Mai Châu một lần đến
(Tản văn)
Nguyễn Thị Lan
Một ngày cuối xuân chúng tôi đến Mai
Châu.
Từ quê nhà, đi dọc đường 5 rồi men
theo quốc lộ 6, xe chúng tôi chạy thẳng đến Hòa Bình. Qua dốc Cun dài 12km
quanh co hiểm trở, chìm trong biển mây mờ ảo, đi tiếp đến đèo Thung Khe (hay
còn gọi là Thung Nhuổi), huyện Mai Châu xinh đẹp xuất hiện trong vòng tay bao
bọc của những cung núi. Đi thêm một đoạn đường xuống thấp dần, thấp thoáng xa
xa là bản Lác, một trong những bản du lịch cộng đồng đẹp nhất của thung lũng Mai
Châu. Từ đây về Hải Dương ngót 200km.
Đã từng đi những tỉnh thuộc Tây Bắc
như Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, lần này đến Mai Châu chúng tôi có thêm những
trải nghiệm mới thú vị. Cách Hà Nội 130km, Mai Châu không làm du khách mệt mỏi
vì đường quá xa. Đường đi cũng ít những cung đường chênh vênh trên sườn núi
cao, những đoạn khúc khuỷu đổ dốc bất ngờ, những đoạn cua tay áo liên tục khiến
những người yếu bóng vía cũng phải giật mình. Núi non không quá cao và hiểm
trở, vực không quá sâu, rừng không quá âm u… để ta thích thú đến rợn ngợp, Mai
Châu đẹp yên ả thơ mộng. Cả một thung lũng ngút ngát màu xanh đồng ruộng. Xa xa
thấp thoáng những nếp nhà sàn nằm nép mình trong dãy núi phủ kín mây mù. Cảnh
vật vừa lạ lại vừa quen với những ai ở dưới xuôi lên đây: những ô ruộng lúa
xanh mướt đang thì con gái đẹp như tranh vẽ, những ruộng bậc thang, những cánh
đồng ngô đang trổ cờ lắt lay theo gió, những bụi tre xanh cao ngất tỏa bóng
xuống bản làng. Buổi chiều, cảnh vật càng êm ả thanh bình: đàn bò thung dung
gặm cỏ dưới nắng chiều, từng đàn cò bay lả tìm về ngọn cây để ngủ, sương mù dần
bao phủ làm bức tranh núi rừng thêm trầm mặc, thâm u.
Nơi chúng tôi dừng chân là bản Lác –
thủ đô dân tộc Thái. Bản Lác được bao quanh bởi những dãy núi sừng sững với
100% dân số là người Thái, một bản có tuổi đời 700 năm. Khác với người Hmông
thường sống trên núi cao, người Thái sống ở dưới thấp, ven sông suối. Trước
đây, dân bản Lác chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa và dệt thổ cẩm. Khoảng hai
chục năm, nhất là vài năm trở lại đây, du khách đến nhiều, dân bản bảo nhau sửa
nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách
tham quan. Phụ nữ trong bản tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách hàng như dệt
khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những
chiếc ví xinh xắn. Đàn ông Thái đen chế tác cung nỏ, mõ trâu, tù và sừng trâu,
phách gỗ nhịp tre… để làm quà cho khách tham quan.
Người Thái làm du lịch rất giỏi. Ở đây
nhà nhà làm du lịch. Mai kia không chỉ bản Lác, bản Văn, bản Poong Coọng mà còn
nhiều bản như bản Nà Thia, bản Nà Phoòn, bản Nà Mèo, bản Nà Mo cũng đã chuẩn bị
làm du lịch. Những ngôi nhà sàn khang trang đang được dựng lên, những con đường
bê tông đang chạy về từng ngõ xóm. Đến đây du khách sẽ sống trong chính nhà của
người dân. Loại du lịch Homestay này rất được du khách ưa chuộng, đặc biệt
khách quốc tế.
Bản Lác đem đến cho chúng tôi hết bất
ngờ này đến bất ngờ khác. Là nơi cư trú của đồng bào dân tộc nhưng bản Lác có
đường bê tông trải từ đầu bản đến tận sân từng nhà sàn bằng gỗ. Những
"hotel" nhà sàn với trang thiết bị hiện đại tạo nên cảm giác thoải
mái cho du khách được xây cất theo quy hoạch. Mỗi "khách sạn" được
đánh số theo thứ tự từ 1 đến 25. "Hotel" số 1 ở ngay đầu con đường
vào bản được mệnh danh là "khách sạn 4 sao" có cả chảo thu bắt tín
hiệu vệ tinh.
Đến đây du khách không thể bỏ qua
những món ăn đặc sản đậm hương vị núi rừng. Mâm cơm có thịt lợn Mường, gà bản,
cá suối, cơm nếp nương. Gạo nếp Mai châu nổi tiếng dẻo và thơm. Ở nơi đây tôi
lại nhớ đến một người không còn nữa, nhà thơ Quang Dũng với câu thơ trong bài "Tây
Tiến":
"Nhớ
ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai
Châu mùa em thơm nếp xôi"
Quang Dũng còn sống hẳn ông sẽ vô cùng
ngạc nhiên và vui vì Mai Châu giờ đây đã thay đổi từng ngày.
Sau bữa tối, du khách được đắm mình
trong men rượu cần và thưởng thức những tiết mục ca nhạc do nam nữ thanh niên
trong bản biểu diễn. Nhìn những thiếu nữ Thái da trắng hồng, thanh mảnh, thắt
đáy lưng ong với trang phục dân tộc trong điệu múa xòe, múa sạp… những chàng
trai Thái trẻ đẹp thổi khèn, nhảy múa lòng du khách không khỏi ngất ngây. Cảnh
thực mà lại như hư ảo. Những câu thơ của Quang Dũng lại hiện về:
"Doanh
trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa
em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp"
Và
nhà thơ Xứ Đoài mây trắng như hiện lên... Trong sự hào hứng phấn chấn cao độ
chúng tôi cùng nắm tay nhau nhảy sạp với các diễn viên của bản.
Đã
từng nghỉ lại ở những bản xa xôi hẻo lánh ở Tây Bắc, Việt Bắc nhưng chỉ một đêm
ngủ lại ở bản Lác có cái gì thật khó quên. Sàn nhà ở đây được dát bằng tre hay
gỗ tấm, rất rộng. Bên trong có đầy đủ chăn, đệm, gối, màn được gấp gọn gàng.
Đêm đến, bốn bề gió lùa, sương giăng dày. Đâu đó vang lên tiếng thì thào tâm sự
của những người mới đây thôi còn xa lạ bỗng trở thành thân thiết. Rồi những tấm
card trao nhau... chợt thấy lòng mình thật ấm áp và bình yên.
Sáng
sớm ra, bản Lác lại đem đến một bất ngờ nữa cho tôi. Đi dạo một vòng quanh bản
tôi chợt nhận ra: thật ngạc nhiên, dưới gầm nhà sàn – một không gian mở - đồ đạc
của mọi nhà để nguyên như ban ngày từ bàn ghế, vật dụng sinh hoạt, tivi, tủ
lạnh, quạt điện, xe máy..., xe đạp hàng dãy dài để cho khách du lịch thuê không
khóa. Rồi những quầy hàng lưu niệm trị giá đến vài chục triệu không ai trông
nom, những chiếc lồng nhốt gà rải rác bên đường... Bất giác tôi nghĩ đến chuyện
Hằng Nga ngủ trong rừng dưới phép màu cây đũa thần của bà tiên, tất cả đang
chìm vào giấc ngủ, tôi nghĩ đến thời Nghiêu Thuấn trong dã sử Trung Quốc, rồi
lại nhớ về một câu thơ của Đỗ Phủ viết về thời Khai Nguyên thịnh trị của nhà
Đường, đại khái có câu: "Nhớ xưa... buổi tối đi ngủ mọi nhà không phải
đóng cửa..." Hỏi một người đàn ông chợt gặp trong buổi sớm mai đó: "Ở
đây không có trộm hay sao?". Bác nói: "Ở đây an ninh rất tốt, không
hề có trộm lớn, trộm nhỏ". Lại thắc mắc: "Không có trộm sao dân bản
nuôi lắm chó thế?" Ông cho biết: "Nuôi chó để cho vui thôi, chứ không
phải để giữ nhà".
Cuộc
sống của chúng ta giờ đây đầy nỗi bất an. Nói như nhà văn Tiệp FralKapka: "Bản
chất của sự sinh tồn là nỗi bất an". Có khi ta bất an ngay chính trong
ngôi nhà của mình. Thế mà người dân ở đây sống thật an lành và đó có phải là
hạnh phúc?
Buổi
sớm ở bản Lác không khí trong veo, tinh sạch như không hề có bụi trần. Tiếng
chim hót văng vẳng đâu đây, đàn gà rủ nhau tha thẩn kiếm mồi, thoảng trong
không khí mùi phong lan ngát hương, vài người phụ nữ Thái đi bán cơm lam sớm,
ngoài đường một tốp du khách nước ngoài cả người lớn và trẻ nhỏ đi dã ngoại,
sương vờn quanh đỉnh núi như một chiếc khăn voan mỏng. Một buổi sớm mai mát mẻ,
an bình.
Ở
bản Lác chúng tôi đã đến thăm "Nhà trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa Thái
Mai Châu". Đây là một bảo tàng tư nhân của anh Kiều Văn Kiên. Là người
Kinh đến đây sinh sống, với tình yêu, sự hiểu biết và cả niềm đam mê văn hóa
Thái, người đàn ông này đã dành hàng chục năm tâm huyết và số tiền lên đến hàng
tỷ đồng để sưu tầm những hiện vật cổ của văn hóa Thái. Du khách không khỏi trầm
trồ thích thú với hàng nghìn hiện vật được sắp xếp thành 12 bộ sưu tập. Từ lịch
sử của người Thái ở Mai Châu đến sách Thái cổ bát cổ, tiền cổ, sự phát triển
của tiền giấy Việt Nam 100 năm trở lại đây, rìu đá thời tiền sử; rồi đồ dùng
của quan lang dân thường; rồi trang phục của người Thái, trang sức của phụ nữ
Thái; rồi phong tục của người Thái trong cưới hỏi, ma chay, làm nhà; rồi nhà
mồ, quan tài, cầu thang, những quan niệm của người Thái về cái chết... Đó là
một bảo tàng rất nên đến nếu ai muốn tìm hiểu về văn hóa Thái và người Thái ở
Mai Châu.
Mai
Châu, vùng đất cổ của Tây Bắc, nơi cất giữ nhiều trầm tích văn hóa lâu đời, bền
vững của người Thái; đây là xử sở của múa sạp, múa xòe, của vải thổ cẩm, của
những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người.
Mai
Châu, một điểm dừng trong trẻo, một bầu trời khác cho những ai có cuộc sống bận
rộn. Hai ngày một đêm ở đây, chúng tôi được quên đi những mệt mỏi của cuộc sống
thường nhật, những ồn ào bụi bặm của chốn đô thị. Đến đây chúng tôi có những
giờ phút được sống chậm lại, có những khoảng lặng để an tịnh, để thanh lọc tâm
hồn, để điều chỉnh lại cảm xúc. Những khoảnh khắc ấy thật có ý nghĩa và hạnh
phúc biết bao. Xin cảm ơn Mai Châu.
Hải
Dương, đầu tháng 5 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét