Văn Cao
Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng
Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy
Trên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại
Trên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Để tìm lại những đường mềm của núi
Trên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Để anh tìm làm đáy ngọc châu
Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng
1974
*Bài thơ được rút trong tập Lá- Thơ Văn Cao, NXB Tác phẩm mới, 1998-tr26
CÓ MỘT KHUÔN MẶT NHƯ THẾ
Trần Trung
Trần Trung
DƯỜNG NHƯ CÓ MỘT thực tế này: mỗi một nhà thơ- thuộc cánh mày râu, trong đời thơ rong ruổi đi tìm cảm hứng, thế nào cũng tìm cho mình một khuôn mặt- tình yêu! Ấy hẳn là khuôn mặt khả ái, khuôn mặt lí tưởng mà thi sĩ sẽ giữ lại cho riêng mình trong trái tim yêu thương.
Trong quy luật của niềm đam mê kiếm tìm và sáng tạo ấy, người nghệ sĩ đa tài và đa tình Văn Cao đã tìm được cho mình một khuôn mặt yêu thương và người thơ sẽ giữ trọn cho dù năm tháng qua đi. Và, điều đó cũng có nghĩa là thơ ca hiện đại Việt nam đã lưu giữ được Khuôn mặt em- một bài thơ tình đặc sắc của Văn Cao.
Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng
Nhà thơ đã dẫn dắt cảm xúc tâm tình và thu lại một cách nhìn bao quát về đối tượng trữ tình bằng mấy câu thơ diệu vợi và dịu đằm mở đầu bài thơ. Nói là diệu vợi bởi tình yêu đã có khoảng trải nghiệm qua thời gian (những ngày dằng dặc) và sự dịu đằm là điều nhận biết về gương mặt của tình yêu.
Chỉ còn khuôn mặt em
Từ đây, bài thơ tình của Văn Cao mở ra một câu chuyện tình thật riêng của hai người. Chuyện tình không có dư vị ngọt ngào qua cuộc nếm trải mà chỉ là sự nhận biết thấm thía về “Những ngày đau khổ”- nỗi khổ đau trước bao thử thách dữ dội của đời, nhà thơ đã cảm nhận được thực tế ấy trong một so sánh qua hình ảnh Những đêm rừng cháy:
Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy
Những câu thơ của Văn Cao như tự nó tạo nên hai mảng hiện thực sóng đôi trong sự tương phản. Hình như phải trải qua “Những ngày đau khổ ấy” mới có thể nhận ra “Khuôn mặt em”- khuôn mặt của yêu thương- khuôn mặt thánh thiện trong vẻ đẹp ngọt ngào “Sáng trong và bình lặng”; Hình như phải đối mặt với hiện thực dữ dội khốc liệt như đứng trước “Những đêm rừng cháy” ta mới nhận ra rõ hơn, đáng yêu hơn vẻ dịu dàng thanh thoát như mảnh trăng của khuôn mặt em. Văn Cao đã giãi bầy những điều tâm tình rất đỗi riêng tư mà cũng đồng thời nói trúng cả những điều trải nghiệm qua bao nhiêu thử thách của cuộc đời không bình yên. Có lẽ đấy là quy luật, đấy cũng là cái giá của tình yêu và hạnh phúc!
Mạch cảm xúc tâm tư của bài thơ đến đây được chuyển hoá thật tự nhiên: từ những điều tâm sự mang tính tự bạch sang những điều nhận biết về “khuôn mặt em”, nhận ra vẻ đẹp của “khuôn mặt em” trên lộ trình “dằng dặc” của cuộc đời mà chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía:
Trên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại
Trên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Để tìm lại những đường mềm của núi
Trên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Để anh tìm làm đáy ngọc châu
Những tiếng “Trên đường đi” được nhà thơ giãn ra theo ba khổ thơ kế tiếp gợi ra thăm thẳm thời gian và không gian trên bao nhiêu nẻo đường đời; Và cũng chính từ hiện thực trải mở ấy mới giúp con người nhận ra vẻ đẹp muôn sắc màu, muôn dáng hình, muôn vàn yêu thương của diện mạo tình yêu. Những hình ảnh thơ của Văn Cao cứ sáng lên từng cặp - mỗi cặp là một sự trân trọng nâng niu và phát hiện với bao yêu quí. Đấy là màu sắc tự nhiên của “màu xanh cỏ dại” (Anh đặt em trên đồng cỏ.Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại).Đấy là vẻ duyên dáng, mềm mại của dáng hình em như quyện hoà dáng hình của núi. Em thêm đẹp, thêm đáng yêu hay thiên nhiên thêm hấp dẫn khi có em hiện diện (Anh đặt em trên dốc núi. Để tìm lại những đường mềm của núi). Và, sau nữa, sự phát hiện của nhà thơ về “Khuôn mặt em” là vẻ đẹp lắng đọng không chỉ bằng sắc màu, bằng dáng hình mà bằng ấn tượng của sự trong trẻo, thanh thản. Lại một sự sóng đôi của hình ảnh thơ, cũng là sự sóng đôi mà hài hoà, gặp gỡ của hai hình ảnh ẩn dụ:
Khuôn mặt em làm giếng
Để anh tìm làm đáy ngọc châu
Trong bài thơ Thời gian- một bài thơ cùng tập, Văn Cao cũng đã từng khẳng định vẻ đẹp của tình yêu qua “thời gian” của đời người nghệ sĩ:
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước
Đấy cũng là một cách khẳng định sự sống vĩnh hằng của nghệ thuật đích thực và tình yêu chân chính- cái còn lại khi bao buồn đau, nhọc nhằn cùng nỗi đắng cay ở đời sẽ qua đi theo năm tháng.
Bài thơ về tình yêu và tình đời của nghệ sĩ Văn Cao “Khuôn mặt em” lắng đọng trong hai câu kết-đứng riêng một khổ như tâm sự, như nhận biết thấm thía, sâu xa:
Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng
Có một tín hiệu thơ không thể bỏ qua trong hai câu thơ cuối của Văn Cao. Đấy là sự thay đổi cách xưng hô. Gần trọn bài là lời trao gửi anh em của đôi bạn tình. Thế mà đến cuối bài, với cách xưng “tôi” – nhà thơ tự nói với lòng mình, đối diện với chính mình. Như thế cũng có nghĩa là đối diện với hư vô, với vĩnh hằng mà ngẫm ra thứ chân lí- tình yêu: Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.
Nhà thơ đã mãn nguyện trong suốt cuộc đời kiếm tìm để rồi đọng mãi trong tâm tư hình ảnh thánh thiện của “Khuôn mặt em sáng trong và bình lặng”. Khuôn mặt tình yêu ấy, Văn Cao đã được “đầu tiên” và giữ lại “cuối cùng” cho mình. Để rồi “Khuôn mặt em” của ông, chúng ta đón nhận, chúng ta lưu giữ trong con mắt tâm tình của mình một khuôn- mặt- thơ giữa muôn vàn vẻ đẹp của thơ tình yêu Đông Tây, kim cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét