Nhà thơ nhà giáo Trần Trung
MỒNG HAI TẾT VIẾNG CÔ KÍ
Trần Tế Xương
Cô Kí sao mà đã chết ngay
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày.
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
Gớm ghê cho những cô con gái,
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy
Lời bình của Trần Trung
Mồng hai Tết… nhớ cô Kí
Cái tên thầy Kí – tức
Kí Lục, người ghi chép giấy tờ, sổ sách trong các sở Tây xưa, lại đi kèm với
cái tên “ăn theo”, như một thứ logic của thời Tây sang – cô Kí – tức vợ thầy
Kí. Danh giá quá đỗi! Phải là những thầy Kí, thầy Phán, thày Cò… làm cho Tây
Lang Sa, ăn lương Tây, mới có cơ hốt bạc “trăm
nghìn vạn mớ”; mới được dịp thụ hưởng hương vị ẩm thực: “Tối rượu sâm banh sáng sữa bò”.
Thế nên, “cô Kí” – cô
vợ bé trẻ đẹp của thầy Kí lăn đùng ra “chết ngay”, chết bất đắc kì tử, mới là
chuyện dở khóc, dở cười. Bởi, phải có cô vợ bé trẻ đẹp như Giời cho này, thầy
Kí nhà ta mới có điều kiện mở mày, mở mặt, kiếm chác cho cửa hàng thuê xe tay
của thầy. Cũng bởi sự tiếp cận, giao… thiệp của cô Kí với viên cẩm Tây – một
chức sắc trông coi sự an ninh ở thành Nam lúc bấy giờ.
1. Bốn câu thơ theo
luật Đường của ông Tú Thành Nam, tạo ấn tượng khá “giật gân” như tin nhật trình
(báo chí) thứ thiệt:
Cô Kí sao mà đã chết ngay
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày
Tú Xương đưa tin cụ
thể tới từng chi tiết nhỏ. Này nhá, về một con người (cô Kí); một cảnh ngộ
đường đột (đã chết ngay); một thời gian xác định (năm mới vừa sang được một
ngày). Chân thực, cụ thể đấy mà cũng ỡm ờ, ẩn chứa chất trữ tình – hài hước –
thứ humuor kiểu Tú Xương, rất Tú Xương. Nhẹ nhàng buông thả câu thơ thứ ba – gái tơ đi lấy làm hai họ, quả là ông Tú
đất Thành Nam đã đạt đến độ “tuyệt chiêu” của tinh chất trào lộng – trữ tình.
Chân thực và liên tưởng, những tiếng “làm hai họ”, trong mục chú thích (2) của
sách giáo khoa văn 11, tôi e rằng còn khiếm khuyết, khi cho là: “làm hai họ” –
làm vợ hai (vợ bé) người ta (họ: người ta đây chỉ Thầy Kí). Tôi nghĩ thêm ra
thâm ý, thâm tình của Tú Xương: ấy là mối quan hệ của ngời quá cố - có cả họ Ta
(với thầy Kí) lẫn cả họ Tây (viên cẩm Tây)! Khóc cười cho sự “chính chuyên”,
ngang ngửa giữa cái thời “dở Tây dở Ta”! Nền nếp gia phong phương Đông, chỉ là
một thoáng “tức thời” thành đổ sụp. Bẽ bàng lắm! Khốn nạn thay, cứ phải “nể ông
Tây” mới ra… tiền; văng tình để đoạt được đa lợi, đa tiền, đa danh vọng…
Tú Xương đã chạm đúng,
nói cho “chạm nọc” và cũng rất đỗi cay sâu cái thời ngỡ như đang vượng về
chuyện làm ăn kinh tế, thăng quan tiến chức, cái thời hốt bạc… mà hoá ra cũng
chính cái thời ấy đang băng hoại con người, làm nhục hồn dân tộc – băng hoại
từng ngày đời sống tinh thần – truyền thống.
2. Lời khóc thơ “viếng
cô Kí”, Tú Xương lại tiếp tục diễn tả thành những lời thơ khóc viếng chứa đầy
nghịch lý, đầy sự trớ trêu của một thời. Đấy là đôi câu luận:
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
Thơ Tú Xương luôn đầy
rẫy những khóc cười; cười sằng sặc đắng cay; rồi lặng khắc trong chiêm bao thầm
lặng:
Trời không chớp bể với mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
… Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo dở tuồng
(Đêm hè)
Ông Tú tài hoa, hay
chữ, cười thẳng vào cái dốt, cái ngu phơi đầy trong thiên hạ:
Cử nhân cậu ấm Kỷ
Tú tài con Đô Mỹ
Thi thế mà cũng thi
Ới khỉ ơi là khỉ!
Khóc cười đan hoà,
thẩm quyện tạo nên nguồn mạch trào phúng – trữ tình “độc nhất vô nhị” trong thơ
Tú Xương.
Phúng viếng thì tất
phải khóc, phải thương. Nhân tình thế thái đen bạc, tráo trở ư? Xin đừng vội
trách người “hàng phố khóc bằng câu đối
đỏ”. Đem cái sắc màu tươi đỏ, may mắn đón xuân về mà biến thành sắc màu
phúng viếng, ông Tú xót thương cho cô Kí lắm thay! Hoá ra, cô Kí dẫu có “tân thời”
trong làm ăn, giao thiệp thì cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương, bươn trải
trong cái thời tiền bạc lên ngôi và tình người hạ bệ. “Mồng hai Tết”, thì “hàng
phố”, thiên hạ còn mải đón xuân, những mong cầu tài cầu lộc. Vậy thì, cô Kí lăn
ra “chết ngay”, thương thì thương thật song mọi người vẫn phải đón xuân lộc,
xuân may.
Bẽ bàng và đớn đau hơn
cả là cái duyên tình phu phụ. Câu thơ của Tú Xương mang một hình ảnh thật bẽ
bàng, cứ như xát muối vào tận lòng người: “ông chồng thương đến cái xe tay”.
Tú Xương như đang đọc
thấu nhân tâm; đọc ra để phanh phui, để “phơi áo”, để “vạch áo” cho thiên hạ
xem tấm lưng trần – gan ruột của ông thầy Kí. Ngôn từ, giọng điệu của nhà thơ
cứ như chơi chơi, lửng tửng mà thấm thía, sâu xa. Đem một chuyện chết người cụ
thể, ông Tú đã khái quát một sự mất mát trông thấy “nhỡn tiền” và dường như còn
dự báo hiện trang băng hoại ấy sẽ còn dài dài trong cái xã hội thực dân nửa
phong kiến buổi đầu.
3. Thiên hạ, hàng phố
cùng ông Kí – “ông chồng” đã lên tiếng trong lời viếng tạ từ rồi. bây giờ là sự
lên tiếng trực tiếp của nhà thơ, trong hai câu kết:
Gớm ghê cho những cô con gái,
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy
Tú Xương sợ, cũng là
Tú Xương chê bai, khinh thị. Dồn vào hai tiếng “gớm ghê” và hướng tới đối tác –
“những cô con gái”, người thơ như muốn chặn lại cơn thác loạn hiện sinh “đua
nhau lấy các thầy” của những cô gái “tân thời”.
Mồng hai Tết viếng cô Kí của Tú Xương là sự phản ảnh hiện thực, hiện trạng và
cũng là lời cảnh báo để đời: “Tiền thường đi liền với bạc”! Đau buồn thay!
Hà Nội, mùng 2 Tết năm Ất Dậu 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét