Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

CỐI TRÈM - tản văn của ĐƯƠNG VĂN






CỐI  TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN

-          Anh là phó cối làng Đa,
Nông nhàn gổng ghểnh, la cà, gặp em.
Cối này nên nghĩa nên nghĩa, nên duyên,
Trai Đa Chất kết gái Trèm, thành đôi.
Cối anh chín lắm, mình ơi!

-          Tiếng ai rao: Cối… cối đơi!… mủi lòng!
Sáng trăng, rãi khắp Cầu Sông,
Nhờ anh phó cối đan lồng cối trung.
Xong rồi, em sẽ trả công,
Mai mốt lấy vợ, em bồng giúp con!...

(Trích: Bài ca anh phó cối – rể làng Trèm)
1.     Cối xay

-         Cối … đơi… ơ… ơi!
          Đọc bài báo thú vị: Mật ngữ kỳ dị ở làng cối xay tre (Đa Chất, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) của Thùy Dương trên tờ Pháp luật & đời sống, số 108, ra ngày  22 - 7 – 2013, trong tôi bỗng văng vẳng vọng về tiếng rao kỳ lạ, ngồ ngộ và bài hát giao duyên cổ trên, từ những năm ấu thơ lăng lắc…
           Một buổi sáng đầu hè nào đó hơn nửa thế kỷ trước, khi tôi còn là 1 thằng bòi 7 - 8 tuổi, (như thằng cu cháu nội đích tôn của tôi hôm nay), nghe dứt tiếng rao mời chào gọi khách uôm uôm vóng lên ngoài ngõ, bố tôi vui vẻ ra lệnh: - Con chạy ra cổng, mời ngay ông phó cối vào đây cho bố! Tôi lập tức nhảy chân sáo, xăng xái làm nhiệm vụ. Vừa rảo bước vừa đoán: chắc nhà mình lại thuê đóng cối xay mới hẳn thôi! Quả nhiên, sau khi đưa 2 ông thợ cối (cặp phó cối: 1 chính, 1 phụ) vào nhà ngang – bếp, mời ngồi uống nước vối, hút thuốc lào, chỉ tay vào chiếc cối xay cũ kĩ kê cạnh cối giã gạo, bố tôi rẽ ràng: - Nhờ 2 ông phó xem giúp chiếc cối nhà tôi thế nào mà xay thóc sống quá, quay nặng, rít rít là? – Vâng! Đứng lên, lại gần, nhìn qua rồi nâng, tháo hẳn thớt cối trên, lật ngửa lên, bác thợ lớn tuổi cười: - Dăm cả 2 thớt mòn vẹt cả rồi. Hèn gì chẳng sống, chẳng nặng! Cối này, hẳn nhà ta đóng đã khá lâu? – Mới hơn 2 năm thôi! - Thảo nào! Không gạn được thêm nữa đâu! Thay cối mới đi ông ơi! – Thế ? Thôi thì nhờ 2 bác làm luôn một thể. - Kiểu cách vẫn như cối cũ nhé! - Có đảm bảo thoáng, chín, đều và bền không đấy? – Chẳng lẽ ông không tin vào tay nghề đóng cối chuyên nghiệp của dân Đa Chất, Phú Xuyên (Hà Tây cũ) chúng tôi? – À, thế ra  các ông phó là người làng Đa, chuyên đi đóng cối xay cho cả miền Bắc, miền Trung nước Việt ta?! Tôi yên tâm rồi! Nhưng độ bao lâu thì xong? - Đảm bảo khoảng vàng mặt giời chiều nay, bà chủ có thể đổ thóc thử cối ngon lành! Chỉ xin  gia đình 2 bữa cơm dưa muối. (Đúng là mồm miệng phó cối! nói (khéo phét, nổ, chém gió) như phó cối!) - Có ngay! Bây giờ tôi phải ra đồng. Hai bác có cần đồ dùng, dụng cụ gì phụ giúp, nước nôi, cứ gọi thằng cháu đây! Bố nhìn tôi như ý trao nhiệm vụ mới rồi quày quả vác cuốc đi. Tôi chăm chú và thích thú với công việc mới. Vì lần đầu tiên, vừa được tỏ rõ vai trò ông chủ nhỏ vừa được xem 1 công việc mới lạ chưa từng thấy từ nhỏ đến lúc bấy giờ: quá trình đóng 1 chiếc cối xay thóc bằng tre, gỗ và đất thó nện.
          Hai người thợ mau mắn bắt đầu ngay công việc. Người cưa tre, chẻ nan, đan lồng cối, người dùng xà beng và vồ, đập, tháo đất nện cũ, tháo nan lồng cũ, rồi chia nhau đan lồng thớt mới. Tay bắt, tay buông thoăn thoắt. Chẳng bao lâu, lồng nan 2 thớt cối mới đã thành hình. Họ tiếp tục đo đạc, làm ngõng cối, tay cối mới. Kế đó, họ ra ao Đông Chi ngoài ngõ, đào, vật lên khoảng 2 thúng đất thó đem về sân nhào kỹ, trộn thật nhuyễn, đều, rồi ép đầy, đầm thật chặt  từng thớt cối. Với thớt cối trên, bác thợ cả dùng chiếc liềm cong đã vẹt răng cưa chân chấu nạo nhẵn lì mặt trên. Mặt dưới thì xoa đều, như mặt trên của thớt dưới. Trong khi đó, chú thợ phụ chuẩn bị chẻ dăm gỗ (xoan, bưởi) thành từng thanh dăm hình chữ nhật nhỏ bằng 2 – 3 ngón tay chụm, dày độ 3 – 5mm. Khi 2 mặt thớt cối đã nhẵn lì, phẳng phiu, đống dăm mới chẻ đã lùm lùm cũng là lúc 2 bác tạm dừng, nghỉ ăn bữa trưa đạm bạc do mẹ tôi vừa dọn ra. Đúng là cơm dưa muối: một điã đậu phụ kho tương; 1 bát cà muối, 1 đĩa rau muống luộc xanh rờn, 1 đĩa trứng tráng, 1 đĩa lạc rang, 1 bát dưa cải chua…. Nhìn 2 bác thợ ăn cơm trưa mà thèm. Lại cũng đúng là ăn khỏe như phó cối! (vì họ làm việc chân tay nặng nhọc). Cả 2 đều uống chén hạt mít rượu trắng đủ nhấp môi, nhưng xới cơm đều đều từng bát lật, vừa ăn vừa chuyện trò, bông đùa vui nhộn với nhau và với chú bé đốc công ngờ nghệch con chủ nhà. Uống nước, hút thuốc lào xong, nghỉ ngơi một lúc, họ lại tiếp tục công việc còn lại. Đóng dăm cối. Mỗi người một thớt, một vồ, một đống dăm, một con dao pha. Tiếng vồ đập vào sống dăm canh cách, chan chát tiếng mau, tiếng khoan trong chiều nắng gắt. Từng chiếc dăm gỗ xoan (bưởi) hồng nhạt, khá đều đặn, ngập dần, ngập dần dưới mặt lồng đất nện thành từng dãy, từng múi châu tuần tới ngõng cối (thớt dưới) và lỗ vuông thớt trên. Đóng xong vài hàng, lại dùng cây thước gỗ gạt qua gạt lại vài lượt để điều chỉnh mặt phẳng.
          Đến tầm hơn 4h chiều, toàn bộ dăm đã được đóng kín mặt 2 thớt cối. Tấm lá cót quấn quanh làm áo cối cũng gài xong. Mẹ tôi xúc, đổ vào lòng cối một đấu thóc và xỏ giằng, quay thử.  Tiếng 2 thớt cối nghiến vào nhau ken két rồi ù ù vang lên, nhanh dần đều. Rồi cũng nhanh dần đều những hạt gạo lẫn trấu (vỏ thóc), mảnh rơi xàn xạt xuống lòng chiếc nia hứng ở dưới. Vừa quay lúc chậm, lúc nhanh vừa để ý lắng nghe, một lát sau mẹ dừng tay, cúi vốc một nắm gạo mới xát lên, thổi sạch vỏ trấu,  ngắm nghía kỹ, lại cho 1 hạt vào miệng cắn thử rồi nhìn sang 2 ông thợ cối đang mặt mũi căng thẳng đợi chờ lời nhận xét của bà chủ nhà. Mẹ tôi thủng thẳng: - Gạo xay được đấy! Có điều tay quay hơi nặng! Bác thợ cả tươi cười giải thích: - Không sao bà chủ ạ, cối mới bao giờ chẳng thế! Xay vài lần là êm nhẹ ngay ấy mà! - Thôi được! Biết thế! Bây giờ mời các bác rửa tay, nghỉ ngơi uống nước, rồi xơi cơm kẻo tối. Cho tôi gửi luôn tiền công.- Chúng tôi xin! Cảm ơn bà!
          Khi hai ông thợ đang chuẩn bị vào mâm thì đã có khách mới ở xóm Tắc nghe biết, đến mời tới nhà đóng cối mới, tiện nghỉ qua đêm ở bên ấy để sáng sớm mai vào việc luôn cho kịp mùa vụ hàng sáo. Tất nhiên, hai ông thợ Đa Chất vui vẻ nhận lời. …Đấy, quá trình đóng mới 1 chiếc cối xay thóc ở quê tôi cách đây 50 – 60 năm, đại thể là như vậy.
          Có thể nói, mỗi gia đình, từ trung nông trở lên ở làng Trèm tôi đều sở hữu một vài chiếc cối xay, cối giã, đặt, kê ở căn nhà ngang hoặc nhà bếp. Cối xay thóc có 3 loại: tiểu, trung, đại; phân biệt ở độ dài đường kính chênh nhau từ 5 – 10cm, độ cao và trọng lượng của 2 thớt cối. Trước khi có máy xay xát chạy bằng dầu, xăng, điện, thì cối xay tre, cối giã bằng đá, gỗ là công cụ xay xát thóc, gạo duy nhất hữu hiệu ở nông thôn Việt Nam. Nghe tiếng cối xay thóc ù ù, đều đều, nặng nề trong buổi sáng hè oi ả hay buổi chiều mưa dầm dai dẳng hay trong đêm trăng thanh gió mát, đôi khi vẳng lên, vọng về, trong tâm tưởng tôi lại dâng ứ nỗi buồn nhớ vu vơ đến linh hồn quê kiểng, làng mạc xưa. Câu văn uyển chuyển nhịp điệu, kết nối bởi 4 vần lưng (AY) của Thép Mới trong bài thuyết minh phim Cây tre Việt Nam lại phảng phất trở về:
                    Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc.
          Hồi ấy, cứ mỗi chủ nhật, tôi thường được bố mẹ giao nhiệm vụ: sáng, xay 2 thúng thóc; chiều, giã 2 cối gạo. Và tôi thường hăng hái, hùng hục làm một lèo cho xong, dù phải ráng hết sức trai, mồ hôi mồ kê đầm đìa… để còn tranh thủ thời gian đọc sách hoặc bù khú với mấy đứa bạn láng giềng cùng tuổi.
          Bên cạnh cối xay thóc bằng tre, còn có cối xay bột, xay ngô, đỗ… bằng đá nặng trịch. Cối nhỏ xay trực tiếp bằng tay; cối to, cách sử dụng giống hết như cối xay thóc (nhưng quay nặng, mệt hơn nhiều). Lại có loại cối đá giã bèo cho lợn, giã ngô…bằng chày tay dài, tựa như cối của đồng bào các dân tộc miền núi. Những ngày áp tết thanh minh (3 – 3), rằm xá tội vong nhân (15 – 7); ngắm cô em họ cần mẫn quay cối xay bột nặn bánh trôi, bánh chay, bánh nếp, bánh gai; nhìn bà chị ngõ dưới mặt đỏ bừng, trán lấm tấm mồ hôi, mím môi xay cho bằng hết thúng lồ ngô đỏ, tôi lại thầm cảm phục tính kiên trì lam làm, dẻo dai vén khéo của phụ nữ làng Trèm, lại chợt nhớ đến bài thất ngôn tứ tuyệt của Bác Hồ:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng!
          (Cô em xóm núi xay ngô tối/Xay hết, lò than đã rực hồng! (Mộ (Chiều tối); Nam Trân dịch. Trích Nhật ký trong tù).

2.     Cối giã

     Không giống như những chiếc cối giã gạo chày tay của đồng bào các dân tộc miền Nam vang lên cắc cum cụp cum rộn rã trong ánh đuốc lồô bập bùng lên ánh lửa (bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo; Xuân Hồng); cũng không giống cối giã gạo trên nương bắp nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng của mẹ con người phụ nữ Tà Ôi,Vân Kiều (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm); càng không phải là chiếc cối giã gạo bằng sức nước suối chảy ngày đêm trên núi rừng Việt Bắc: Chày đêm nện cối đều đều suối xa (Tố Hữu), càng không phải cái cối giã trầu bằng đồng cho các lão bà móm mém, nhỏ xinh như cái chén uống rượu độc ẩm của các lão ông…mà cụ Tế Xương từng mượn hình ảnh chiếc cối mini này để lẳng lặng mà nghe, mà cười cợt, giễu nhại cảnh thiên hạ thành Nam thời gió Âu mưa Á đầu thế kỉ 20 đua nhau chúc Tết:
Phen này ông quyết đi buôn cối,
     Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu!...,
     Cối giã gạo quê Trèm tôi, phổ biến, như cối giã gạo của nhà tôi chẳng hạn, gồm 3 bộ phận chính. Một cối đựng gạo bằng đá tảng đục khoét rỗng lòng, chôn chìm xuống nền (đất, gạch), nối với phần lồng trên cao độ 20 – 30cm quây vòng chung quanh làm bằng gỗ (có thể tháo rời) hoặc xi măng đúc liền cố định.
          Mỏ cối đẽo hình chày bằng gỗ nặng, chắc, dài khoảng 70 – 80cm. Một đầu bịt sắt (sử dụng lâu ngày sáng loáng như inốc, đóng đinh sắt lởm chởm cho nhọn, sắc; đầu kia khớp nối chặt với nửa đầu gốc cần cối bằng gỗ xoan dài khoảng 3, 0 à 3, 5m. Nửa đầu ngọn cần cối, dài khoảng từ 1,2 – 15m đặt trên khung lồng cối. Đó là một khung gỗ chắc, nặng bằng gỗ tốt đóng hình khối chữ nhật gồm 4 trụ đứng, cao, thấp như khẩu mía khổng lồ. 2 đoạn dài, mặt trên bào nhẵn, phẳng làm chỗ đứng, đặt chân khi giã gạo. Dưới nền, khoét 1 lỗ sâu khoảng 20 - 25cm, dài 50 – 60cm, rộng 20 cm làm khoảng không cho đầu ngọn cần cối (có khắc bậc để tạo chỗ bám cho bàn chân) ấn xuống được sâu, khỏe, buông chân, tạo nhiều lực rơi. 2 sợi dây thừng căng dọc ngang tầm vai làm tay vịn khi đứng giã.
          Mỗi cối đổ khoảng từ 3 – 4 đấu gạo đã xay, sàng, giần sạch trấu (khoảng từ 5 – 6kg). Thời gian giã trắng 1 cối gạo khoảng hơn 1h ~ 2500 – 3000 nhịp chày nện xuống lòng cối. Giã được, xúc luôn ra thúng. Bà, mẹ hoặc chị, em trong nhà có thể sàng, giần, sảy, tách riêng gạo với cám, tấm. Cám chủ yếu dùng để trộn với bèo cái, bèo  Tây (Nhật Bản) lá khoai lang, khoai sọ, khoai môn băm nhỏ, củ khoai Tây…nấu cho lợn (bèo cám). Tấm (gạo mảnh) có nhà để nấu cháo ăn sáng, cũng có nhà trộn thêm với thức ăn cho lợn, cho chó, gà ăn dần. Nhà nào không nuôi gia súc, gia cầm thì đem cám ra chợ Trèm, chợ Vẽ  bán kiếm vài đồng mua thêm mớ rau, bìa đậu. Nhiều lần tôi đã phồng mũi khoan khoái hít mãi không biết chán cái mùi thơm thơm, ngòn ngọt, beo béo dậy lên từ thúng gạo mới giã, từ mớ cám, tấm mới gạn, mà lòng ấm áp, thơ thới lạ!
          Câu tục ngữ chê mấy anh, ả lười làm, ham ăn: Giã gạo thì ốm, giã cốm thì khỏe, có lẽ chỉ đúng với dân mấy làng Vòng (Dịch Vọng, Mai Dịch (Cầu giấy, Từ Liêm) chuyên làm cốm dẹp, chứ với làng Trèm tôi, có nhà nào chuyên sản xuất thứ quà quý của lúa non ấy đâu,… mà khỏe hay không khoẻ! Trai gái quê Trèm chỉ khỏe xay, giã gạo nếp cái, nếp con hay xay gạo đồ (thóc nếp cái luộc (đồ), phơi khô, chỉ xay chứ không cần giã) để thổi xôi ngày kỵ hoặc nấu cơm nếp thi thoảng bồi dưỡng sáng, tối ngày mùa vụ mà thôi! Gió mưa hiu hiu, rỉ rả như chiều nay mà được đĩa xôi đồ nắm từng nắm chim chim ăn với chuối tiêu trứng quốc thì thể nào cũng phải kèm với chén cay hạt mít và nhất định đánh bay cả đĩa con phượng vẫn còn thòm thèm!
          Những nhà nghèo: bần, cố nông (theo cách phân chia thành phần nông dân từ thời CCRĐ) không đủ điều kiện đóng cối, mua cối thì phải đi xay, giã nhờ. Những nhà có cối nhưng cũng có đợt cối hỏng chưa kịp thay, cũng vậy. Hai mẹ con (bố con) tôi đã từng không ít buổi phải gánh thóc, gánh gạo đến nhà bà ngoại, hay cụ Xã, cụ Hi xóm Bạc, xóm Đông xay, giã nhờ. Ngược lại, cối xay, cối giã nhà tôi cũng nhiều lần được bà con hàng xóm tới nhờ sử dụng.
          Nhớ lần vợ chồng anh Điện, láng giềng sang nhà tôi xay giã nhờ. Anh thong dong đi trước; chị kĩu kịt gánh thóc đi sau. May, cả cối xay, cối giã nhà tôi hôm ấy đều rỗi. Nhìn 4  cánh tay song song, nhịp nhàng co duỗi, 4 bàn tay cùng nắm hai bên thanh giằng, kéo cối, quay cối xay thóc cả buổi chiều hầu như không nghỉ mà vẫn trò chuyện râm ran không hề biết mệt mỏi?! Đến lúc chuyển sang giã gạo, lại cảnh chồng trước, vợ sau nhịp nhàng buông, dận cần giã trên lồng gỗ có đến cả ngàn chày mà có lúc anh chị còn cao hứng song ca, hết Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về lại bắt liền sang Dân Liên xô  vui hát trên đồng hoa…véo von giọng cao hòa cùng trầm khàn giọng thổ hòa âm, hay đáo để!
          Cả hai cứ lấy làm tiếc, nhú nhí nhắc nhỏ nhau lần sau gánh thêm 2 thúng nữa, xay, giã luôn một thể cho bõ công đi nhờ! Nhìn cảnh chồng xay, vợ sàng, xẩy; chồng giã, vợ vun, mỗi người một việc bên nhau, với nhau, chăm chú, mải mốt, chẳng khác chi hai con chim cu đang vun đắp, dựng xây tổ ấm của mình? Thấp thoáng nụ cười hạnh phúc cố ghìm, cố giấu, sao vẫn ánh ngời lên trong mắt, trên má, trên môi? Chao ôi! Tình yêu - hạnh phúc gia đình nhà quê thôn ổ chúng tôi bấy giờ thật hiền lành, giản dị, chất phác mà thơm thảo, đượm nồng như hạt gạo mới xay, mới giã trắng ngần, tinh khiết.
          Không thể không nhắc tới loại cối đá chuyên dùng để giã giò, giã chả, giã cua, giã vừng… Loại cối này thường nhỏ, nặng cỡ hơn chục kg, đục bằng đá xanh. Lòng cối nhẵn bóng. Sáng ba mươi tết, mấy nhà gần gựa đụng chung con lợn cọc. Mổ,  pha, lọc thịt nạc tươi, bì, mỡ khẩu gói đôi ba cây giò lụa, giò pha, giò mỡ, giò sỏ, giò tai... Ngắm cảnh bố tôi cùng hai, ba ông chú họ xoạc chân ôm khít quanh thành cối, hai tay hai chầy đẽo bằng gỗ nhãn đỏ au, nện xuống lòng cối đôm đốp liên hồi. Tay lên tay xuống đều đều, không nhanh không chậm, không nặng không nhẹ, suốt từ đầu đến cuối, quả là các vị lực điền quen việc cuốc cày nên trường sức, trường hơi; Ấy là kỹ thuật giã giò đã thành kỹ năng, kỹ xảo. Những miếng thịt thăn lợn ỷ tươi ròng nảy lên như muốn nhảy ra khỏi thành cối dần dần nhỏ mịn, dính kết thành mảng. Với tay lấy bát nước mắm Ô Long cánh gián sánh như mật ong rừng đổ vào, liền chầy thúc nhuyễn, lại giã tiếp (chậm, nhẹ hơn) 1 hồi. Gác chày, dùng muôi múc ra, trải lên những tấm lá chuối Tây luộc sơ, mẹ và các thím tôi dàn trải sẵn, chờ nhanh tay gói, buộc. Lại cho thịt mới vào, giã tiếp ngay cối khác. Liền tù tì một hơi cho đến lúc hết số thịt đã pha. Phải làm liên tục, khẩn trương như vậy thì giò mới ngon, không bị bã, bở. (Chưa kể tới quy trình, gói, luộc, vớt giò). Giò Trèm chúng tôi nổi tiếng khắp vùng cùng nem Vẽ đã từ bao đời cho đến ngày nay.
          Lại nhớ cái cối giã vừng, giã lạc. Không gì thú hơn những lần được xúc bát cơm nguội cho vào cối vừa giã vừng trộn lạc rang xong, (mẹ tối cố ý để lại một ít chiều nuông thằng con út), trộn đi trộn lại. Hình như ăn bát cơm nguội trộn vừng - lạc rang, giã trong cối đá nhà ngon đến quắt tai!
          Còn giã cua là cả một nghệ thuật. Một trong những bí kíp mà mẹ từng truyền khẩu cho tôi là phải nêm chút muối. Không được giã quá mạnh, vừa giã vừa nghe -  nhìn để điều chỉnh tay chày, sao cho nước cua, thịt cua đang nhỏ dần không bắn lung tung ra khỏi cối, có khi vọt lên cả mặt mũi, vừa tanh lại ngứa, rất khó chịu. Những chiếc cối đá có tuổi thọ từ vài chục đến vài trăm năm ấy thân thiết, gắn bó với sinh hoạt nhà nông như bóng với hình, trao truyền từ đời nọ qua đời kia… và tới nay, không ít chiếc vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt!
          Cứ như thế, không biết từ bao đời kiếp, cuộc sống nông tang cần lao, nhũn nhặn của bà con làng Trèm tôi gắn liền không rời với căn nhà ngang chật hẹp, cái bếp khói um, với cái cối xay, cối giã giản đơn, nặng nề, cục mịch. Cho tới đầu những năm 60 thế kỉ trước thì ở làng Đông Ngạc bên cạnh mới xuất hiện một hộ gia đình có cái máy xay xát thóc gạo đầu tiên chạy bằng môtơ điện. Một vài nhà muốn thử xem ăn gạo máy xát có ngon hơn gạo xay giã bằng tay chân nên đã cất công chở thóc, gánh thóc xuôi dốc bến Ngự xuống tận ngõ Vẽ thuê xay xát máy. Kể ra thì cũng nhanh, tiện thật. Màu gạo trắng hơn, cám, tấm cũng nhiều hơn; nhưng bưng bát cơm ăn, hình như lại có phần nhạt nhẽo hơn, cả vị lẫn mùi. Không hiểu vì sao?
          Đến thập kỷ 80 thì ngay ở làng tôi đã xuất hiện gia đình cụ Lũ cũng mua máy xay xát thuê thóc gạo cho dân làng. Số người ăn gạo bông, gạo chợ, gạo sổ càng nhiều hơn số ăn thóc gạo tự cấy gặt. Cho nên, dù lắm lúc thật đông khách, phải xếp hàng chờ khá lâu mới đến lượt mình; nhưng số lượng máy xay xát trong làng vẫn không hề phát triển nhiều thêm; vẫn chỉ 1 máy độc quyền duy nhất. Tới những năm gần đây thì máy xay xát cụ Lũ cũng ế trơ ế chỏng, đắp chiếu nằm chơi cả tuần chẳng có ai hỏi han (vì hầu như dân nông nghiệp thích bỏ ruộng đi buôn bán, kiếm tiền tươi nhàn hạ hơn, hoặc làm nhiều việc khác phi nông nghiệp, thích ăn gạo ngon đủ loại làm sẵn, đóng bao tải da rắn, sẵn mua ngoài chợ, hoặc chỉ cần gọi cú điện thoại, ít phút sau gạo đã mang tới tận nhà.
          Thế là nhất loạt hầu hết các loại cối xay, cối giã thủ công làng Trèm đều dần trở nên đồ cổ bất đăc dĩ…

3.     Cối điện hiện đại hôm nay

          Thay thế vào lũ cối mẹ cối con, cối anh cối em của 1 thời chưa xa ấy, trong nhiều căn bếp gia đình làng Trèm hôm nay đều được trang bị bao nhiêu loại cối mới, hiện đại, nhỏ gọn, nhẹ, xinh xắn, màu sắc, kiểu dáng phong phú, bắt mắt, hấp dẫn như đồ chơi con trẻ mà tiện dụng, hiệu quả gấp bội lần lũ cối xưa. Giá cả lại đủ mức, tùy theo chất lượng và công năng, giá trị sử dụng. Tất cả đều chạy bằng sức điện. Cối xay đa năng: xay thịt, cá, cua, tôm, hoa quả, làm sinh tố, ngô, khoai, lạc, đỗ, sắn, gạo, bột,… tùy ý người sử dụng. Chỉ cần cắm phích điện, nhấn 1, 2 cái nút điều khiển xinh xẻo như cái nốt ruồi là máy đã chạy ro ro; chưa đầy phút sau đã có thành phẩm hết sức ngon lành như ý bạn.
          Nhớ hồi giữa những năm 80, anh tôi ở nước ngoài về, có mang 1 chiếc máy xay cua quay tay bằng gang đúc, nặng độ hơn 1 kg. Mỗi lần bỏ 3, 4 con cua đã bóc mai, bóc yếm vào chiếc loa – phễu loe như cái bát ăn cơm rồi đẩy mạnh tay quay. Nghe tiếng bánh răng hợp kim quay rin rít, tiếng thịt cua, vỏ cua, càng cua, chân cua bị nghiến, xé rào rạo rồi đùn phòi ra từng đoạn phía trước như khi ta bóp tuýp thuốc đánh răng, đã thấy nhẹ nhàng, sung sướng vì đồ dùng đẳng cấp trên hẳn với giã cối đá chày gỗ bao năm. Nhưng đặt cạnh chiếc máy xay điện bằng nhựa cao cấp và thép không rỉ đầu thế kỷ 21, thì chiếc máy quay tay kia lại quá cọc cạch, cổ lỗ, cũng nên cho vào viện bảo tàng…!
          Thế là phát triển đúng quy luật, cả về khoa học tự nhiên: điện khí hóa, tự động hóa, hóa học hóa, mới mẻ, tối tân, gọn nhẹ, bền chắc, tiện ích, thân thiện với môi trường đã, đang và sẽ dần thay thế cái cũ kỹ, lạc hậu, nặng nề, cồng kềnh, chậm chạp, hiệu quả kém lại ô nhiễm môi trường; cả về tâm lý xã hội: mới nới cũ. Những chiếc cối điện hiện đại trong bếp gia đình hôm nay cũng chưa sử dụng được bao lâu mà các ông chủ, bà chủ đã hầu lãng quên, xếp xó trong kho, góc sân, góc vườn, hoặc gọi bán đồng nát, phế liệu, hoặc quẳng luôn ra bãi rác, hoặc chẻ ra làm củi, hoặc chẳng biết chúng biến mất hồi nào, đi đâu không rõ… những lũ cối đá, cối tre, cối gỗ, cối nhỏ, cối vừa, cối to, cối xay, cối giã… từng thân thương, vang bóng một thời ấy, bấy lâu nay đã hóa vật thừa, đồ bỏ!
          Nghĩ như thế, có hoài cổ, cực đoan không, hỡi ông bạn già đã bắt đầu nặng tai, kém mắt, kém ăn, kém uống, kém đọc, kém nghĩ… kém hầu như tất cả mọi chuyện vì thời gian và tuổi tác?!
          Nghĩ như thế có đáng buồn, đáng chán, đáng tiếc cho cối Trèm truyền thống hồn quê đang mai một và tiêu biến trong thời đại vi tính hóa, internet nối mạng toàn cầu, số hóa…không,… hở giời?!

 Đêm 31 – 7 – 2013.
ĐV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét