào Đình - giọt giọt chân thành nhất!*

Khóc một đời… nước mắt… chỉ còn danh!



* Tự Huyền Đức, vua khai sáng nước Thục Hán (Chiêu Liệt hoàng đế); (161 – 223). * Lưu Bị hay khóc đến mức thành điển tích: nước mắt Lưu Bị. * Trận lớn cuối cùng trong đời (221), Lưu Bị đại bại trước Lục Tốn (Đông Ngô). * Lưu chết bệnh, chết uất hận ở thành Bạch Đế. (Hồi 85: Lưu Tiên chủ viết chiếu gửi con côi. Thành Bạch Đế mấy lời thấm xót)





3.                        KHỔNG MINH




Bắc phạt bất thành, Ngũ Trượng sao sa,*

Ấy là may cho quân sư vạn đại!

Nếu y kế Văn Tràng, úp Trường An qua đường Tí Ngọ*

Dễ phận ngài như Hàn Tín ở cung Vị Ương*



* Tên húy Gia Cát Lượng (181 – 234); Thừa tướng nước Thục Hán, chủ trương Lục xuất Kỳ Sơn (6 lần ra Kỳ Sơn), tấn công nước Ngụy (227 – 234). Qua đời vì bênh nặng ở gò Ngũ Trượng (8 – 234); được người đời sau hiển danh: Quân sư vạn đại. (Hồi 103). Trước khi ra Kỳ Sơn lần 1, Ngụy Diên (Văn Tràng) hiến kế đánh Ngụy, nhưng không được Khổng Minh chấp nhận. * Hoài Âm hầu Hàn Tín, nguyên soái của Lưu Bang (Bái Công) bị Lã hậu lừa bắt, giết ở cung Vị Ương.



4.                        QUAN VŨ

Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công!

Hồ Chí Minh

Một ngọn Long đao, thỏa vẫy vùng

Một đời nghĩa tuyệt, nhất Quan Công!

Ai hay kiêu dũng thành kiêu bại,

Mạch Thành, Quyết Thạch, móc câu rung!*



* Tự Vân Trường, còn gọi là Quan Công (ông Quan;  162- 219), em kết nghĩa của  Lưu Bị, đứng đầu Ngũ hổ đại tướng; vũ khí tùy thân của Quan: thanh long đao yển nguyệt nặng 82 cân; Quan được đời sau phong Thánh -  1 trong Tam tuyệt: Nghĩa tuyệt. Khổng Minh: Trí tuyệt; Tào Tháo: Gian tuyệt!). Nhược điểm lớn nhất trong tính cách Quan là kiêu căng tự phụ, đẫn đến chủ quan, mất cảnh giác, mắc mưu Lục Tốn, để mất Kinh Châu và chính bản thân ông cũng bị thua nặng ở Mạch Thành. Trên đường chạy, ông bị quân Đông Ngô phục, dùng lưỡi câu giật ngã ngựa, bắt  sống tại vùng lau sậy um tùm Quyết Thạch và cuối cùng bị Tôn Quyền hành quyết khi mới 58 tuổi, gây ra 1 thiệt hại chiến lược cho Thục Hán. (Hồi 76.)



5.     TRƯƠNG PHI

Bóng lá vẫn in hình Dực Đức

Hồ Chí Minh

Dực Đức tam ca, đầu báo, mắt tròn,

Đốt lều Gia Cát, mưu bắt Nghiêm Nhan.

Xà mâu trừ bạo, quát như sấm,

Lại mất đầu vì 2 gã thợ may!



* Tự Dực Đức (166 - 221), người nước Yên, em kết nghĩa của Lưu Bị, Quan Vũ. Tính nóng, thô mãng, hay rượu; sử ngọn xà mâu dài 1 trượng tám thước. Bị 2 tên thợ may Phạm Cương, Trương Đạt giết khi đang say ngủ (thọ 55 tuổi). (Hồi 81: Vội báo thù, Trương Phi bị hại).



6.                        TRIỆU TỬ LONG



Hổ tướng Thường Sơn Triệu Tử Long!

Toàn thân đảm lược, rạng anh hùng!

Tràng Bản, Trường Giang phò ấu chúa*,

Ngời ngợi lòng son, vẹn hiếu – trung!



* Tên húy: Triệu Vân, đệ tam ngũ hổ đại tướng, võ nghệ siêu quần, trung thành, khiêm cung, giản dị. Trọn đời vì sự nghiệp diệt Tào, hưng Hán của Lưu Bị. Lưu Thiện (A Đẩu) con trai Lưu Bị từng được Tử Long 2 lần giải cứu. (Hồi: 41, 52, 61, 71, 84).
                                                     ( Còn tiếp)
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét