Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân
Thơ
cho một người
Phạm Đức
Thơ tình yêu
Là thơ cho một
người
Đang
Say đắm
Mộng mơ
Đang
Đợi chờ
Đau khổ
Một trái tim
Lo sợ vẩn vơ
Phập phồng
thương nhớ...
Cho một người
Một người
Như thế
Có nghĩa là
chẳng phải một người đâu!
Lời bình của Hoàng Dân
Tình yêu, trước hết là chuyện của cá nhân,
chuyện của hai người; nhưng trong bất kì mối tình nào cũng thấp thoáng bóng
dáng của nhân loại. Nó là thuộc tính tình cảm vĩnh cửu của con người, chỉ con
người mới có. Tình yêu là phẩm chất thiên phú, nó vừa là ý thức vừa là vô thức,
vừa là lí trí vừa là tình cảm, vừa đầy ắp tiếng cười vừa không ít nước mắt...;
nhưng có lẽ bộ mặt điển hình nhất của tình yêu vẫn là bộ mặt tinh thần, một thứ
tinh thần được cảm xúc hóa mãnh liệt và nhất định phải có những khoảnh khắc
bùng nổ vượt ra mọi khuôn khổ, mọi giới hạn mà bình thường lí trí không cho
phép. Đó chính là tình yêu đích thực, là tác nhân của thi ca và nghệ thuật. Do
đó thơ tình phải là đứa con mang nặng đẻ đau của những cảm xúc, những trăn trở,
những khát vọng hướng tới cái đẹp. Những bài thơ tình như vậy sẽ gọi ra được sự
đồng cảm ở người đọc và đó là những bài thơ tình hay. Nghĩa là không yêu thật,
không đau thật, không thể có thơ tình!
Bài thơ của
Phạm Đức mở đầu bằng hai câu thật giản dị:
Thơ
tình yêu
Là thơ cho một người
Cho người nào?
Trước hết là cho chính mình. Mình cảm nhận được hạnh phúc của tình yêu và làm
thơ để bày tỏ lòng biết ơn ông trời đã xui khiến cho mình tình cờ gặp được
người yêu. Biết ơn người yêu đã cho mình ý thức được giá trị của bản thân và cả
giá trị của cuộc sống. Nhờ tình yêu mà mình chân thành muốn sống tốt hơn, có
ích hơn... Mình bị thuyết phục bởi những xúc động thánh thiện và chính mình
dường như cũng đột nhiên thăng hoa?
Kế đến là cho người yêu. Những gì người yêu đem đến cho ta có thể là vô
hình vô ảnh, nhưng lại vô giá. Cả bài thơ có khi chỉ cố gắng khắc họa một ánh
mắt, một nụ cười... từng ám ảnh và âm vang trong ta xao xuyến bồi hồi. Đó là
cái rất riêng mà chỉ có những kẻ trong cuộc mới cảm nhận được. Nó sẽ là kỉ
niệm, là vầng hào quang, là sự vẫy gọi kì diệu của cuộc sống, hối thúc ta gắng
gỏi tự vượt lên mình. Và tất nhiên, thơ cho người yêu cũng chính là lòng biết ơn
đối với tình yêu mà người yêu đã dâng hiến cho ta!
Khổ thơ tiếp
theo giống như những lời kể thì thầm, nhẩn nha về nhiều cung bậc của tình yêu
mà con người đã chiêm nghiệm, có buồn vui, có sung sướng, có khổ đau:
Đang
Say đắm
Mộng mơ
Đang
Đợi chờ
Đau khổ
Một trái tim
Lo sợ vẩn vơ
Phập phồng thương nhớ...
Khổ thơ có hai thì hiện tại: đang... say đắm, mộng mơ
đang... đợi chờ, đau khổ
Hai thì này dường như đồng hiện, xuyên thấm vào
nhau, thẩm thấu nhau để làm nên sự thống nhất đồng thời với sự phân cực trong
tình yêu: hạnh phúc và bất hạnh! Nhưng hình như, nỗi đau khổ trong cái say đắm ấy
mới chính là hạnh phúc đích thực của tình yêu? Bởi nếu không có nó thì tình yêu
sẽ có thể lập trình cho hàng loạt rô bốt thực hiện!
Nhưng, có thể
khẳng định rằng, trên đời này không thể có cái gì bí ẩn và biến hóa mau lẹ hơn
tình yêu! Thoắt vui thoắt buồn. Đang phơi phới hi vọng, lại có thể ngay lập tức
tuyệt vọng. Đang tin tưởng, lại có thể băn khoăn hoài nghi... Đôi khi, trái tim
của kẻ đang yêu thật đáng thương:
Một trái tim
Lo sợ vẩn vơ
Phập phồng thương nhớ...
Trái tim sinh
học vốn đã quá nhỏ bé, lại phải chịu đựng liên tục sức ép tối đa của những cảm
xúc cực đoan trong tình yêu khiến nó không khỏi có những phút yếu đuối, phập
phồng lo sợ vẩn vơ... Lo sợ điều gì? Không rõ! Chính trạng thái mơ hồ này mới
là trạng thái mang tính nhân loại của
tình yêu! Xưa thế và nay vẫn thế! Phương Tây thế và phương Đông cũng thế! Cho
nên, nếu tình yêu, trước hết là chuyện của cá nhân thì thơ tình trước hết cũng
là thơ viết cho cá nhân; nhưng một khi thơ tình đã chạm được đến yếu tố mang tính nhân loại thì nó sẽ trở thành
thơ tình cho mọi người, bởi vì ai mà chẳng có tình yêu?! (Làm sao sống được mà
không yêu! – Xuân Diệu):
Cho một người
Một người
Như thế
Có nghĩa là chẳng phải một người đâu!
Bài thơ của
Phạm Đức giản dị đến mức tưởng như chẳng có gì để nói đằng sau những câu chữ mà
ai cũng có thể dễ dàng hiểu được kia, nhưng thực ra đó là bài thơ cần phải được giải mã bằng một vốn
sống từng trải, bằng một đời yêu đầy sóng gió và trên một cái nền cảm xúc mãnh
liệt, luôn tươi ròng một trái tim đỏ máu tuổi thanh xuân!
13.2.2004 (23.1.Giáp Thân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét