Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

“MƯỜI NGÀY RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI” VÀ NHÀ VĂN MẶC ÁO LÍNH QUÊ QUẢNG BÌNH





“MƯỜI NGÀY RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI”
VÀ NHÀ VĂN MẶC ÁO LÍNH QUÊ QUẢNG BÌNH
(Tặng Nguyễn Thế Tường)
                                                                                     BÙI VIỆT THẮNG
1.Chương trình truyền hình trực tiếp (VTV1, 20h15 p, ngày 4-11-2017) “Mười ngày rung chuyển thế giới” thật hoành tráng, đã đành, nhưng xúc động, vì đó là một trong những sự kiện nhân Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017) ở Việt Nam. Và có lẽ cũng chỉ duy nhất ở Việt Nam mới tổ chức long trọng như thế tại thời điểm hiện tại (!?). Tuần đầu tháng 11-2017, với riêng tôi, luôn sống trong tâm trạng háo hức, bồi hồi khi những kỷ niệm về nước Nga sống lại, chật căng cả một vùng ký ức. Vì một lẽ giản dị chính tôi cũng được đào luyện chuyên môn từ Liên Xô (thời gian 2 năm thực tập tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia mang tên Lô - mô - nô - xôp). Sáng ngày 2-11-2017, tại Thư viện Hà Nội, nhà báo Hồ Quang Lợi (nguyên TBT báo HàNộimới,) ra mắt sách Nước Nga - Hành trình tới tương lai. Tiếp đến chiều 3-11-2017, tại Hà Nội, Bộ TT-TT tổ chức ra sách Đợi anh về (Thơ Nga viết về chiến tranh ái quốc vĩ đại 1941-1945, dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh). Sáng 6-11-2017, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của văn học Nga-Xô viết đối với văn học Việt Nam”.Với tâm thế ấy, tôi theo dõi chương trình “Mười ngày rung chuyển thế giới” một cách say mê, hào ứng đến mức thậm chí tạo niềm vui lớn chưa từng thấy cho cả vợ, các con, cháu.Nhưng thú vị nhất là khi bất chợt tôi reo lên làm mọi người ngạc nhiên bởi tôi nhận ra trên màn ảnh nhỏ người bạn cùng khóa 14 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đích thị là Nguyễn Thế Tường. Nhà văn mặc áo lính sinh ra từ mảnh đất trung dũng kiên cường “Quảng Bình quê ta ơi”. Tác giả thiên truyện nổi tiếng Hồi ức binh nhì.Tôi đoán sẽ có người ganh tỵ với Nguyễn Thế Tường khi anh lọt vào mắt xanh của ê-kíp đạo diễn chương trình truyền hình trực tiếp “ Mười ngày rung chuyển thế giới”. Thôi thì bỏ qua chuyện bồng bột này nếu có ai so đo, phân bì này nọ. Nhưng để trở thành nhân chứng lịch sử thì không phải ai cũng có thể xứng đáng đóng vai này!
                                        Tác giả Bùi Việt Thắng



2.Trên màn ảnh nhỏ hôm ấy Nguyễn Thế Tường đứng ở vị trí nào vậy? Khi bốn nghệ sỹ gạo cội, trong đó tôi nhận ra NSND Quang Thọ, trình diễn bài hát Nga nổi tiếng một thời Chiều hải cảng, thì bỗng nhiên trước khi điệp khúc,  Nguyễn Thế Tường xuất hiện. Nhưng sao trông anh già nua và có phần gầy gò vậy? Anh mặc quân phục, đội mũ mềm có gắn sao, đeo kính, để râu, bề ngoài là vậy song tư thế, phong cách và khẩu khí thì không kém phần nghệ sỹ. Nói như cánh trẻ là rất “phiêu”. Anh hòa lời ca nồng nàn cùng bốn nghệ sỹ chuyên nghiệp. Khi bài hát được trình diễn trọn vẹn, tôi thấy cả năm nghệ sỹ cùng lặng đi vì xúc động. MC nam đặt câu hỏi cho “chú” Nguyễn Thế Tường (gọi chú là đúng thôi, vì anh cùng trang lứa U70 như chúng tôi).Tôi run lên ki nghe Nguyễn Thế Tường nghẹn ngào: “Hôm nay tôi hát cùng bốn nghệ sỹ đây để tưởng nhớ hồi ức binh nhì, để tưởng nhớ năm anh em trên một chiếc xe tăng, đã cùng chia lửa chia máu ở mặt trận Cửa Việt, Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, nhưng hôm nay thì chỉ còn lại một mình tôi hát, đồng đội tôi bốn người lính trẻ đã mãi mãi tuổi hai mươi”. Tôi thấy NSND Quang Thọ xúc động ôm lấy nhà văn Nguyến Thế Tường. Tôi biết NSND Quang Thọ không trải qua đời lính, trận mạc, máu lửa, hi sinh như anh bạn tôi. Nhưng mà sự đồng cảm thì trào dâng, đầy ứ. Đúng là cuộc chiến tranh mười ngàn ngày (1945-1975) đã chạm đến mỗi người Việt Nam. Tôi chợt nhớ câu thơ tâm huyết của Tố Hữu “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/Có đủ mai sau thắm những ngày” (Việt Nam máu và hoa). Màn ảnh nhỏ lập tức chuyển tới người xem trích đoạn “Nguyễn Thế Tường và đồng đội trên xe tăng”. Ngày ấy, trên một xe tăng có năm chiến sỹ, bây giờ kỹ thuật hiện đại thì tôi đồ rằng chỉ cần đến 3 hay 4 người (?!). Nguyễn Thế Tường ở vị trí lái. Mỗi người còn lại một vị trí chiến đấu. Máu lửa, khắc nghiệt, hy sinh vẻ vang thì đã đành vì chiến tranh đâu phải ngày hội hay trò đùa. Lại nhớ câu thơ trong bài Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu “Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”. Những cảnh chiến trận thì khỏi phải nói. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến cảnh “thư viện trên xe tăng”. Chao ôi, thanh niên bây giờ làm sao hình dung được các chiến sỹ trẻ măng thời ấy học tiếng Nga giữa hai trận đánh, đọc sách và ca hát dưới bụng xe tăng lúc chờ xuất kích. Chao ôi, khi mà  truyền thông đa phương tiện nở rộ như măng mọc mùa xuân bây giờ thì cái cảnh người lính trẻ tranh thủ, chạy đua với thời gian để thực hành lời dạy của Lê nin “Học! Học nữa! Học mãi!” lại kỳ lạ và có phần ly lỳ đến vậy. Nguyễn Thế Tường và đồng đội đã cất lên lời ca tiếng hát để át tiếng bom, trong đó không thể thiếu những bài hát Nga suốt một thời gian dài được yêu thích ở Việt Nam như Cuộc sống ơi ta mến yêu người,Thời thanh niên sôi nổi, Đôi bờ, Chiều ngoại ô Matxcơva, Kachiusa, Chiều hải cảng, Đỉnh núi Lênin, Triệu bông hồng,...Một trích đoạn khác thấy Nguyễn Thế Tường đến thăm/viếng đồng đội đã hy sinh trong bảo tàng lịch sử quân sự, trong nghĩa trang liệt sỹ (ở Việt Nam có biết bao nhiêu là nghĩa trang, có biết bao nhiêu liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, chưa tìm thấy tên tuổi). Anh linh của hồn tử sỹ, liệt sỹ như khắc dấu trên nét mặt đau đớn của Nguyễn Thế Tường. Tôi thấy anh cứ nghẹn ngào, thổn thức với đồng đội cho đến giây cuối cùng trên sân khấu hoành tráng, lung linh. Lại một trích đoạn khác về các cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị 1972. Học theo các chiến sỹ Hồng quân Liên xô trong chiến tranh vệ quốc, trong chiến hào và công sự, các chàng lính trẻ Việt Nam má còn mượt lông tơ, mỗi ngày qua đi họ khắc dấu ngày tháng lên đất đá để biết mình sống được bao nhiêu thời gian giữa chiến trường bom rơi đạn nổ. Nhưng rất nhiều người trong số họ hôm nay khắc dấu lên vách chiến hào, công sự thì ngày mai đã vĩnh viễn không trở về, mãi mãi tuổi hai mươi. Những người còn sống sót trở về sau chiến tranh nói về đồng đội mà mắt đỏ hoe, đúng như câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
3. Sau 1975, Nguyễn Thế Tường trở về học tiếp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày anh nhập học là mùa thu, tháng 8 năm 1969, tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ngày anh trở về thì khoa đã chuyển ra Mễ Trì, cạnh đường Lương Thế Vinh bây giờ. Còn nhớ, mùa thu năm 1969 nhập học (thủ tục hành chính) ở Lê Thánh Tông xong, hơn 100 tân sinh viên khóa 14 rùng rùng kéo quân vào Hà Đông (lúc đó thuộc Hà Tây). Lớp Văn thì trụ lại ở làng La Khê (Suối Lụa) còn lớp Ngữ thì kéo sang La Nội. Tuy xa mà gần. Ngày ấy con người thích được gần gũi nhau, không xa lạ và chia cắt như bây giờ. Cả khóa có 4 người quê Quảng Bình. Nhập học được hơn một tuần thì cả khoa, cả trường, cả nước trải qua Quốc tang – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Lên đường nhẹ bước tiên”, về với “Thế giới người hiền” Mác - Lê nin (ngày đó Nhà nước công bố với quốc dân đồng bào Bác Hồ ra đi ngày 3-9-1969). Tôi còn nhớ ngày 5-9-1969 toàn khoa Ngữ văn tập trung tưởng niệm Hồ chủ tịch vì không có điều kiện đến quảng trường Ba Đình tiễn biệt Người. Khi tập hợp đội hình thì không phân biệt khóa, hay ngành học. Ai đến trước thì đứng trước. Ai đến sau thì đứng sau. Tôi nhớ như in, mình đứng cạnh Nguyễn Thế Tường bên lớp Ngữ (có lẽ chi tiết này anh quên vì đã 48 năm rồi), tôi nhớ rõ anh cố kìm nhưng tiếng khóc nức nở vẫn bật lên. Trong điệu nhạc Hồn tử sỹ, trong làn khói hương trầm thơm ngát, trước Quốc kỳ và Đảng kỳ, tất cả thật trang nghiêm và thành kính.
Năm 1971, khoa Ngữ văn chuyển ra Thanh Xuân, ngụ tại cơ sở của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), cạnh bến tàu điện Thanh Xuân. Hiệu bộ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì đóng ở Thượng Đình (cơ sở cũ của trường trung cấp cơ điện). Ngày 6-9-1971, Nguyễn Thế Tường đang học năm thứ hai, đã trúng tuyển và lên đường nhập ngũ cùng với nhiều sinh viên các trường đại học khác ở miền Bắc. Có đến 3500 sinh viên các trường đại học nhập ngũ, thành lập một Sư đoàn 325B. Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Những tân binh đang là sinh viên các trường đại học đã xếp bút nghiên theo việc binh đao. Sau này nhiều người trong số họ đã không trở về. Đó chính là mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh. Mất một thế hệ thừa lòng dũng cảm và trí thông minh. Không biết cơ duyên nào đã đưa Nguyễn Thế Tường vào binh chủng tăng thiết giáp, khi như người ta nói dân văn chương dài lưng tốn vải, trói gà không nổi (!?). Nhưng tôi nghĩ, chính hoàn cảnh chiến tranh đã trui rèn không chỉ Nguyễn Thế Tường mà cả thế hệ qua lửa đỏ và nước lạnh. Tôi lại nhớ chi tiết trở thành như giai thoại khi Nguyễn Thế Tường trở về học tiếp ở khoa Ngữ văn: ngày ấy sinh viên bị cái đói hành hạ, Nguyễn Thế Tường ở bộ đội ăn no, nay về đời sinh viên thì cũng đói dài ra. Có một cô gái ở phòng hành chính “mê” chàng sinh viên vốn là lính tăng, có cái vẻ ngang tàng bất cần đời, nên thầm thích trộm nhớ, của đáng tội anh cũng thích ả cũng thích. Lại có chuyện, mâm cơm nào có Nguyễn Thế Tường ngồi đều có vẻ đầy đặn hơn, chưa kể những tảng cháy vàng rộm được bổ sung vô tận. Nhiều bạn bè được “ăn theo” Nguyễn Thế Tường. Cô này tôi biết. Trông rất đậm đà, mạnh mẽ, đa tình, chủ động. Nhưng cuối cùng thì đó cũng chỉ là “gia vị” đời sống. Tốt nghiệp, Nguyễn Thế Tường một mạch về quê. Lấy vợ. Sinh cơ lập nghiệp tít tận Quảng Bình gió Lào cát trắng. Rồi thành nhà văn, nhà báo. Rồi lúc khỏe, lúc yếu. Rồi cũng đến lúc hạ cánh an toàn. Nghĩa là nhận sổ hưu. Tháng 7 năm 2015, tôi gặp anh ở Hà Nội, tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX. Anh vẫn cứ nói cười rổn rảng. Hỏi thăm bạn bè cùng khóa, quan tâm mọi vui buồn của đồng nghiệp. Chuyện văn chương tưởng như không bao giờ dứt. Trong ví của  anh lúc nào cũng có ba cái thẻ:  Thương binh - Nhà báo - Nhà văn. Nhưng tôi biết anh rất ít khi phải dùng đến nó.
4. Con đường trở thành nhà văn của Nguyễn Thế Tường cũng không có gì quá ly kì, rắc rối như người ta thường nghĩ. Lúc nộp đơn vào học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội không ai nghĩ mình sau này trở thành nhà văn. Chỉ đơn giản nghĩ được học cái ngành mình yêu thích, chỉ nghĩ sau này sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu. Thế nhưng khóa 14 Ngữ văn cũng đã kịp góp vào danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 5 nhà văn (Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thế Tường, Nguyễn Đăng An, Triệu Xuân, Bích Thu). Nhưng rồi nhánh rẽ của số phận có thể run rủi. Tôi cứ nghĩ, nếu không có chiến tranh, hoặc giả không vào quân đội, không tham gia chiến tranh chưa hẳn Nguyễn Thế Tường đã trở thành nhà văn như bây giờ. Cái câu trở thành phương châm “sống đã rồi hãy viết” nghe có vẻ công thức nhưng mà ứng nghiệm với nhiều người cầm bút trong chiến tranh. Cái truyện ngắn Hồi ức binh nhì làm nên “thương hiệu” Nguyễn Thế Tường không bỗng dưng có được nếu anh không sống hết mình đến mức mấy chục năm sau vẫn không thể dứt ra khỏi cảnh ấy, tình ấy, trạng huống ấy. Nó trở thành một ký ức lương thiện. Sau này anh thường viết dựa vào ký ức đẹp. Nhưng không phải là người hoài cổ như ai đó nghĩ. Từ Hồi ức binh nhì đến Người đàn bà không hóa đá,tôi thấy Nguyễn Thế Tường cứ một mực đau đáu với dĩ vãng đẹp. Tôi gọi đó là “dĩ vãng phía trước” (!?). Anh viết không nhiều nhưng có can gì khi trong nghệ thuật cái quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” thật khắc nghiệt. Tuy ở xa nhau nhưng tôi âm thầm theo sát con đường văn chương của anh. Nhưng hình như anh không nhận ra điều đó. Cũng chẳng sao. Có người nói đùa, công việc của người làm phê bình văn học cứ như làm tình báo, lúc nào cũng đơn tuyến nhưng may mắn không đơn độc. Tôi nghĩ đúng như thế. Và lần này cũng thế. Khi viết gần xong bài tôi mới chủ động gọi cho Nguyễn Thế Tường. Qua điện thoại thì cũng không rõ cảm xúc của anh khi nghe tin một đồng môn, đồng nghiệp đang viết “cái chi đó” về mình. Tôi xin email của anh với ý định nêu vài câu hỏi để bổ sung cho bài viết trước khi gửi báo. Nhưng có lẽ không cần thiết nữa. Vì sao? Vì tôi đã cảm mến anh từ mấy chục năm rồi. Vì tôi đã âm thầm theo sát sáng tác của anh từ thời Hồi ức binh nhì. Vì tôi đã nhập được vào đời anh bằng sự quan sát của riêng mình, theo cách của mình. Cũng không có gì là quan trọng nếu Nguyễn Thế Tường không cho là quan trọng những gì tôi viết về anh. Văn chương từ xưa tới nay vẫn được coi là vô tư, không vụ lợi chỉ tôn sùng cái đúng, cái tốt, cái  đẹp. Thì há gì ta lại lăn tăn về những chuyện ngoài nó. Tôi tin nhiều người trong văn giới nghĩ như tôi. Tại sao không?!

                                                                           Hà Nội, tháng 11-2017
                                                                                    B.V.T
(Bài đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần, số ra ngày 22-12-2107)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét