ẤN TƯỢNG DẦU KHÍ VIỆT
NAM
Ôi! từ không đến có/ Xảy ra như thế nào? ( Xuân Diệu)
Ghi chép của Vũ Nho
“Là
một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều
tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Tập đoàn có đội ngũ lao động hùng hậu với số lượng gần 60.000 người, có trình
độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước. Là nòng cốt,
là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa
- Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng,
Nghi Sơn - Thanh Hoá”
Đó
là những thông tin giới thiệu trên trang
Website của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt
Nam.
Có lẽ đây là ngành
công nghiệp non trẻ, nhưng phát triển với tốc độ thần kì mà những người
giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó hình dung.
Nhớ lại năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm Liên xô
đã tiên lượng về ngành. Bác nói : “…Tôi
hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí
sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng
được khu công nghiệp dầu khí như Bacu…” ( Lời Bác phát biểu tại Bacu ngày 23 tháng 7 năm 1959 trong chuyến thăm Liên
xô).
Các chuyên gia Liên xô đã giúp Việt Nam thăm dò trữ lượng
dầu khí, tìm kiếm, khai thác và xây dựng khu công nghiệp thành công.
Vào mùa hè năm 1983, khi đó tôi cùng các cán bộ chủ chốt
của Hội đồng hương Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Leningrat lên Trụ sở Đại sứ quán Việt
Nam ở Mátxcơva học chính trị và nghe thời sự. Một cán bộ từ Việt Nam sang báo cáo.
Tôi không còn nhớ tên báo cáo viên, nhưng vẫn nhớ như in sự so sánh. Người báo cáo
nói rằng dầu mỏ của ta trữ lượng rất lớn. Các nước Trung Đông so với ta
thì chỉ như con tem dán lên lưng chú Voi. Với giọng hồ hởi, ông chìa cho chúng
tôi xem chiếc lọ lớn hơn lọ Penexilin một chút. Trong đó đựng một chất lỏng sền
sệt màu đen. Đó là những giọt dầu thô đầu tiên Liên xô giúp ta lấy được. (Trong
đợt công tác này, khi thăm Liên doanh Vietsovpetro, tôi được nhìn thấy dầu thô
lần thứ hai trong phòng truyền thống của đơn vị).
Đoàn nhà văn thăm cảng dầu khí
Một kỉ niệm khác là sau khi về nước ( 1984), cách mấy năm, tôi đọc được trên báo Nhân Dân về dự định xây dựng
khu lọc dầu Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình ( Nơi xây chùa Bái Đính bây giờ).
Một số hộ dân của huyện Nho Quan liền kề
đã được đền bù để giải phóng mặt bằng. Xã tôi cũng được thông báo là sẽ trở thành
nơi chuyên trồng rau xanh cung cấp cho khu lọc dầu. Thế rồi, chắc là do đưa dầu từ mỏ Bạch Hổ ra quá xa xôi
hay vì nhiều lí do khác mà kế hoạch thay đổi. Khu lọc dầu sau này lại
xây dựng ở Dung Quất, Quảng Ngãi. Còn nơi tập trung các công trình trên bờ phục vụ khai thác dầu mỏ
là thành phố Vũng Tàu.
Bây giờ thì chúng tôi đến trụ sở của Tập đoàn ở 18 Láng
Hạ, một tòa nhà nguy nga ở Thủ đô để chuẩn bị chuyến đi thâm nhập thực tế.
Trước khi đến Vũng Tàu, ở thành phố Hồ Chí Minh, đoàn nhà văn đã thăm Tổng công ti khí là thành viên của tập đoàn. Báo cáo của Tổng công
ti cho biết, khi thành lập năm 1990 từ Ban quản lí công trình dầu khí Vũng Tàu,
chỉ có 100 cán bộ được đào tạo từ Liên xô, Rumani, Đức, Tiệp, Ba Lan. Đến 31/12/2016 Tổng công ti đã có 3953 cán bộ, trong đó có 8
Tiến sĩ, 112 Thạc sĩ, 848 Cử nhân, 62
Cao đẳng, 91Trung cấp, 166 công nhân kĩ
thuật, 15 lao động phổ thông. Các cán bộ của đơn vị hầu hết được đào tạo cơ bản ở trong nước từ các
trường Bách khoa Hà Nội, Bách khoa thành phổ Hồ Chí Minh, Mỏ địa chất. Đây là một
tài sản nhân lực vô giá của Tổng công
ti, bên cạnh số vốn là 19. 139,5 tỉ đồng.
Đơn vị thứ hai chúng tôi gặp gỡ là Tổng công ti Phân bón
và hóa chất dầu khí. Đây là đơn vị trẻ, mới được thành lập năm 2003 và chính thức
hoạt động từ tháng 1 năm 2004. Vốn điều lệ khiêm tốn hơn Tổng công ti khí, chỉ
có 3914
tỉ đồng. Tổng số cán bộ là 1064 người(
thời điểm 31/12/2016). Trình độ đại học Cao đẳng trở lên 1045 ( 65,2%), Trung học
chuyên nghiệp 121 (7,5%), Công nhân kĩ thuật và trình độ khác 438 ( 27,5%).
Trong kế hoạch giai đoạn 2016- 2020, Tổng công ti phấn đấu sản xuất 6039 tấn phân bón và hóa chất và tổng doanh thu 64.194 tỉ đồng. Tại đây,
các nhà văn được giới thiệu mô hình nhà máy đạm Phú Mĩ. Khi lên Vũng Tàu chúng
tôi đã vào thăm nhà máy. Dự toán là 450 triệu USD, nhưng quyết toán chỉ
hết 350 triệu. Không những không đội giá, mà còn tiết kiệm được 100 triệu USD. Chúng ta đã mua các thiết bị tiên tiến của
Ytalia và Đan Mạch ( bản quyền). Nhờ nắm vững khoa học công nghệ, chúng ta đã tiến hành sản xuất 13 năm không có sự cố, bảo
đảm tuyệt đối an toàn. Nhà máy đạt 10 triệu tấn đạm ngày 15 tháng 7 năm 2017.
Ngày 10 tháng Mười, đoàn thămTổng công ti dầu Việt Nam
( PVOIL). Đây cũng là một đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí. Ấn tượng mạnh
của tôi là lực lượng cán bộ của đơn vị gồm 6000 người. Vốn điều lệ 10.884
tỉ đồng. Doanh thu đạt 52.000 tỉ đồng/năm. Không chỉ kinh
doanh dầu trong nước mà Tổng công ti còn tham gia kinh doanh dầu quốc tế.
Ngoài các đơn vị
trên, các nhà văn còn thăm và làm việc với
Tổng công ti cổ phần dịch vụ kĩ thuật dầu khí Việt Nam tại Vũng Tàu, PV gas và
PVoil tại Vũng Tàu.
Một trong các đơn vị quan trọng của Tập đoàn đó là Liên
doanh dầu khí Việt xô ( Vietsovpetro), “người con cả” của ngành. Chúng tôi thăm
trụ sở của liên doanh, thăm cảng, thăm khu làng Nga, thăm Viện nghiên cứu khoa
học và thiết kế, giao lưu với một số cán bộ người Nga, người Việt.Vietsovpetro
vừa kỉ niệm 35 năm thành lập năm 2016. Bản báo cáo của Liên doanh cho thấy 10 thành tựu quan trọng đã
đạt được trong những năm qua.
Đó
là đã thực hiện
một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt
Nam, gồm: khảo sát
hàng trăm nghìn kilômét tuyến địa chấn 2D và hàng chục nghìn kilômét vuông địa
chấn 3D. Năm 2015 đã tiến hành khảo sát lại toàn bộ lô 09-1 với diện tích gần 900
kilômét vuông bằng công nghệ địa chấn tiên tiến 3D-4C; đã khoan trên 500 giếng
khoan thăm dò và khai thác dầu, khí với tổng chiều dài hơn 2.000 kilômét;
Sau mỏ Bạch Hổ,
Vietsovpetro đã phát hiện 7 mỏ dầu – khí khác có giá trị công nghiệp là Rồng,
Đại Hùng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Thiên Ưng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Cá Tầm. Ngoài ra, còn
phát hiện được các biểu hiện dầu khí trên các cấu tạo Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen,
Sói và Mèo Trắng.
Đó là xây dựng khá hoàn chỉnh, kho cảng trên bờ và 50
công trình biển kết nối liên thông 5 mỏ Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và
Nam Rồng-Đồi Mồi; có một đội khoan gồm 5 dàn tự nâng, đội tàu công trình dịch vụ
24 chiếc.
Phát hiện và đưa vào khai thác thân dầu trong đá móng
granit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn, đóng góp đáng kể cho khoa học dầu
khí thế giới, đến nay đã khai thác 193
triệu tấn từ đối tượng này.
Khai thác trên 227 triệu tấn dầu thô. Tổng doanh thu bán
dầu thô gần 77 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 48
tỉ USD, lợi nhuận phía Nga gần 11 tỉ USD. Cung cấp vào bờ trên 32 tỉ mét khối
khí đồng hành.
Đào tạo cán các bộ quản lí, kĩ sư có trình độ cao và công
nhân lành nghề. Đây là cái nôi đào tạo cán bộ dầu khí cho cả nước.
Đi tiên phong trong
ngành Dầu Khí về sử dụng công nghệ hiện đại, áp dụng sáng kiến. Trung bình
mỗi năm ứng dụng từ 35-50 giải pháp công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế hàng
chục triệu đô la Mĩ.
Góp phần trực tiếp vào việc thay đổi cơ sở hạ tầng của
thành phố biển Vũng Tàu, biến nơi đây thành trung tâm công nghiệp dầu khí và du
lịch. Đồng thời tích cực tham gia vào bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển thông
qua việc xây dựng mới 25 nhà giàn, sửa chữa, gia cố, nâng cấp 13 nhà giàn DK1;
khoan giếng thăm dò PV-94 ở bãi ngầm Tư Chính.
Cung cấp dịch vụ kĩ thuật dầu khí cho bên ngoài; thực
hiện các dự án trọng điểm quốc gia, làm chủ kĩ thuật và công nghệ xây dựng công
trình khai thác dầu ở vùng biển nước sâu 140 mét. Tổng doanh thu từ cung cấp dịch
vụ cho bên ngoài đạt hơn 2 tỉ đô la Mĩ.
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh
thần cho người lao động. Tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội trong cả nước,
đã đóng góp gần 60 triệu đô la Mĩ.
Cuối cùng là góp phần củng cố tình hữu nghị Việt- Xô,
nay là Việt- Nga và các nước SNG, là đối tác, bạn hàng của nhiều công ti dầu khí
hàng đầu thế giới.
Có thể nói, ngành
dầu khí đã góp phần vào bảo vệ an ninh
quốc phòng, khi các giàn khoan, các nhà
dàn DK trên biển xác định chủ quyền lãnh hải và khu vực đặc quyền kinh tế của đất
nước. Chỉ một đơn vị là Tổng công ti phân bón và hóa chất dầu khí đã góp 30 tỉ
đồng vào quỹ “ Vì biển đảo Việt Nam”.
Khí đồng hành trước đây bị đốt bỏ, giờ được thu gom sử
dụng. Khí trở thành nhiên liệu cho các nhà máy điện, cung cấp điện năng, đảm bảo
anh ninh năng lượng. Một phần của khí đồng hành và khí tự nhiên được đưa vào bờ,
làm nguyên liệu cho hai nhà máy phân đạm Phú Mĩ và Cà Mau.
Chúng ta chẳng
những đã sản xuất đủ phân đạm phục vụ nông nghiệp mà còn xuất khẩu. Phân đạm,
NPK, Kali giúp tăng năng suất lúa và cây
trồng. Nước ta không những trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, mà luôn luôn đảm
bảo an ninh lương thực của quốc gia.
Chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo
và chuyên viên của các đơn vị. Anh Trần Hưng Hiển ( Phó tổng GĐ Tổng công ti khí Việt Nam); anh Dương Trí Hội
( Phó tổng GĐ), anh Đoàn Quốc Quân ( Phó trưởng Ban), anh Nguyễn Lê Đức Trọng
(chuyên viên) Ban tiếp thị và truyền thông, anh Phạm Quý Ninh (chuyên viên phòng
Dịch vụ kĩ thuật Nông nghiệp) của Tổng công ti phân bón và hóa chất dầu khí;
anh Đoàn Duy Công, (Chủ tịch công đoàn Tổng công ti dầu Việt Nam); anh Nguyễn Văn
Nhung ( quản đốc xưởng amoniac), anh
Nguyễn Đức Thịnh ( Trưởng phòng an toàn) nhà máy Đạm Phú Mĩ; anh Lê Văn Hiền ( Phó Giám
đốc công ti cổ phần Dịch vụ Kĩ thuật dầu
khí); anh Đào Đức Quang ( Phó GĐ), chị Nguyễn Thị Bích Nhung ( Chủ tịch công đoàn),
anh Lê Tiến Thành ( Bí thư Đoàn) công ti
PV oil Vũng Tàu; anh Phan Thành Lộc ( Chủ tịch công đoàn), anh Triệu Quốc Tuấn
( Giám đốc) công ti PV gas Vũng Tàu. Ở Liên doanh Vietsovpetro, chúng tôi gặp Phó kĩ sư trưởng
Evgheny Krupenko, Chủ tịch công đoàn Nga
Xergei Krupenko, Trợ lí Tổng giám đốc Evghenia Marchenko, anh Trần Văn Hồi (cựu Phó Tổng giám đốc) anh Vũ Việt Kiều
( Phó bí thư Đảng ủy), anh Nguyễn Thế Kim (chánh văn phòng Đảng ủy), chị Hoàng Anh Phương ( Phó tổng biên tập bản
tin Vietsovpetro), thạc sĩ kĩ sư Châu Nhật Bằng,…
Các anh chị đã để lại trong chúng tôi ấn tượng tốt đẹp
về những con người năng động, sáng tạo, làm chủ kĩ thuật ngành Dầu Khí. Nhà nước
giao cho các anh chị quản lí một khối tài
sản khổng lồ, sản xuất nhiều của cải vật chất cho đất nước.
Được
biết, có những năm trong giai đoạn 2000
-2010, ngành Dầu Khí luôn chiếm 20-30% đóng góp vào Ngân sách quốc gia. Thật là
một thành tựu vĩ đại đáng tự hào.
Ngành Dầu Khí, kể từ khi Bộ Chính trị họp với các chuyên gia Liên
xô bàn về dầu khí 1975 đến nay mới có 42 năm. Một ngành còn rất trẻ. Nhưng
ngành đã phát triển mạnh mẽ, trở
thành trụ cột của nền kinh tế đất nước. Có được cơ ngơi và vị thế như ngày nay
là sự cố gắng vượt bậc của những cán bộ, kĩ sư, công nhân kĩ thuật Việt Nam. Đồng
thời nhờ sự giúp đỡ chí tình, vô tư, sự hợp tác vô cùng hiệu quả của những cán
bộ, chuyên gia đến từ quê hương Cách mạng tháng Mười.
Hiện nay ngành Dầu Khí đứng trước khó khăn và thử thách
to lớn khi giá dầu thế giới liên tục giảm, những mỏ khai thác lâu, sản lượng giảm;
hệ thống công nghệ khai thác sau ba chục năm một số đã cũ và lạc hậu; một số dịch
vụ dầu khí phổ biến trên thị trường có tính cạnh tranh cao; có một vài sự vụ thanh tra liên quan đến đầu tư và công tác
nhân sự… Tuy vậy với truyền thống tốt đẹp của ngành, chúng ta tin rằng Dầu Khí
Việt Nam sẽ khắc phục và vững bước tiến lên, xứng đáng với thương hiệu Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, xứng
đáng với sự tin cậy của Nhân Dân, của Đảng
và Nhà nước.
Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu 8-18 tháng 10
Hà Nội, 25 tháng 10 năm 2017
Bài in trên tạp chí DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ VIỆT NAM, số 276, tháng 1-2018. Đây là bản đầy đủ.
Bài in trên tạp chí DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ VIỆT NAM, số 276, tháng 1-2018. Đây là bản đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét