Nhà văn Hồ Thủy Giang
MẮT
RỪNG, TIỂU THUYẾT VÊ CUỘC CHIẾN CHỐNG LÂM TẶC
Đọc
“ Mắt rừng” của Hồ Thủy Giang, nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2015
Vũ
Nho
Hồ Thủy Giang là cây
truyện ngắn, nhưng tiểu thuyết không phải là mảnh đất anh chưa từng thử sức. Đã
có “Biệt li” ( 1994), thêm “ Những người mở đường”. Lần này với tiểu thuyết “ Mắt
rừng” ( còn một tiểu thuyết đang in và một đang hoàn thiện), nhà văn chứng tỏ
mình trường vốn và trường sức như thế nào.
Là người từng sống trong
không gian và địa bàn rừng núi của Đại Từ, Thái Nguyên hầu như suốt cuộc
đời, nên Hồ Thủy Giang gắn bó với rừng, hiểu rừng và những người sống ở bìa rừng,
những người dân tộc ít người anh em và
người kinh bản địa khá kĩ lưỡng.
Câu chuyện xảy ra ở tỉnh
Bắc Nguyên. Vấn đề đặt ra là chống lâm tặc
ra sao để bảo vệ rừng hiệu quả. Nhưng muốn chống lâm tặc thì phải hình
dung rõ kẻ thù lâm tặc là thế nào. Lâm tặc
có phải từ trên giời rơi xuống hay lâm tặc cũng từ dân mà ra? Những người liều
lĩnh, hám lợi hoặc túng bấn quá thì hóa thành lâm tặc? Rồi lâm tặc có thể lại
chính là những người được giao phó làm nhiệm vụ kiểm lâm, nhưng biến chất, sa
ngã, tiếp tay cho lâm tặc, sau trở thành lâm tặc lúc nào không hay. Ấy là chưa
kể còn có loại đối tượng “Bố lâm tặc” – Những cán bộ quan liêu, những người có
lợi ích gắn liền với hoạt động buôn lậu gỗ, thậm chí có đến cả Chi cục phó chi
cục kiểm lâm, từng khét tiếng chống lâm tặc, nay lại ngầm câu kết với chúng để dẫn lối đưa đường cho chúng.
Tác giả khắc họa hai
lực lượng đấu tranh sinh tử với nhau. Hai nhân vật tích cực là Trung, đội trưởng
đội cơ động và Trần Hòa, Chi cục trưởng kiểm lâm, vốn là một giám đốc lâm trường. Trần Hòa mới nhận chức. Nhưng anh là người
quyết đoán. Theo cách đánh giá dựa vào nhân tướng học của Cựu, Phó chi cục kiểm
lâm đợi nghỉ hưu : “ đôi mắt trông rất dịu dàng của Hòa luôn ánh lên những tia
sáng quyết liệt. Người có đôi mắt như thế, theo nhân tướng học thì dù chết cũng
không bao giờ chịu đầu hàng” ( tr. 39). Chính Đắc, trùm lâm tặc cũng phải ngán
con người này vì “châm ngôn vĩ đại” cho rằng “ những gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều
tiền” không thể áp dụng với tay chi cục
trưởng quèn. Đắc quyết định “không mua được thì phải diệt”.
Phía
lâm tặc là Đắc, một tay trùm giang hồ nhiều mưu lắm mẹo, cùng với Khút, Lư những
đồ đệ thân tín. Nhưng , đứng về phía lâm tặc còn có Hạp cán bộ kiểm lâm, từng
tiếp tay cho chúng ; còn có Bính, hạt
trưởng vì túng quẫn, không có tiền chữa cho người nhà đã nhắm mắt làm liều rồi
“ đâm lao phải theo lao”; còn có Sếnh, chi cục phó nhưng lại là “tay trong”…
Chính vì vậy mà cuộc
chiến chống lâm tặc không hề dễ dàng,
nhiều cam go, thậm chí đổ máu và hi sinh khi
truy bắt, lâm tặc chống cự quyết liệt.
Ngay buổi ra quân đầu tiên, Trung đã suýt chết vì bị lâm tặc
cắt gỗ sau xe máy khi anh đang truy đuổi chúng. Hòa tích cực lập đề ánh giao rừng
cho dân, nhưng bị bạn cũ là Quân, Phó chủ
tịch tỉnh gạt đi. Hòa đành phải thí điểm làm chui theo tinh thần của bí thư Kim
Ngọc khoán chui trong nông nghiệp. Sở dĩ Hòa quyết liệt với việc giao rừng vì
anh và Trung và những người có tâm, có tầm
hiểu rằng chống lâm tặc mà chỉ kể thành tích bằng bao nhiêu cuộc bắt quả tang, bao nhiêu mét khối gỗ thu lại cho
nhà nước… thì chỉ là chống phần ngọn. Chống tận gốc lâm tặc là không có sơ hở để
cho lâm tặc lợi dụng. Mà muốn thế thì bài học xương máu không bao giờ cũ là phải
dựa vào dân, phải giao rừng cho dân giữ. Đúng như lời ông già Triệu Lường nói với
Hòa và Cựu khi hai người đi khảo sát Nà Nặm : “ Nhà nước hớ hênh mới chịu mất rừng,
chứ chúng tao mà ra tay giữ rừng thì bọn
lâm tặc chỉ có ngồi mà khóc đấy vớ” ( trang 171).
Cả hai phía kiểm lâm và lâm tặc đều hiểu rằng nếu dân ở ven
rừng mà giữ rừng thì lâm tặc chỉ có con đường giải nghệ, như chính mồm Đắc,
trùm lâm tặc thừa nhận. Đắc tự hào vì y đã biết “dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc”
để chống lại kiểm lâm : “ Vậy, anh là lâm tặc. Chú Lư chú Khút là lâm tặc, những
thằng như Ma Văn Khì, Nông Văn Thử ở Khuôn Lình và và rất nhiều thằng khác đã và đang trở thành lâm tặc…Cũng có nghĩa là
lâm tặc được trưởng thành từ nhân dân, từ nhân dân mà ra! Như vậy hóa ra là anh đây, chính anh đây đã biết lấy dân làm
gốc chứ không phải thằng mả mẹ nào cả” ( tr.45).
Trong
khi bọn lâm tặc tiền nhiều, của lắm, trăm mưu ngàn kế, nói làm là vung ngay tiền
thuê trai tráng của bản chặt gỗ thì phía kiểm lâm muốn làm gì cũng phải xin chủ
trương. Mà bộ máy công quyền do phó chủ
tịch Quân đại diện thì lại quan liêu, tự mãn. “ Chi cục kiểm lâm khi muốn thực
hiện một điều gì đó hệ trọng đều phải chờ những thông tư, chỉ thị, nghị quyết
gì đó của biết bao nhiêu ban ngành, vụ này, cục nọ” ( tr. 52). Gay go hơn cả là
có những cán bộ đội cơ động, hạt trưởng, thậm chí cả chi cục phó cũng lại bị
lâm tặc thao túng bằng tiền và gái. Có ai ngờ Sếnh, đường đường một Chi cục
phó, từng khét tiếng chống lâm tặc, luôn miệng hô hào rất máu lửa : “ Đất nước
này dù xuất hiện hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tên lâm tặc thì chúng ta vẫn phải
bắt hết, nhốt tù hết, xử lí hết! Thậm chí, nếu là tôi, tôi cho bắn hết!” (tr.
31), nhưng lại là người làm tay trong cho trùm lâm tặc. Tất cả các cuộc thanh
tra, truy bắt của chi cục do Sếnh điều hành chỉ là trận giả, một sự phối hợp ăn
ý với trùm lâm tặc.
Cuộc
chiến thật gay go, quyết liệt. Cao trào của chiến dịch là khi Trần Hòa bị đình
chỉ công tác. Quân đi thị sát và cho rằng cách làm của Hòa là sai lầm. Thậm chí
thanh tra nghi rằng “ liệu chuyện giao rừng tự nhiên cho dân cai quản này có lợi
ích cá nhân của các quan chức không”? Còn Đắc, trùm lâm tặc đã triển khai thành
công việc lập một đội trai bản chặt thuê gỗ ở chính khu rừng bảo tồn Sơn Thượng.
Mười
bảy chương sách trong đó những con người
của cả hai phía hiện lên khá sinh động với những toan tính, hành động quyết liệt.
Để giải quyết dứt điểm cuộc chiến, tác giả đã cho nhà báo Huy Thọ, phóng viên
báo Nông dân xuất hiện. Hóa ra Thọ là sĩ
quan cao cấp của Bộ công an điều về phá án. Nhờ sự khôn khéo của Thọ mà Đắc bị
sập bẫy, bị bắt cùng với đầy đủ vật chứng.
Cùng
với việc phản ánh cuộc chiến, nhà văn cũng cho thấy cuộc sống vất vả của đồng
bào các dân tộc vốn là căn cứ địa cách mạng. Bên cạnh đó là sự quan liêu, khệnh khạng của
loại quan chức, như Quân với suy nghĩ thật
xa lạ với tinh thần “công bộc” của dân : “ Làm quan mà không biết đem tới cho
chúng dân nỗi sợ cùng niềm hi vọng mỏi
mòn thì chỉ là một ông quan hạng bét” ( tr. 143). Nhà văn cũng không ngần ngại
nói về một số chính sách sai lầm từ trên trời rơi xuống. Cái chính sách sai lầm đó như lời chủ tịch xã Ma Đình Huyên : “ chỉ
trong vòng một tháng đã làm cho mấy nghìn héc-ta đất rừng xã tôi thành một bãi
hoang, đồi trọc” ( tr. 229).
Tác
giả không miêu tả chi tiết vụ việc của
Trần Hòa. Chỉ lược thuật cuộc điện thoại
khẩn của Chủ tịch huyện Sơn Đông cho chủ tịch tỉnh Hoàng Tâm. Và trước đó nói
sơ việc Trần Hòa làm việc với Công, Giám đốc công anh tỉnh.
Phần
vĩ thanh thay cho cái kết thúc “có hậu” như là trong truyện cổ tích. Trần Hòa
được đề bạt chức Phó chủ tịch tỉnh. Đắc, trùm lâm tặc sau khi chịu án tù ra, mở
công ti trách nhiệm hữu hạn sản xuất vật dụng từ rừng. Hạp, người từng bị kỉ luật
sa thải khỏi ngành kiểm lâm, giờ làm chủ rừng. Hạp tặng Đắc con dao mà anh đã từng
có ý định dùng giết chết Đắc và Suối để trả thù. Một kết thúc khá bất ngờ. Dù
sao thì đó cũng là một cách kết thúc.
Việc
tiểu thuyết lọt vào chung khảo và được giải khuyến khích “cuộc thi viết tiểu
thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì anh ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống
2012-2015” của Bộ Công an là một minh chứng về thành công của cuốn sách. Cũng
nhân tiện nói thêm, Hồ Thủy Giang là người có duyên với giải thưởng. Trước đó
anh đã đoạt hàng chục giải thưởng, toàn giải cao của các tổ chức văn chương và
báo chí. Năm 2015, cùng với giải thưởng
này, Hồ Thủy Giang còn được giải cao về thiểu thuyết đề tài Giao thông vận tải,
giải thưởng phim truyện điện ảnh của Hội điện ảnh Việt Nam.
Bangkok 18 tháng 9 năm 2015
In trên tạp chí Văn hóa các dân tộc, số 2 tháng 2/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét