Vũ Nho, chủ trang
CON CÒ
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lúc cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con
Lời bình của Vũ Nho
MỘT TÂM HỒN TRONG SÁNG,
MỘT KHÍ TIẾT THANH CAO
Hình ảnh
con cò hầu như thấp thoáng trên hầu hết những trang ca dao cũ. Tất nhiên có
những con cò như một loại chim thuần túy gắn với ruộng đồng, với công việc nhà
nông:
-
Con cò bay lả bay
la
Bay từ cổng Phủ bay ra cánh đồng
-
Một đàn cò trắng
bay tung
Đôi bên nam nữ ta cùng hát lên
Nhưng
phần lớn những con cò là hình ảnh ẩn dụ thể hiện cuộc đời, thân phận, số kiếp
của những người nông dân lận đận, long đong. Chúng ta gặp “ Con cò lặn lội bờ
sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”; một con cò “ đi đón cơn mưa/ Tối
tăm mù mịt ai đưa cò về”; một “ con cò chết rũ trên cây…”. Cũng có khi con cò
không khổ sở, vất vả nhưng nó mang những thói hư như đánh vợ, ăn quà. Đó là con cò quăm:
Con
cò là con cò quăm
Mày
hay đánh vợ, mày nằm với ai
Đó là con cò kì
Đêm
nằm thì ngáy o o
Chưa
đi đến chợ đã lo ăn quà
Hầu như
không có con cò chức sắc, quyền thế, cũng chưa thấy con cò như là kẻ thông
minh, giàu trí tuệ hoặc một con cò lưu manh, trộm cắp.
Vì
vậy, khi xem xét bài ca dao này, trước hết ta cần nhìn hình tượng con cò với
những đặc điểm có tính chất hằng số của
con cò trong ca dao. Đồng thời ta cũng không thể không phân tích con cò cụ thể
- con cò này- trong sáu câu ca dao được dẫn.
Loài
cò quả là không kiếm ăn ban đêm, nhưng con cò này “ăn đêm”. Chắc nó phải đói
lắm, túng lắm nên mới trái quy luật như thế. Nếu ta hiểu con cò như là một hình
tượng ẩn dụ về người nông dân thì cũng đừng nên bám chặt vào từ “ăn đêm” để mà
nghĩ về chuyện “ăn sương”, nghĩ đến chuyện “đói ăn vụng, túng làm liều”. Tất
nhiên, trong cuộc đời cũng có người vì túng đói mà làm bậy, rồi sau đó mới ân
hận, mới tiếc nuối, xót xa. Nhưng chuyện “ăn đêm” rồi đậu nhầm, rồi ngã xuống
ao không hề có dấu hiệu là cò “xé rào”, cò làm chuyện phi pháp. Đây chỉ như là
một tai nạn bất thường đối với con cò. Nhưng tai nạn đó lại đưa cò vào một tình
thế éo le : ngã ở ao nhà người ta, trong hoàn cảnh đêm tối. Đêm, xét về phương
diện hoàn cảnh của cò thì là lúc nghỉ ngơi sau một ngày lao động, nhưng cò vẫn
không được nghỉ, vẫn phải đi kiếm ăn. Do đêm tối nó không nhìn rõ, đậu nhầm
phải cành mềm và rơi vào ao nhà người khác. Xét đêm ở một phương diện khác thì
đêm tối, ao nhà ( chắc là có tôm, có tép, có cá và các thứ có thể ăn được) dễ
khiến người ta sinh nghi. Bởi lẽ đó cho nên ngay sau khi kêu cứu, cò đã phải
thề thốt. Mà đó là một lời thề độc, đem
tính mạng ra để đảm bảo cho lời thề. Vâng,
con cò này, hoặc người anh em của
nó đã từng bị nghi ngờ, đã từng phải thanh minh:
-
Cái cò cái vạc cái nông
Sao
mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò?
-
Không không , tôi đứng trên bờ
Mẹ
con nhà Vạc đổ ngờ cho tôi
Trong hoàn cảnh đêm tối, lại ở ao nhà người ta thì
dù ngay thẳng đến mấy cũng sẽ bị nghi ngờ. Cho nên cò phải thề, thề độc. Thêm
nữa, bản thân cò tin vào sự vô tội, sự trung thực, ngay thẳng của mình ( nó có
định xuống ao nhà người ta đâu, nó bị ngã đấy chứ!). Nhưng cò cũng đã dự liệu
những tình huống xấu nhất. Xã hội cũ đầy rẫy những ngang trái, bất công, biết
đâu sự thật vẫn có thể bị bẻ cong, trắng đổi thành đen, vô tội thành phạm tội.
Làm sao một thân phận như cò có thể có đủ tiền nong, công sức mà kêu cầu, thanh
minh. Bởi thế, dù “ không có lòng nào”, trong trắng đến tận trong ý nghĩ, cò
vẫn phải đề phòng sự rủi ro. Đây là một sự nhìn xa, trông rộng mà chỉ có người
rất coi trọng phẩm giá, danh dự mới có thể nghĩ đến khi chính mình đang bị đe
dọa chết đuối, chết chìm ở trong ao.
Tôi
có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con
Vậy là đã rõ: Bị tai nạn vì sẩy chân, cò không
muốn chết. Nó mong được cứu thoát và đề nghị được cứu giúp. Tấm lòng cò rất
thành thực, trong sáng. Cò đã dám mang tính mạng ra để đảm bảo cho phẩm giá của
mình. Nếu chẳng may có một lầm lẫn nào khi cứu xét, cò buộc phải chết, thì nó
xin được chết trong. Cái “nước đục” và “nước trong” khi hành quyết, khi đem nó
“xáo măng” kia là cái chết bắt buộc thì cò đã lựa chọn thế đó. Thật là cứng cỏi
và khí tiết.
Hai
chữ “cò con” khép lại bài ca dao gợi ra nhiều cách hiểu : thứ nhất là lời tự
xưng của con cò bị “lúc cổ xuống ao” ( khiêm xưng); thứ hai, cũng là lời tự
xưng của con cò , cũng là khiêm xưng, nhưng mức độ nhẹ hơn vì chính con cò này
chưa đủ lông, đủ cánh, còn non dại, chưa trưởng thành, chưa từng trải; thứ ba,
đó là nói đến chú cò con ở dạng trứng nước, đang nằm trong bụng cò mẹ “ Nó đang
phải nuôi mấy con và cũng lại đang có mang đấy” ( Nguyên Hồng – Một tuổi thơ
văn); và cuối cùng cò con là những thế hệ con cháu của cò. Tôi nghiêng về cách
hiểu cuối cùng, vì rằng con cò này không cần “khiêm xưng” đến mức quỵ lụy như
thế. Tình hình nguy ngập, nó có thể bị chết, nhưng nó đàng hoàng xưng hô “ông”
và “tôi” đúng mức. Đã hai lần xưng “tôi” sao lại có thể đột ngột chuyển giọng xưng
“con”? Cò con là con cò đang trong bụng mẹ thì cũng có thể nhưng không chắc
lắm. Vả lại khi đó, cái chết sẽ giải thoát luôn cho cả hai người, nỗi đau chỉ
là ngắn ngủi. Dân gian có câu “ Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng
tăm tốt đẹp, thanh danh để lại cho con cháu, đó mới là điều cò nghĩ tới. Nâng
niu tất cả chỉ quên mình đó cũng là cách ứng xử của các bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam.
Bài
ca dao kết thúc bằng tiếng kêu cứu khẩn thiết nhưng đầy khí tiết của con cò. Vì
thế có thể coi đây như là một lời ca ngợi lối sống “đói cho sạch, rách cho
thơm”; một lời ca ngợi phương châm thà chết chứ không làm bậy, quyết không làm
chuyện “đói ăn vụng, túng làm liều”. Nếu có bị tai nạn, bị oan trái mà phải
chịu chết thì hãy chết cho đàng hoàng, không chịu nhục cho mình và để hổ thẹn
cho con cháu.
Một
thái độ và phương châm sống như vậy đáng kính trọng thay!
Hà Nội, 11 tháng Bảy
4 tháng Mười một 1994
Hình như máy của bác bị lỗi chữ hoặc bác đánh máy vội mà quên không soát lại hay sao mà có một vài từ e bị viết sai. Ví dụ:Đậu phải cành mềm lúc cổ xuống ao
Trả lờiXóaHình như là lộn cổ phải không ạ?
Còn: Một tàn cò trắng bay tung
Có phải bác muốn viết một đàn ko ạ?
ghình ảnh
cột con cò lưu manh, trộm cắp.
Vô cùng cám ơn bạn đã chỉ ra lỗi, do vội tôi chưa kịp kiểm tra lại.
XóaTôi đã sửa theo góp ý.
Riêng "lúc cổ" và "lộn cổ" là hai dị bản tương đương về nghĩa: ngã cắm đầu xuống. Tôi sẽ tra lại nguồn dẫn để đảm bảo chính xác.
Đã vào xem, vâng, con cò qua ca dao của bác Vu Nho đàng hoàng lắm, thế mà bây giờ nó bị mang tiếng quá, cò bằng cấp, cò bệnh viện, cò đất, cò nhà, cò chạy án... hichic!
Trả lờiXóaCám ơn bác Phạm Ngọc Hiệp. Người có người tốt, người xấu. Cò cũng vậy. Xuất hiện nhiều cò "xấu" như bác kể cũng là do hoàn cảnh xã hội thay đổi đột ngột. Chắc là vì thế!
Xóa