ĐÓNG GÓP MỚI CỦA NGƯỜI VIẾT LÍ LUẬN PHÊ BÌNH CHUYÊN NGHIỆP
Đọc “ Văn chương nghệ
thuật & thẩm mĩ tiếp nhận” của Nguyễn Ngọc Thiện, nhà xuất bản Hội Nhà văn,
2015
Vũ Nho
Được học tập ở trường Đại
học tổng hợp, một trường danh tiếng của nước ta; tốt nghiệp được về công tác ở
Viện Văn học, một cơ quan nghiên cứu hàng đầu;
qua Cộng hòa dân chủ Đức tu nghiệp, lại về công tác ở Viện Văn học, rồi
tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thiện có cơ hội và điều kiện lí
tưởng để thực hiện công tác nghiên cứu, phê bình của mình. Không giống các bạn
đồng nghiệp khác vừa dạy học, nghiên cứu lí luận phê bình vừa làm thơ, hoặc viết truyện ngắn, hay dịch thuật, Nguyễn Ngọc Thiện chỉ chuyên
viết lí luận, phê bình. Năm tập sách đã in của tác giả từ năm 1995 dến 2010 là
những tập sách lí luận phê bình. Đây là tập sách thứ 6 của tác giả. Bình quân
hơn ba năm có một đầu sách.
Khi viết về những người thầy khả kính của mình ở trường Đại
học tổng hợp mà anh có may mắn thụ giáo và gần gũi, Nguyễn Ngọc Thiện chân thành nêu lại bài học chuyên môn mà Giáo
sư Đinh Gia Khánh đã truyền cho lớp anh : “ Theo Thầy, đã là nhà nghiên cứu
chuyên nghiệp thì phải tâm huyết, chí thú với công việc chuyên môn mà mình theo
đuổi. Thầy nhấn mạnh điều căn cốt của người nghiên cứu là tạo lập một tư duy
khách quan, thực chứng, “nói có sách, mách có chứng” như dân gian đã dạy. Phải
trực tiếp, đọc, xem, nghe, khảo chứng “thực mục sở thị” đối tượng nghiên cứu là
tác phẩm văn học và những công trình mà thiên hạ đã bàn về tác phẩm ấy, vấn đề ấy
trước mình, để từ đó khổ công hình thành, động não, vắt óc mình ra để nhen nhóm
ý kiến riêng của mình góp vào. Trong đó, nhà nghiên cứu phải phát huy bản lĩnh
khoa học độc lập, dám phản biện, tranh luận với các ý kiến khác, bất luận họ đến
từ đâu, đang ở vị trí nào để xem xét lại, bảo vệ hay sửa chữa ý kiến của mình
[…] cần trình bày ý kiến riêng sao cho dễ
hiểu, giản dị và nhũn nhặn, tôn trọng đối tượng tranh luận” ( trang 213-214).
Có thể nói những bài viết của anh trong tập sách này và trước
đây đều quán triệt tình thần khoa học đó của người thầy, một giáo sư văn học, một
nhà khoa học đáng kính của nước ta.
Tập sách chia ra ba phần, nhưng ranh giới của các phần cũng chỉ có ý nghĩa
tương đối. Những bài viết về tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng được trình bày
như một phần riêng. Thật ra nó cùng
chung với các bài phê bình nghiên cứu về Nguyên Hồng, Mai Văn Phấn, và bốn cây
bút nữ viết lí luận phê bình. Ba bài chân dung văn học cũng không gần gũi với
các bài xếp trong phần một.
Chúng tôi cảm nhận tập sách có sự đóng góp của nhiều nhà
trong một nhà, một tác giả. Đó là nhà khoa học nghiên cứu lí luận chuyên nghiệp
trong những tiểu luận có tính chất lí luận hàn lâm; nhà nghiên cứu phê bình văn
học, vận dụng những vấn đề lí thuyết hiện đại vào phê bình các tác giả, tác phẩm
văn học mà trung tâm là tác phẩm và tác giả Ma Văn Kháng; nhà khoa học tham gia
đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành lí luận trong các bài viết về đào tạo và
phản biện về luận văn thạc sĩ; và cuối cùng là nhà báo, nhà quản lí báo chí về
chất lượng báo chí văn nghệ. Tất nhiên, tác bạch ra như thế để khẳng định rằng ở
mỗi lĩnh vực mà tác giả cuốn sách đề cập, bạn đọc có thể tin tưởng vì đó là các
bài viết của một nhà chuyên môn sâu, có tham gia hoạt động thực tế và am tường
những gì mình trao đổi.
Như trên đã nói, quán triệt lời dạy của người thầy, một nhà khoa học khả kính, PGS TS Nguyễn Ngọc
Thiện với sự nghiêm cẩn của người làm nghiên cứu khoa học, với sự tỉ mỉ và công
phu vốn được rèn luyện từ sớm, với tinh thần đối thoại dân chủ để đi tới chân
lí trong các bài viết đã thực sự thuyết phục đồng nghiệp và bạn đọc. Bàn về vấn
đề người đọc, một đối tượng quan trong
trong lí thuyết tiếp nhận, tác giả đã đề cập đến hàng loạt các tên tuổi từ đầu
thế kỉ XX, từ người viết tiểu thuyết Nguyễn Trọng Quản, Trần Thiên Trung cho đến
các tên tuổi các nhà nghiên cứu, phê bình Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Thạch
Lam, Vũ Bằng, Nhất Linh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung,
Hoàng Trinh, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Thanh Hùng,
Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Trần Đình Sử… Nguyên cái việc đọc cho hết những
trước tác của các tác giả, rồi lẩy ra những ý kiến quan trọng về người đọc cũng
đòi hỏi công phu và một sức đọc ghê gớm. Ấy là chưa kể đến việc theo dõi hội thảo,
tóm tắt những ý kiến của các thành viên
trong cuốn sách “ Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Có một bức tranh khái quát, tổng
quan về vấn đề “người đọc” như thế là một đóng góp quan trọng. Công phu của các
bài viết trong phần này có thể kể thêm “ Phác họa con người thời đại và nhân vật
trong văn xuôi Việt Nam hiện đại”, “ Nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả của
Lý luận văn học Việt Nam qua tiếp thu Lý luận văn học từ nước ngoài”, “Phê bình
văn học – Bạn đồng hành cùng người đọc và nhà văn”.
Về phê bình văn học, có vẻ như tác giả không mặn mà lắm với
thơ ca. ( trong tập này chỉ có một bài viết về thơ Mai Văn Phấn, nhưng là thơ
văn xuôi – xóa nhòa ranh giới thơ với văn xuôi). Tập trung nghiên cứu, giới thiệu
về tác giả và tác phẩm của Ma Văn Kháng cho thấy cách chọn lọc tác giả, tác phẩm
đúng đắn của người nghiên cứu. Ma Văn
Kháng là nhà văn tài danh, là nhà tiểu thuyết và truyện ngắn hàng đầu của nước
ta. Thành công của ông đã được ghi nhận. Nghiên cứu, phê bình nhà văn, khẳng định
những thành công của ông cũng là góp phần vào việc nghiên cứu phê bình văn học
nói chung. Đọc cho hết tác phẩm của “tác gia văn học lực lưỡng” ( chữ dùng của
Nguyễn Ngọc Thiện) này cũng là một công việc tử công phu. Rồi lại từ những vấn
đề lí luận văn học của trong nước và nước
ngoài tiếp thu có chọn lọc soi rọi, đánh giá, khẳng định những thành công cũng
là việc sáng tạo tốn nhiều công sức và trí não. Chỉ kể trường hợp đánh giá cuốn
“ Năm tháng nhọc nhắn, năm tháng nhớ thương” của Ma Văn Kháng để thấy dụng công
của người viết. Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định thể loại của cuốn sách là “hồi
kí – tự truyện” chứ không đơn thuần là hồi kí. Và để hình dung vị trí của cuốn sách, nhà nghiên cứu phê bình đã cho thấy rất ít nhà văn hiện đại của ta viết hồi kí, ngoài các tên tuổi Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai
Mai, về hồi kí pha tự truyện có Nguyên Hồng, Tô Hoài, Anh Thơ, Nguyễn Hiến Lê.
Anh cũng không quên nhắc các hồi kí tự
truyện của nước ngoài được dịch của M. Gorki, K.Pauxtovxki, I. Erenbua mà Ma
Văn Kháng đã tham khảo. Đánh giá hồi kí
này, người viết dựa vào những hiểu biết về cuộc đời, văn nghiệp, quan hệ bè bạn,
cương vị công tác của Ma Văn Kháng…
Nếu có thể có chút lăn tăn thì các bài viết về Ma Văn Kháng
viết rải rác, bây giờ tập hợp vào sách nên có những chỗ trùng lặp về ngày sinh,
quê quán, bút danh, truyện ngắn đầu tay, giải thưởng…
Với tư các người tham gia đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, những
ý kiến của tác giả về việc hướng dẫn người học Văn chọn đề tài khóa luận, luận
văn, luận án là ý kiến của người trong cuộc, chân thành, thẳng thắn. Việc phê
bình luận văn của Đỗ thị Thoan (Nhã Thuyên) cũng cho thấy bản lĩnh của người viết.
Anh chỉ ra những thiếu sót trong các mục bắt buộc của một luận văn, những tư liệu
để viết tổng quan không đáng tin cậy, nhất là việc áp dụng các lí thuyết của nước
ngoài một cách khiên cưỡng, trong khi chưa hiểu thấu đáo. Những kiến nghị của
người viết có lí, có tình.
Về báo chí văn nghệ, tác giả là người quản lí, gắn bó với tạp
chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam nhiều năm, nên có thể nói những ý kiến của tác
giả là có cơ sở tin cậy. Những đánh giá của người viết khá công bằng, những
khuyến nghị xuất phát từ lòng nhiệt thành mang tính chất xây dựng dễ được đồng
thuận. Chúng tôi tâm đắc với tác giả về vấn đề nâng cao chất lượng các bài viết
lí luận phê bình. Không chỉ chặt chẽ, tỉ
mỉ, chính xác, thực chứng mà còn phải hấp dẫn. Nghĩa là văn bản lí luận cũng cần
có tính thẩm mĩ cao, điều mà Hoài Thanh
đòi hỏi gọi là “chất văn” của phê bình.
Đây là một cuốn sách tâm huyết của tác giả. Nổi bật trong tất cả các trang viết là tinh thần
khách quan, trung thực, đối thoại dân chủ. Những vấn đề lí luận của tự sự học,
thi pháp học, kí hiệu học, phân tâm học, mĩ học tiếp nhận…được tác giả vận dụng
uyển chuyển trong các bài viết. Trong bài trao đổi với Anh Chi, anh viết “ cách
làm của tôi là trên tinh thần khách quan, trung thực, có đến đâu nói đến đấy,
căn cứ vào văn bản thực chứng, tránh suy diễn hồ đồ” ( tr. 93). Chính vì tinh thần
đó cùng với sự miệt mài, cần mẫn của tác
giả nên cuốn sách là một đóng góp mới của nhà văn, nhà lí luận phê bình chuyên
tâm với công việc của mình.
Bangkok,
26 tháng 9 năm 2015
Bài đăng trên QĐND cuối tuần, số 1055, ngày 20-3-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét