Vũ Nho
Lịch Sử luôn luôn đồng hành với mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền và cả đến từng dòng họ, mỗi con người. Về tầm quan trọng của Lịch Sử, chúng ta đều biết, các triều đại đều có Sử quan, Quốc sử quán, có các Bộ sử được biên soạn và lưu hành chính thức. Nhưng vì rất nhiều các lí do khách quan và chủ quan, người đời sau không bằng lòng với những gì ghi trong chính sử. Luôn luôn có một nhu cầu “ôn cố tri tân”. Con người tìm trong chính sử, dã sử để suy ngẫm về hiện tại, hướng tới tương lai. Tuy vậy, không phải lúc nào nhu cầu ấy cũng thường trực và cập nhật. Thực trạng dạy và học môn Lịch Sử trong trường phổ thông cho thấy học sinh không mặn mà với Lịch Sử, đó là một điều rất đáng báo động và lo lắng. Việc các nhà văn sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, có tác dụng đánh thức lịch sử, tạo nên sức cuốn hút, lay động lòng người để góp phần truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một việc làm rất đáng hoan nghênh.
Bên cạnh các cây bút viết về Lịch Sử có những thành công và đóng góp như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, …Vũ Ngọc Tiến cũng đã có 3 cuốn sách tiểu thuyết lịch sử “ba nhà cải cách” Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ, Khúc Hạo được in nhiều lần. Lần này với tiểu thuyết “ Sóng hận sông Lô” viết về Trần Nguyên Hãn là một đóng góp mới của tác giả.
Thật ra, có vẻ như Vũ Ngọc Tiến cũng không thật bằng lòng với cái tên “Sóng hận sông Lô”, vốn chỉ định tập trung viết về một nhân vật lịch sử Trần Nguyên Hãn, một nhân vật quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và triều đình nhà Lê. Bởi vậy mà sách còn có một phụ đề “ Kí vãng lịch sử thời Lê Sơ”. Quả thật, nhân vật Trần Nguyên Hãn tuy có mặt trong tất cả 12 “mảng hồi ức” tương đương 12 chương sách nhưng như tác giả tự nhận xét “ Nhân vật chính Trần Nguyên Hãn hình ảnh dày mà hóa mỏng bởi số phận ông ta bị nhòa vào trong hồi ức hoặc độc thoại của nhân vật khác […] liều lượng câu chữ viết riêng về ông cũng chỉ ngang với Lê Lợi, Đinh Liệt, Tư Tề, Hạo Nhiên, Nguyễn Trãi, thiền sư Cúc Khê và thiền sư Kiến Phúc mà thôi”. Có lẽ bản thân lai lịch “khá bí ẩn và phức tạp” của nhân vật cũng là một khó khăn, cản trở nhà văn tưởng tượng, “lấp đầy” những chỗ trống trong chính sử và dã sử khi xây dựng nhân vật?
Dù là thử nghiệm “ tiểu thuyết giáo trình” của phương Tây, nhưng tác giả Vũ Ngọc Tiến đã từng viết thành công ba tiểu thuyết Lịch Sử theo cách thức cổ điển. Những hiểu biết sâu về triều Trần sau khi viết về Trần Thủ Độ, cho phép tác giả viết về Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi trong mối liên quan tới quan tư đồ Trần Nguyên Đán và các tôn thất nhà Trần khá mạch lạc và hợp lí. Đặc biệt là mối quan hệ thân mật, gần gũi giữa Trần Nguyên Hãn với Nguyễn Trãi.
Có thể nói thành công của tác giả là không chỉ khắc họa được chân dung Trần Nguyên Hãn, một người cương trực, dũng mãnh và cái chết oan khuất của ông, mà còn dựng lên chân dung một loạt những nhân vật quan trọng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và tham gia sáng lập nhà Hậu Lê. Cảm tưởng chung là những chân dung đó phù hợp với những tài liệu lịch sử. Tất nhiên, tác giả không minh họa Lịch Sử, nhưng tô đậm và làm rõ hơn những nhân vật lịch sử. Cái chết của Trần Nguyên Hãn, ngoài những nguyên nhân mà xưa nay mọi người đều rõ là do ông nằm trong vòng xoáy tranh đoạt quyền lực giữa một bên là phái ủng hộ Tư Tề và bên kia là phái ủng hộ Nguyên Long; nguyên nhân khác là sự đa nghi, thanh trừng nội bộ sau khi thắng lợi của Lê Lợi; Vũ Ngọc Tiến đã lí giải thêm một nguyên nhân khác là âm mưu thời “hậu chiến” của Vương Thông và nhà Minh. Bọn đạo sĩ cài cắm vào tận gia đình của tướng Phạm Vấn, rồi khoa trương thanh thế trên núi Thiết Trụ, kết hợp với thương nhân và chủ chứa đã làm được việc gây chia rẽ và làm lục đục nội bộ nhà Lê.
Trần Nguyên Hãn đã biết trước tình thế, đã cáo quan xin về. Nhưng vốn tính tình cương trực, lại thêm khao khát muốn cho dân giàu, nước mạnh, chấn hưng và phát triển kinh tế; nên vẫn không tránh khỏi bị gièm pha, bị khép vào tội “phản nghịch”. Đoạn miêu tả Trần Nguyên Hãn khảng khái nhận chiếu, không mắc mưu Lê Sát bỏ trốn và mắng nhiếc Trịnh Bá Hoành thể hiện dũng khí và tấm lòng vì dân của vị tướng là một đoạn cảm động.
Với nhân vật Lê Lợi, tác giả cũng có cái nhìn đúng mức và dành cho nhân vật này nhiều thiện cảm. Mặc dù có tư liệu nói Lê Lợi là người thô tục ( dùng tay bốc thịt trong ngày giỗ), nhưng Vũ Ngọc Tiến đã xây dựng ông như là một người thông minh, tài giỏi, quyết đoán. Đồng thời, tác giả còn cho thấy Lê Lợi là người đa nghi. Có lẽ, tính chất đa nghi của nhân vật chỉ xuất hiện sau khi đã giành thắng lợi, đã lập nên triều đình. Nhưng để làm rõ điều này, tác giả đã cho Lê Lợi tính toán “gợi ý ngầm” cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn phát triển phố Hiến và bến Thứa, bến Kim Xuyên. Rồi lại cho Lê Lợi làm mối cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn mỗi người một bà vợ ở Lỗi Giang để vừa gia ân, vừa để ràng buộc. Điều này hợp lí, nhưng có lẽ Lê Lợi không “tính toán quá xa” như thế. Việc Lê Lợi ngủ đêm với Đinh Liệt và kể hết “tâm sự” với người cháu trong đó lường trước tất cả việc loại bỏ các công thần gốc Bắc, cách thức loại bỏ Sát, Ngân, Vấn Hoành…rồi cả việc chọn Tống Nho thay cho Tam giáo đồng nguyên “nhồi sọ” cho lớp sĩ phu mới… E rằng dù thông minh nhưng Lê Lợi không thể có tầm như thế, nhất là khi bàn về các tôn giáo. Tác giả dùng suy nghĩ của Đinh Liệt để đánh giá Lê Lợi “ Bao năm qua ta coi cậu Lê Lợi thực là vị thánh. Giờ ở tuổi này, trải bao biến cố ta mới ngộ ra cậu mình cũng chỉ vì ngai vàng quyền lực mà mê muội, tàn nhẫn còn hơn cả bộ tứ Sát, Ngân , Vấn, Hoành tham lam, vô học mà thôi!”. Theo thiển ý, điều đó cũng không thật hợp logic và cũng không thật đúng với sự thật lịch sử.
Là một cuốn sách “Tiểu thuyết giáo trình”, tác giả đã công phu đưa những kiến thức về tôn giáo, lịch sử, địa lí, triết học để “góp phần bổ sung vào lỗ hổng kiến thức” của học sinh, sinh viên và bạn đọc nói chung. Đó là một ý định tốt. Những đoạn văn nói về lịch sử đạo Phật và các tông phái, về Phật hoàng Trần Nhân tông, về phép ứng xử Lục hòa của đạo Phật là những đoạn chứa nhiều kiến thức thú vị. Tuy nhiên, là kí vãng lịch sử, tưởng cũng cần phải đảm bảo độ tin cậy nhất định, mặc dù tác giả có quyền hư cấu và đã hư cấu không ít. Chúng tôi muốn nói đến hai chi tiết. Một là về Nguyễn Trãi. Trong các tài liệu chính sử đều khẳng định Nguyễn Trãi theo cha đến ải Nam Quan, rồi theo lời cha dặn, quay về tìm cách rửa hận. Nhưng tác giả lại viết : “Hồi đó, sau nhiều năm lưu lạc trên đất Quảng Tây của nhà Minh, ông tìm đường về nước, qua ải Nam Quan thì bị bắt giữ” ( Đêm trước Hội thề). Việc cho Nguyễn Trãi lưu lạc sang Quảng Tây không làm cho nhân vật nổi bật thêm đức tính gì, lại “mâu thuẫn” với những điều được biết về Nguyễn Trãi là không nên. Với nhân vật Lê Khôi, cháu của Lê Lợi , nh à văn cũng có đánh giá chưa thỏa đáng. Về Lê Khôi, Lê Lợi nói với Đinh Liệt rằng : “Lê Khôi trưởng thành, theo nghĩa quân lập được chút công lao, nhưng tài năng, tư chất bình thường”. Tất nhiên đây là đánh giá của vị thủ lĩnh với đám con cháu. Nhưng thực chất, Lê Khôi là một người tài giỏi. Trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông ( Lê Tư Thành) đánh giá các bậc khai quốc triều Lê có viết:
Cao Đế anh hùng cái thế danh
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
Sau khi tôn vinh hai vị vua nhà Lê, Thánh Tông nhắc đến Nguyễn Trãi như là người giỏi văn, Vũ mục hầu ( Lê Khôi) như là một người giỏi võ. Mặt khác, Lê Khôi từng cầm quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Bí Cai ( 1445), nên khi Lê Thánh Tông đi bình Chiêm, qua miếu thờ có làm bài thơ Điếu Lê Khôi ca ngợi tài năng ( hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỉ X thế kỉ XVII). Không lẽ một người ”tài năng, tư chất bình thường” lại được một vị vua văn võ song toàn ca ngợi như vậy?
Cũng có một vài chi tiết mâu thuẫn trong tác phẩm. Chẳng hạn, ở mục 2 viết : ” Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả cùng hơn 10 tướng dồn sức phá xong thành Tam Giang ngay trong tháng 6 năm ấy”. Chỉ cách mấy dòng, nói về Lê Sát và Lưu Nhân Chú ” mang 10 vạn quân đi đánh thành Xương Giang. Có Trần Nguyễn Hãn phối hợp. ” Trận chiến ác liệt xảy ra liền trong 10 ngày thì hoàn toàn chiếm được thành Tam Giang”. Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả phá xong thành Tam Giang, các tướng Lê Sát, Trần Nguyên Hãn đánh Xương Giang nhưng lại hoàn toàn chiếm Tam Giang ? Sự nhầm lẫn này tuy nhỏ nhưng thật đáng tiếc. Cũng liền theo đấy, tác giả thuật rằng ” Tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), Liễu Thăng đem 15 vạn quân đi đường Quảng Tây, Mộc Thạnh đem năm vạn quân đi đường Vân Nam sang cứu Vương Thông. Trần Nguyên Hãn bàn với Lê Sát chia bẩy vạn quân để ông ở lại giữ thành và mai phục sẵn ở cánh đồng Xương Giang, còn Lê Sát cùng Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chú mang ba vạn quân và năm thớt voi trận lên ải Chi Lăng đón đánh”. Nhưng đến mục 3 tác giả lại viết :
” May nhờ Bình Định Vương dự đoán được trước tình hình, truyền lệnh gấp cho ông Sát cùng Lưu Nhân Chú đi đón đánh viện binh ở Chi Lăng gấp, để chú Hãn ở lại giữ thành”.
Vậy thì Trần Nguyên Hãn chủ động, hay chỉ làm theo mệnh lệnh sáng suốt của Lê Lợi?
Về việc chọn lối thuật theo phong cách bút pháp Uyliam Phuôc nơ ( W. Faulkner), tác giả cho rằng “ cách viết này, ở ngôi thứ nhất “ta” trong lời độc thoại của nhiều người sẽ giảm nhẹ công việc phân tích tâm lí nhân vật và các nhân vật sẽ cùng tham gia với tác giả làm người dẫn chuyện”. Nhìn chung, tác giả đã thực hiện khá thành thục bút pháp này. Do trung thành và thành công với bút pháp đó, tác phẩm ít lời thoại, và nhân vật ít thể hiện tính cách qua ngôn ngữ. Nhưng đúng như tác giả đã dự liệu, cách viết sự kiện nhiều hơn tình tiết, nhân vật nhớ và nghĩ nhiều, nói ít sẽ phần nào khiến người đọc cảm thấy nặng nề, khô khan. Nhưng thật ra, với một tư liệu phong phú được chắt lọc và nghiền ngẫm kĩ, với một kinh nghiệm làm việc khá dày dặn khi đã viết ba cuốn tiểu thuyết lịch sử, với một giọng văn tiết chế, chừng mực và trong sáng; tác giả đã tạo được sức cuốn hút của tập sách.
Việc sử dụng hồi ức của nhân vật, sự suy nghĩ, hồi tưởng nhìn chung, tác giả thực hiện thành công. Nhưng đôi chỗ, hồi ức liên tục, miên man cũng gây ra ức chế với người đọc. Ví dụ trong phần 5. Bình ngô Đại cáo, người đọc thấy hồi tưởng của Nguyễn Trãi khi trốn tránh ở làng Vạn Phúc; hồi tưởng cuộc gặp Trần Nguyên Hãn, Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái; lại hồi tưởng bốn người đi gặp Lê Lợi; Hồi tưởng cuộc họp Hội đồng tướng lĩnh của Lê Lợi, chủ tướng theo ý Nguyễn Chích đánh thành Nghệ An chứ không đánh phủ Trường Yên như ý kiến Lê Sát. Và cuối cùng là hồi tưởng của Trần Nguyên Hãn về trận Tam Xoa…
Tất nhiên, không tránh khỏi một đôi chỗ giữa lời dẫn chuyện của tác giả và lời hồi ức của nhân vật thiếu một sự ngăn cách và phân định rõ ràng, làm cho người đọc ngỡ ngàng. Chẳng hạn ở mục 2. Đại thắng Xương Giang, tác giả cho một loạt suy nghĩ ( xưng ta : Ta phải khẩn trương….Toàn bộ binh lực của ta tập trung… Trước mắt ta dùng 10 vạn quân… Ta đã tính kĩ… Hiền đệ Nguyên Hãn của ta… Khoảng một trang in, sau đó mới viết Nguyễn Trãi nghĩ vậy . Đúng là làm khó cho người đọc. Hoặc một chỗ khác đang xưng “ông” ( ông ta) của người kể, ( 6 chữ ông trong lời thuật của tác giả) bỗng đột ngột chuyển sang xưng ta ( lời nhân vật hồi ức hoặc suy ngẫm) trong mục 9. Sơn Đông náu mình là ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, nhìn toàn cục, cuốn sách về kí vãng lịch sử thời Lê sơ với nhan đề “ Sóng hận sông Lô” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến là một cuốn sách công phu, hấp dẫn. Điều quan trọng nhất là tác giả đã suy nghĩ và tìm lời giải về các nhân vật lịch sử, làm phong phú, rõ thêm những vấn đề của thời đó, mời gọi người đọc cùng tưởng tượng, suy ngẫm về lịch sử, đặc biệt là về âm mưu thâm độc của giặc ngoại xâm phương Bắc thời hậu chiến đối với nước ta.
Hà Nội, đầu tháng 5/2013
Bài viết in trong tiểu thuyết SÓNG HẬN SÔNG LÔ của nhà văn Vũ Ngọc Tiến thay cho lời BẠT.
Chưa đọc SÓNG HẬN SÔNG LÔ nên bu tui không biết nói gì về quyển sách đó, chỉ góp đôi điều chung chung cho vui nhà anh Vũ Nho thôi.
Trả lờiXóa1- Nhắc đến chuyện học sinh bây giờ không thích môn sử, không chịu học sử, thấy lo cho trí tuệ dân mình sau này. Nhà hoạt động xã hội Nga Tsecnưsevski có nói: “Đã là người có giáo dục mà không yêu thích lịch sử thì chỉ có thể là một con người không phát triển đầy đủ về mặt trí tuệ”
2- Thầy cô dạy sử có thể chưa làm học sinh yêu thích môn sử. Riêng các bộ sử lớn của ta cũng còn nhiều chỗ phải đính chính lại. Không nói nhiều, chỉ riêng bài thơ “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” mà nhiều người cho là của Lý Thường Kiệt, là tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất, cũng còn nhiều bàn cãi. Thiền sư - giáo sư Lê Mạnh Thát nói phải trả bài thơ đó về năm 980 cho vua Lê Đại Hành thời đánh Tống, nó không thể là của Lý thường Kiệt trong trận chiến sông Như Nguyệt sau này được. Xem lại thì tấy sử gia Ngô Sĩ Liên thời hậu Lê lấy chi tiết bài thơ đó theo sách Lĩnh Nam chích quái khi khởi thảo bộ Đại Việt sử kí toàn thư, còn giáo sư Lê Mạnh Thát thì dẫn theo sách Việt điện u linh, cả hai sách này đều không phải là chính sử…
3- Bu tui đọc một số tiểu thuyết lịch sử nhưng ấn tượng mạnh với Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Hồ Quí Li (Nguyễn Xuân Khánh) nhưng thú vị nhất, khâm phục nhất là Vạn Xuân 1214 trang của nữ nhà văn Pháp YVELINE FERAY do Nguyễn Khắc Dương dịch. Bu đặc biệt kính phục cụ tư đồ Trần Nguyên Đán khi biết con gái Trần Thị Thái của mình đã có thai với Nguyễn Phi Khanh. Phi Khanh quỳ mọp chờ ngài tư đồ nổi cơ sấm sét thì ngài nói nhẹ nhàng “Anh không về coi vợ anh ra sao còn quỳ hoài đó hả”. Lúc đó cô Thái chỉ là học trò của Phi Khanh chứ chưa phải vợ, lần có thai đó bà Thái sinh ra Nguyễn Trãi.
Một ông già Việt Nam đức độ và nhân hậu biết chừng nào.
Bu tui nhỡ đa ngôn đa quá xin chủ nhà đại xá cho… hihihi
Cám ơn bác Bu về những lời nhiệt tình và nhận xét thẳng thắn.
XóaTôi đồng tình với bác. Bây giờ, ngoài GS Thát, tôi biết PGS Bùi Duy Tân của Đại học Tổng hợp cũ ( đã mất) cũng đã nhiều lần nói đến chuyện Lí Thường Kiệt không thể là tác giả, vì bài NAM QUỐC SƠN HÀ ra đời sớm hơn ( có chứng cớ văn bản). Điều này hầu như giới nghiên cứu đã thống nhất, không ai phản bác.
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả Vạn Xuân được chính phủ Pháp tài trợ để nghiên cứu thực tế và viết. Nhà văn nhân đó nói rằng nước ngoài chú ý đến SỬ nước ta, nhưng ta thì lại không chú ý.
Ông Trần Nguyên Đán thì đúng là độc đáo. Cả con gái cụ nữa. Vì thế chúng ta mới có Nguyễn Trãi!
Anh Vũ Nho ơi! không biết anh có quen với Toro không, bạn ấy có bài viết ở trang này, anh vào xem từ bài đầu rồi giúp xem có ý kiến gì phản hồi thêm cho bài viết này về chữ Nam Việt Triệu Tổ ở đền Hùng không ạ? Ở trang này có ý kiến phản hồi của bác Phạm Ngọc Hiệp và cả Bác Bulukhin nữa đó.
Trả lờiXóahttp://congly.com.vn/van-hoa/du-lich/phan-hoi-van-de-bao-neu-nam-viet-trieu-to-hieu-sao-cho-dung-chuyen-ten-nuoc-khong-the-la-chuyen-nho-26336.html
Vấn đề Triệu Đà là một vấn đề khó trong Sử ta.
XóaÔng này còn lấy vợ người Thái Bình và có khu đền thờ tại đó.
Sách sử chính thức của ta cũng coi nhà Triệu như một triều đại của ta.
Ngay cả Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại cáo cũng kể : Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần...
Vì không biết nhiều nên không dám lạm bàn, chị Mai ạ.