TRẦN ĐĂNG KHOA
KHÔN NHÀ DẠI CHỢ
Mấy
ngày gần đây, trong những chuyện phiếm bên quán nước vỉa hè, hay trên các hãng
truyền thông, đều xôn xao những chuyện không lấy gì làm đẹp trong phòng khám,
phòng điều trị tư nhân có thày thuốc Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn là đã xảy ra
cả chuyện chết người. Nạn nhân là một phụ nữ chẳng có bệnh tật gì nghiêm trọng.
Một cái chết vu vơ. Chết chỉ vì bị xốc khi truyền nước. Đó là một sơ xuất rất
tối thiểu mà ngay cả một trạm xá cấp xã, cấp phường cũng khó vấp phải. Chúng ta
không nghi ngờ nền y học Trung Quốc, đặc biệt là Đông y. Tuy nhiên, những thầy
thuốc giỏi, những bác sĩ chuyên gia đích thực của họ đâu có sang ta để hành
nghề. Việt Nam không phải là lựa chọn của họ. Làm việc trong mấy phòng khám tư
nhân ở ta, có khi chỉ là mấy ông lang băm bán thuốc dạo, hay vài cậu sinh viên
non choẹt vừa mới ra trường. Tay nghề không. Thực tiễn không. Kinh nghiệm
không. Thế thì tránh sao được chuyện rủi ro, kể cả những cái chết bi thảm,
những cái chết vu vơ rất không đáng có.
Điều
chúng ta quan tâm, là tại sao những phòng khám tư nhân, với cái giá điều trị
ngất ngưởng ở …trên giời mà vẫn có bao nhiêu người nghèo sẵn sàng dồn cơ nghiệp
và cả tính mạng của mình vào đấy, để rồi cuối cùng chuốc lấy sự phiền toái,
bùng nhùng, cả những cái chết vô cùng thảm khốc? Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ chết
vì bệnh. Nhưng những bệnh nhân đáng thương ấy không phải chết vì bệnh tật, mà
vì bệnh …sùng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng tốt, cũng sang. Đến cả hàng
hóa, vật dụng, hàng xách tay, hàng…ngoài luồng cũng đều …tốt cả. Còn những gì
của ta cũng đều rẻ rúng, “hâm đơ”. Hãm. Từ hàng hóa, vật dụng, đến cả …con người.
Các Hoa hậu, ca sĩ của ta, chỉ cần có chút nhan sắc, tiếng tăm, phần lớn cũng
sắm…chồng ngoại. Thế thì trách gì mấy bác nông dân chân lấm, tay bùn cả tin, dễ
bị lừa mị, thế nên chỉ nhức đầu, sổ mũi, hay cắt trĩ, truyền nước…, toàn những
bệnh đơn giản, cũng muốn kén bàn tay của bác sĩ ngoại, dù sự kén chọn ấy có
phải trả cái giá ngất nghểu ở xứ …cung giăng thì cũng “cứ chơi”. Không đủ tiền
thì bán đất cát, nhà cửa. Tính mạng còn chả tiếc thì tiếc gì mấy chuc …triệu
bọ. (Xin lưu ý giá cắt trĩ ở phòng khám tư có thầy thuốc Trung Quốc là 20 triệu
đồng).
Thật
hẩm hiu cho nền y học “nội địa”. Trong khi chúng ta có rất nhiều thày thuốc
giỏi, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Bách, Giáo sư Nguyễn Trọng
Nhân, Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Lương y Bành Khừu, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, bác sĩ
trẻ Nguyễn Lân Hiếu. Bác sĩ Hiếu là con trai Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn
Lân Dũng và Thày thuốc Nhân dân, Đại tá hàm Tướng Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Phó Viện
trưởng Viện 108 Quân đội. Hiện nay, bác sĩ Lân Hiếu mổ tim thuộc hạng cự phách.
Một học giả nước ngoài bảo tôi: “Về y học, chúng tôi chỉ hơn các anh máy móc và
điều kiện làm việc thôi. Còn tài năng, kinh nghiệm, và đặc biệt là bàn tay khéo
léo, chuẩn xác trong kỹ nghệ mổ xẻ, các bác sĩ của các anh thật đáng kính nể!”.
Thế
thì tại sao lại dẫn đến thảm cảnh ấy?
Sùng
ngoại. Cả tin. Đa nghi ư? “Người Việt vốn dĩ có tinh thần cảnh giác cao độ.
Kinh nghiệm từ những năm chiến tranh với cái giá quá đắt phải trả đã cho họ đức
tính ấy”. Giáo sư J. Berke, một nhà Việt Nam học người Đức đã từng có nhận xét
về chúng ta như vậy. Ông đã bảy lần sang thăm Việt Nam. Để khám phá Việt Nam,
theo ông, chỉ cần có một công cụ, đó là chiếc xe đạp. Mà xe đạp ở xứ này rất
sẵn. Chỉ bỏ ra hơn chục dolla là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam
rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ
đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe đạp. Mà những ông
thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường. Họ là những anh hùng
trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Nhưng tốt
nhất là cứ để họ tự nói. Người Việt sởi lởi lắm. Họ chẳng giũ được cái gì ở
trong bụng. Nhưng mà đừng hỏi. Nếu cứ thật thà hỏi, hoặc tỏ ý quan tâm, lập lức
họ sẽ nghi ngay mình là một tên gián điệp quốc tế. Với người Việt, tội ác tày
trời là tội làm gián điệp. Cứ vu cho cái tội làm gián điệp là mọi việc xử lý
rất dễ. Dân Việt nhạy cảm lắm. Cảnh giác lắm, căm gián điệp lắm, nên nhìn đâu
cũng thấy địch!
Nhận
xét của J. Berke như một chuyện đùa. Nhưng không phải không có những điều khiến
ta phải nghĩ ngợi. Một cây bút có tiếng chịu khó tìm tòi, vừa có tác phẩm mới,
với giọng điệu hơi lạ, dù chỉ đơn thuần là một cách làm mới mình, để mình không
giống với người khác. Vậy mà ông bạn tôi cứ truy hỏi: Cái cậu tác giả ấy là
người thế nào? Nó ăn phải bả của địch hay do địch cài cắm?. Tôi bảo: Chả có
địch nào chui được vào hàng ngũ của những người từng vào sinh ra tử. Mà cơ quan
ấy cũng là mảnh đất lành. Một môi trường trong veo làm sao có chỗ cho cái ác
nảy nở. Nếu cậu không tin, cậu cứ cử về đấy vài ba thằng gián điệp. Tớ bảo đảm
với cậu chỉ sau mấy tháng, chúng sẽ thành lao động “tiên tiến” hay cá nhân “bốn
tốt”!.
Ông
bạn tôi bắt đầu cảnh giác. Rồi anh nghi ngờ cả tôi. “Không khéo thằng cha này
cũng bị địch tiêm nhiễm rồi cũng nên”.
Bà
con mình thế đấy. Có thể cảnh giác, nghi ngờ với cả con cái, anh em ruột thịt
trong nhà, nhưng lại nhẹ dạ cả tin với thiên hạ. Mà ai nói gì cũng tin. Các cụ
bảo đó là bệnh “Khôn nhà dại chợ”.
Còn
nhớ những năm 1997-1998, thương lái Trung Quốc sang ta mua mèo với giá cao, thế
là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, nông dân phía Bắc phải chịu đại
dịch chuột hoành hành, khiến cả mùa màng xiêu điêu. Rồi những năm 2002-2003,
thương lái Trung Quốc cũng lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết
họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú
trâu to lớn vật vã như thế mới có 5 triệu bạc mà chỉ riêng một cái móng trâu
cũng đã gần một triệu bạc rồi. Thế là bà con lột móng trâu đem bán. Kết cục là
trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo
phía Bắc. Để tiêu diệt cả con trâu, họ chỉ chi khoản tiền bằng đúng một chiếc
móng. Thế thì chiếc móng trâu mà thương lái Trung Quốc thu gom là đắt hay rẻ
đây?
Chưa
hết. Hãy nhớ lại chuyện thu gom ốc bươu vàng, rồi thu gom đỉa của thương lái
Trung Quốc mấy năm vừa qua, chúng ta cũng đã phải trả một cái giá đắt đến mức
như thế nào? Từ các tỉnh phía Bắc, phong trào thu mua đỉa đã lan đến Thành phố
Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều người dân Hóc Môn còn đứng ra thu gom
đỉa từ khắp các vùng lân cận. Thấy lợi, dễ làm mà giá cao, nhiều hộ dân Tây
Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao nhà mình hồ để mang bán cho thương lái Trung
Quốc. Ngoài việc “sản xuất” đỉa, “sản xuất” ốc bươu vàng, họ còn đi thu mua của
các hộ quanh vùng. Thương lái Trung Quốc mua gì, họ thu gom thứ ấy. Thương lái
đặt với số lượng cực lớn rồi đột ngột “mất tích” như phép thần thông của Tôn
Hành Giả. Mà đỉa với ốc bươu vàng sinh sản rất nhanh. Trời mưa, đỉa theo nước
ùa cả vào nhà dân. Không phải chỉ trẻ con mà người lớn cũng sợ khiếp vía. Theo
các nhà Động vật học, “đỉa là loài rất nguy hiểm, do dễ sinh sôi nảy nở trong
mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để
tiêu diệt một con đỉa lại rất khó khăn, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy
hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển
thành một con đỉa bình thường. Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì
không thể kiểm soát được, đỉa tràn ra môi trường, trở thành hiểm họa, giống như
hiểm họa ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ những năm trước đây”.
Thật
quái quỷ!
Và
rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc thu gom chè bẩn cũng lại của Thương lái Trung
Quốc trong khu vực các tỉnh phía Bắc. Chỉ tính riêng ở Văn Chấn, Yên Bái, có
thể nói, người người sản xuất chè. Nhà nhà sản xuất chè. Mỗi hộ gia đình chỉ bỏ
ra 4 triệu đồng mua 2 máy vò chè và sàng chè, là đã thành một xưởng sản xuất
chè tại gia. Chỉ sau 1 tuần sản xuất chè bẩn, họ đã thu hồi toàn bộ vốn. Còn
sau thì lãi. Ở Hàm Yên, Tuyên Quang, còn có chuyện sản xuất chè bằng cách trộn
phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được
loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Có một điều rất lạ, chè
bẩn làm ra bao nhiêu cũng được thương lái Trung Quốc thu gom hết. Họ còn mua
với giá cao. Thương lái Trung Quốc còn đến tận nhà hướng dẫn làm chè bẩn rồi
bao tiêu trọn gói. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè
bẩn với số lượng lớn như thế về để làm gì thì chỉ có trời mới biết.
Khi
Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời
ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè, với lý do
chè Việt bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy thì còn có quốc gia nào giám
ký kết, đặt mua. Vậy là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè liêu xiêu và hàng
loạt doanh nghiệp gắn với chè đã bị phá sản.
Năm
2007, Tập đoàn Bưu chính viễn thông của chúng ta cũng thiệt hại hàng chục triệu
USD khi bị cắt trộm 11 km cáp quang. Nhiều người cứ thắc mắc, không hiểu kẻ cắp
cắt trộm cáp quang để làm gì, bởi cái thứ này không thể bán phế liệu được. Sau
đó, khi Công an Bà Rịa – Vũng Tàu bắt được “cáp tặc” Nguyễn Thị Bích Phượng, từ
lời khai của thị, mọi người mới tá hỏa: Hóa ra thị tổ chức cắt cáp để bán cho
thương lái Trung Quốc. Thị cũng không hiểu thương lái Trung Quốc mua hàng đống
cáp quang vụn của thị để làm cái quái quỷ gì?
Cũng
may, thương lái Trung Quốc chỉ gom thu chè bản, cáp quang, đỉa ốc, móng trâu…Họ
mà thu gom hài cốt thì không khéo khối người đào cả mồ mả, ông bà tổ tiên đem
bán rồi.
Thật
đáng sợ.
Bây
giờ thì tất cả đã rõ.
Bà
con ta quá nêu cao cảnh giác, toàn cảnh giác nghi ngờ những người ruột thịt
trong nhà, rồi ứng xử rất hà khắc, nhưng lại ngờ nghệch, cả tin với người ngoài
thiên hạ, cũng vì những lợi ích cỏn con trước mắt, nên bị mấy anh nghịch tặc
phá hoại nó lừa. Và lừa rất manh mún, tiểu nhân, nhưng lại rất bài bản, có hệ
thống với mọi tính toán kỹ lướng, và rồi hậu quả để lại cho chúng ta thì lại vô
cùng nặng nề và không hề manh mún một chút nào.
Ôi!
Người anh em Trung Quốc, “môi hở răng lạnh”, người luôn nêu cao “mười sáu chữ
vàng” mà lại hiện hình rúm ró như thế được sao? Tôi nói điều này cũng vì rất
yêu đất nước anh em Trung Quốc. Đất nước của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tào Tuyết Cần, Lỗ
Tấn… cùng với nền văn hóa vĩ đại mà tôi hằng ngưỡng mộ từ thuở ấu thơ! Chính vì
yêu Đất nước Trung Quốc, nên càng thấy đau đớn, khi những kẻ giả danh Trung
Quốc, đã bôi bẩn đất nước đất nước anh em vĩ đại mà chứng ta hằng biết ơn này, nhất
là mấy anh Hải tặc đã bịa ra cái đường lưỡi bò, cướp Hoàng Sa, rồi còn hòng
thôn tính luôn Trường Sa và cả Biển Đông ngút ngát kia. Trung Quốc là một quốc
gia giầu có, hùng mạnh. Sự bật dậy của người anh em thân thiết trong những năm
gần đây làm chúng ta mừng vui và hạnh phúc vô cùng. Thế kỷ 21 mà chúng ta đang
sống đây sẽ là thế kỷ Trung Quốc.
Hàng
hóa Trung Quốc, từ đồ tiêu dùng vụn vặt cho đến những mặt hàng cao cấp nhất
cũng đã phủ khắp thế giới. Chẳng cần đến Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông,
Trung Quốc cũng vẫn là một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, vậy thì
việc gì phải vơ váo những thứ không phải của mình. Trường Sa, Hoàng Sa là của
Việt Nam. Đó không phải người Việt tự tuyên bố, mà chủ quyền đó đã được chính
người Pháp và bạn bè Quốc tế khách quan, xác định từ mấy trăm năm trước. Trong
bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời Nhà Thanh và trước nữa cho đến
năm 1904 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là
những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của những kẻ tiểu nhân, rất
không hảo hán. Việc làm đó chẳng biết có thu được lợi lộc gì không, vì trong
thời đại ngày nay, cũng không dễ làm được những điều khuất tất ngang ngược, bất
chấp đạo lý, nhưng trước mắt, họ đã tự cô lặp mình trước cộng đồng quốc tế, đặc
biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông.
Và nói như các cụ ta xưa, thì đó cũng chỉ là chuyện : “Khôn nhà dại chợ!”
Chép từ trang Nguyễn Trọng Tạo
Bài viết rất hay, rất sắc sảo. Cảm ơn bác Vũ Nho đã giới thiệu
Trả lờiXóaCám ơn Nguyễn Xuân Lai đã chia sẻ!
Xóa"Ông cụ Khoa" viết văn về thời sự đâu có thua gì "thần đồng Khoa" làm thơ năm xưa.
Trả lờiXóaCám ơn bác Hiệp đã ghé trang và bình luận!
Xóa