Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Vũ Nho trả lời phỏng vấn VOV2



Nho trả lời phỏng vấn VOV2
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, trên chương trình Văn Nghệ buổi 10h30 đến 11 h 00, Vũ Nho đã trả lời phóng viên Nguyễn Vũ Hà trong mục “Tiếng nói người cầm bút”.

Nội dung chính cuộc phỏng vấn với chủ đề “Nhà văn và văn hóa tranh luận”
Bạn có thể nghe lại chương trình này với các bước sau:
1.    Vào Google, gõ VOV.VN vào mục tìm kiếm.
2.    Sau khi có kết quả, bạn nháy đúp chuột vào dòng 4 : Các kênh VOV.
3.    Tiếp theo, bạn nháy đúp vào biểu tượng tai nghe ở bên dưới kênh VOV2, mé phải.
4.    Bạn nháy đúp vào dòng : Nghe lại chương trình ( Bên dưới chữ VOV2)
5.    Khi hiện ra lịch tháng 8/2003 ở mé bên trái, bạn di chuột và bấm vào số 27 ( thứ 3)
6.    Toàn bộ lịch phát sóng ở mé bên phải, bạn chọn chương trình văn nghệ : 10h30 -11h 00. Nếu không muốn nghe toàn bộ chương trình gồm : Chuyện người được gặp Bác Hồ và bài thơ Bác Hồ tát nước, bạn di nút vuông về bên phải, đến 10h 50, thì sẽ chỉ nghe cuộc phỏng vấn.
Nếu không nghe được, bạn vui lòng xem văn bản. Những chữ màu đỏ là chuẩn bị mà lược bớt khi nói và thu.



PV-Là một nhà phê bình thơ, lý do nào mà ông lại quan tâm đến vấn đề “Nhà văn và văn hóa tranh luận”? Thực trạng đó hiện diễn ra như thế nào?

Thật ra, tôi vốn là một nhà giáo Ngữ văn, có ham thích viết lách, rồi trở thành một nhà phê bình văn học. Khi còn học ở Đại học, tôi đã tiếp xúc với những tranh luận học thuật của các vị tiền nhân. Ví dụ vịnh Kiều của các nhà nho, Tranh luận xung quanh TRUYỆN KIỀU của Nguyễn Du trong đó có bài “Luận về chánh học cùng tà thuyết” của cụ Ngô Đức Kế được học trong chương trình phổ thông trung học, Tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh; tranh luận giữa những người ủng hộ thơ mới và những người bênh vực thơ cũ; tranh luận xung quanh tập Việt Bắc của Tố Hữu…
Rồi khi ra trường,  cũng được chứng kiến nhiều cuộc tranh luận, thảo luận. Ví dụ có nên ngâm thơ hay chỉ nên đọc thơ, xung quanh tác phẩm “Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương; xung quanh truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, về thơ Đồng Đức Bốn, xung quanh Thơ của Nguyễn Quang Thiều, về chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn cải cách;  thơ Hoàng Quang Thuận, luận văn của Nhã Thuyên…
          Việc tranh luận xung quanh một bài thơ, một cuốn sách, một tác giả, một quan điểm văn học nghệ thuật… luôn luôn diễn ra trong đời sống văn học. Tôi rất chú ý đến lí lẽ,  luận điểm, luận chứng,..của mỗi bên bảo vệ ý kiến của mình, phê phán, phản bác ý kiến của đối phương. Và đồng thời, không thể không chú ý đến thái độ tranh luận, đặc biệt là ngôn ngữ tranh luận, bộc lộ trực tiếp nhất thái độ của người tham gia. Có không ít những lời lẽ, về lí thì đúng, nhưng thấy khó tiếp nhận vì thái độ tranh luận thể hiện sự “ăn thua, cay cú”, thể hiện sự tức tối, tiểu khí do “cả giận mất khôn”…
Tôi chứng kiến những cái hay và không ít điều dở của đồng nghiệp khi họ tham gia tranh luận.
PV:  Ông có thể nêu mấy ví dụ tiêu biểu?
Những người theo dõi đều biết cả rồi. Tôi không muốn nhắc lại.
Bản thân tôi cũng từng bị  vấp váp với “đối thủ”  khi họ dùng những lời lẽ xúc phạm đến tôi và những người cộng sự … Đáng nói hơn nữa là họ nói “vô căn cứ” bất chấp sự thật rành rành, nói quá lên, nói đại không cần chứng minh. Các cụ gọi là  đổi trắng thay đen, biến không thành có. Bản thân tôi đã buộc phải tranh luận với  những người như thế. Tôi phải kìm nén, phải bình tĩnh, không thể sửng cồ lên. 
          Tất cả những điều đó đã khiến tôi chú ý đến lời lẽ, đến khẩu khí hay nói rộng hơn là văn hóa tranh luận.
          Vì làm công việc liên quan đến ngôn ngữ, nên tôi cũng để tâm nghiên cứu xem cha ông ta đã đúc kết những bài học nào về văn hóa nói năng nói chung qua tục ngữ, thành ngữ và ca dao. Tôi đã viết và công bố một tiểu luận : “ Lời ăn tiếng nói trong tục ngữ, ca dao” để tự mình học tập và  dành cho những sinh viên sư phạm  cùng những ai quan tâm.
          Các cụ dạy:
          Lời nói không mất tiền mua
          Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Nói để không mất lòng đối tác, không mất lòng đối thủ là một nghệ thuật hiểu biết ngôn ngữ và tâm lí, văn hóa.

PV-Nhà văn được mệnh danh là những bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, song tại sao ngôn ngữ của họ trong thảo luận, tranh luận với đồng nghiệp lại thiếu tính học thuật, thiếu văn hóa?

- Không phải tất cả các nhà văn trong thảo luận, tranh luận với đồng nghiệp thiếu tính học thuật, thiếu văn hóa.
Tôi xin nhắc lại, chỉ có một số rất ít các nhà văn như thế.  Tuy ít, nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Người đọc  hay để ý, thành ra nhà văn mang tiếng.Và tất nhiên, ở trong từng trường hợp cụ thể thì mức độ thiếu tính học thuật thiếu văn hóa cũng  rất khác nhau.
Chúng ta có thể lí giải  bằng một số điểm sau đây.
- Thứ nhất, vì là bậc thầy trong ngôn ngữ, cho nên lời nói của nhà văn thường có tính chính xác và thâm thúy. Người xưa tổng kết:
          - Lọ là thét mắng mới nên
          Một lời xiết cạnh hơn nghìn roi song
Hoặc:
-         Roi song đánh đoạn thời thôi
 Một lời xiết cạnh muôn đời chẳng quên

Khi nhà văn dùng xảo thuật, dùng những lời xiết cạnh thường có  sức tàn phá mạnh mẽ, gây thương tổn lớn cho đối phương.
Thứ hai; Thiếu tính học thuật vì khi đó họ thường cả giận mất khôn, hoặc giống như hành động phi thể thao trên sân bóng tức là “ bỏ bóng đá người”. Bản thân người tranh luận không tin vào sức mạnh học thuật, hoặc không đủ sức mạnh học thuật, nhưng lại muốn “giành chiến thắng bằng mọi giá”, cho nên dẫn đến việc dùng xảo thuật, ngụy biện, thậm chí quỷ biện, và tất nhiên không dùng lí lẽ học thuật, mà dùng “võ” cùn, chơi bẩn, bất chấp sự công bằng và khoa học.
Thứ ba; vì tiểu khí, muốn nói cho hả giận, muốn “làm nhục” người đối thoại, muốn đánh đòn hiểm với đối thủ thì cách dễ nhất, đơn giản nhất, mà có hiệu ứng tức thì chính là dùng những ngôn từ chợ búa, bỗ bã, ít hàm lượng văn hóa. Tôi đã chứng kiến hai nhà thơ sau khi “ to tiếng” trên văn đàn, sau đó rất “khó nhìn mặt nhau” bởi những từ ngữ nặng nề họ đã dùng cho nhau trong lúc nóng giận.
Cuối cùng; một trong các thủ pháp ngôn ngữ văn chương gây ấn tượng mạnh là cách nói quá, sử dụng nghệ thuật ngoa ngôn, ngoa dụ. Chính điều này cũng góp phần làm cho giảm tính học thuật và hàm lượng văn hóa của một số nhỏ nhà văn khi tranh luận, muốn thắng  nhanh,  hạ gục đối thủ bằng mọi giá. Và khi đó, họ lại phải trả giá cho việc làm của mình.
          Có thể do sơ suất, có thể cố ý, có thể bởi không kìm nén được trước những lời “xúc phạm” trước của đối thủ, cho nên nhà văn có phản ứng thái quá. Dù bất kì lí do nào thì đó cũng là điều đáng tiếc.    

PV-Nhà văn thường gửi gắm nhiều điều hay lẽ phải, những lý tưởng cao đẹp trong các tác phẩm của mình, thế nhưng trong cuộc sống đôi khi họ lại không có những hành vi ứng xử có văn hóa. Liệu điều này có mâu thuẫn?

          Thật ra không phải nhà văn nào cũng “ nói, viết một đàng, làm một nẻo”. Có trường hợp  người ta đã nói rằng chỉ nên biết họ qua thơ văn, không nên biết họ trong đời thực. Nhưng cũng cần phải thông cảm rằng các nhà văn nhà thơ khi đã “ vắt kiệt mình trong cơn khát đam mê” vào tác phẩm, thì con người của họ trong đời nhiều khi chỉ là một phần xác của họ với những tính khí thất thường, khó chịu ngay cả với người thân chứ chưa nói tới bạn bè và độc giả. Bởi vậy công chúng cũng cần có cái nhìn rộng lượng với văn nghệ sĩ trong đời thường. Cần trân trọng đóng góp của họ bằng tác phẩm là điều thứ nhất. Có thể cảm thông với họ trong đời thường là điều thứ hai. Nhưng nói đi, phải nói lại, nhà văn cũng phải cao thượng trong tác phẩm và cao thượng trong đời thường. Không có mâu thuẫn là tốt nhất, và nếu có thì chỉ là sự “vênh lệch” không đáng kể do những nguyên nhân khách quan và chủ quan bất khả kháng.
          Xin được nói lại là việc thiếu văn hóa trong tranh luận có thể do sư suất, có thể do cố ý, có thể do phản kháng thái quá của đối phương, có thể do nhiều nguyên nhân. Nhưng chúng ta không thể để việc tranh luận thiếu văn hóa trên các diễn đàn.
PV-Theo ông làm thế nào để nâng cao văn hóa tranh luận trong các nhà văn hiện nay?
Tôi nghĩ rằng nâng cao văn hóa tranh luận trước hết là cần tôn trong người tranh luận và tôn trọng người đọc. Nếu thật sự thành tâm, cầu thị, không cay cú, tất nhiên sẽ có lời lẽ có khoa học văn hóa. Ngược lại thì chúng ta đã biết.
Thứ hai là mỗi người khi tham gia tranh luận đều cần bình tĩnh, vì chân lí, vì khoa học, chứ không vì bản thân mình,  vì cái tôi quá lớn của mình. Cụ Nguyễn Du đã tổng kết tài tình : “ Mà trong lẽ phải có người, có ta” ( Kiều). Anh đúng, người ta cũng đúng. Anh đúng điểm này, người ta đúng điểm khác. Vì thế không thể khăng khăng duy nhất mình đúng.
Thứ ba là công chúng cũng cần tỏ thái độ với những người có biểu hiện thiếu văn hóa, thiếu khoa học trong tranh luận. Cộng đồng mạng, các phương tiện truyền thông cần chú ý thường xuyên nhắc nhở mọi người. Nếu  ai đó tranh luận thiếu văn hóa, không đẹp, “bỏ bóng đá người” thì chúng ta phải lên tiếng.
Ý thức của mỗi người và ý thức của cộng đồng tương tác sẽ đảm bảo cho việc tranh luận song phẳng về học thuật, nhưng đẹp về văn hóa.
Văn hóa tranh luận cần được giáo dục thường xuyên trong nhà trường, ở mọi nơi mọi lúc. Biểu dương điều đúng, phê phán, uốn nắn điều sai, điều chưa đúng, điều lệch lạc, sẽ làm cho  mặt bằng văn hóa chung cao hơn, trong đó có văn hóa tranh luận.

PV: Thay mặt những người làm chương trình, xin cám nhà phê bình thơ Vũ Nho!


11 nhận xét:

  1. Cái vụ Nhã Thuyên đến đâu rồi bác ơi. ĐHSP đuổi việc cô ấy thấy nhẫn tâm quá. Phạm Xuân nguyên bào phê bình kiểu Nguyễn Văn Lưu là phê bình chỉ điểm, Trần Đình Sử thì bảo phê bình kiểm dịch...coi chừng Nhân văn giai phẩm tập hai đến nơi bác à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bác Bu ơi! Tôi cũng không có thông tin gì nhiều hơn bác ngoài những điều đã đọc trên mạng!

      Xóa
  2. Thầy Vũ Nho trên truyền hình/ Miệng cười, mắt liếc rất là...xinh, heeeee...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Miennho có chuyện nhầm to/ VOV chẳng có cho lên hình/ Cái ảnh chỉ là...cười tình/ Với lại Mien nho thình lình vào xem...E hèm!!!

      Xóa
  3. Thầy Vũ Nho trên truyền hình/ Miệng cười, mắt liếc rất là...xinh, heeeee...

    Trả lờiXóa
  4. Ủng hộ hết mình ý kiến của bác VuNho về văn hóa tranh luận, gần đây tôi đọc được những tranh luận trên các trang mạng, về văn học có, xã hội có, chính trị có... Đọc có thể nhìn thấy ngay ai đúng ai sai (chưa nói về cái sai - đúng về lý luận, khoa học của tranh luận), mà về cách tranh luận, những từ ngữ, logic (luận lý)... khi tranh luận. Người ta hay dùng những những cách "quy chụp", thậm chí dùng "cái gọi là chính danh của quyền hành", để "thít" vào đầu đối phương cái vòng kim cô, và ra sức niệm chú.
    Tranh luận cũng cần phải học, như văn hóa và văn minh vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Phạm Ngọc Hiệp đã chia sẻ với tôi.
      Quả là một vấn đề đáng cho chúng ta bàn thảo.

      Xóa
  5. Lang thang gặp gốc đại thụ... Đúng là "Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn" ấy mà! Từ đấy thì muôn vàn vấn đề xảy ra đến...mất luôn văn hóa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Mai Trang Huỳnh đã ghé quán.
      Tôi thấy cụ Nguyễn Du nói đúng:
      Mà trong lẽ phải có người có ta
      Nếu nhận thức như thế, không khăng khăng cho mình duy nhất đúng thì tranh luận sẽ khác!

      Xóa
  6. Phú Cương Nho Quan Alúc 08:02 4 tháng 9, 2013

    Nghe VOV rồi đọc lại trên web của bạn mình tâm phục khẩu phục bạn. Vũ Nho thật chu đáo, những chữ đỏ bạn chú thích mình .... rất thích, cái câu "Bỏ bóng đá người" thú vụ quá. Kỳ tới về trường Nho Quan A kỷ niệm 50 năm bạn nhớ cho mình đi với nhé
    Thân mến
    NPC

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Phú Cương đã chia sẻ!
      Chúng ta sẽ liên lạc sau về việc về trường cũ!
      VN

      Xóa