Tác giả Nguyễn Thị Lan
PHƯƠNG THẢO VỚI “NỖI BUỒN CỦA EM”
(Đọc tập thơ “Nỗi buồn của em” Phương Thảo –
NXB Thanh Niên 1997)
Nguyễn Thị Lan
Người con của dòng sông Lam năm 1997 cho xuất bản tập thơ
của mình. Ba mươi lăm bài thơ xinh xắn như ba mươi lăm bản nhạc nhẹ “kể” cho
chúng ta những giai điệu của tâm hồn anh.
Có thể dễ dàng nhận thấy Phương Thảo là một người đa cảm,
yêu thơ. Bất cứ một sự vật, một hiện tượng nào trong cuộc sống cũng có thể đi
vào thơ anh: một cánh hoa rụng, một vầng trăng, một ngọn lửa, một ngọn gió mát,
một cơn bão, một vài quả sót bên cành… Rồi những cảm xúc, nỗi niềm: thương
mình, thương người, thương vợ, thương con, nhớ quê… Tâm hồn người thi sĩ - nhà
giáo đó như những sợi dây đàn căng lúc nào cũng sẵn sàng rung lên những âm
thanh náo nức của cuộc đời.
Đã là thi nhân ai mà không yêu cái Đẹp, ai mà không xót
xa khi cái Đẹp bị lụi tàn? Hoa là hiện thân của cái Đẹp - cái Đẹp thanh khiết
mà tạo hóa đã ban tặng cho thế gian. Biết bao thi nhân xưa nay đã từng thổn
thức trước cảnh hoa tàn. Phương Thảo cũng vậy. Trong bài thơ “Hoa thác oan” ta
gặp một tâm hồn nghệ sĩ xót xa trước cái Đẹp bị bỏ quên, tàn úa:
“Đêm qua mưa gió đầy trời
Mấy bông Quỳnh nở không người đến xem
Sáng ra rũ cánh bên thềm
Nghĩ mà thương cánh hoa mềm thác oan”
Đi qua ga Lăng Cô (một cái ga xép ở chân đèo Hải Vân) lúc
nửa đêm, anh cũng kịp để lại lòng mình, thơ mình:
“Nửa đêm tầu đến Lăng Cô
Tên ga mà cứ tựa hồ tên ai
Vũng Rô lấp loáng lửa chài
Con tầu uốn lượn, ru người hành hương”
(Ga Lăng Cô)
Một cái ga xép đứng trong buổi chiều buồn cũng làm cho
con người đa cảm đó nghĩ về em - anh:
“Anh như con tầu tốc hành
Lòng em là ga xép
Tầu lướt qua không một lời từ biệt
Ga xép buồn chiều đứng bâng khuâng”
(Ga xép)
Nhậy cảm trước bước đi của thời gian, anh xao xuyến với
vài quả sót trên cành khi mùa quả đi qua:
“Anh đến quê em khi mùa quả đi qua
Nắng thấp thoáng sau vòm xanh lá đậm
Vài quả sót trên cành nhỏ nhắn
Làm niềm vui hai ta”
(Khi mùa quả đi qua)
Từ những quả sót trên cành đó, ý thơ mở ra rộng đến khôn
cùng “Quả sót cuối mùa làm ngọt cả mùa
sau”.
Một em gái nhỏ đưa thư ngày ngày đi qua ngõ nhà mình,
người đời mấy ai để ý, mấy ai cảm thông? Nhưng người em gái đó đã đi vào thơ
Phương Thảo thật đẹp:
“Em đi
trong nắng lửa
Em đi
trong bão giông”
(…) “Em
như con chim nhỏ
Bay
quanh trong đường chiều”
Phong thư
em mang đến cho mọi người “nhỏ nhẹ” nhưng lại “nặng” biết bao vì nó ấm
áp tình người:
“Đón
phong thư nhỏ nhẹ
Mà tình
em ấm nồng”
(Người đưa thư)
Ẩn trong
những vần thơ đó là lòng biết ơn của một con người giàu tình nghĩa, biết ơn
người đã mang niềm vui đến cho mình.
Người thầy
giáo trường làng đó gắn bó máu thịt với người dân quê lam lũ. Hồn thơ Phương
Thảo dễ rung động với con người, cảnh vật thôn quê. Anh vui khi người nông dân
được mùa:
“Tôi
viết bài thơ về mùa gặt hái
Như bao
lần tôi viết những mùa vui”
(Ngày mùa)
Có thể nói
bài thơ “Ngày mùa” như một tấm ảnh ghi lại chân thật những nét khá tiêu biểu
của nông dân Việt Nam ta trong những ngày mùa. Cảnh miêu tả sinh động vì có
những chi tiết điển hình:
“Bên gốc
mít cây rơm cao như tháp
Dưới
chân ríu rít đàn gà
Ngồi bên
cửa, bà nheo nheo mắt
Sân thóc
vàng, vàng lóa mắt bà hoa”
Không gắn
bó với làng quê, với người nông dân một nắng hai sương không thể có những vần
thơ như thế.
Trong cuộc
sống ở làng quê, biết bao sự vật nhỏ bé tưởng như tầm thường nhưng cũng đi vào
thơ Phương Thảo một cách đầy thân thương, trìu mến. Một chiếc quạt mo nhỏ bé
nhưng ở trong thơ anh nó gợi ra cả một vòm đầy hương thơm:
“Cái
quạt mo giản dị
Như áo
mẹ bạc màu
Theo tay
bà nhè nhẹ
Nở một
vòm hương cau”
Trong “vòm
hương cau” đó bé ngủ say giấc nồng. Vòm hương cau đó “nói tình yêu lòng
bà”. Và mai ngày cháu khôn lớn, dù cháu có cuộc sống đầy đủ tiện nghi thì
chiếc quạt mo vẫn là một chứng tích tâm hồn:
“Cái quạt mo nhắc mãi
Tấm lòng
bà mênh mông”
Thơ Phương
Thảo thường thế: chỉ một sự vật, một hiện tượng nhỏ cũng đủ gợi cho anh những
suy tưởng và đẹp hơn cả là những suy nghĩ về tình người.
Trong hồn
thơ của mình, Phương Thảo dành một vị trí đặc biệt cho vợ con, những người thân
thiết nhất của đời anh. Với người bạn đời - người vợ tao khang, lời thơ của anh
xiết bao thương mến. Thương vợ vất vả, có lúc nhà thơ day dứt tự bảo mình:
“Anh đi
qua đời thường một cách quá vô tư
Bưng bát
cơm ăn không mùa gieo cấy
Đâu nắng
hạn, đâu sâu keo, đâu ngang trời nước chảy
Một bát
canh cua đồng, nắng cháy lưng em”
(Vị đời thường)
Lời thơ
chân thành, thấm thía khiến người đọc thấy rưng rưng xúc động.
Mùa thu năm
1980, Phương Thảo “lên ngôi”… bố vợ. Ngày cưới của con mưa tầm tã. Thế là “Ngày
vui hóa nên buồn”. Thương con, anh làm những vần thơ buồn não ruột:
“Biết
làm sao con hỡi
Thói đời
thường vẫn vậy
Điều ta
mong ít về
Điều ta
lo thường thấy”
Thời gian
trôi qua nhưng nỗi niềm thương con vẫn còn vương mãi trong anh:
“Ngày ấy đã qua đi
Nỗi buồn còn vương mãi
Mỗi lần con về chơi
Lại thương thầm con gái”
(Con cưới ngày mưa)
Thơ Phương Thảo là nhật ký tâm sự của anh. Trong thơ anh
ta thấy “cái tôi trữ tình” của một nhà giáo nghèo “Cái nghèo” là một tứ thơ
thường đi về nhiều trong thơ anh.
Nghèo nên không có tiền về thăm quê mặc dù da diết nhớ
quê:
“Năm nay hè lại đến
Bố ơi có về quê?
Bố nhìn con chua xót
Lấy tiền đâu mà về”
(Về quê)
Nghèo nên mới phải sống trong những tình cảm mâu thuẫn:
“Con không về thì nhớ
Con về thì mẹ lo
Nhà chạy ăn từng bữa
Lấy đâu tiền mà cho”
(Mỗi lượt con về)
Nghèo nên lòng người ngổn ngang trăm mối. Ngồi tính tìm
cách giúp vợ con nhưng rồi thấy mình bất tài, bất lực. Tìm đến văn chương như
tìm đến một sự giải khuây, một niềm an ủi nhưng cũng chẳng vơi đi nỗi buồn:
“Mải mê tìm đến văn chương
Ngỡ là vui lại thêm buồn hơn xưa”
(Trăm
phương)
Là một người tha hương, hơn ba mươi năm trời xa quê
Phương Thảo bao giờ cũng da diết nhớ quê. Tình yêu quê hương thấm đẫm trong
nhiều sáng tác của anh: “Nhớ quê”, “Về quê”, “Bão miền Trung”, “Thăm làng”,
“Gặp lại tuổi thơ”. Tình yêu đó trở đi, trở lại như một ám ảnh không nguôi.
Anh yêu quê vì nơi đây có tuổi thơ của anh:
“Ôi - Bao nhiêu - Một thuở
Vô tư đến dại khờ
Đến bây giờ tóc bạc
Lại thích ngày bé thơ”
(Gặp
lại tuổi thơ)
Anh yêu quê vì:
“Tiếng quê nhà như chim hót liu ô
Giọng trọ trẹ đến trăm miền chả lẫn
Răng - rứa - mô - tê gừng cay muốn mặn”
(Nhớ quê)
Yêu quê đến mức nhìn trăng nơi đây anh cũng thấy khác với
trăng quê.
Và:
“…Cái rét của gió mùa Đông Bắc
Tôi nôn nao thêm một chút gió Lào”
Quê hương anh nghèo, cơ cực lắm:
“Người quê tôi tháng ngày lam lũ
Vất vả nhiều lèn đá hóa hai vai”
Nhưng Phương Thảo yêu chính cái vùng quê nghèo cơ cực đó
chứ không phải một miền quê nào khác.
Viết nhiều về quê hương mình nhưng những vần thơ hay nhất
của Phương Thảo không phải là những vần thơ viết về mình mà là những vần thơ
viết về người: những người chị, người em chịu nhiều mất mát, đau khổ sau chiến
tranh.
Anh thương cô thanh niên xung phong năm xưa:
“Bốn mươi tuổi em chưa chồng
Hẩm hiu như một đóa hồng bỏ quên”
Anh cảm thông cảnh lẻ loi, đơn chiếc và nỗi mong chờ hạnh
phúc đến mòn mỏi:
“Xoong cơm nấu ít vẫn thừa
Không người yêu vẫn hay chờ, hay mong”
Anh tê tái xót thương khi người con gái kia tóc chuyển
màu theo năm tháng:
“Gối nghiêng lệch nửa mái đầu
Nghe từng sợi tóc chuyển màu gió sương”
Anh đau với nỗi đau của người con gái cô quạnh:
“Trở mình đau cả lạch giường
Tay gày ấp ngực, mình thương lấy mình…”
(Nỗi buồn của em)
Đất nước mình suốt từ Nam ra Bắc đi đâu cũng gặp những
hòn Vọng Phu. Hình ảnh những người vợ bồng con ngóng chồng hóa đã đó đã đi vào
thơ ca của biết bao thi sĩ. Đó là biểu tượng về những đau khổ, mất mát, hy sinh
của người phụ nữ Việt Nam.
Nhưng người con gái trong thơ Phương Thảo còn đau khổ hơn
những nàng Vọng Phu bởi vì cô không có người để mà mong, mà đợi:
“Đâu dám một lần mong
Được là đá vọng phu còn hạnh phúc
Đứng uy nghiêm - trầm mặc chờ chồng”
(Vô đề)
Cảm thông sâu sắc với những đau khổ của người phụ nữ thời
hậu chiến đó là một tình cảm mang đậm chất nhân văn của hồn thơ Phương Thảo.
Tình cảm nhân văn đó cũng là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của tập thơ.
“Nỗi buồn của em” nhìn chung là một tập thơ khá.
Thơ Phương Thảo mộc mạc, chân chất đó là sở trường và
cũng là sở đoản của anh. Từ ngữ trong thơ anh giản dị, không nổi bật. Nàng thơ
của Phương Thảo như một cô gái thôn quê có vẻ đẹp dung dị. Có thể thấy tập thơ
còn vắng những câu thơ tài hoa, còn thiếu vẻ đẹp lấp lánh của hình tượng.
Về sự hàm súc của thơ có người nói: “Thơ là một sự dồn
nén năng lượng”, “Nỗi buồn của em” có đôi bài còn rậm lời, có những câu thơ còn
dễ dãi. Có những bài nếu nhà thơ cắt bỏ một số câu, một vài khổ thì có lẽ bài
thơ sẽ được chắt lọc, cô đúc hơn nhiều.
Tôi chưa một lần được gặp nhà thơ. Đọc thơ của người con
xứ Nghệ mỗi người đều có thể tìm thấy những nét đẹp trong tâm hồn anh mà ấn
tượng rõ nhất là được gặp một con người có tâm hồn đa cảm, giàu nhân ái.
Hải Dương,
đầu Xuân 2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét